“Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò xanh
Gửi về thăm bạn có tên anh trong này"
Câu ca dao thời Nam Kỳ Lục Tỉnh như kể về một hành trình tự xa xưa của con tem. Từ khi bưu cục đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động tại Sài Gòn năm 1859, tem đã là một phần không thể thiếu trong liêc lạc thư tín. Ngày xưa, tem được sử dụng để gửi thư, tuyên truyền người dân biết có sự kiện gì đã xảy ra, hay đất nước đã đạt được những gì. Đan xen là những mẫu tem về con người, động vật, thiên nhiên…
Mỗi con tem, một dấu son lịch sử
Trước đây, phương tiện giao thông, đi lại còn nhiều khó khăn, nên nhu cầu thăm viếng người thân ở phương xa của người dân trên cả nước được thay bằng hình thức thư đi tin lại, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.
Những ngày ấy, nhà nào có người thân đi xa hay họ hàng bấy lâu cách trở diệu vợi, cứ thi thoảng viết thư thăm nom nhau là điều không thể thiếu. Cho nên, trụ sở bưu điện vô hình trung là tụ điểm sinh hoạt của mọi người. Bà con đến đó để mua tem, gửi thư, thậm chí nhờ viết thư giùm. Và cũng không thể thiếu những lá thư tình được nắn nót từng chữ với những lời tha thiết yêu thương, thư đi rồi mỏi mòn chờ thư lại.
Hình ảnh mỗi con tem dán trên góc bao thư gửi đi là không thể nào thiếu. Tùy bao thư cân nặng bao nhiêu, phải mua loại tem có giá tiền tương ứng với giá cước của bao thư đó. Giá tiền mỗi con tem chính là giá cước bưu điện. Do vậy, nội dung của con tem luôn phù hợp với hoàn cảnh xã hội.
Ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu tiên, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, để thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, bưu điện Việt Nam đã được Chính phủ cho phép in đè lên 53 mẫu tem Đông Dương, tạo thành 57 mẫu tem Việt Nam để sử dụng tạm thời. Một số mẫu tem in đè với tiêu đề "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”, “Bưu chính”, “Quốc phòng”, “Cứu đói”, “Dân sinh”... là những mẫu tem bưu chính đầu tiên của chính quyền cách mạng.
Ba tháng sau khi đã ổn định mọi công việc, Bưu chính Cách mạng Việt Nam đề xuất việc in, phát hành tem mới chính thống của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) và ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), ngày 27/8/1946, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 172/SL phát hành bộ tem bưu chính đầu tiên mang quốc hiệu Việt Nam có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người có vinh dự được vẽ mẫu tem đầu tiên này là cố họa sĩ Nguyễn Sáng. Ông đã tập trung tài trí vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng yêu cầu tem thư: chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ hoạ, phù hợp với điều kiện in khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu dựng nước. Đây là bộ tem đầu tiên của Nhà nước cách mạng, ban hành trong nước và đi toàn thế giới, có ý nghĩa lịch sử gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam. Việc phát hành Bộ tem bưu chính đầu tiên mang Quốc hiệu Việt Nam đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên con đường phát triển độc lập của tem Bưu chính cách mạng Việt Nam. Những con tem này đã và sẽ mãi mãi là những “nhân chứng” lịch sử ghi nhận những thắng lợi vẻ vang của cách mạng, góp phần xác lập chủ quyền của Tổ quốc.
Không chỉ là tem, đó còn là lịch sử, văn hoá
Ngày ấy, thú chơi tem ở thế giới và Việt Nam bao giờ cũng được xem là thú chơi cao cách mà tao nhã. Thú chơi này đã thu hút, hội tụ đủ thành phần, đủ lứa tuổi. Thú chơi tem trở nên rầm rộ vào những năm 1970, 1980. Thời điểm này nhiều tỉnh, thị xã, thành phố đã có hội chơi tem, câu lạc bộ những người chơi tem; một số tạp chí đã có hẳn góc dành cho những người chơi tem, trình độ sưu tập tem. Trên thế giới cũng đã mở ra nhiều cuộc triển lãm tem, ở Việt Nam đã mỗi ngày dày thêm các bộ sưu tập tem tầm cỡ thế giới và khu vực, chứng minh cho lòng yêu cái đẹp, cảm say cái đẹp hiện hữu trên mỗi con tem của người Việt Nam.
Những giá trị văn hóa và chiều sâu văn hóa lịch sử của mỗi con tem đã cuốn hút, chinh phục, kích thích trí tò mò, lòng ham hiểu biết khám phá của biết bao người. Vẻ lấp lánh của màu sắc, lúc rực rỡ hào hoa, khi thâm trầm lắng đọng, những đường nét khi mạnh mẽ, lúc khoan thai cùng thế giới huyền diệu muôn màu của con tem dường như có lực hút diệu kỳ của thế giới vô hình để người chơi không thể rời, càng khó để dứt bỏ. Thế giới sâu xa, rộng lớn của tem đã làm nên niềm say mê thánh thiện và hữu ích.
Một nhà sưu tầm bảo, không giống như chơi xe biết xe, chơi tranh biết tranh, chơi tem có thể biết từ văn hóa, xã hội, lịch sử đất nước, bảo vật quốc gia, môi trường, thiên nhiên… Không đơn thuần tìm kiếm, làm tăng số mẫu, số bộ tem, người chơi còn phải định hướng đề tài; sắp xếp những con tem rời rạc thành từng câu chuyện; bố cục, trình bày; chú giải, thuyết minh... Chỉ với đề tài hoa hồng, có người sắp xếp được chuỗi thông tin khổng lồ từ lịch sử tiến hóa; cấu tạo, trồng trọt; giá trị đời sống; giá trị tinh thần… của hoa hồng. Vượt qua giới hạn của các mép răng tem, mỗi con tem như một tác phẩm hội họa thu nhỏ, gói ghém từ những công trình kiến trúc đồ sộ, đến những con côn trùng nhỏ bé, câu chuyện về môi trường, lịch sử, cuộc sống tự nhiên và con người… để trò chuyện, gửi tới thế hệ sau nhiều thông điệp cuộc sống. Chơi tem cũng là một cách trau dồi kiến thức cá nhân để “đọc” quá khứ cả thế giới.
Tem thư là một sứ giả không phân biệt biên giới, có tiếng nói riêng. Tem thư trở thành một tư liệu đặc biệt của mỗi dân tộc, là những dấu mốc, các sự kiện quan trọng. Con tem còn được gọi với cái tên rất thân thương “cánh tem”, những cánh chim xanh của Việt Nam - những sứ giả của văn hóa bay đi cùng trời cuối đất, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tem thư Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào quá trình khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, ngày nay, dù có nhiều phương tiện truyền thông, thông tin hiện đại nhưng những chiếc tem thư vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Con tem lại tiếp tục được nâng niu trong tình yêu của những nhà sưu tầm tem trên khắp thế giới. Con tem thực sự sống khi nó được vận hành, làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, được tung cánh đi muôn nơi. Đó có lẽ là sức sống mãnh liệt của mỗi con tem qua thời gian và không gian.