"Quay lại Phượng Hoàng cổ trấn sau 3 năm đóng cửa vì dịch bệnh, chuyến đi này thực sự để lại cho mình rất nhiều cảm xúc. Dù trước đó đã ghé thăm trấn cổ không dưới 20 lần, Đạt vẫn không khỏi trầm trồ khi đứng trước vẻ đẹp trầm mặc của nơi này. Nét cổ kính, hoài niệm của Phượng Hoàng cổ trấn được gìn giữ và bảo tồn gần như tuyệt đối", Lê Phát Đạt (Travel Blogger Le Pa Da) không khỏi xuýt xoa khi chia sẻ về Phượng Hoàng cổ trấn sau chuyến đi vừa rồi.
Nét đẹp cổ kính, trầm mặc của Phượng Hoàng cổ trấn
Chàng trai 30 tuổi đến từ An Giang luôn ấn tượng mỗi khi "bước" vào bức tranh miền sơn cước phía Nam Trung Quốc. Được bao phủ bởi một màu xanh nghìn trùng của núi non, dịu dàng trong màu nước xanh thẳm của sông Đà Giang, trấn cổ Phượng Hoàng càng nổi bật trong màu nâu chủ đạo với lối kiến trúc cổ đặc trưng Điếu Cước Lâu.
Sông Đà Giang chảy qua địa phận trấn Phượng Hoàng không chỉ đẹp vì màu nước xanh ngọc soi bóng những kiến trúc cổ vào ban ngày, lung linh trong muôn ngàn ánh đèn khi về đêm. Dòng sông này gắn liền với đời sống thường nhật của người dân. Du lịch đến Phượng Hoàng cổ trấn, không khó để du khách bắt gặp bức tranh cuộc sống nhẹ nhàng bình dị như hình ảnh một người phụ nữ giặt đồ bên bờ sông hay ông lão đánh cá trên dòng nước lững lờ trôi.
Dọc hai bên sông Đà Giang, những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi cheo leo dựa vào lưng núi đẹp cổ kính trong kiến trúc Điếu Cước Lâu. Thoạt nhìn, những ngôi nhà này trông có vẻ chông chênh như nghiêng mình sắp đổ, nhưng chúng đều được đỡ bởi những chiếc trụ lớn nên khá an toàn. Trải qua thời gian hàng trăm năm, những ngôi nhà vẫn điềm nhiên tĩnh lặng ngắm nhìn sự chảy trôi của cuộc sống trong không gian được ví như chốn "bồng lai tiên cảnh".
Bắc ngang qua Đà Giang, cầu Hồng Kiều nổi tiếng vững chãi qua thời gian, nổi bật bởi phần mái cong vút như đôi cánh của phượng hoàng đầy kiêu hãnh, giống với kiến trúc mái đặc trưng của trấn cổ Phượng Hoàng.
Cách đó không xa, cầu đá nhảy - chiếc cầu độc đáo được cấu thành bởi những khối lập phương nối dài từ bên này sang bên kia sông khiến nhiều du khách thích thú. Đứng trên cầu, ngay vị trí giữa lòng sông, nhìn ngược lên những mái ngói âm dương trập trùng uốn khúc bám đầy rêu phong trên ngôi nhà chênh vênh chòi ra mặt sông xanh ngắt, thấy giống như đang lạc vào một chốn thần tiên.
Len lỏi vào trong những con đường nhỏ được lát đá vòng quanh trấn cổ, du khách còn có cơ hội nhìn kỹ hơn những ngôi nhà cổ có tuổi đời cả trăm ngàn năm. Từng con hẻm nhỏ, từng lối đi quanh co ở cổ trấn đều mang một vẻ cổ kính đặc trưng với thiết kế độc đáo đưa bạn đi đến nhiều khám phá bất ngờ về kiến trúc ở đây. Khung cảnh nơi đây trở nên thanh bình và cổ kính hơn khi sương mù dày đặc vào sáng sớm hay sau những cơn mưa.
Khi mặt trời bắt đầu ló dạng, những tia nắng đầu tiên len qua làn sương sớm, du khách có thể trải nghiệm ngắm cảnh sương và nắng hòa làm một giữa dòng Đà Giang. "Vẻ đẹp ban ngày của Phượng Hoàng cổ trấn hấp dẫn bởi cái trầm tĩnh cổ xưa tỏa ra từ hai dãy nhà chạy dọc bờ sông trong khung cảnh phía xa là núi rừng, trong không gian yên ắng", chàng trai miêu tả.
