Đi qua mùa hoa gạo ở Khánh Châu

20/12/2019

Ngẫm lại, thấy những ngày ở Gyeongju (Khánh Châu) thật sự bình yên. Nếu bạn có một lần đến Nam Hàn, ngoài đi leo núi, ngày ăn kimchi, ngoài mua sắm trên những đô thị hiện đại sầm uất... hãy ghé cổ trấn nho nhỏ Khánh Châu.

Bạn ở Gimhae ba ngày, rồi bắt xe đò đi Khánh Châu vào một buổi trưa muộn. Trước đó, bạn đã có gần một tuần lang thang một mình trên những sườn núi Jirisan - ngọn núi cao thứ hai ở Nam Hàn. Mùa lạnh, và hoa sơn thù du vẫn chưa kịp nở trên miền sơn dã ấy. Bạn quyết định đi Khánh Châu vì cái suy nghĩ chỉ muốn đến một thành phố nhỏ nhỏ, có nhà cổ xe cổ, rời xa không khí thị thành, những mái nhà xưa, con đường lát gạch sạch sẽ, chỉ cần thở thôi cũng thấy tĩnh tại. Và bạn sẽ chậm rãi, an nhiên một mình đi uống cà phê, đi ăn hàng. Tất cả gói trọn trong cái không khí bình đạm yên ổn ấy của Khánh Châu.

Empty

Có lẽ không nhiều người biết đến Khánh Châu, vì nói tới Nam Hàn, người ta sẽ nhớ đến Seoul rực rỡ sắc màu, là các Gangnam Oppa với điệu nhảy ngựa vui nhộn, các khu mua sắm thời trang náo nhiệt. Có thể người ta sẽ nhớ đến Busan, trên chuyến tàu từ Seoul về tới thành phố cảng này. Bạn thì khác, bạn thích khám phá những nơi trầm lắng. Bạn đi một mình, nên ưu tiên cho việc đi chậm, thưởng thức những đô thị cổ, tìm hoài niệm xa xăm từ những hơi thở khẽ khàng và nhẹ nhàng của không gian văn hóa xưa mà hiện giờ Khánh Châu vẫn còn giữ được. Cổ trấn này từng là cố đô của vương triều Tân La - và nơi đây được mệnh danh là thành phố vàng của xứ Kim Chi. Cách Seoul khoảng 350 km - nhưng nếu đi từ mạn Busan sẽ chưa đầy hai giờ đồng hồ, là đã đến được với không khí bình yên của Khánh Châu.

Empty

Thì đúng thật là Khánh Châu trầm ổn lắm. Hoa gạo nở đầy hai bên vạt đường. Thứ nhiều nhất ở cổ trấn này, ngoài miếu mạo, ngoài chùa chiền, là hoa. Đây là nơi nổi tiếng ngắm hoa đào nở, những cây hoa đào có mặt khắp mọi nơi, mỗi góc phố, mỗi vạt đường. Nơi này mọi thứ đều thanh tao và nhẹ nhàng. Bạn đến vào lúc đào đã tàn, nhưng bù lại là hoa gạo đang thời sung mãn, hoa khai tưng bừng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Đêm đầu tiên bạn đi dạo tới một cái thành cổ, nằm giữa trung tâm cổ trấn. Thành cổ về đêm được chiếu đèn rực rỡ, với những tháp canh và hào sâu, đủ để biết đến quá khứ vàng son xa xưa. Rồi bạn mải chơi nên không còn xe bus để về nhà, đành phải cuốc bộ. Khánh Châu đi ngủ sớm lắm, 9 giờ tối đã tắt đèn, mọi người trở về nhà, bus cũng dừng hoạt động. Đêm khuya lạnh, bước chân chuếnh choáng trên những con đường thênh thang vắng vẻ, chỉ có hai hàng cây hoa gạo làm bạn đồng hành. Nên hương của hoa, thốt nhiên nồng nàn quá đỗi.

Di qua mua hoa gao 1

Thực ra, bạn cũng… chẳng biết tên của hoa này đâu. Nhìn thì giống hoa sữa, một loài hoa thanh tao và thuần khiết nổi tiếng của mùa xuân Hà Nội, nhưng ở đây chắc chắn người ta không gọi loài hoa này như vậy. Bạn lên mạng tìm hiểu thông tin, cứ lang thang hú họa gõ vào máy tính về một loài hoa trắng ở Khánh Châu, cuối cùng tìm ra cái tên này - hoa gạo. Thực ra ở khắp Nam Hàn, nơi nào cũng có hoa gạo hết. Nhưng rồi bạn đi nhiều nơi, lòng chỉ lưu luyến mỗi hoa gạo cổ trấn Khánh Châu.

Empty

Những hôm sau nữa, bạn đi dạo qua khắp các cung đường ở cổ trấn này. Đi lên núi, thăm quần thể chùa Bulguksa, nằm ở lưng chừng núi. Kiến trúc cổ của ngôi chùa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, và được xem là ngôi chùa linh thiêng và đẹp nhất của Nam Hàn. Bạn đi thăm làng Yangdong - đi bộ, đoạn đường gần năm cây số, thật quá sức tưởng tượng - để đến được ngôi làng. Đoạn đường từ cao tốc đi vào làng, vắng vẻ đìu hiu chỉ có mỗi hoa gạo hai bên đường làm bạn. Hoa nở tung trời, những chùm hoa nụm nịu, đường thưa người nên chỉ cần một bước chân qua, gió thổi nhẹ là từng cành hoa cũng đã rào rạt mừng đón, như muốn níu chân người.

Empty
Empty

Làng Yangdong có phong thủy dựa theo địa hình sông núi và chia thành dãy nhà ngói của quý tộc ở khu đất cao, đối lập với khu nhà cổ của dân thường ở khu đất thấp. Sự phân bổ và phong cách kiến trúc của những ngôi nhà trong làng phản ánh rõ cấu trúc xã hội, phong tục tập quán sinh hoạt và văn hóa quý tộc Nho giáo trong triều đại Joseon - thịnh triều của dân tộc Triều Tiên thuở xưa.

Empty

Rời Khánh Châu vào buổi trưa muộn, bỏ lại sau lưng một mùa hoa gạo đang rực rỡ, những góc phố con đường bình yên. Cổ trấn này không có nhiều du khách quốc tế, đa phần là dân bản địa. Bạn nghĩ, hay do cổ trấn quá âm thầm, nên chỉ những ai hữu duyên mới chọn đến thăm nơi này? Vậy thì bạn thực sự may mắn, vì đã có một mùa hoa gạo nằm lại mãi ở trong tim.

Tồn Phan
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES