Dưới đáy biển Maldives

18/09/2019

Gọi Maldives là thiên đường biển cũng không ngoa khi tìm mãi cũng không tìm ra một “góc chết” nào ở quốc đảo này cả. Nhờ vậy mà những cặp đôi yêu nhau rất thích được đến Maldives để tận hưởng những ngày lãng mạn bên nhau. Còn với một người thường xuyên độc hành như tôi, không chỉ tận hưởng cuộc sống nơi “thiên đường hạ giới”, tôi đến Maldives còn để khám phá thế giới dưới nước ở quốc đảo này.

Biển ở Maldives có tầm nhìn tốt, nhiệt độ nước ấm duy trì quanh năm (nhờ vào vị trí địa lý của nó) nên tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 3.500 loài sinh vật biển phát triển và sinh sống ở nơi này. Đối với những ai thích lặn biển, đây là điều kiện rất tốt để có chuyến đi lặn thú vị và thư giãn hơn. Tính ra, trong số hơn 30 chuyến đi lặn qua 5 quốc gia trong 3 năm, tôi vẫn nghĩ Maldives là nơi tuyệt nhất để lặn biển.

Hơn 30 chuyến đi lặn qua 5 quốc gia trong 3 năm, với tôi, Maldives là nơi tuyệt nhất để lặn biển

Hơn 30 chuyến đi lặn qua 5 quốc gia trong 3 năm, với tôi, Maldives là nơi tuyệt nhất để lặn biển

Lặn ngắm san hô: Thú vui nhàn hạ

Môn lặn đơn giản nhất dành cho mọi du khách là lặn ngắm san hô (snorkeling). Các khách sạn, resort ở Maldives thường cung cấp hoạt động lặn ngắm san hô này miễn phí với hai chuyến lặn mỗi ngày. Tôi đăng ký chuyến đi lặn snorkeling với resort vào buổi chiều hôm ấy, khi nắng đã dịu dần.

Các khách sạn, resort ở Maldives thường cung cấp hoạt động lặn ngắm san hô này miễn phí với hai chuyến lặn mỗi ngày

Các khách sạn, resort ở Maldives thường cung cấp hoạt động lặn ngắm san hô này miễn phí với hai chuyến lặn mỗi ngày

Chiếc thuyền nhỏ luôn đậu ở ngay lối dẫn tàu của resort đưa tôi và những vị khách khác đến điểm lặn snorkeling chỉ cách resort khoảng 10 phút đi tàu. Ở điểm lặn này chỉ sâu khoảng 5 m, mặt biển êm nên nếu bạn làm biếng bơi lội thì chỉ cần mặc áo phao, đeo mặt nạ lặn và ống thở vào, nằm lười ra mặt biển và ngắm nhìn những bụi san hô mềm đầy màu sắc đong đưa theo dòng chảy bên dưới, lấp ló trong đó là những chú cá hề Nemo nhỏ xinh. Và điều bất ngờ nhất với tôi là chú rùa biển tung tăng ở ngay gần mình một cách chậm rãi... như đúng cái tên của nó. Thông thường để gặp loài sinh vật biển này, tôi phải lặn hơi sâu một xíu chứ không dễ gì gặp ở mực nước biển thấp như này đâu.

Để gặp rùa biển cần phải lặn hơi sâu một chút

Để gặp rùa biển cần phải lặn hơi sâu một chút

Ngoài ra, bạn có thể đặt tour “Snorkeling Safari” với giá khoảng 50 USD để tàu đưa bạn đến những nơi lặn ngắm san hô đẹp hơn, nhiều loại cá hơn... Tour này sẽ kéo dài trong vòng ba tiếng, cho bạn thời gian nhiều gấp ba lần so với tour lặn miễn phí. Cũng dễ hiểu phải không, cái gì cũng có cái giá của nó mà!

Lặn bình khí ngắm một thiên đường khác

Nếu những gì bạn thấy trong khi lặn ngắm san hô chưa đủ “ép phê” thì bạn có thể thử với môn lặn bình khí (scuba diving) để có thể lặn xuống sâu hơn và ngắm nhìn những loài cá hay loài san hô sống ở độ sâu ấy.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Lặn bình khí (scuba diving) để ngắm nhìn những loài cá hay san hô

Lặn bình khí (scuba diving) để ngắm nhìn những loài cá hay san hô

Để có thể tham gia môn lặn bình khí này, bạn cần phải tham gia khoá đào tạo từ lý thuyết đến thực hành. Sau khi vượt qua các bài thi theo quy định của các tổ chức lặn quốc tế như SSI hay PADI đưa ra, bạn sẽ nhận được chứng chỉ lặn biển có giá trị sử dụng toàn cầu, mỗi cấp bậc của chứng chỉ tương đương với năng lực lặn biển và độ sâu bạn được phép lặn xuống. Ví dụ như chứng chỉ Open water cho phép tham gia những ca lặn bình thường với độ sâu tối đa là 18 m; với Adventurer, bạn sẽ được tham gia thêm những ca lặn đêm với độ sâu tối đa là 30 m... Và lưu ý, các bạn không nên lặn sâu hơn hạn mức được đào tạo vì càng xuống sâu sẽ càng đòi hỏi nhiều kỹ năng khác và có nhiều tình huống rất nguy hiểm, chẳng hạn như là bị say khí nitơ...

Sau khi vượt qua các bài thi theo quy định, bạn sẽ nhận được chứng chỉ lặn biển có giá trị sử dụng toàn cầu

Sau khi vượt qua các bài thi theo quy định, bạn sẽ nhận được chứng chỉ lặn biển có giá trị sử dụng toàn cầu

Tôi rất háo hức cho chuyến đi lặn ở Maldives này vì đã có trên tay chứng chỉ lặn biển Open Water Diver do tổ chức lặn biển quốc tế SSI cấp và cũng đã có kinh nghiệm qua nhiều ca lặn trước đó rồi. Về lý thuyết, lúc này tôi đủ “chuẩn” để có thể “ôm bình khí lao ra biển”.

Đón tôi tại cầu tàu của resort là Ruby, một cô gái người Đài Loan nhìn khá trẻ tuổi, nhưng khi hỏi đến số năm đi lặn và đi đào tạo thợ lặn của cô thì tôi chỉ biết thốt lên rằng: “Tuổi trẻ, tài cao là có thật nha!”. Sau khi trao đổi về cấp bậc chứng chỉ lặn, số ca lặn đã thực hiện, các thiết bị lặn cần thuê thêm là gì, cỡ đồ lặn (wetsuit), số kg chì cần đeo thêm là bao nhiêu, Ruby dẫn tôi ra chiếc tàu lặn đang đợi sẵn để bắt đầu hành trình. Trong thời gian di chuyển, Ruby lấy tấm bảng trắng và vẽ lên ấy kế hoạch cho hai ca lặn, bao gồm thông tin về địa hình điểm lặn, dòng chảy, độ sâu, thời gian dự kiến của ca lặn và những loại cá có thể gặp được ở điểm lặn đó. Tùy vào địa điểm nơi bạn lưu trú, dòng chảy bên dưới ở khu vực đó, Ruby sẽ quyết định điểm lặn nào cho phù hợp. Những ngày ở Maldives, tôi ở trên đảo Meemu nên Ruby chọn điểm lặn ở quanh đảo Muli, nơi chỉ cách resort chúng tôi khoảng 45 phút trên tàu.

Dưới đáy biển Maldives

Dưới đáy biển Maldives

Đến điểm lặn, khi mọi thiết bị phụ trợ đã được kiểm tra kỹ và tôi sẵn sàng cho ca lặn, theo dấu hiệu của Ruby, tôi nhảy xuống biển và ra dấu “OK” và bắt đầu lặn sâu xuống dưới. Càng xuống sâu càng thấy hệ sinh thái biển của Maldives đẹp tuyệt vời. Những rạn san hô dần lộ diện với nhiều hình dáng, kích cỡ đa dạng hơn và những đàn cá lớn - bé đầy màu sắc như cá nhồng, cá mó… hiện ra trước mắt. Đang mải bơi lội và nhìn ngắm một thế giới hoàn toàn khác ở dưới biển Maldives thì Ruby ra dấu hiệu có đàn cá mập xám ở phía xa xa kia, rồi chỉ cho tôi thấy đàn cá đuối Manta Ray… Những loại cá này gần như không thấy được nếu chỉ đi lặn ở Việt Nam. Không chỉ thế, đặc trưng của Maldives là các dòng chảy bên dưới khá mạnh nên đem đến cho chuyến lặn của tôi nhiều loại cá khác mà tôi chưa bao giờ gặp ở nơi khác. Tôi cụp ba ngón tay giữa lại tạo hình như chữ “W”, lắc tay liên tục về phía Ruby để truyền tải thông điệp: “Đẹp quá, Ruby ơi!” kèm với sự hào hứng, phấn khích khi ngắm nhìn những gì đang bày ra trước mắt.

Càng xuống sâu càng thấy hệ sinh thái biển của Maldives đẹp tuyệt vời

Càng xuống sâu càng thấy hệ sinh thái biển của Maldives đẹp tuyệt vời

Ánh nắng chiếu xuyên qua từng lớp nước biển làm cho cảnh quan đáy biển lung linh và ảo diệu hơn. Không có một chiếc camera nào có thể ghi hình tốt bằng đôi mắt của con người. Càng lặn xuống sâu, các vật thể dưới đó sẽ bị mất màu dần theo dải màu từ đỏ, đến cam, vàng… nên khi bạn muốn ghi hình ở dưới biển, bạn cần phải gắn thêm phụ kiện bù màu như kính lọc sắc đỏ, đèn chiếu sáng… Đây cũng là lý do mà khi những hình ảnh bạn thu được thường có màu sắc xanh xanh, nhờ nhờ chứ không đẹp như những gì bạn thấy bằng mắt trong suốt ca lặn.

Vĩ thanh

Sau mỗi ca lặn, tôi với Ruby có ngồi lại nói chuyện với nhau nhưng tôi vẫn không thể ngừng cảm thán vùng biển nơi này đẹp quá, kể về những loại cá gì tôi đã gặp hoặc mô tả hình dáng chúng để Ruby cho tôi biết đó là loại cá nào. Ruby cho biết, cô chỉ tranh thủ kỳ nghỉ hè của mình để tới Maldives đào tạo cho những ai yêu thích lặn bình khí hoặc dẫn đoàn khám phá biển Maldives. Hết hè, Ruby lại trở về Đài Loan để tiếp tục đi học. Nghe xong tôi mới “vỡ” ra, sao lâu nay tôi không ráng rèn luyện để trở thành huấn luyện viên dạy lặn (Dive Instructor), để có thể sống cuộc sống như Ruby, vừa làm điều mình thích lại vừa... có tiền. Cũng đáng để suy nghĩ và đầu tư đấy chứ!

Maldives không chỉ là thiên đường hạ giới trên đảo mà còn là thiên đường của thế giới dưới mặt nước

Maldives không chỉ là thiên đường hạ giới trên đảo mà còn là thiên đường của thế giới dưới mặt nước

Những ngày ở Maldives đã cho tôi thấy, Maldives không chỉ là thiên đường hạ giới trên đảo mà còn là thiên đường của thế giới dưới mặt nước. Thiên nhiên không mang lại cho Maldives những cảnh núi rừng hùng vĩ nhưng lại mang đến cho Maldives quá nhiều điều tuyệt vời cho hệ sinh thái biển. Một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại Maldives, hy vọng là sẽ có người yêu để đi cùng!

Thông tin thêm:

Visa: Với hộ chiếu Việt Nam, bạn không phải xin visa để nhập cảnh vào Maldives, chỉ cần chuẩn bị các thông tin chuyến bay về, booking khách sạn và điền Arrival Form khi đến sân bay là xong.

Hành trình: Từ Việt Nam, bạn cần phải bay ít nhất hai chặng bay để đến với Maldives. Những sân bay quá cảnh mà du khách Việt thường bay qua là sân bay Singapore (Singapore), sân bay Kuala Lumpur (Malaysia), sân bay Don Muang, Suvarnabhumi (Thái Lan)…

Thời điểm: Có thể nói biển Maldives có tầm nhìn tốt quanh năm nhưng đẹp nhất là khoảng tháng 12 đến tháng 5 năm sau, lúc này đang là mùa khô, đi lại sẽ dễ hơn. Riêng tháng 5 là thời gian mà bạn có cơ hội cao nhất để gặp cá đuối Manta Ray, thậm chí là cá mập Whale Shark. Từ tháng 5 đến tháng 9, Maldives có mưa gió thất thường nên có thể gây ảnh hưởng nhiều đến kỳ nghỉ của bạn.

Biển Maldives đẹp nhất là khoảng tháng 12 đến tháng 5 năm sau

Biển Maldives đẹp nhất là khoảng tháng 12 đến tháng 5 năm sau

Phương tiện di chuyển: Tùy vào khoảng cách giữa sân bay và nơi bạn lưu trú, bạn có thể di chuyển từ sân bay đến nơi lưu trú bằng tàu cao tốc, thủy phi cơ hoặc phà….

Ẩm thực: Đồ ăn ở Maldives bị ảnh hưởng nhiều bởi ẩm thực Ấn Độ với mùi vị khá đặc trưng. Đa số các khách sạn, resorts đều cung cấp đa dạng ẩm thực, buffet để bạn thoải mái lựa chọn.

Tiền tệ: Maldives sử dụng đồng Ruffiya, có tỷ lệ chuyển đổi 1 Ruffiya tương đương 1.500 đồng. Tuy nhiên, với khách du lịch, họ thường trao đổi bằng đồng USD luôn.

Trang phục phù hợp: Đi biển nghỉ dưỡng nên cứ mặc những gì làm bạn thấy thoải mái nhất.

Các điểm lặn đẹp nhất: Theo đánh giá của tổ chức Lặn biển Quốc tế PADI, Maldives có 5 điểm lặn đẹp nên trải nghiệm:

⁃ Fotteyo Kandu (đảo Vaavu) không chỉ có san hô và cá mà còn có nhiều hang động có thể lặn xuyên qua để tăng thêm phần thú vị cho chuyến lặn biển. Loài cá tập trung ở đây nhiều là cá mập, cá ngừ, cá nhồng.

⁃ Kuredu Express (đảo Lhaviyani) có nhiều độ sâu khác nhau, tập trung các loại cá như là cá mập, cá đuối, cá ngừ, cá nhồng. Cá đuối Mantas thường xuyên lượn lờ nơi này thành đàn khá là đẹp mắt

Đáy biển Maldives

Đáy biển Maldives

⁃ Okobe Thila (đảo Bắc Male) thường có những dòng nước chảy, xoắn ốc nên nếu không để ý bạn sẽ dễ bị bơi quanh khu này theo dòng chảy. Các loại cá dễ gặp ở đây là cá ngừ, cá mập trắng và cá cờ.

⁃ Kandooma Thila (đảo Nam Male) nổi tiếng với những bức tường đá được những san hô mềm bao phủ. Có rất nhiều cá sòng ở đây. Ngoài ra, bạn còn dễ gặp thêm cá mập xám, cá mập trắng và cá đuối. Ở tầng cao hơn, bạn có thể gặp rùa biển.

⁃ Broken Rock (đảo Nam Ari) có điểm nhấn là vách đá chia đôi rạn san hô. Khi lặn ở đây, bạn có thể ngắm nghía những bụi san hô lớn, những con cá bàng chài, rùa, cá đuối…

Chi phí cho chuyến đi: Vé máy bay từ Việt Nam tới Maldivé khoảng 8.000.000 đồng/vé khứ hồi. Chi phí ở sẽ hơi mắc nếu bạn chọn những khách sạn, resort xinh đẹp (giá trung bình khoảng 2.500.000 đồng/đêm).

Lê Vinh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES