Với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật đa dạng từ hội họa, điêu khắc đến thực tế ảo, triển lãm "Rồng rắn lên mây" mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật một không gian sáng tạo, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện cùng sự tham gia của các nghệ sĩ, nhà thiết kế tài năng.
Trong không khí chào xuân Ất Tỵ 2025, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Xưa và Nay, Hội Quán Di Sản và các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu tổ chức triển lãm “Rồng rắn lên mây” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đây là triển lãm giới thiệu, trưng bày các tác phẩm tái hiện hành trình 7 năm liên tục của dự án “Con giáp của tôi” thông qua nghệ thuật, những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đã góp phần tạo ra hoạt động thường niên để tôn vinh hình tượng linh vật tiêu biểu của năm trong phạm vi cả nước cứ mỗi dịp Tết đến xuân về.
"Rồng rắn lên mây" trưng bày và giới thiệu về hình tượng rắn - biểu tượng của năm 2025, thông qua ngôn ngữ biểu hiện đa dạng từ hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật gốm, mỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật sắp đặt, công nghệ VR3D thực tế ảo, buổi tọa đàm chuyên biệt của các nhà nghiên cứu uy tín để nêu bật hình tượng rắn qua nhiều góc nhìn, từ đời thường, nghệ thuật dân gian đến vai trò quan trọng trở thành các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đại diện ban tổ chức, anh Trần Thanh Tùng, chia sẻ với Travellive: "Dự án ‘Con giáp của tôi’ đã đi được 7 năm và năm nay chọn địa điểm tại Hội quán di sản Hàng Buồm vì nó gắn liền với câu chuyện chủ đề 'Rồng rắn lên mây'. Phố cổ rất đậm đà về di sản văn hóa, với 7 di sản nổi bật trong bán kính chưa đầy 500 m, đó cũng chính là ý nghĩa của chủ đề lần này. Bên cạnh đó, hình tượng con rồng Việt Nam theo các nhà nghiên cứu cũng bắt nguồn từ con rắn. Rồng tượng trưng cho sự kết hợp giữa âm và dương, trong khi rắn là về âm. Câu chuyện của người Việt luôn hướng đến sự cân bằng giữa ngũ hành âm dương. Điều thú vị là hình tượng rắn còn được đưa vào tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là trong tín ngưỡng tứ phủ”.
Bàn về hình tượng Tỵ trong văn hóa, nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định: “Sự khác biệt với ngôn ngữ Trung Hoa và văn hóa Việt thể hiện ở tên gọi rắn là ‘xà’. Rắn được tôn vinh trong lịch sử và văn hóa Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam, với vai trò rất linh thiêng. Rồng và rắn cũng liên kết mật thiết trong văn hóa Việt, phản ánh sự quan trọng của loài vật này trong di sản dân tộc”.
Hình tượng rắn được tái hiện thông qua nhiều tác phẩm và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng lần đầu tiên được công bố, nhiều sản phẩm rắn với đa dạng chất liệu từ truyền thống đến hiện đại, nhiều thủ pháp kỹ thuật tiên tiến với sự tham gia của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật bậc cao. Triển lãm cũng giới thiệu những tác phẩm của các họa sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu trẻ đang tiếp bước các bậc tiền bối khi kế thừa và phát huy cùng chung tay lan tỏa di sản, nhằm mục đích đưa di sản tới đương đại, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bàn về cảm hứng sáng tạo tại “Rồng rắn lên mây”, dịch giả - họa sĩ Trịnh Lữ cho biết: “Từ xưa đến nay cứ dịp Tết đến xuân về, các nghệ sĩ lại say sưa vẽ và sáng tạo về chủ đề 12 con giáp. Không chỉ là văn hóa đặc trưng mà đây còn là cách để chúng ta gìn giữ và truyền tải những giá trị rất Việt Nam, rất con người thể hiện qua từng tác phẩm. Mỗi con giáp không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn chứa đựng câu chuyện, cảm xúc và hy vọng của người Việt trong năm mới. Điều này cho thấy nghệ thuật vẫn giữ được sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, khác xa với xu hướng công nghiệp hay thương mại hóa”.
Không dừng lại ở việc tôn vinh di sản, triển lãm còn giới thiệu những tác phẩm của các họa sĩ, nhà thiết kế trẻ là những người tiếp nối thế hệ đi trước, trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây cũng là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của nghệ thuật và văn hóa trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Du khách Ngọc Sơn (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Triển lãm được đầu tư chỉn chu với các tác phẩm mang đậm linh hồn năm Ất Tỵ. Tôi ấn tượng bởi những sản phẩm bình rượu và artwork tinh xảo. Đắm chìm trong không gian nghệ thuật gần gũi với những linh vật con giáp khiến tôi thêm yêu văn hoá và khâm phục tài năng của các nghệ sĩ Việt. Nơi đây mang đến không chỉ cho giới trẻ mà còn với tất cả chúng ta một ý nghĩa và cảm hứng mới cho năm Ất Tỵ gần kề”.
“Con giáp của tôi” là dự án thường niên được Hội Quán Di Sản triển khai vào dịp Tết đến xuân về. Những tác phẩm trưng bày luôn hàm chứa thông điệp truyền thống, phong phú về chất liệu nhưng vẫn mang hơi thở nghệ thuật đương đại. Đây là sự kiện kỷ niệm 7 năm của dự án, tôn vinh các linh vật biểu tượng trong Tết cổ truyền.
Triển lãm "Rồng rắn lên mây" không chỉ là sự kiện nghệ thuật đơn thuần mà còn là lời khẳng định về giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam. Qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng và sáng tạo, triển lãm đã khơi gợi trong lòng công chúng tình yêu đối với di sản văn hóa dân tộc và niềm tự hào về những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam.