Đám cưới truyền thống và hiện đại - Đâu là điểm cân bằng?

24/01/2023

Dù nhỏ hay to, dù đầm ấm, thân mật hay đông vui, hoành tráng; lễ cưới vẫn là một bước ngoặt đầy ý nghĩa trong cuộc đời hai con người. Hãy tận hưởng nó theo cách trọn vẹn nhất, để niềm hạnh phúc và những kỷ niệm sẽ còn lưu lại đến mãi sau này.

Một mùa cưới nữa lại về, khi nhiều cặp đôi đang tất bật chuẩn bị cho ngày trọng đại, người ta lại đặt ra câu hỏi, xu hướng nào sẽ chiếm lĩnh thị trường cưới những tháng cuối năm nay?

Nếu như chỉ một thập kỷ trước, quan niệm của đa số người Việt Nam về “cưới” là lễ ăn hỏi, đón dâu, rồi gia đình cùng mời quan viên hai họ và bạn bè đến ăn mừng. Lễ cưới thường tổ chức tại nhà riêng, trong rạp cưới hoặc tại những hội trường với sức chứa lớn hơn và nhiều dịch vụ đi kèm.

Còn trong những năm trở lại đây, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cùng với tác động của dịch Covid-19 là điều kiện tuyệt vời để một xu hướng cưới khác lên ngôi: Đám cưới thân mật (Intimate Wedding). Đúng như tên gọi, hôn lễ sẽ chỉ gói gọn trong một số lượng người tham gia nhất định và diễn ra một cách phóng khoáng hơn theo sở thích của cô dâu, chú rể.

Vậy người trong cuộc nghĩ gì về những phong cách cưới này? Xu hướng cưới nào đang phổ biến và được yêu thích hơn? Hãy cùng Travellive lắng nghe chia sẻ của những bạn trẻ về đám cưới của mình.

Có hay không một sự kết hợp hài hòa để ngày vui trọn vẹn nhất?

Có hay không một sự kết hợp hài hòa để ngày vui trọn vẹn nhất?

Đám cưới truyền thống – Có thực sự là gánh nặng?

Theo quan niệm xưa, cưới xin là một trong những chuyện hệ trọng nhất của đời người. Vì vậy, mọi thứ phải được thực hiện thật chỉn chu, dưới sự chứng kiến của tổ tiên, gia đình, người thân và tất thảy bạn bè. Một đám cưới truyền thống có thể lên tới hàng trăm mâm cỗ, trở thành một dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu và chia vui cùng đôi uyên ương mới nên duyên.

Thùy Linh – hiện đang sống tại Hà Nội chia sẻ: “Mình cảm thấy tổ chức cưới theo kiểu truyền thống có những nét thú vị rất riêng. Trong đó, nghi lễ xin tổ tiên chứng giám khiến cho hôn lễ mang nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, đám cưới cũng là dịp để người thân, bạn bè lâu ngày có dịp tụ họp, cùng chia sẻ một niềm vui chung mà bình thường ít có cơ hội do bận rộn”.

Đám cưới truyền thống của Thùy Linh (Ảnh: NVCC)

Đám cưới truyền thống của Thùy Linh (Ảnh: NVCC)

Thế nhưng, sự phức tạp trong khâu tổ chức và số lượng người tham gia lớn đôi khi lại trở thành một nhược điểm khiến nhiều người ngại ngần khi nghĩ đến đám cưới truyền thống. Một tình huống mà các cô dâu chú rể thường gặp là bản thân họ cũng không hề biết rõ những người tới tham dự, do phần đông là bạn bè của cha mẹ, hoặc họ hàng xa của hai bên gia đình mà ít có dịp gặp mặt. Theo Thùy Linh chia sẻ, tùy vào tính cách và văn hóa của mỗi người, đây có thể là “điểm trừ” hoặc “điểm cộng”.

“Mình là người thích sự riêng tư đầm ấm hơn là những buổi tiệc quá đông người, nhưng chồng mình lại thích đám cưới càng đông càng vui. Theo chồng mình, nếu chưa có dịp giới thiệu và làm quen, lễ cưới sẽ là cơ hội để cô dâu, chú rể và mọi người chính thức chia sẻ, trò chuyện và thân thiết với nhau hơn”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đám cưới hiện đại – Tự do là chính mình

Những năm gần đây, đám cưới hiện đại theo phong cách thân mật được rất nhiều bạn trẻ yêu thích bởi nó giải quyết được nhiều “nhược điểm” của phong cách cưới truyền thống. Không bó buộc trong một trình tự nghi thức cụ thể, hay đóng khung trong một vài kiểu cách trang trí hoặc lễ phục, hôn lễ hiện đại là dịp để cô dâu, chú rể thỏa sức tạo nên một ngày vui đúng theo sở thích và cá tính của mình.

“Đám cưới của mình chỉ mời gia đình, bạn bè và những đồng nghiệp thân thiết nhất, giới hạn trong khoảng vài chục người. Chúng mình chọn một không gian sân vườn ấm cúng, rồi tự tay lựa từng bông hoa, chuẩn bị quà cho khách, xây dựng những trò chơi vui vẻ để kết nối mọi người. Đó là những điều mình cảm thấy thích nhất khi tổ chức một đám cưới thân mật” – Phương Anh (Hà Nội) chia sẻ.

Đám cưới thân mật của Phương Anh (Ảnh: NVCC)

Đám cưới thân mật của Phương Anh (Ảnh: NVCC)

Vì đặc thù của kiểu cưới này, người tham gia cũng được trải nghiệm nhiều bất ngờ thú vị mà hiếm khi thấy trong một đám cưới thông thường.

Hà – sinh viên tại Hà Nội cho biết: “Tháng trước là lần đầu tiên mình được tham gia một đám cưới theo kiểu thân mật và cực kỳ ấn tượng bởi sự thú vị của nó. Người tới dự không chỉ ăn cỗ, chụp ảnh rồi về, mà còn tham gia vào những trò chơi cực vui như trả lời câu đố, đốt pháo bông, vẽ… rồi nhận những phần quà nhỏ mang về. Ai cũng vui và mình còn quen thêm nhiều người bạn mới thú vị”.

Bên cạnh đó, tính chất “chỉ mời những người thực sự thân thiết” của một đám cưới thân mật phần nào cũng làm giảm bớt gánh nặng của những người được mời.

“Theo mình, không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi được mời đến những đám cưới mà mình không thật sự quá thân thiết với người tổ chức. Có những trường hợp bạn bè đã hàng chục năm không gặp gỡ và nói chuyện nhưng bất chợt lại nhận được thiệp mời. Điều đó đẩy người được mời vào tình huống rất khó xử, không tham gia thì không lịch sự mà tham gia thì ngại” - Phương Anh cho biết.

Có hay không sự kết hợp?

Mặc dù đám cưới hiện đại mang đến nhiều sự tự do và được các bạn trẻ rất yêu thích, tuy nhiên cũng tồn tại rào cản khiến nhiều người vẫn ngần ngại lựa chọn phong cách cưới này. Một trong những lý do phổ biến nhất xuất phát từ gia đình.

“Khi tổ chức đám cưới, bố mẹ mong muốn có dịp được mời bạn bè, đồng nghiệp và họ hàng xa đến dự để cùng chia vui trong ngày trọng đại của con.

Vì vậy mình quyết định chia đám cưới làm hai buổi độc lập: một buổi tiệc cho gia đình, họ hàng và bạn bè của bố mẹ, và một cho những người bạn thân thiết nhất của chúng mình” – Phương Anh chia sẻ.

Mình hiểu tâm lý ấy và cảm thấy không thể chỉ vì mình thích mà bỏ qua những mong muốn của bố mẹ. (Ảnh: NVCC)

Mình hiểu tâm lý ấy và cảm thấy không thể chỉ vì mình thích mà bỏ qua những mong muốn của bố mẹ. (Ảnh: NVCC)

Cách làm này được nhiều bạn trẻ áp dụng để vừa thỏa mãn được sở thích cá nhân, lại vừa đáp ứng được nhu cầu từ phía gia đình, tuy nhiên lại khá tốn kém. Hôn lễ tách ra hai lần đồng nghĩa với việc chi phí địa điểm, trang trí, tổ chức, thuê trang phục nhân đôi. Vì vậy, để chọn phương án này, cô dâu chú rể cần có sự chuẩn bị kĩ về tài chính và lên kế hoạch kiểm soát chi tiêu cẩn thận.

Mặt khác, Thùy Linh lại chọn cách kết hợp những ưu điểm riêng của hai phong cách cho đám cưới của mình:

“Một mặt, mình tổ chức cưới ngay tại nhà, dựng một rạp cưới nhỏ và trang trí đơn giản như một lễ cưới truyền thống, mặt khác mình giới hạn số lượng khách mời ở mức tối thiểu, gồm gia đình, những họ hàng và bạn bè thân thiết nhất. Các nghi lễ truyền thống cũng được thực hiện đầy đủ và chỉn chu. Cách tổ chức này phù hợp với chúng mình bởi nó vừa đáp ứng được những mong muốn cơ bản từ phía gia đình, vừa gọn gàng, ấm cúng lại tiết kiệm chi phí tổ chức”.

Dù nhỏ hay to, dù đầm ấm thân mật hay đông vui, hoành tráng; lễ cưới vẫn là một bước ngoặt đầy ý nghĩa trong cuộc đời hai con người. Hãy tận hưởng nó theo cách trọn vẹn nhất, để niềm hạnh phúc và những kỷ niệm sẽ còn lưu lại đến mãi sau này.

Thu Lê
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES