Họa sỹ Lâm Sơn Thân, người đứng ra kết nối 14 họa sỹ để cùng nhau đem triển lãm "Hội Ngộ" đến khán giả, chia sẻ: "Mình và các họa sỹ biết nhau khi học chung từ trước. Sau khoảng thời gian dài không gặp, anh em mới có dịp kết nối với nhau. Cùng là những sinh viên K16 của Đại học Mỹ thuật TPHCM, chúng mình đã có một thời trẻ nhiều kỷ niệm cùng những thăng trầm khi chinh phục hội họa. 'Hội Ngộ' đơn thuần chỉ là một cuộc gặp gỡ rất hữu ý của những người họa sỹ mà thôi".
Bước vào triển lãm, ngắm nhìn những bức tranh, khán giả như lần lượt lắng nghe những câu chuyện của 14 họa sỹ. Từ những câu chuyện về cuộc sống thường nhật, tình yêu, thiên nhiên... đến những khát khao cống hiến cho nghệ thuật trong hành trình theo đuổi đam mê với vô vàn khó khăn cản bước.
Lâm Sơn Thân mở đầu triển lãm với những bức tranh sơn dầu có sự kết hợp khác nhau, tạo nên sự phức tạp cho phần thân của tranh. Thoạt nhìn, những bức tranh trong phong cách trừu tượng ý niệm của Thân khiến khán giả bối rối trước nhiều lớp màu đa nghĩa. Bộ tranh của Lâm Sơn Thân bộc lộ chiều sâu nội tâm cùng những biến chuyển tâm lý của anh trong sự chảy trôi của thời gian. Đó còn là góc nhìn, thái độ trước những sinh hoạt thường nhật, đời sống đam mê. Giữa được và mất, giữa mong ước và hiện thực, tác giả dường như đã từng tiêu cực, trăn trở và loay hoay trong vô thức.
Chìm đắm trong khoảng thời gian tiêu cực, ban đầu những mảng màu trên bức tranh của anh cũng vì thế mà đậm đặc sự ảm đạm. Những khoảng sáng trong tranh Thân xuất hiện sau chuyến đi Bhutan - đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Anh đường như tìm thấy những nguồn năng lượng hạnh phúc, yêu thương tích cực để cân bằng lại năng lượng tiêu cực kéo mình chùng xuống. Sơn Thân đã dùng chính những năng lượng tích cực đó để chữa lành, "trị liệu" cho chính mình, rồi thổi hồn mình vào trong những tác phẩm. Sử dụng đường nét hỗn loạn, màu sắc đa dạng, đan xen với những ký tự, từ khóa hàm ý càng khiến cho loạt tranh của Lâm Sơn Thân có tính biểu tượng.
Nếu Lâm Sơn Thân chữa lành bản thân mình qua những chuyến đi, qua sự hiểu thấu bản thân, thì Trần Tuấn Anh lại mang đến một sự chữa lành gần gũi hơn khi mang đến những tác phẩm khắc gỗ "Ôm các con vật". Bản thân là một người hướng nội, thường xuyên dành nhiều thời gian ở một mình, dường như sự kết nối của anh với những người xung quanh trở nên hiếm hoi. Nhìn vào tranh của Tuấn Anh, khán giả đến thưởng lãm cảm nhận được tình yêu thương, sự gắn kết đặc biệt giữa con người với những con vật như con gà, con heo, con chó... và dường như được chữa lành bởi sự ấm áp, đáng yêu trong đó.
Phan Lê Phong lại chọn cách nhìn nhận lạc quan trong những giai đoạn khó khăn vừa rồi. Anh mang đến khán giả với bộ tranh về tình cảm gia đình, tình yêu và sự tận hưởng cuộc sống qua 4 tác phẩm sơn mài với màu sắc tươi sáng. Phong chia sẻ, thế giới trong nhà dường như trở nên rộng mở hơn bao giờ hết trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Đó có thể trở thành nơi hẹn hò lý tưởng, một nhà hàng hay quán cà phê... Cửa sổ nhìn ra thế giới ngoài kia trở nên thần kỳ hơn bao giờ hết - đóng vai trò kết nối với cuộc sống bên ngoài, âm thanh, ánh sáng, mây trời...
Cũng là sơn mài, nhưng Trần Việt Long lại mang đến khung cảnh núi rừng hùng vỹ hiện lên nổi bật qua những mảng màu tương phản ấn tượng. Trong khi đó, họa sỹ Huỳnh Lân sử dụng nghệ thuật trừu tượng bằng chất liệu tổng hợp để mô tả về thiên nhiên, cụ thể sự chuyển hóa của vạn vật. Câu chuyện thiên nhiên, động vật hoang dã được khắc họa sắc nét qua tác phẩm của Lý Ngọc Hải. Đó là tình yêu động vật, là sự kết nối gần gũi giữa thiên nhiên và con người. Họa sỹ Hoàng Tuấn Kha mang đến những tác phẩm nhẹ nhàng, mơ mộng, bình yên của thành phố Đà Lạt.
Nguyễn Phương Thảo Trâm và Nguyên Nguyên mang đến màu sắc dịu dàng qua những bức tranh về tình yêu và tính nữ. Nếu nữ họa sỹ Nguyên Nguyên kể về những sắc thái, cung bậc cảm xúc tình yêu của mình qua các loại hoa, thì Thảo Trâm lại mượn vẻ đẹp loài hoa để tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, quý giá của người phụ nữ. Cũng chung đề tài về phụ nữ, nhưng nam họa sỹ Quang Nguyễn lại mang đến sắc thái trong trẻo đượm buồn của những cô gái cá tính qua nhiều gam màu nóng lạnh khác nhau.
Loạt tranh do họa sỹ Nguyễn Ngọc Thạch mang đến mang màu sắc mạnh mẽ với bút pháp tự do phóng khoáng. Những nhát sơn rất dày, trông như những vật thể sắc nhọn chất chồng lên nhau trong tranh Thạch khiến người xem cảm nhận được sự đơn độc, ray rứt, suy tư không ngừng. Sử dụng các khối vuông tròn, các con vật, có hình bóng con người, Vũ Duy Hoàng khiến khán giả không khỏi bối rối phút ban đầu. Nhưng đằng sau những hình ảnh mang tính biểu tượng, anh gửi gắm những câu chuyện, mà khi nhìn đủ sâu mới có thể cảm nhận được.
Họa sỹ Két mang đến những tác phẩm có màu sắc thú vị, với nhiều chuyển động trong tranh kích thích trí tưởng tượng của người xem. Khán giả đến thưởng lãm như được đắm chìm trong những vũ trụ đa sắc màu trong tranh Két. Loạt tranh của họa sỹ Bảo Nguyễn mang đến làn gió mới mẻ, đầy cá tính trong buổi triển lãm, phá vỡ mọi định nghĩa về không gian thời gian. Anh đem trang phục triều Nguyễn khoác lên cho các nhân vật, kết hợp cùng những phụ kiện như kính mắt, giày, túi xách hàng hiệu để tạo nên những tác phẩm digital painting ấn tượng.