Các quốc gia đóng cửa biên giới, ban hành lệnh hạn chế/ cấm đi lại để đối phó với đại dịch gần như làm đóng băng ngành du lịch trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hiệp quốc - UNWTO World Tourism Barometer phiên bản cập nhật nhất, số lượng khách du lịch quốc tế giảm 98% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 1 đến tháng 5/2020, lượng du khách đã giảm hơn 50% so với năm ngoái. Điều này khiến ngành du lịch trên toàn cầu đánh mất khoảng 300 triệu khách du lịch và 320 tỷ USD - nhiều hơn gấp ba lần tổn thất trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.
Tổng thư ký UNWTO - ông Zurab Pololikashvili cho biết: "Dữ liệu mới nhất này từ báo cáo Barometer cho thấy tầm quan trọng của việc khởi động lại du lịch ngay khi thấy an toàn. Tổn thất to lớn trong ngành du lịch đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người, trong đó có cả công dân ở các nước đang phát triển.
Mọi chính phủ trên thế giới đều có trách nhiệm kép: ưu tiên sức khỏe cộng đồng và bảo vệ việc làm và doanh nghiệp. Trước thách thức chung này, họ cũng cần duy trì tinh thần hợp tác và đoàn kết như chúng tôi đã đề cập và hạn chế đơn phương đưa ra các quyết định có thể làm suy yếu niềm tin và sự tự tin mà chúng tôi đang nỗ lực xây dựng."
Trong khi du lịch đang dần được phục hồi ở một số khu vực nhất định, Chỉ số niềm tin (UNWTO Confidence Index) đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, bao gồm chỉ số đánh giá cho giai đoạn tháng 1 - 4 và triển vọng cho tháng 5 - 8 trong năm nay. Hầu hết các thành viên trong Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO dự kiến du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021.
Nhóm chuyên gia trên lo ngại sâu sắc về các lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới tại nhiều quốc gia, sự bế tắc tiếp diễn tại các thị trường du lịch lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, lo ngại về mức độ du lịch an toàn, làn sóng virus mới và nguy cơ phong tỏa mới. Hơn nữa, mối quan tâm về việc thiếu thông tin đáng tin cậy và môi trường kinh tế xấu đi cũng được cho là các yếu tố chính làm giảm niềm tin của khách du lịch.