Hương vị Tết quê xưa

18/01/2023

Những đĩa thức ăn ngon nhất, đậm đà nhất, tươi thơm thấm đẫm quyện với không khí náo nức mê say của những ngày giáp Tết thôn quê, mới nghĩ đến đã thấy ôi là nhớ thương háo hức mong chờ.

*Bài viết là bút ký của tác giả Lê Hồng Lam, về những ngày Tết trong ký ức tuổi thơ của mình tại nông thôn Bắc bộ.

Năm nay Tết đến sớm, mới bước sang Năm mới Dương lịch, Tết đã sầm sập sau lưng. Thường thì hết tháng Một Tây lịch (ở quê gọi là lịch trên), khi mùa Đông chuyển chín, khi mọi việc của năm cũ đã hòm hòm, khi:

“Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người đi những chuyến đò”

Lúc đó Tết mới đủng đỉnh khoan thai về với mọi nhà.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tối nay khi đi làm về, được mẹ nấu cho bát cá chép om với dưa cải muối kỹ, rắc lên chút hành cùng vài lát ớt tươi rói ăn cùng thịt đông, nghe mùi quê xa quyện với tiết trời se lạnh ngày cuối đông, tôi chợt thấy: Tết đã về bên bậu cửa.

Tết là dịp tất bật, nhưng đầm ấm và sum vầy.

Tết là dịp tất bật, nhưng đầm ấm và sum vầy.

Cái làng quê nghèo đồng chiêm trũng quê tôi thực là rặt chất Đồng bằng Bắc Trung Bộ. Tháng Chạp (tháng 12 âm lịch hay còn gọi là lịch dưới) thường là dịp bước vào vụ cấy lúa chiêm. Nếu trước Tết ông Công ông Táo, đồng ruộng đã đủ nước, mạ đã nhổ, lúa đã cấy xong thì coi như Tết nhất trọn vẹn, dân làng thảnh thơi đi mua đỗ mua nếp, dọc lá chuối chọn lá rong phơi lá gai (loại lá trộn với bột nếp để làm bánh gai) để chuẩn bị Tết. Gặp phải năm nào rét đậm rét hại kéo về liên tiếp, lúa giống ủ mạ bị chẩm (thối, không mọc thành cây mạ được), phải ủ đi ủ lại đợi mãi cây mạ mới lên đủ lá hoặc ruộng chưa đủ nước, đến sát 27, 28 Tết vẫn chưa cấy xong thì coi như Tết đó thấp thỏm, kém rộn ràng.

Tôi nhớ có năm sáng mùng Ba Tết, ông anh họ qua nhà chơi gặp mẹ tôi đang sắp lại chạn bát sau một cái Tết. Thím cháu chào nhau, mẹ hỏi anh chưa đi nhổ mạ mà cấy nốt mấy khoảnh ruộng à, anh cười bảo: mùng Ba vẫn còn không khí Tết đậm đặc quá thím ạ, nên chơi nốt hôm nay. Nói đến Tết bây giờ, mùng Ba đôi khi mới là “chính vụ” Tết, các hoạt đông chúc tụng thăm hỏi ăn nhậu vui chơi vẫn đang độ rộn ràng. Thế mới thấy quê nghèo xưa kia chăm chỉ lam lũ thế nào.

Các thành viên gia đình quây quần để cùng nhau chuẩn bị cho cái tết ấm no.

Các thành viên gia đình quây quần để cùng nhau chuẩn bị cho cái tết ấm no.

Phía trước nhà tôi có một cái đầm to nhất xã, nằm đối diện sân đình đúng kiểu phong thủy của các cụ Lý cụ Chánh ngày xưa: bước ra khỏi đình lội xuống cầu ao là khỏa tay được vào nước đầm. Cứ đến dịp giáp Tết lại có một đội kéo lưới về (chắc do Hợp tác xã thuê), họ dùng lưới quét lưới vây quét bằng sạch các loại cá tôm lớn nhỏ trong đầm, đem lên chia cho bà con Xã viên. Ngày đánh cá ở đầm chia cá trên sân kho đúng là một ngày hội của cả làng cả xã, mọi nhà mọi người rộn ràng xốn xang, trẻ con dù quần áo bùng nhùng mùa Đông cũng lũ lượt nhảy chân sáo ra xem, dù chẳng được chia phần nhưng cứ chen vào đám đông ngắm con trắm con trôi kia vừa được bắt ra từ mủng đựng, trắng lấp lóa giãy đành đạch, là đã thấy sướng rồi. Có những đứa may mắn, lúc ông Tổ trưởng xã viên trong tổ chia cá thấy dư ra vài con hay còn mớ tôm tươi, liền bốc ra đưa cho lũ trẻ con đang vòng trong vòng ngoài: cho bọn bay đem nướng mà ăn! Cả lũ reo hò như trúng số độc đắc, đám bên cạnh thấy có “món hời” liền kéo lại. Lốc nhốc một lũ kiếm đống rấm (vỏ trấu, mùn thóc và rơm rạ nát) đang còn đỏ lửa hay nhanh nhẩu đi vơ củi, rửa sạch cá tôm được cho rồi đem nướng ăn. Món hải sản ngon nhất trần đời mà tôi được nếm qua dường như vẫn đọng lại vị quê, vị ngon ngọt thấm đẫm quanh đây.

Thường dịp đánh cá chia cá này diễn ra vào những ngày cận Tết, và thường là những ngày lạnh cóng. Nhà tôi sát đầm, mấy chú kéo lưới mỗi lượt kéo xong thay ca nhau hay đến giờ ăn, hay chạy vào xin sưởi nhờ bên bếp củi đang đỏ lửa, hai tay huơ rối rít lên bếp, miệng run cầm cập vì rét. Không biết có phải từ dạo đó mà trong làng tôi sinh ra câu vè:

“Em muốn lấy anh chàng kéo lưới

Mình mẩy đen sì nhưng lại khá tiền tiêu”

Nhớ về quê, chúng ta nhớ về một thời ra sông, ra hồ rong chơi.

Nhớ về quê, chúng ta nhớ về một thời ra sông, ra hồ rong chơi.

Không biết qua những lần kéo lưới làm nên những bắp thịt căng vồng khỏe mạnh, những đêm huơ tay sưởi chân miệng run cầm cập bên bếp lửa ấm lách tách miền quê xưa, đã có “anh chàng kéo lưới” nào kịp “quăng chài” cô thôn nữ nào quê tôi mà cắp đi chưa.

Cá ở đầm được Hợp tác xã chia, mẹ sẽ “thao tác” ra nhiều phần khác nhau: những con to nhất được cắt thành 4 khúc, 2 khúc giữa được rán giòn cho vào một cái nồi to để dành đến đúng Tết cúng ông bà và ăn Tết. Khúc đuôi và phần đầu cùng với những loại cá bé hơn và mớ tôm, mớ cá mương nhỏ, mẹ sẽ cho hoặc kho hoặc rán hoặc đun với dưa chua để cả nhà ăn dần thời gian chờ Tết. Tuy nhiên, trong ký ức của tôi và cảm giác còn đọng lại đến bây giờ, những đĩa đầu cá kho dưa chua, mớ cá con kho cà muối kỹ rắc thêm ít hành tươi thì là ớt xắt… vẫn là những đĩa thức ăn ngon nhất, đậm đà nhất, tươi thơm thấm đẫm quyện với không khí náo nức mê say của những ngày giáp Tết thôn quê, mới nghĩ đến đã thấy ôi là nhớ thương háo hức mong chờ.

Không khí náo nức mê say của những ngày giáp Tết thôn quê, mới nghĩ đến đã thấy ôi là nhớ thương háo hức mong chờ.

Không khí náo nức mê say của những ngày giáp Tết thôn quê, mới nghĩ đến đã thấy ôi là nhớ thương háo hức mong chờ.

Lê Hồng Lam
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES