Ghé lăng Đồng Khánh sau thời gian dài đóng cửa trùng tu

08/02/2022

Ngày 30/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông báo mở cửa lại khu lăng tẩm của đức Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế Nguyễn triều niên hiệu Đồng Khánh, sau thời gian dài trùng tu. Đây là khu lăng tẩm với lối kiến trúc giao thoa Á - Âu độc đáo, từng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

lăng đồng khánh được xây cất qua hai đầu thế kỷ

Lăng Đồng Khánh là một di tích trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, cũng là lăng tẩm vị vua thứ 9 của triều nhà Nguyễn. Nằm giữa hai lăng Thiệu Trị và Tự Đức, lăng Đồng Khánh thuộc địa phận làng Cư Sĩ, tổng Dương Xuân, ngày nay là thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Ngày 11 tháng 12 năm 1993, lăng vua Đồng Khánh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Khu vực lăng Đồng Khánh - Ảnh: Internet

Khu vực lăng Đồng Khánh - Ảnh: Internet

Ban đầu, khu lăng tẩm này chỉ có Ðiện Truy Tư do vua Đồng Khánh chỉ định Bộ Công khởi công vào tháng 2 năm 1888, làm điện thờ phụ thân là Kiên Thái Vương. Trong khi công việc kiến trúc đang dở dang, vua đột ngột mắc bệnh qua đời. Vua Thành Thái (1889-1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm quy củ cho tiên đế Đồng Khánh, đành lấy điện Truy Tư đổi thành điện Ngưng Hy để làm điện thờ, còn khu lăng mộ thì sơ sài. Từ đó, khu lăng tẩm được dâng tên chữ là Tư Lăng, cùng lúc với việc dâng thuỵ hiệu, miếu hiệu cho vua Đồng Khánh.

Tháng 8 năm 1916, vua Khải Ðịnh vừa lên ngôi đã cho tu sửa điện thờ và xây cất lăng mộ cho cha mình hoàn chỉnh hơn. Toàn bộ khu lăng mộ từ Bái Ðình, Bi Ðình đến Bửu Thành đều được tái kiến thiết trong thời gian này, đến tháng 7 năm 1917 mới hoàn thành. Riêng điện Ngưng Hy cùng Tả, Hữu Tùng Viện; Tả, Hữu Tùng Tự tiếp tục được tu sửa cho đến năm 1923.

Quá trình xây cất lăng Đồng Khánh trải qua hai đầu thế kỷ, kéo dài 35 năm và dưới 4 đời vua khác nhau mới hoàn thành.

quần thể kiến trúc cổ kim hoà hợp trong lăng đồng khánh

Nếu lăng Tự Đức mang phong cách truyền thống, lăng Khải Định sau này thể hiện rõ phong cách Tây phương hiện đại thì lăng Đồng Khánh lại mang dấu ấn giao thoa kiến trúc của cả hai thời đại.

Toàn bộ khu lăng Đồng Khánh tẩm có bố cục phân chia trục tẩm và trục lăng riêng biệt như Xương Lăng, Khiêm Lăng, Bồi Lăng, An Lăng,… Khi tu sửa, vua Khải Định cho làm mỗi khu vực như vậy theo một phong cách riêng biệt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trục tẩm

Do được tu sửa lại từ nền tảng kiến trúc truyền thống cũ, nên khu vực tẩm điện của lăng Đồng Khánh chỉ mở rộng và trang hoàng thêm ở nội và ngoại thất. Hầu hết các công trình ở đây vẫn mang lối kiến trúc trùng thiềm - điệp ốc đặc thù của nhà Nguyễn.

Không gian bên trong điện Ngưng Hy được hợp thành bởi ba tòa nhà nối thông sang hai phối viện ở hậu viên, tạo nên một tổ hợp kiến trúc gỗ rộng lớn. Phần trang trí được áp dụng tối đa tinh hoa nghệ thuật sơn mài, sơn son thếp vàng; khiến ngôi điện không còn cảm giác như điện thờ mà lộng lẫy hoành tráng như các cung điện chính trong Nội. Ngoài các trang trí tứ linh - tứ quý, trong điện Ngưng Hy cũng có 24 bản vẽ các bức tranh của điển tích “Nhị thập tứ hiếu”, thể hiện lòng hiếu thảo của Khải Định với Đồng Khánh.

Hàng kính màu như thánh đường phương Tây ở Tiền Doanh điện trong lăng Đồng Khánh - Ảnh: barolaw

Hàng kính màu như thánh đường phương Tây ở Tiền Doanh điện trong lăng Đồng Khánh - Ảnh: barolaw

Phần ngoại thất khu điện thờ có điểm nhấn là những bức phù điêu bằng đất nung trên các cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết; cùng với nhiều đồ án trang trí dân dã như ngư ông đắc lợi, gà chọi, cầm - kỳ - thi - tửu, hoa quả, động vật...

Tuy nhiên, việc xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu tại hàng cửa ở Tiền Doanh điện, hai bức tranh miêu tả cuộc chiến tranh Pháp - Phổ thời Napoleon, cùng một số hiện vật khác đã nói lên ảnh hưởng của văn hóa Tây Âu trong lối kiến trúc ở đây.

Trục lăng

Dưới triều Thành Thái, trục lăng không thể tu sửa trịnh trọng, nên sau này vua Khải Định lên ngôi đã cho kiến thiết, sáng tạo thêm nhiều ở khu vực này.

Bi đình trong trục lăng của lăng Đồng Khánh - Ảnh: myjourneyoftheworld

Bi đình trong trục lăng của lăng Đồng Khánh - Ảnh: myjourneyoftheworld

Cấu trúc chung khu lăng Đồng Khánh không khác mấy với các lăng khác: quay về hướng Đông - Đông Nam, lấy núi Thiên Thai làm tiền án; sân Bái đình có hàng tượng quan quân chầu, Trụ biểu, Bi đình, Bửu thành theo truyền thống. Nhưng từ kiến trúc, trang trí đến vật liệu xây dựng hầu như đều được “Âu hoá”: tượng quan viên cao gầy bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, ngói ardoise thay cho hoàng liên. Đặc biệt, Bi đình (nơi dựng bia đá) có lối kiến trúc Tân cổ điển Tây phương pha trộn phong cách Á Đông truyền thống.

Sự kết hợp của tỷ lệ phương Tây với lối xây cất truyền thống ở lăng Đồng Khánh đã mở đầu cho phong cách kiến trúc cung đình Tây - Việt dung hòa, đặc trưng ở phong cách Khải Định sau này.

Thông tin thêm

Thời gian mở cửa: 7h30 - 17h30 các ngày từ thứ Hai đến Chủ nhật

Giá vé: 50.000 VND/lượt/người lớn, miễn phí đối với trẻ em từ 7-12 tuổi

An tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES