Hoa Tết - Thú chơi của những kẻ say hoài không tỉnh

15/01/2019

“Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả.” (“Vũ Trung tùy bút” - Phạm Đình Hổ)

Với những người Hà Nội trót say hoa như say men rượu nồng, chơi hoa ngày Tết không đơn thuần là “thưởng” cái hương sắc tự nhiên của hoa mà còn dùng vẻ đẹp thiên nhiên ấy để “bạch” quan điểm về nhân sinh quan, đồng thời gửi gắm những ước muốn vào một năm mới sắp đến.

Từ thức hoa “vương giả” thủy tiên

Giữa muôn hoa, thủy tiên là loài nở sớm nhất, thường vào độ tiết xuân chớm về nên được người Hà Nội lựa chọn mỗi dịp Tết đến, bên cạnh những loại cây truyền thống như đào, mai, quất… Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, thú chơi thủy tiên - loài hoa tượng trưng cho sự vương giả - của người Hà Nội đã có cách đây hàng nghìn năm. Thời đó, không chỉ xuất hiện như một loài cây cảnh trong phòng khách của nhiều gia đình, thủy tiên còn được sử dụng như một món lễ ngát hương để thờ cúng tổ tiên, hay một loài hoa được trân quý đặt tại các ngôi đình, chùa, miếu nhằm bày tỏ niềm tôn kính thần Phật. Người xưa còn quan niệm, nếu gia đình nào có một bình thủy tiên nở vào đúng thời khắc giao thừa, gia đình đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Empty

Lục lại miền ký ức của những ngày Tết xưa, ông Hữu Ngọc kể: “Xưa kia, vào dịp Tết Nguyên đán, người ta chờ những chuyến hàng có những củ thủy tiên từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc mang sang bán ở chợ Đồng Xuân. Người chuyên trồng hoa thì mua số lượng nhiều hơn, đem về ngâm ủ cho nảy mầm, mọc rễ rồi mới đem bán. Còn người chơi hoa thì mua độ vài ba củ, lựa chọn, nâng niu đem về đựng trong cái giỏ con, vun mùn trấu xung quanh, hằng ngày dùng nước tưới để giữ độ ẩm. Khi đã thấy nảy mầm thì chuyển sang chiếc cốc hoặc bát thủy tinh và bắt đầu tỉa gọt.”

Gọt tỉa thủy tiên cũng là một mỹ tục văn hóa với ý nghĩa sâu sắc và nghệ thuật cao quý đã ăn sâu vào truyền thống của người Hà Nội. Cũng là một người chơi hoa thủy tiên mỗi dịp Tết, ông Hữu Ngọc chia sẻ: “Một bình hoa thủy tiên đẹp phải đáp ứng đủ ba tiêu chí: bình hoa ngũ phúc (bình hoa gồm năm củ, trong đó có một củ gồm năm nhánh đều nhau); cành lá phương chi (lá to, dày, mượt mà, mạnh mẽ vươn thẳng lên); hoa cập thời, tề hàm vị tiếu (các nụ hoa cùng hé nở vào thời khắc giao thừa).

Empty
Empty

Trước đây, vào cái thuở thi gọt hoa thủy tiên còn là một thịnh hội, tại đình Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai hoặc đền Ngọc Sơn ở Hồ Hoàn Kiếm đều có tổ chức thi hoa. Dạo đó, cứ đúng chiều 30 Tết, hoa thủy tiên sẽ được các thí sinh mang đến nộp, chờ đến lúc giao thừa thì bắt đầu được chấm thi. Sáng mồng một Tết, bình thủy tiên đạt giải nhất được đặt lên kiệu son lọng vàng, diễu một vòng hồ Hoàn Kiếm rồi rước về nhà người thắng giải. Trước hiên nhà, các cụ mặc áo dài cùng gia đình và cả hàng phố đứng trang nghiêm với một dây pháo đỏ, hân hoan giơ tay đỡ lấy thức hoa của may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc ngày xuân.

Empty

Đến cành bích đào kể chuyện tình đế - hậu

Lật giở trang sử Việt xưa, nếu ai đem lòng ngưỡng mộ ông vua áo vải Quang Trung, ắt đã từng nghe qua về cành bích đào thay tin chiến thắng và tình yêu mà vị hoàng đế si tình này gửi từ Thăng Long về Phú Xuân để tặng vợ yêu là Ngọc Hân công chúa trong ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789).

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tích xưa về tình yêu đế - hậu, có thể chỉ là lời truyền miệng không rõ thực hư, nhưng theo nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, khi kết hợp với sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì quả thực hoa đào thời bấy giờ đã được trồng ở làng Nhật Chiêu, đến thời nhà Nguyễn đổi thành Nhật Tân, chính là làng đào Nhật Tân ngày nay.

Empty

Tự thuở đó đến giờ, trải bao nhiêu mùa xuân, hoa đào đã mê hoặc con người ta không chỉ bởi sắc hương, mà từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất Bắc, đặc biệt là vùng Kinh kỳ dịp Tết. Trưng đào ngày Tết, người Việt gửi gắm trong đó niềm ước vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng. Màu thắm của hoa đào vừa như màu máu, tượng trưng cho sự sống, vạn vật sinh sôi nảy nở; vừa là màu của sự may mắn, của dương khí mang hơi ấm mùa xuân xua đi cái lạnh mùa đông, xua đi tà khí quỷ ma.

Giải thích cho niềm tin về sức mạnh xua đuổi ma quỷ của những cánh đào mỏng manh, ông Hữu Ngọc kể: “Chuyện rằng, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc có một cây hoa đào lâu đời, to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy trú ngụ ở đây che chở cho dân khắp vùng. Nhờ vậy mà ma quỷ không dám bén mảng, chỉ nhìn thấy hoa đào là chúng bỏ chạy. Vì thế, để ma quỷ khỏi quấy phá, vào ngày Tết, dân chúng đã bẻ cành hoa đào cắm trong nhà, nhà ai không có hoa thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai thần dán trước cửa để xua ma quỷ.”

Empty
Empty
Empty

Khoan bàn đến cái sự trưng đào, chỉ nội chuyện bán và mua đào ở Nhật Tân, với những người chơi hoa, cố nhiên cũng đủ trở thành một thú vui cầu kỳ mà không kém phần thanh thuần, tao nhã. Người không say hoa thường mua vội những cành đào cuối cùng trong chiều 29, 30 Tết. Là bởi rẻ, là bởi bận rộn, là bởi đỡ mất thời giờ kỳ kèo trả giá cái thức hoa mà với họ cũng chỉ là một món cần cho đủ Tết.

Còn với những kẻ trót say đào như say men rượu, thì còn gì thi vị hơn khi được thả hồn vào không gian chỉ có hoa và đất trời, giữa bầu khí xuân lành lạnh, luồn lách qua đám đông hối hả, tận trong những vườn đào còn ngái nụ buổi chớm xuân non Tết để chọn cho kỳ được một cành đẹp nhất, ưng ý nhất.

Empty
Empty

Chọn đào tưởng dễ, ấy vậy mà cũng cầu kỳ lắm. Thân đào đẹp có thể xù xì nhưng nhất định phải khoẻ, chắc. Cành đào phải đều, lớn vừa phải, dăm đào nhỏ, vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu tới cuối dăm. Cánh hoa là cánh kép, chi chít như ước mong ngày xuân sum vầy, đến kỳ bung nở, ào ạt nhuộm thắm lòng người chơi hoa.

Điều đặc biệt ở đào Nhật Tân, cũng chính từ những cánh hoa chi chít, sum vầy ấy. Đào Nhật Tân khi hoa nở hết sẽ rụng từng cánh, từng cánh chứ không bao giờ quắt lại. Bởi vậy, những người Hà Nội sành chơi đào không chỉ chơi ba ngày Tết, nhiều người còn chơi trước Tết cả nửa tháng lẫn ra giêng, để tận hưởng cho trọn vẹn sắc bích đào từ lúc còn ủ nụ, đến khi cánh hoa cuối cùng rụng xuống thềm nhà. Và một khi đã chọn đào Nhật Tân, họ sẽ chẳng bao giờ muốn chơi bất kỳ một giống đào nào nữa.

Empty

Hoa say rồi, biết thuở nào tan hương!

Nhật Tân giờ đã lên phố. Đất trồng đào giờ cũng không còn. Nhưng nhiều người sống chết với đào Nhật Tân đã mang đào ra bờ sông Hồng rồi sống chết trồng cho kỳ được những bông hoa đào nay vẫn thắm đẹp như xưa. Thời giao thương phát triển, đào từ khắp nơi du nhập về đất Kinh kỳ: Mộc mạc, hoang dại như đào rừng Sơn La; mong manh, phớt hồng như đào phai Tam Điệp; hay diễm lệ mà vẫn phong trần như đào thất thốn… Nhưng có bao nhiêu loại đào đi nữa, có lẽ vẫn chẳng loại đào nào thay thế được sắc bích đào nồng ấm của cành đào Nhật Tân trong lòng người Hà Nội.

Hội thi thủy tiên năm nào rộn ràng đình Huyền Thiên thất truyền từ lâu, nhưng lặng lẽ đâu đó trong những góc phố nhỏ Hà Nội, những kẻ si nhan sắc thủy tiên vẫn cần mẫn gọt tỉa trong cảnh phố xá xô bồ lúc xuân về. Và có lẽ nhờ cái tình âm ỉ đó mà nhiều năm trở lại đây, từ thức hoa vương giả của nhà quyền quý thuở xưa, thủy tiên dần trở thành thú chơi phổ biến của đủ lớp người, từ bạn trẻ yêu hoa đến kẻ sĩ yêu nếp sống thanh nhàn, từ nhân viên văn phòng đến những phụ nữ ở nhà nội trợ, và tất nhiên là cả những lão niên say hoa như thiếu niên say tình.

Empty

Tiết xuân cận kề cũng là thời điểm rộn ràng nhất của những kẻ si này. Người chơi đào thì ngày ngày nhìn trăng, canh nắng, đảo cây, tuốt lá, khoanh vỏ, thúc, hãm… Người yêu thủy tiên thì từ khi chọn được củ giống ưng ý là bắt đầu những ngày tháng chăm nom như chăm con mọn: ngâm củ, 3-4 lần gọt tỉa, chờ nảy mầm đâm rễ, tạo dáng rồi mới đơm hoa… Mỗi một thay đổi nhỏ nhoi cũng khiến trái tim họ loạn nhịp, hoặc xót xa, luyến tiếc, hoặc như thể trong lòng nở hoa. Tất cả những khổ nhọc lặng lẽ đó chỉ để đổi lấy ít ngày tận hưởng sắc thủy tiên “mâm vàng chén ngọc” hòa với sắc xuân thắm đỏ của bích đào tràn trề dưới mỗi mái nhà.

Qua thời gian, qua bao thăng trầm bãi bể nương dâu, thú chơi hoa Tết vẫn chẳng đổi thay. Để rồi ở bất cứ đâu, chỉ cần nhìn thấy cành bích đào, thấy bình thủy tiên, trái tim người con Hà thành cũng sẽ ấm sực lời thầm thì: “À, Tết đang đến rồi đó, thật gần!”

Empty
Bùi Anh Tuấn
RELATED ARTICLES