Sa Mạc Sahara - Hành Trình Của Những Dấu Chấm Than

25/03/2019

"Bài viết này là một câu chuyện có phần “dài hơi” nhưng đủ để lưu lại những ký ức của tôi về chuyến đi vào sa mạc Sahara, vì tôi biết nếu không viết bây giờ, những ký ức này sẽ sớm phai màu như cách cát bị gió cuốn đi".

thế giới quả thực quá rộng lớn

Tôi đã đến những miền cực Bắc thế giới, với tuyết phủ hay cực quang. Cũng từng đến những thành phố cổ kính để ngắm nhìn các tác phẩm của thời gian. Tôi thường nghĩ rằng những chuyến đi ấy đã khiến tôi “ồ, à” đủ nhiều. Tầm mắt đã được khai phóng tối đa. Nhưng chỉ đến khi dấn bước chân vào Châu Phi tại Morocco, tôi mới chợt thấy rằng thế giới hãy còn rộng lắm, và còn nhiều dấu chấm than ngoài kia đang chờ đợi.

Chân dung Travel Blogger Lý Thành Cơ. Độc giả có thể đọc thêm nhiều bài viết thú vị khác của anh tại: https://lythanhco.com/

Chân dung Travel Blogger Lý Thành Cơ. Độc giả có thể đọc thêm nhiều bài viết thú vị khác của anh tại: https://lythanhco.com/

Với hành trình sa mạc này, vì không biết lái xe hơi nên tôi buộc lòng thuê một tour xa mạc ghép đoàn trên xe van 16 chỗ. Có vẻ đây là hình thức để khám phá sa mạc phổ biến. Khi ở chợ trung tâm Marrakech, vô số các chuyến xe đã đến tấp nập lúc 7h30 sáng để đón khách, cùng đi một lộ trình. Trong đoàn của mình chỉ có tôi và bạn đồng hành là người Châu Á, còn lại đều từ Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ. Và đúng giờ xuất phát, đoàn người bắt đầu đi trong buổi sáng tinh mơ rời khỏi Marrakech.

Những Khúc Cua Xuyên Dãy Núi Atlas và Ván Bài Uno Ban Trưa

Chuyến đi từ Marrakech bắt đầu từ buổi bình minh chỉ dừng một lần ở ngoại ô thành phố để cả đoàn ăn sáng nhanh gọn. Sau đó, chiếc xe lại tiếp tục thong dong với vận tốc 70km/h.

Đoàn xe chật kín đôi lúc lảo đảo đổ đồ từ trên ngăn đựng hành lý vì những con đường khúc khuỷu khi vào sâu trong dãy núi Atlas qua con đường Tizi Ntichka. Nhóm người Mỹ cứ bảo nhau “cậu phải luôn giữ cho cơ thể không được mất nước” và cứ 15 phút lại cầm chai nước lên tu ừng ực. Mỗi người trữ hai chai, một cầm tay và một để ở phía trên. Nên hành lý rơi rớt đa số đều là những chai nước. Sau một giờ đồng hồ với những khúc cua gắt gỏng như ánh nắng ngoài cửa sổ. Nhóm nọ, gồm 2 nam 2 nữ, mới cầm luôn cả hai chai nước bên mình để không rơi vào đầu.

“Mấy đứa nhóc đó khờ quá đi mất!” – tôi nói với chị K, bạn đồng hành của mình. Sau một tuần ở Tây Ban Nha chỉ đi một mình, thật vui khi có thể ngồi phán xét người khác bằng tiếng Việt cùng với chị Kim. Chị Kim cũng cười khúc khích đồng tình. Chị bị tiền đình nên ngồi trên xe lắc lư thế này quả là không dễ dàng. Ngay cả với người khoẻ như tôi cũng đôi lúc buồn nôn với những lần xe đi vào ổ gà hay đá tảng nằm giữa mặt đường đầy cát.

sa-macca3c-sahara-hacc80nh-tricc80nh-cucc89a-nhucc9bcc83ng-dacc82cc81u-chacc82cc81m-thang-phacc82cc80n-1-1

Dừng ở một khúc cua trên đường Tizi Ntichka, nơi nhìn thấy dãy núi Atlas và những đoạn đường quanh co bên dưới, nơi tôi và chị Kim đã trải những đợt sóng sánh như thể đi trên tàu. Nhưng quang cảnh tại điểm dừng lại ngoạn mục đến lạ kỳ. Trời nắng đã gắt hơn so với lúc ở Marrakech, nhưng tôi vẫn phải mặc áo khoác dầy cộm khi ra khỏi xe vì nhiệt độ không quá cao vào mùa đông tại Morocco, lẫn những cơn gió cứ chốc chốc lại bị rặng núi Atlas thổi ngược lại xuống dưới đường.

Chiếc xe tiếp tục đoạn đường của mình. Sớm dừng lại sau 45 phút.

Một anh chàng râu quai nón, đội khăn trùm màu xanh cobalt điểm xuyết hoa văn trắng tiệp màu với bộ Djellaba anh đang mặc trên người, chỉ duy nhất đôi dép xỏ ngón làm cho độ tươm tất của anh giảm đi vài điểm.

“Chào mừng mọi người đã đến Kasbah Ait Ben Haddou, tôi là Brahim, là người sẽ hướng dẫn nhóm chúng ta tham quan tại khu vực này.”

Rốt cuộc cũng có một người hướng dẫn viên. Có lẽ do không đọc quá kỹ thông tin về tour nên tôi luôn thắc mắc vì sao chỉ có một bác tài xế trung niên đi theo, không có bóng dáng của người khác. Các đoạn dừng xe đều diễn ra như diễn tập. Mọi người trong nhóm đi xuống với vẻ khó hiểu như nhau. Hai anh chàng Israel ngồi cạnh bác tài xế có nhiệm vụ truyền đạt lại cho cả nhóm xe sẽ dừng bao nhiêu phút. Tuyệt nhiên, bác tài xế không cung cấp thông tin nào thêm về điểm dừng của mình.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhưng ít nhất, ở Kasbah Ait Ben Haddou, cả nhóm đã có Brahim hướng dẫn. Tôi hy vọng sẽ nghe được những câu chuyện hay về nơi này.

sa-macca3c-sahara-hacc80nh-tricc80nh-cucc89a-nhucc9bcc83ng-dacc82cc81u-chacc82cc81m-thang-phacc82cc80n-1-2

Xe đậu ở khá xa khối kiến trúc bằng đất đá, cả khối kiến trúc này tạo thành một toà thành vững chắc giữa hoang mạc. Một dòng suối nhỏ chảy ngang qua. Lúc này có một đám đông cùng những chiếc xe van trắng đang tụ tập cạnh dòng sông, nơi có một cổng đá. Hơn một tá chú ngựa đang được vây lại. Vài người cưỡi ngựa, còn vài người đứng bên dưới. Tất cả đều mặc trang phục truyền thống.

“Mọi người khoan đi qua đã, họ đang quay phim.” – Brahim hô to cho cả nhóm. Tôi không tránh khỏi ánh mắt tò mò, giơ máy hình lên, tôi zoom thật cận để xem họ đang làm gì. Rõ ràng không phải những người địa phương, vì có những người cầm vũ khí, hy vọng là giả đang di chuyển theo sự hướng dẫn của một người có vẻ là đạo diễn hoặc trợ lý của ông. Nhìn xung quanh mình, những người chung xe cũng đang tỏ vẻ hiếu kỳ tương tự. “Mình chