Sau khi rời cảng Singapore, Energy Observer dừng chân tại Việt Nam, là điểm đến thứ 73 và cũng là nơi cuối cùng ở Đông Nam Á con tàu này khởi hành. Với mục đích nghiên cứu và truyền cảm hứng cho những nghiên cứu chế tạo năng lượng bền vững, thủy thủ đoàn của Energy Observer giới thiệu hệ thống không phát thải tự động cho hàng trăm du khách.
Energy Observer là con tàu hydrogen đầu tiên tự hành và không phát thải, sử dụng ba nguồn cung cấp năng lượng là mặt trời, nước biển và gió. Con tàu đi vòng quanh Trái Đất hơn 5 năm mà không cần đổ nhiên liệu.
Con tàu Energy Observer có thiết kế đặc biệt. Nó được nâng cấp từ một con tàu hai thân huyền thoại, từng là chiếc thuyền buồm chiến thắng cuộc đua vòng quanh thế giới cùng với Sir Peter Blake. Energy Observer có thiết kế hai thân giúp giảm sức cản nước. Tàu có chiều dài 30 m, rộng 12 m, tốc độ tối đa có thể lên đến 14 hải lý mỗi giờ.
Trên tàu có tổng cộng hơn 200 tấm pin năng lượng được đặt khắp thân tàu để nhận năng lượng từ mặt trời. Energy Observer có ba loại pin năng lượng, tùy thuộc vào vị trí lắp đặt sẽ sử dụng tấm pin khác nhau. Bề mặt tấm pin được làm gồ ghề giúp tăng khả năng hấp thụ ánh sáng, cho phép mọi người thoải mái đi lại phía trên.
Energy Observer được trang bị hai cột buồm lớn được điều khiển bằng động cơ điện. Hệ thống buồm có thể được căng lên giúp tàu hoạt động khi nguồn năng lượng pin không đủ. Bên cạnh đó, tàu còn có buồng chứa khí hydro ở hai bên thân tàu. Hydro được sản xuất trực tiếp trên tàu với nguyên liệu là nước biển.
Theo Beatrice Cordiano, ước tính mỗi ngày có khoảng 1.955.000 con thuyền di chuyển trên khắp thế giới. Khí thải của những con thuyền này chiếm 3% lượng khí thải toàn thế giới. Vì thế, giao thông đường biển gây tác động mạnh đến việc làm cho Trái Đất nóng lên. Energy Observer muốn chứng tỏ cho thế giới thấy họ có thể di chuyển liên tục mà không cần dùng chất đốt.
Marin Jarry, vị thuyền trưởng 40 tuổi thuyết trình với du khách về sứ mệnh của con tàu. Ông giới thiệu những công nghệ và các nghiên cứu về môi trường tàu Energy Observer đang triển khai.
"Con tàu sử dụng luân phiên cả 3 hệ thống năng lượng. Vì thế chúng tôi không bao giờ lo cạn kiệt năng lượng", Marin trả lời Travellive. Ông chia sẻ rằng con tàu được trang bị hệ thống hoa tiêu tốt để tránh bão, vì Energy Observer rất khó để xoay xở khi gặp thời tiết bất lợi.
Bên trong Energy Obsever là căn bếp nhỏ cùng với phòng ngủ riêng tư cho thủy thủ đoàn. Khoang dưới được trang bị nhiều máy móc hiện đại giúp ích cho việc nghiên cứu và phân tích môi trường xung quanh. Không gian bên trong tàu đủ cho khoảng 10 người sinh hoạt, là nơi để nghiên cứu, vận hành, nghỉ ngơi của thuyền viên. Trên tàu còn được lắp hai tủ lạnh và một kho lớn.
Thuyền trưởng Marin Jarry giải thích về hệ thống động cơ Hydro trên con tàu. Chỉ bằng 1 vài thao tác trên máy tính, hệ thống này lọc và làm bốc hơi muối trong nước biển sau đó cung cấp năng lượng cho căn bếp và điện năng trên tàu. Energy Observer sử dụng loại pin có dung tích lớn để tích trữ nhiều năng lượng mặt trời
Theo kế hoạch, nhóm thuyền viên sẽ ghi lại các vấn đề liên quan ô nhiễm và tái chế nhựa, khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, turbin gió gần bờ, năng lượng carbon thấp và độ mặn của sông Mekong. Bên cạnh đó, họ sẽ liên tục chụp ảnh, quay phim tài liệu về những tác động làm thay đổi khí hậu và môi trường tại Việt Nam.