Đi xe lửa xuyên cao nguyên trà tuyệt đẹp
Vùng công nghiệp chế biến trà nằm ở Cao nguyên Trung tâm (Highlands) của Sri Lanka có một lịch sử rất lâu đời. Cùng với Ấn Độ, người Anh đã mang cây trà vào Sri Lanka và phát triển thành một hệ thống sản xuất rất quy mô trong suốt thời thuộc địa, kéo dài từ đầu thế kỷ 17 cho đến khi nước này giành độc lập gần như cùng lúc với Ấn Độ vào 1948. Hiện nay, những ngọn đồi bạt ngàn vẫn là vùng sản xuất trà đen trứ danh, không chỉ phục vụ cho nội địa, mà nơi đây còn có nhà máy sơ chế rất lớn của hãng trà Lipton. Chính vì vậy, khi nhắc đến Sri Lanka thì những khách lãng du phải nghĩ ngay đến việc đi xuyên qua vùng cao nguyên trung tâm trên một chuyến xe lửa rất ngoạn mục. Đó cũng là mục tiêu đầu tiên của tôi khi bước vào một hành trình “sống chậm” vòng quanh đất nước Nam Á này.
Toàn bộ đất nước Sri Lanka hiện chỉ có duy nhất một cổng hàng không quốc tế hoạt động, đó là phi trường Katunayake, đặt tại Negombo, cách thủ đô Colombo khoảng 30 km về phía bắc. Còn lại, hệ thống giao thông công cộng trải rộng khắp quốc gia chủ yếu bằng 2 phương tiện: xe buýt và tàu hoả. Cả hai loại hình chuyên chở này đều nhuốm một sắc màu cổ kính, thoạt nhìn tưởng nó vẫn tồn tại từ thời thuộc Anh đến giờ. Tuy vậy, trên phương diện kinh tế, có vẻ nó rất phù hợp với mức sống của đại đa số người Sri Lanka. Với cá nhân tôi, có lẽ Sri Lanka chính là đất nước có mức chi phí cho việc di chuyển rẻ nhất trong các nước mà tôi từng đến, mặc dù về độ tiện nghi thì chỉ ở mức dưới trung bình. Nhưng, nếu đã hoà mình vào nhịp sống chậm rãi cùng với dân bản địa thì các tiêu chuẩn du lịch không còn quá nhiều ý nghĩa. Sự trải nghiệm một cuộc sống thực tế mới là điều đáng quý.
Tôi bắt đầu một trong những chuyến xe lửa tuyệt đẹp của cuộc đời từ nhà ga đường sắt thành phố Kandy, thủ phủ vùng cao nguyên của Sri Lanka trong một tâm trạng rất hứng khởi. Xe lửa xình xịch, chậm rãi băng ngang những đồi chè xanh mượt trong ánh nắng.
Không chỉ vậy, địa hình thay đổi liên tục, tàu xuyên qua những thung lũng sâu hun hút, những cánh rừng nguyên sinh âm u và bắt đầu lao dốc đi ngang qua những ngôi làng xinh xắn nằm dọc theo các triền núi thoai thoải. Thỉnh thoảng, đoàn tàu lại dừng ở một sân ga xép, tôi ngồi cạnh cửa sổ đưa mắt nhìn các hoạt động liên tục trên sân ga, đôi lúc bắt gặp những ánh mắt đen láy, tò mò trên những chuyến tàu chạy ngược lại. Thiên nhiên trong trẻo, hoà vào khung cảnh nhẹ nhàng trên những sân ga xép thật sự khiến lòng người mềm lại. Đôi khi chỉ cần vài ánh mắt giao nhau, hoặc chứng kiến một cái nắm tay thật nhẹ trên sân ga, trong ánh nắng chiều xiên ngang qua lớp của kính, phản chiếu loang lổ xuống nền gạch và xuống các thanh ray, chợt thấy cuộc sống này còn quá nhiều ý nghĩa.
Chậm rãi trôi về phía biển...
Tôi dừng lại một đêm ở thị trấn miền núi nhỏ, có cái tên rất nữ tính là Ella, rồi bắt tiếp một chuyến xe buýt rất vui nhộn đi tiếp xuống phía nam, ra bờ biển Ấn Độ Dương. Càng về phía nam, làng mạc càng nhiều, dân cư đông đúc và không khí có phần nhộn nhịp hơn. Không còn cái lành lạnh gây thích thú như ở cao nguyên, tôi bắt đầu lao vào một xã hội hỗn loạn thường thấy ở các quốc gia đang phát triển.
Nếu như cao nguyên trung tâm là vùng nông nghiệp với ngành chế biến trà đen nổi tiếng thì phía nam đảo quốc Sri Lanka lại là các cảng thị quan trọng. Thậm chí, trước cả thời thuộc Anh, các đế quốc phương Tây đã nhòm ngó Sri Lanka như là một địa điểm trung chuyển hàng hoá cần thiết cho công cuộc đi khai phá các thuộc địa miền Viễn Đông. Chính vì vậy, một loạt các pháo đài cổ xen lẫn với hệ thống cảng thị trải rộng khắp từ đông nam sang tây nam đảo quốc, một trong số đó chính là thị trấn Galle đẹp cổ kính với ngọn hải đăng nổi tiếng nhất đất nước.
Galle bắt đầu được biết đến như là một cảng thị quan trọng kể từ thời hòn đảo này bị Bồ Đào Nha cai trị (thế kỷ 16). Cho đến thời thuộc địa Hà Lan vào thế kỷ 18 thì Galle trở thành một thành phố cực thịnh, là nơi đặt hải cảng lớn nhất Sri Lanka thời bấy giờ. Vì thế, ngày nay, Galle là một tập hợp các kiến trúc thuộc địa rất đặc sắc, kết hợp với một pháo đài quy mô và một ngọn hải đăng trắng vô cùng diễm lệ nằm bên bờ Ấn Độ Dương bao la, quanh năm sóng vỗ.
Du khách đến với Galle, sẽ được trải nghiệm một không gian vô cùng thú vị. Cũng giống như rất nhiều thành phố cảng cổ kính tương tự khác ở châu Á như Malacca, Penang (Malaysia) hay Surabaya, Makassar (Indonesia), bản thân không khí ở Galle đã toát lên sự chậm rãi rất dễ chịu.
Những con đường nhỏ nhắn lát đá cẩn thận được quét dọn sạch sẽ, kéo dài từ pháo đài bao quanh xuống tận bờ biển Ấn Độ Dương, nơi có ngọn hải đăng trắng danh tiếng. Dọc hai bên đường là những cửa hàng đá quý, đồ lưu niệm, các nhà hàng nhỏ nhắn được bày trí một cách xinh xắn khiến du khách rất hài lòng. Ngoài ra, các lãng khách sống chậm cũng có thể lê la trong các quán bar hoặc cà phê cũ kỹ, có nội thất được trang trí một cách thanh lịch, tinh tế theo phong cách cổ điển.
Nhưng toàn bộ sự thú vị của Galle có vẻ dồn vào tổ hợp các kiến trúc đẹp bao gồm: ngọn hải đăng trắng bên bờ biển, Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Nhà thờ Thánh Mary được xây dựng bởi các linh mục dòng Tên. Tất cả hoà trộn lại với nhau tạo thành một không gian đẹp đẽ và êm đềm khiến du khách sẽ muốn lưu lại đó thật lâu, sống một đời sống thật chậm rãi, như chính lịch sử lâu đời của thị trấn cổ kính miền biển này.
Đất nước của những con người hiền hậu
Mặc dù nằm ngay cạnh Ấn Độ với biên giới tự nhiên là một eo biển rất hẹp và nông, nhưng đời sống văn hoá và các cộng đồng tôn giáo ở Sri Lanka hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của lục địa Ấn Độ. Sri Lanka là một nước Phật giáo với tỉ lệ dân chúng lên đến 70% theo đạo Phật, thuộc dòng Phật giáo nguyên thuỷ (Theravada).
Có lẽ vì nền tảng tôn giáo, nên nhìn chung, người Sri Lanka hiền hậu và tử tế. Trong toàn bộ hành trình đi suốt dọc chiều dài của đảo quốc này, từ thủ đô Colombo lên cao nguyên Highlands, rồi đi dần xuống thị trấn Galle ở phía tây nam, tôi có dịp chứng kiến một xã hội rất hiền lành và an toàn. Mặc dù, trong lịch sử từng có những nhóm ly khai Con hổ Tamil hoạt động ở phía cực Bắc đảo quốc nhưng dường như việc đó đã trở thành quá khứ.
Người Sri Lanka hôm nay có mức sống dưới trung bình, nhưng sự hiền hậu và hiếu khách của họ mới chính là món quà rất quý đối với du khách nước ngoài. Sự mến khách của người bản địa là động lực lớn để khiến du khách quay trở lại Sri Lanka thêm lần nữa, hoặc thêm nhiều lần nữa. Đảo quốc này chính là vùng đất tuyệt vời để trải nghiệm một hành trình chậm rãi, để hoà mình vào thiên nhiên tươi tốt và để hoà nhập vào một xã hội nhộn nhịp nhưng rất an toàn...
THÔNG TIN THÊM
Visa: Du khách Việt có thể xin visa dán tại Đại sứ quán Sri Lanka hoặc xin visa online qua website: www.eta.gov.lk. Nếu xin visa online, bạn có thể nhận visa và thanh toán trực tiếp tại sân bay
Hành trình: Toàn bộ đảo quốc Sri Lanka hiện chỉ có duy nhất một phi trường quốc tế đặt tại Negombo, cách thủ đô Colombo khoảng 30 km về phía bắc. Du khách Việt Nam muốn đến Sri Lanka phải bay 2 chặng ngắn, bắt buộc quá cảnh ở Bangkok, Kuala Lumpur hoặc Singapore.
Thời điểm: Sri Lanka có khí hậu khá nóng với nhiệt độ trung bình từ 28-30oC, mùa đông nhiệt độ lạnh nhất là 16oC. Vì vậy, các bạn có thể du lịch vào bất cứ mùa nào trong năm.
Phương tiện giao thông: Hệ thống xe buýt chạy khắp đất nước Sri Lanka, mặc dù khá cũ kỹ nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu đi lại dễ dàng. Hệ thống đường sắt xuyên qua cao nguyên trung tâm Sri Lanka là một tuyến đường rất đẹp để du khách ngắm cảnh và trải nghiệm. Di chuyển ở cự ly ngắn dưới 20 km có thể đi bằng xe tuk tuk, hiện diện ở khắp mọi nơi, giá rẻ và dễ tìm.
Lưu trú: Những địa điểm du lịch nổi tiếng đều có mạng lưới nhà nghỉ, khách sạn với nhiều chọn lựa. Du khách cũng có thể trải nghiệm các resort sang trọng nằm sâu trong các khu bảo tồn thiên nhiên, hoặc dọc bờ biển phía nam đảo.
Ẩm thực: Sri Lanka là một phần của lục địa Ấn Độ nên ẩm thực cũng ảnh hưởng rất lớn. Tương tự như đồ ăn Ấn, ở Sri Lanka họ dùng rất nhiều gia vị vào món ăn, cụ thể là cà ri, masala và tiêu đen khá cay. Ẩm thực đường phố cũng rất đa dạng, nhưng phải cẩn thận vì tiêu chuẩn vệ sinh ở Sri Lanka nhìn chung là chưa đạt chuẩn an toàn tuyệt đối.
Tiền tệ: Sri Lanka sử dụng đồng rupee, tỉ giá quy đổi 1 rupee bằng khoảng 129 đồng Việt Nam.
Quà lưu niệm: Sri Lanka nổi tiếng với các loại mặt nạ gỗ truyền thống, đá quý thô và các loại gia vị đặc trưng như vanilla. Đồ chế tác bằng gỗ (tượng, đồ dùng trong nhà, đồ trang trí) cũng khá tinh xảo.
Lộ trình gợi ý: Bắt đầu từ thủ đô Colombo, du khách bắt xe buýt lên thành phố Kandy, thủ phủ vùng cao nguyên Highlands; sau đó bắt tiếp một chuyến xe buýt lên thành phố trà Nuwara Eliya, một thị trấn miền núi đẹp, thanh lịch như Đà Lạt ở Việt Nam. Từ Nuwara Eliya, có thể mua vé tàu đi xuống phía nam là thị trấn Ella rồi đi tiếp bằng xe buýt xuống các bãi biển phía nam Sri Lanka, ghé qua thành phố cảng Galle, sau đó đi ngược lên phía bắc để về lại Colombo.