Di sản văn hóa Biển Đông

15/01/2013

Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia đang trưng bày “Di sản văn hóa biển Việt Nam” khá hấp dẫn và công phu, tập hợp hiện vật từ bảy cơ quan chuyên ngành góp mặt như Ủy ban Biên giới Quốc gia, Trung tâm lưu trữ Quốc gia và các bảo tàng địa phương. Nó đánh thức người thưởng lãm về một lịch sử hào hùng làm chủ và khai thác biển Đông suốt mấy ngàn năm của cha ông. Cuộc trưng bày kéo dài đến hết tháng 11/2012.

PGS.TS Trịnh Sinh

Người xem có cảm tưởng như đang lãng du vào quá khứ khi được ngắm nhìn các di vật của các làng chài xưa, từ chiếc bàn mài đá Hạ Long, con dấu gốm Hoa Lộc ven biển miền Trung đến nhiều chiếc khuyên tai hai đầu thú ở Cần Giờ vùng Nam bộ. Mỗi di vật như đọng lại bao giọt mồ hôi công sức tiền nhân. Cả một dọc dài ven biển 2.000 km và cả các đảo xa bờ như Lý Sơn, Cù Lao Chàm đều mọc lên các làng đánh cá kết hợp với làm nông. Đó là những làng xóm ở buổi đầu dựng nước thuộc về các văn hóa mà nay đã rất nổi tiếng trên thế giới là Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo.

Các nền văn hóa cổ đại ở Việt Nam không đóng kín mà giao lưu với nhiều vùng lãnh thổ Đông Nam Á, thậm chí còn xa hơn đến tận Ấn Độ, Trung Cận Đông và Châu Âu. Vì thế, ngay từ thời xưa đã xuất hiện những “con đường gia vị” nối phương Đông và phương Tây. Nghĩa là con đường đưa gia vị từ miền Trung, miền Nam Việt Nam đi xa về phía tây men theo bờ biển. Ngược lại, các hiện vật đặc biệt, sứ giả của các miền đất xa xôi, đã theo các đoàn thuyền đến các vùng biển nổi tiếng như Sa Huỳnh, Hòa Diêm quanh bờ vịnh Cam Ranh. Một số đồ vàng, trang sức từ thế giới Ấn Độ và Trung Cận Đông có mặt ở ta, hình thành một con đường biển khá sớm mà cuộc trưng bày có đưa ra một bản đồ vẽ về con đường trao đổi gia vị này. Có khá nhiều tiền cổ, trang sức vàng, bạc, mã não, thủy tinh màu... có mặt trong văn hóa Sa Huỳnh và Óc Eo được trưng bày. Một con đường giao lưu văn hóa thương mại Đông - Tây khá tấp nập là điều có thể khẳng định.

Có khá nhiều tiền cổ, trang sức vàng, bạc, mã não, thủy tinh màu... có mặt trong văn hóa Sa Huỳnh và Óc Eo được trưng bày. Một con đường giao lưu văn hóa thương mại Đông - Tây khá tấp nập là điều có thể khẳng định.

Cuộc trưng bày đã khá cuốn hút người xem với điểm nhấn là các di sản được khai quật từ các con tàu đắm, chỉ mới khoảng 20 năm gần đây nhờ sự có mặt của ngành khảo cổ học dưới nước. Một khối lượng hiện vật khổng lồ (riêng con tàu đắm Cù Lao Chàm đã có tới 24 vạn hiện vật), không những có giá trên thị trường cổ vật thế giới mà còn chứng minh ven biển Đông thực sự là một trong những con đường hàng hải lớn nhất thế giới. Tài sản vớt lên từ tàu đắm đã cho thấy các hàng hóa, mà chủ yếu là gốm sứ của vùng nam Trung Quốc, nhiều thứ là thuộc thời nhà Thanh. Con tàu đắm Hòn Dầm (Phú Quốc) lại chở hàng hóa gốm sứ men ngọc Sawankhalok của Thái Lan thế kỷ 15. Đặc biệt là tham gia vào con đường buôn bán đường dài qua biển Đông, vai trò của Việt Nam không chỉ là việc thực thi chủ quyền của nước chủ nhà, nhất là trong thời Nguyễn, mà còn là nơi cung cấp hàng hóa xuất khẩu. Đó là hàng gốm sứ Chu Đậu chiếm phần lớn trong con tàu đắm Cù Lao Chàm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Người xem có thể thỏa sức ngắm nghía di sản thuần Việt từ các lò gốm Chu Đậu, Mỹ Xá (Hải Dương) thế kỷ 15 như chiếc bình hoa lam vẽ hình thiên nga đang bay trong cảnh lũy tre làng Việt, tượng người, tượng chim phượng, ông bình vôi, tượng voi, tượng rùa... Chính khoảnh khắc tàu Cù Lao Chàm chìm xuống biển rủi ro, nhưng ngẫu nhiên để lại cho hậu thế một bức tranh toàn cảnh sinh động về một đời sống vật chất, tâm thức của một cư dân nông nghiệp thể hiện qua sản phẩm đồ gốm. Các con tàu đắm còn cung cấp nhiều sản phẩm đến từ vùng nam Trung Quốc, Thái Lan. Đó cũng là các đồ gốm hàng hóa cũng như vật dụng hàng ngày của những thủy thủ xấu số. Đó là các loại gốm sứ nổi tiếng từ các lò gốm Chương Châu, Đức Hóa (Phúc Kiến), Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) Trung Quốc: bộ ấm chén, bình, bát, tượng. Còn thấy được chiếc lược gỗ, thìa, đĩa, các phiến đồng làm nguyên liệu cho ngành đúc...

Hoạt động giao thương trên biển tấp nập, lưu lượng hàng hóa dồi dào, con đường hàng hải kéo dài từ nam Trung Quốc, qua biển Đông nước ta đến Ấn Độ, Trung Đông và Châu Âu, đã được các nhà khoa học ví như “con đường tơ lụa trên biển”.

Một loại di sản nữa thể hiện chủ quyền của Việt Nam với vùng biển đảo. Đó là các loại bản đồ người phương Tây vẽ, như bản đồ vùng Viễn Đông năm 1774 (thời Vua Lê Hiển Tông), vẽ quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và ghi chú rõ thuộc Đại Việt. Đến thời Minh Mạng, đầu thế kỷ 19, Vua lại sai vẽ bản đồ “Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ” có vẽ quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc chủ quyền nước ta. Bên cạnh bản đồ, phòng trưng bày còn cung cấp một loạt các tài liệu thư tịch như các châu bản của Vua Nguyễn khẳng định chủ quyền biển đảo, tác phẩm Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (năm 1776) ghi lại việc thành lập và hoạt động của Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải dưới Triều Lê Trung Hưng.

Những bằng chứng sinh động của việc giao thương đường biển cũng được giới thiệu. Đó là một bức tranh màu Nhật Bản thế kỷ 17 có tên là Giao

Một loại di sản nữa thể hiện chủ quyền của Việt Nam với vùng biển đảo. Đó là các loại bản đồ người phương Tây vẽ, như bản đồ vùng Viễn Đông năm 1774 (thời Vua Lê Hiển Tông), vẽ quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và ghi chú rõ thuộc Đại Việt.

Chỉ Quốc Mậu Dịch Độ Hải Đồ đã miêu tả thuyền buôn của Mạc Phủ Tokugawa đang cập cảng Hội An để giao dịch thương mại. Một bức Quốc Thư cũng rất đáng xem, soạn vào năm 1591 của chúa Nguyễn Hoàng gửi chính quyền Hideyoshi, Nhật Bản đề nghị giao thương. Một tác phẩm khác là bức tranh màu nước được vẽ vào thế kỷ 17 miêu tả cảnh mua bán ven sông ở Phố Hiến, Hưng Yên. Đây được coi là một đầu cầu giao lưu từ sông ra cửa biển và xuất cảng hàng hóa đi muôn nơi.

Người xem thực sự ấn tượng về cuộc trưng bày khá hoành tráng này. Không những các cổ vật quý hiếm đánh thức lòng tự hào về công cuộc chinh phục và khai thác biển từ đời nọ đến đời kia, mà còn là dịp chiêm ngưỡng khối tài sản muôn nơi có mặt trên đất nước ta, do giao lưu văn hóa mà có. Cuộc trưng bày lần này có nhiều hiện vật lần đầu được công bố. Ngoài những hiện vật “chay” còn có những mô hình dựng lại một góc đáy biển, nơi có con tàu chìm, còn xương cốt người và các hiện vật thật còn nguyên vết hà bám.

Ghi chú ảnh: (theo thứ tự từ trên xuống dưới)

1.Bản đồ miền Bắc Việt Nam năm 1682
2.Đĩa gốm nhiều màu, thế kỷ 17-18, Arita, Nhật Bản.
3.Đĩa, gốm hoa lam, thời Minh, Vạn Lịch của lò gốm Chương Châu, trong tàu đắm Bình Thuận.
4.Châu bản thời Nguyễn ghi chép về giao thương hàng hải và chủ quyền biển đảo Việt Nam.
5.Tượng người, gốm nhiều màu thế kỷ 17 trong tàu đắm Cù Lao Chàm.
6.Cây đèn bằng đồng ở Lạch Trường, ven biển Thanh Hóa.
7.Cây đèn gốm ở di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa, cách đây 2.500 – 1.800 năm
8.Bát gốm men nhiều màu, thế kỷ 15 trong tàu đắm Cù Lao Chàm
9.Bản đồ thế giới trong tập Địa Lý học của Claudius Ptolemy năm 150 sau Công Nguyên vẽ các trung tâm thương mại trên biển thời cổ.
10.Tranh màu thế kỷ 17 vẽ cảnh Phố Hiến, Hưng Yên
11.Lá vàng hình mặt người, di chỉ Giồng Lớn, Bà Rịa-Vũng Tàu.
12.Ấm gốm hoa lam hình chim phượng, thế kỷ 17 trong tàu đắm Cù Lao Chàm.
13.Tượng cóc, gốm sứ thời Thanh, Ung Chính (1723-1735), lò gốm Đức Hóa và  Cảnh Đức Trấn trong tàu đắm Cà Mau.

RELATED ARTICLES