Về chiều, khi mặt trời khuất sau núi nhường chỗ cho bóng đêm, Phượng Hoàng cổ trấn "hiện nguyên hình" là một chiếc ti vi nhiều màu sắc. Thị trấn lúc này trở nên lung linh, rực rỡ trong những chiếc đèn màu "thương hiệu" được giăng khắp những ngôi nhà, dọc cả bờ sông.
"Đêm đến, thị trấn không còn 'cổ kính, trầm mặc' như ban ngày, mà chuyển mình 'nổi loạn' thành một nơi ăn chơi tưng bừng không kém gì những thành phố lớn. Đây cũng là một điểm đặc biệt mà nhiều người chưa biết về trấn cổ, vì nếu chỉ nhìn qua những bức ảnh, chúng ta sẽ dễ tưởng rằng nơi đây luôn yên bình, thậm chí hơi buồn chán", Phát Đạt cho hay.
Phượng Hoàng cổ trấn đâu chỉ hấp dẫn vì vẻ đẹp?
Trấn cổ Phượng Hoàng không chỉ thu hút Travel Blogger Le Pa Da bởi vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính. Vốn xuất thân là một hướng dẫn viên du lịch, chàng trai này luôn bị thu bởi những kiến thức văn hóa, lịch sử về mỗi điểm đến. Phượng Hoàng cổ trấn khiến Đạt không ngừng tò mò vì những câu chuyện ly kỳ được lưu truyền trong dân gian về trấn cổ hơn 1300 năm tuổi này.
Tương truyền cầu Hồng Kiều là một trong những tích phong thủy nổi tiếng của Lưu Bá Ôn. Vị đại thần triều Minh này được biết đến với biệt danh "thần cơ diệu toán", có khả năng đoán trước tương lai và là một nhà phong thủy học nổi tiếng.
Chuyện kể rằng, vì muốn cho giang sơn do mình gây dựng có thể truyền cho con cháu ngàn vạn đời sau, Chu Nguyên Chương sau khi lên ngôi hoàng đế đã phái Lưu Bá Ôn đi khắp nơi trong cả nước xem phong thủy, tìm mọi cách ngăn chặn xuất hiện những người “mệnh lớn” có thể cướp đoạt thiên hạ của nhà họ Chu.
Đến Phượng Hoàng cổ trấn, Lưu Bá Ôn đứng từ trên núi nhìn xuống và nhận thấy thế đất ở đây là thế rồng uống nước, tức nơi đây sẽ sản sinh ra nhân tài có thể tiếm ngôi. Do đó, ông đã cho xây dựng cầu Hồng Kiều, hai bên trấn và yếm hai thanh kiếm để cắt đứt long mạch, bảo đảm vị thế vững chãi của triều Minh.
Sau này, người dân phát hiện ra một lượng chu sa (thần sa, đơn sa) được đặt trên cây cầu Hồng Kiều. Chính quyền đã ra quyết định tịch thu số chu sa này. Tuy nhiên, sau đó không lâu, một trận đại hồng thủy kéo đến, cả trấn Phượng Hoàng ngập trong biển nước.
Khi mời những vị thầy phong thủy đến, họ kết luận nguyên nhân đến từ việc lấy chu sa ra khỏi cầu Hồng Kiều - nơi trấn giữ long mạch. Được biết, tác dụng của chu sa - "thần sa" trong phong thủy Trung Hoa từ ngàn xưa là: trấn trạch, trừ tà, nâng cao khí dương cho đất.
Dưới sức ép của những người dân, chính quyền bắt buộc phải đặt lại số chu sa này về vị trí cũ. Sau này, đại hồng thủy xảy ra nhiều nơi tại Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên không có Phượng Hoàng cổ trấn.
Tuy những điển tích này chỉ là chuyện truyền miệng trong dân gian, lịch sử hư ảo vẫn khiến cầu Hồng Kiều nói riêng, Phượng Hoàng cổ trấn nói chung ngày càng nổi tiếng và thu hút nhiều du khách.