Cửu Trại Câu, mùa đẹp nhất

20/01/2020

Từ lúc bắt đầu niềm đam mê du lịch, tôi đã đặt mục tiêu phải đến được Thanh Hải - nơi đầu nguồn của sông Mekong, tận mắt ngắm nhìn “thiên đường hạ giới” Cửu Trại Câu. Nhưng phải tới lần thứ ba ở Trung Quốc, tôi mới thực hiện được mong muốn của mình.

Cửu Trại Câu từ lâu đã là địa điểm thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng 5A - thứ hạng cao nhất của du lịch Trung Quốc. Vùng đất này cũng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1992, Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới vào năm 1997.

Tuy nhiên sau trận động đất ngày 8/8/2017, Cửu Trại Câu bị đóng cửa vô thời hạn để khôi phục hệ sinh thái khiến bao người nuối tiếc và lo lắng cho một cảnh đẹp kỳ vĩ của tự nhiên có thể sẽ không bao giờ còn được như xưa. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Vậy nên, vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua, khi hay tin Cửu Trại Câu đã phục hồi được khoảng 80% và mở cửa trở lại để phục vụ du khách, tôi vô cùng vui mừng và bất ngờ là cơ hội ấy lại đến rất sớm trong những ngày cuối thu đầu đông.

DJI_0018-1

Đường đến “thiên đường”

Chuyến bay của tôi đến Thành Đô vào tối muộn nên tôi nghỉ một đêm tại Thành Đô rồi di chuyển nguyên ngày hôm sau để đến Cửu Trại Câu. Cung đường từ Thành Đô đến Cửu Trại Câu hấp dẫn đến nỗi tôi không chợp mắt một phút nào trên hành trình này chỉ để ngắm nhìn những dãy núi hùng vĩ, chụp hình từng đàn dê núi, từng đàn bò Yak gặm cỏ trên sườn núi; xuýt xoa với vườn táo, vườn mận của những người tộc Khương ở châu tự trị A Bá (vốn xưa kia chỉ có truyền thống chăn thả du mục).

Empty
Empty

Dọc theo hành trình này, chúng tôi cũng đã tranh thủ dừng lại thăm hồ Điệp Khê - hồ được hình thành bởi sự sạt lở đất đá chặn dòng chảy sau trận động đất 7,5 độ richte vào năm 1933, và khu thắng cảnh Mâu Ni Câu - một trong những thắng cảnh đẹp nhất của núi Hoàng Long.

Empty
Empty
19

Cảnh đẹp dọc đường đã khiến tôi thích mê nhưng thực sự khi bước chân vào khu thắng cảnh, tôi cứ như bị hớp hồn không nói nên lời vì cảnh sắc quá hùng vĩ và tuyệt sắc xứng đáng với cái tên “thiên đường chốn hạ giới”. Tôi tự hỏi, Cửu Trại Câu hiện giờ chỉ mới phục hồi được khoảng 80% thì không biết rằng trước đây, Cửu Trại Câu còn hớp hồn đến dường nào…?!

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Empty

Cửu Trại Câu thuộc vùng núi phía bắc của tỉnh Tứ Xuyên, được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích với độ cao dao động từ 2.000 cho đến 4.500 m so với mực nước biển, bao gồm 17 thác nước lớn nhỏ, khoảng 108 hồ nước trên núi cao, 2.000 chủng loại thực vật. Vẻ đẹp của Cửu Trại Câu thay đổi theo từng mùa, mỗi mùa mang một nét đặc trưng riêng. Đa số mọi người đều cho rằng Cửu Trại Câu đẹp nhất vào mùa thu… Nhưng chỉ mới được chiêm ngưỡng cảnh sắc Cửu Trại Câu vào mùa đông, tôi đã thực sự bị hấp dẫn, khi mà những lòng hồ xanh thẳm màu ngọc bích không chút đóng băng nổi bật giữa khung cảnh trắng xoá tuyết phủ trùng điệp.

Empty
Empty

Chữ “Cửu Trại Câu” trong tiếng Tạng có nghĩa là “thung lũng chín làng” ngụ ý cho khu vực chín ngôi làng của dân tộc Tây Tạng cư ngụ lâu đời nơi đây, bao gồm Thụ Chính Câu, Tắc Tra Oa Câu, Hắc Giác Câu, Nhật Tắc Câu, Bàn Á Câu, Á Lạp Câu, Tiêm Bàn Câu, Nhiệt Tây Câu và Quách Đô Câu. Trong đó, ba làng Thụ Chính Câu, Tắc Tra Oa Câu và Nhật Tắc Câu được đưa vào khai thác phục vụ du lịch có sa hình gần giống với hình dạng chữ Y.

Empty
Empty
Empty

Bản hòa tấu của hồ

Thụ Chính Câu (树正沟, Shuzheng Gou) nằm ở phía bắc, là ngôi làng lớn nhất và thịnh vượng nhất trong số 9 làng Tây Tạng ở Cửu Trại Câu, cũng là tuyến tham quan chính, dài 14,5 km. Ấn tượng nhất với tôi ở đây là hệ thống hồ phong phú và tuyệt đẹp, chiếm tới 40% tổng số hồ của Cửu Trại Câu. Hồ Song Long được hình thành sau trận động đất, nơi có hai dãy đá ngầm nhìn trên cao trông khá giống hai con rồng đang ẩn nấp. Gần sát đó là hồ Lau Sậy với khung cảnh bình yên nhẹ nhàng của những bông lau đu đưa theo cơn gió và tiếng nước róc rách len qua từng khóm lau. Hồ Hoả Hoa được bao phủ bởi những rặng núi đá vôi cùng khu rừng rậm rạp thay đổi sắc lá theo mùa, nhìn từ trên cao giống một viên ngọc bích giữa khu rừng già. Với những thân cây mục, những địa tầng thuỷ sinh đa dạng trong lòng hồ kết hợp với màu nước xanh trong vắt và sâu thẳm, phẳng lặng như gương, hồ Hoả Hoa tựa như một hồ thuỷ sinh tuyệt tác khổng lồ mà không một nghệ nhân nào có thể tạo dựng được.

Empty
Empty
Empty
Empty

Ngoài những hồ nước, thác nước lớn nhất của Cửu Trại Câu - Nặc Nhật Lãng và 9 tòa bảo tháp màu trắng được gọi là Tháp Sen Bồ Đề (tượng trưng cho 9 tộc Tây Tạng đoàn kết, cùng cầu nguyện cho hạnh phúc, thịnh vượng trường tồn) cũng là những điểm thu hút du khách nhất ở Thụ Chính Câu.

Empty
Empty

Ở nhánh phía đông nam của Cửu Trại Câu, dài khoảng 18 km, là Tắc Tra Oa Câu (则查洼沟, Zechawa Gou). Tắc Tra Oa Câu sở hữu hồ Trường Hải, hồ sâu nhất và lớn nhất ở Cửu Trại Câu, chạy theo hình lưỡi liềm dài 7,5 km và sâu đến 103 m. Dường như hồ được hình thành do băng tan từ các núi tuyết bao quanh và là hồ duy nhất ở Cửu Trại Câu bị đóng băng vào mùa đông. Từ hồ Trường Hải xuống khoảng 1 km rồi đi bộ khoảng 300 m theo đường mòn sẽ đến được hồ Ngũ Sắc. Dù hồ Ngũ Sắc chỉ là một hồ nước nhỏ trong khu thắng cảnh nhưng nơi đây cũng sở hữu nhiều góc chụp hình, quay phim đẹp đến nao lòng. Do sự khác biệt màu sắc của những lớp trầm tích dưới đáy hồ mà màu nước thay đổi lúc xanh thẫm, lúc vàng, lúc lại xanh nhạt. Vậy nên, ngoài cái tên Ngũ Sắc, hồ nước này còn sở hữu cái tên mỹ miều “Con mắt của Cửu Trại Câu”.

Empty
Empty
Empty
Empty

Nhật Tắc Câu (日则沟, Rize Gou) là thung lũng dài 18 km ở phía tây Cửu Trại Câu. Có lẽ Nhật Tắc Câu có ít địa điểm tham quan nhất, song lại là nơi được nhiều du khách ghé thăm nhất bởi nơi đây sở hữu thác nước Chân Trâu. Thác nước này không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc mà còn rất gần gũi với những thế hệ trẻ ở Việt Nam vì đây là một bối cảnh của bộ phim Tây Du Ký, trong phân đoạn thầy trò Đường Tăng lội qua thác nước được xuất hiện ở cuối mỗi tập phim.

Empty

Đến với Cửu Trại Câu trong một chuyến đi bất ngờ và không chuẩn bị trước nhưng với tôi đây là chuyến đi tuyệt vời trên mọi mong đợi. Càng may mắn hơn khi tôi được nhìn thấy cảnh sắc cuối thu trong ngày tham quan Cửu Trại Câu và hưởng trọn những bông tuyết rơi sớm trên đoạn đường trở về.

Empty
Empty

Những bông tuyết đẹp đến nỗi khiến tôi tưởng chừng rằng đang lạc vào một bối cảnh của một bộ phim nào đó. Điều đó không làm tôi thoả mãn mà chỉ khiến tôi thêm hào hứng và mong muốn một dịp sớm nhất có thể quay lại Cửu Trại Câu vào mùa đông ngập tràn tuyết rơi.

Empty

Thông tin thêm

Visa: Trung Quốc đang cấp visa loại phổ thông có thời hạn 3 tháng cho phép nhập cảnh 1 lần hoặc nhiều lần với thời gian lưu trú từ 15-30 ngày/lần. Nếu hành trình của bạn dài hơn, hãy lựa chọn loại visa có hạn 6 tháng hoặc 1 năm, không hạn chế số lần nhập cảnh.

Hành trình: Bạn có thể chọn bay từ Hà Nội/TP.HCM đến Thành Đô rồi đi bus thêm khoảng 8 - 10 giờ là đến được Cửu Trại Câu.

Thời tiết: Cửu Trại Câu mát mẻ quanh năm. Mùa đông khá lạnh, nhiệt độ có thể xuống dưới 0oC nên cần chuẩn bị đầy đủ áo ấm, áo giữ nhiệt, áo phao chống thấm hay những đôi giày có độ bám để chống trơn trượt.

Phương tiện đi lại: Phí tham quan Cửu Trại Câu (220 tệ/ngày) đã bao gồm xe bus di chuyển giữa các điểm đến trong khu thắng cảnh. Tuy nhiên, bạn sẽ phải chịu đựng sự chen lấn của khách Trung Quốc. Vì vậy, nếu bạn đi theo nhóm đông và chỉ có một ngày để tham quan, bạn nên thuê riêng một xe dịch vụ của khu du lịch (4.000 tệ/ngày, bao gồm hướng dẫn viên) để dễ dàng sắp xếp các điểm đến theo ý muốn, tiết kiệm thời gian và sức khoẻ..

Ẩm thực:

  • Bạn nên thử món lẩu bò Yak hoặc một loại cá da trơn sốt tương theo kiểu Tứ Xuyên mà bất kể nhà hàng nào nơi đây cũng quảng cáo. Thịt cá rất thơm và béo, khá giống với cá lăng của Việt Nam.
  • Đừng cố gắng gọi thịt heo vì người Hồi, người Tạng, người Khương không ăn thịt heo nên thịt heo trở thành món ăn đắt đỏ.
  • Nước trong các hồ là trầm tích đá vôi với nhiều khoáng chất mang lại màu nước tuyệt đẹp, tuy nhiên lại không thể dùng cho sinh hoạt hay ăn uống. Mọi hoạt động ẩm thực trong Cửu Trại Câu đều do cung cấp từ bên ngoài nên giá cả khá đắt đỏ. Một phần ăn buffet trưa có giá 160 tệ nhưng đối với tôi, nó không hấp dẫn. Để tiết kiệm, bạn có thể mang theo đồ ăn và thức uống.
DSC01860-1

Lưu trú: Thường du khách đến thăm Cửu Trại Câu sẽ chọn nghỉ đêm tại Xuyên Chủ Tự - thị trấn trung tâm của huyện Tùng Phan vì từ đây có thể chọn đi thăm Cửu Trại Câu hoặc khu danh thắng Hoàng Long nổi tiếng với thác nước Zhaga. Dịch vụ lưu trú và giải trí về đêm ở đây cũng sầm uất. Tuy nhiên, khách lẻ thường sẽ chọn các quán trọ gần với cổng vào khu thắng cảnh để tiện cho việc mua vé vào sáng sớm hôm sau hoặc sẽ nghỉ đêm tại các làng của người Tạng bên trong Cửu Trại Câu (nếu đi dài ngày).

Empty

Một số lưu ý khác:

  • Hiện tại, Cửu Trại Câu hạn chế du khách, mỗi ngày chỉ đón tiếp khoảng 5.000 khách du lịch, ưu tiên cho khách đoàn, vé lẻ chỉ được bán trong trường hợp đặc biệt. Vì vậy, để đến được Cửu Trại Câu trong thời gian này, bạn cần tham gia cùng đoàn du lịch hoặc chờ tới khi Cửu Trại Câu nới lỏng trong việc bán vé cho khách tự túc.
  • Độ cao ở Cửu Trại Câu không thể so sánh với những Tây Tạng hay Shangrila… Tuy nhiên với độ cao khoảng 3.000 m so với mặt nước biển, một số người chưa thích ứng độ cao cũng có thể bị nhức đầu, khó thở và choáng. Tôi cũng nằm trong số đó, dẫu rằnlg thể trạng tôi rất khoẻ mạnh. Vì vậy, bạn nên mua một bình thở oxygen với giá từ 20 - 50 tệ để đảm bảo sức khoẻ và đầy đủ tinh thần khám phá khu danh thắng này.
Bùi Việt Hà
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES