Theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về việc thay đổi giá vé tại các khu di tích được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Cụ thể tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám tăng từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng (tăng 2,3 lần); Hỏa Lò từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng, đền Ngọc Sơn từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng (tăng 1,6 lần); Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ 30.000 đồng lên 100.000 đồng (tăng 3,3 lần); Cổ Loa từ 10.000 đồng lên 30.000 đồng (tăng 3 lần); chùa Hương tăng từ 78.000 đồng lên 120.000 đồng (tăng 1,5 lần)… so với mức quy định năm 2020.
Đặc biệt, Hà Nội cũng dành ra những ưu tiên cho các đối tượng như: Trẻ em dưới 16 tuổi, người khuyết tật nặng được miễn vé vào cửa; người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên, người ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, người có công với cách mạng được giảm 50% giá vé.
Thực tế áp dụng thời gian qua cho thấy, việc tăng giá vé đã có tác động nhất định tới du khách, đặc biệt là dịp 30/4 - 1/5 đang đến gần. Tăng giá vé hầu hết di tích tạo áp lực “đồng loạt” đến các tour, tuyến du lịch; nhiều công ty du lịch lữ hành đã phải tính toán lại chi phí tour cho khách. Khách trong nước, học sinh, sinh viên, người già đã cân nhắc hơn khi vào thăm di tích vì phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ so với mặt bằng chi phí chung.
Dư luận không khỏi băn khoăn trước một số quy định ưu tiên như “người khuyết tật nặng”, “người ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa”… xác định còn chung chung, trong quá trình áp dụng sẽ dễ dẫn tới thắc mắc, tranh cãi.
Trước đó, theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội phí tham quan một lượt với mỗi khách tới Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 30.000 đồng, di tích đền Ngọc Sơn 30.000 đồng, di tích Nhà tù Hỏa Lò 30.000 đồng, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 30.000 đồng, di tích Cổ Loa 10.000 đồng, di tích chùa Hương cao nhất 78.000 đồng...
Như vậy, hầu hết phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa của Hà Nội đều tăng giá.