Trung tâm Văn hóa Pompidou (Trung tâm Beaubourg)
Nằm ở trung tâm quận 4, Trung tâm Văn hóa Pompidou là một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất ở Paris. Tòa nhà được đặt theo tên Tổng thống Pháp Georges Pompidou, một người say mê nghệ thuật đương đại. Vào năm 1969, ông quyết định cho xây dựng một trung tâm đa văn hóa để trưng bày các bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng của Pháp, đồng thời còn là quán cà phê, rạp chiếu phim và thư viên công cộng nơi học sinh Pháp có thể đến học.
Được khánh thành vào năm 1977, Trung tâm Văn hóa Pompidou có mặt ngoài làm bằng thép và kính, khắp tòa nhà chằng chịt các đường ống to, dài giống đường ống dẫn khí ga. Bởi vậy, đối với người dân Paris vốn ưa chuộng vẻ đẹp kiều diễm, hoa lệ, Pompidou được coi là "sai lầm thế kỷ", một "con quái vật gớm ghiếc".
Tuy nhiên, với bộ sưu tập hoành tráng về tất cả các lĩnh vực văn hóa cùng với phòng chiếu phim, khán phòng biểu diễn âm nhạc, nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa cho các em nhỏ…, Pompidou đã gặt hái thành công rực rỡ bất chấp sự chê bai kiến trúc bên ngoài. Sau 40 năm mở cửa, đến nay Trung tâm Văn hóa Pompidou đã trở thành một trong những biểu tượng của nghệ thuật đương đại, là trung tâm văn hóa lớn nhất châu Âu và một trong những công trình thu hút du khách nhiều nhất Paris.
Nhà hát Philharmonie de Paris
Được khánh thành vào tháng 1 năm 2015, nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris là một quần thể gồm hội trường với 2.400 chỗ ngồi dành riêng cho các buổi hòa nhạc quy mô lớn, nhiều sàn diễn nhỏ, một bảo tàng âm nhạc, một thư viện, một không gian giải trí với quán ăn, hiệu sách…
Nằm trong công viên La Villette ở quận 19, nhà hát là một dự án đầy tham vọng (xây dựng trong 8 năm với sự lao động miệt mài của 600 công nhân) và tốn kém (386 triệu euro - khoảng 9.800 tỷ đồng).
Tòa nhà được thiết kế như một ngọn đồi kiên cố, bao bọc bởi thép bạc và thủy tinh, có thể đổi màu theo ánh sáng mặt trời. Mái nhà hình vòm cung lợp bằng gỗ mộc giúp âm thanh sắc nét, tạo cho nghệ sĩ và khán giả cảm giác dễ chịu. Khán giả cũng không ngồi đối diện sân khấu như mô hình truyền thống mà ngồi xung quanh. Bên cạnh đó còn có các ban công treo lơ lửng bao bọc trung tâm sân khấu, giúp âm thanh lan truyền bốn phía, khiến khán giả có cảm giác "chìm đắm" trong không gian âm nhạc.
Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Louis Vuitton
Nằm trong khuôn viên của công viên Bois de Boulogne có từ thế kỷ 19 ở phía tây Paris, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Louis Vuitton gây ấn tượng với bất kì ai đến tham quan khi mang hình khối hữu cơ, làm liên tưởng đến một con tàu, một con cá, một chiếc thuyền buồm hay thậm chí là một đám mây…, và mang rất nhiều ý nghĩa ẩn dụ.
Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư tài ba Frank Ghery, người đã thành công phối hợp khéo kéo tính hiện đại, duy mỹ trong hình dáng và dấu ấn cá nhân qua việc sử dụng 3.000 tấm kính có độ cong và kích thước khác nhau. Các cánh buồm được đỡ bởi vô số thanh thép, gỗ, liên kết với công trình bên trong như đang chuyển động trong gió, phản chiếu mặt nước, cây xanh trong công viên và thay đổi màu sắc liên tục theo thời gian trong ngày.
Rạp chiếu phim La Géode
Được xây dựng vào năm 1985, rạp chiếu phim La Géode là một công trình kiến trúc nổi bật ở Paris. Tòa nhà có hình một quả bóng khổng lồ, đường kính 36 m, chiều cao tương đương với tòa nhà 12 tầng. Nó được bao phủ bởi gần 6.500 tấm thép hình tam giác không gỉ, mỗi cạnh dài 1,2 m, phản chiếu được cảnh vật xung quanh.
Thêm vào đó, đây còn là một rạp chiếu phim được trang bị các thiết bị kỹ thuật hiện đại: máy chiếu OmnimaxTM và hệ thống chiếu kỹ thuật số 4K. Mỗi phòng chiếu phim đều có một màn hình có hình bán cầu, rộng 1.000 m2 được làm từ các tấm nhôm đục lỗ và 400 ghế ngồi nghiêng 27 độ theo chiều ngang.
Khu phố Les Halles
Nằm ở quận 1, khu phố Les Halles vốn là một chợ cổ của Paris. Ngày nay, nơi đây là một công viên lớn với trung tâm thương mại Forum des Halles dưới lòng đất và nhà ga Châtelet Les Halles cũng ở dưới lòng đất.
Sau công cuộc xây dựng kéo dài 5 năm và tiêu tốn hơn 1 tỷ USD (23 nghìn tỷ đồng), tháng 4 năm 2016, một mái vòm hùng vĩ bằng kính rộng 25.000 m2 che phủ trung tâm mua sắm Forum des Halles đã hoàn thành. Đây là một trong những công trình kiến trúc đẹp đến vô thực, được ví như chiếc ô khổng lồ trong suốt lơ lửng giữa bầu trời Paris hoa lệ.
Tòa nhà của Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp
Nằm tại ngã tư đường Saint Honoré và Croix des Petits-Champs, tòa nhà của Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp được hiện đại hóa bởi kiến trúc sư Francis Soller vào năm 2004 và là một ví dụ thú vị về nghệ thuật kiến trúc đương đại. Tòa nhà có mặt tiền được làm bằng các tấm thép không gỉ, trông như đang được bọc trong một lưới cá khổng lồ.
Sự tương phản giữa tòa nhà này cùng những tòa nhà theo kiến trúc truyền thống xung quanh đã gây ra nhiều tranh cãi. Thế nhưng, nhiều người cho rằng đây là một trong những kiến trúc đẹp nhất Paris, nhất là lúc bình minh hoặc hoàng hôn, khi ánh nắng rực rỡ chiếu vào tòa nhà khiến nó sáng lấp lánh.
Nhà của Loo
Nằm ở quận 8 của Paris, cạnh công viên Monceau, nhà của Loo hiện là một bảo tàng Trung Quốc. Ngôi nhà được thiết kế cho thương nhân giàu có người Trung Quốc Ching Tsai Loo vào đầu thế kỷ 20. Vì quá thương nhớ đất nước và muốn tạo cơ hội cho người Paris khám phá văn hóa Trung Quốc, ông đã quyết định xây dựng và biến nơi này thành một bảo tàng tư nhân, trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ Trung Quốc và của châu Á.
Bên cạnh bề ngoài ấn tượng với màu đỏ và kiến trúc đặc trưng của Trung Quốc, tòa nhà còn có nội thất xa hoa với các căn phòng được trang trí theo chủ đề khác nhau, khiến nơi này trở thành một trong những tòa nhà thú vị nhất ở Paris cho đến tận ngày nay.