Đi tìm phong vị Tết xưa

05/02/2019

Trong cái rét ngọt của Hà Nội những ngày cuối đông ảm đạm, mọi người bồi hồi, xúc động nhớ lại những vẻ đẹp Tết xưa. Tôi cảm nhận được bức tranh quê ấm áp từ những ký ức nghệ sĩ ấy.

Tết trong tranh

Một chiều đông Hà Nội, tôi trở lại thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đắm mình trong không gian sang trọng của phòng trưng bày Mỹ thuật Đông Dương, tôi dừng bước thật lâu trước tác phẩm “Đi chợ Tết” của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Hình ảnh những thiếu nữ Hà Nội trẻ trung, đài các trong tà áo dài đi chợ Tết, ẩn hiện phía xa xa là những người bán cành đào Nhật Tân được họa sĩ Nguyễn Tiến Chung thể hiện thật tinh tế trên chất liệu lụa. Những thiếu nữ Hà Nội đã cuốn hút rất nhiều nét bút của các họa sĩ xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Nguyễn Tiến Chung là họa sĩ nổi bật nhất về đề tài này.

Empty

Khung cảnh chơi xuân ngày Tết ấy làm tôi chợt nhớ lại những chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm: “Cứ đến những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, tôi và họa sĩ Bùi Xuân Phái lại chia nhau đi vẽ những phiên chợ hoa Hà Nội, những phiên chợ quê đầm ấm thơm mùi nồng ngái của rơm rạ, những thảm lúa chiêm vừa cấy buông tay xanh ngát”. Rồi họ lại gặp nhau ở quán cà phê Lâm số 60 Nguyễn Hữu Huân bàn chuyện ăn Tết. Câu chuyện của họ thật giản dị, không có mục ăn, mà quanh đi quẩn lại là việc thưởng thức hương vị Tết xưa. Trong cái rét ngọt của Hà Nội những ngày cuối đông ảm đạm, mọi người bồi hồi, xúc động nhớ lại những vẻ đẹp Tết xưa. Tôi cảm nhận được bức tranh quê ấm áp từ những ký ức nghệ sĩ ấy.

Ở mỗi làng quê Việt Nam, trong những ngày cuối năm, sân đình là một khu chợ đa sắc. Cảnh đẹp nhất vẫn là mấy cụ đồ nho nằm xoài trên mảnh chiếu cũ thảo những nét đại tự mực nho đen nhánh trên giấy hồng điều. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã có nhiều tác phẩm vẽ bức thầy đồ như vậy. Và hòa sắc đỏ đen vùng vẫy đã gợi mở ý thơ Vũ Đình Liên:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua”.

Từ hành trang lang thang chợ quê ngày Tết, dãy đồ mã với hình ảnh chú ngựa, chú voi màu sắc tươi rói, tranh gà lợn của nghệ nhân làng Đông Hồ, mũ ông Công, ông Táo cánh chuồn lốm đốm… tranh con giáp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ra đời. 12 con giáp ông vẽ đủ trên giấy. Chất liệu bột màu trong tay Nguyễn Tư Nghiêm biến hóa lạ và đổi thay theo từng năm tháng: khi hiền hòa lơ đãng, khi hoạt khí tưng bừng. Điều hiển nhiên trên tranh của ông là một đời sống tạo hình được suy tư trên một vóc văn hóa dân tộc Việt, trong cảm thức sung mãn hân hoan thắp lên những kỷ niệm ước mơ, quên đi mọi vất vả, nhỡ nhàng của năm cũ.

Empty

Tết in trong ký ức

Phong vị Tết xưa không chỉ được lưu giữ trên những tác phẩm hội họa, nó còn là những ký ức in đậm trong tâm trí nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, Với ông, người Hà Nội đón Tết bằng nét riêng chốn Kinh kỳ. Sau 23 tháng Chạp tiễn Táo chầu trời, không khí đón Tết bắt đầu được nhen nhóm trong mỗi gia đình. “Chợ Đồng Xuân, Bắc Qua là nơi tưng bừng nhất để các bà, các mẹ đến tìm mua những hàng khô nấu cỗ: măng, mực khô, tôm khô được xâu thành chuỗi; cá thu ép trong nẹp tre đã được nướng qua; rồi bóng, miền, mộc nhĩ, nấm hương. Sang hơn là vây bóng yến, bào ngư, lạp xưởng Trung Hoa, trứng đen, trứng muối…”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhớ lại.

Bức sơn mài lộng lẫy vàng son

Bức sơn mài lộng lẫy vàng son "Giao thừa bên hồ Gươm"

Công sở bắt đầu nghỉ Tết, đàn ông trong nhà giữ vai trò trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên. Trang trí nhà cửa của người Hà Nội xưa thật thanh nhã, không có cây đào, cây quất um tùm nhấp nháy đèn xanh đèn đỏ, chỉ là một cành đào bích hay chậu cúc đại đóa đặt trên đôn sứ cổ.

Ai cũng thấy 30 Tết là ngày dài nhất. Bữa cơm tất niên xum họp gia đình thiêng liêng đoàn tụ, ôn chuyện cũ, ước mong điều mới mẻ, thành đạt trong năm mới. Khi chia tay, mọi người đều nói: “Sang năm chúng cháu, chúng con sẽ đến chúc Tết ông bà, cha mẹ”. Mà sang năm chỉ là ngày hôm sau, ngày mồng một Tết!

Empty
Empty

Đêm giao thừa Hà Nội là một nét riêng mà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã khắc họa thành công thức trên bức sơn mài lộng lẫy vàng son: “Giao thừa bên hồ Gươm”. Hiện diện trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm đã ghi lại cảnh sắc hân hoan chào đón năm mới bên hồ Gươm của người Hà Nội sau những năm tháng chiến tranh. Hồ Gươm, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn tự bao giờ đã trở thành điểm hẹn của người Hà Nội mỗi dịp năm mới. Trong không gian yên bình, dòng người đổ về đây đón giao thừa, lắng nghe thơ Bác Hồ, chờ đợi một năm mới hạnh phúc.

Nói như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, phải là người Hà Nội gốc mới cảm nhận được hết cái tiết xuân rất Hà Nội ngày đầu năm mới. “Không gian tĩnh lặng, thơm tho, thanh bình. Trời se lạnh, đường phố sạch trơn, một vài cặp vợ chồng trẻ đi bộ, áo quần nền nã, sang trọng. Tuyệt không nghe thấy tiếng cười nói thô tục, ồn ào. Mấy cô gái trẻ đi trên cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn dâng hương xin thẻ, tay giữ bên vạt áo cho gió hồ khỏi thổi tung bay, trong thật kiều mỵ khuê các!”. Ông Phan Cẩm Thượng cũng chia sẻ, ngày mồng một Tết ở Hà Nội rất ít người khách đến chơi, ngoài người khách được gia chủ kén chọn mời xông đất, là người sẽ mang lại may mắn cho gia chủ trong cả năm nên người xông đất gia đình phải song toàn chồng vợ, con cháu thành đạt, viên mãn.

Tết xưa, Tết nay đang về trên mọi nẻo đường, ước mơ ngàn đời của người Việt là một cái Tết thanh bình, no ấm đủ đầy. Dù của cải vật chất chưa được dư thừa, nhưng tình làng nghĩa xóm, phong tục cổ truyền được xây đắp, giữ gìn vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn người Việt.

Tuấn Anh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES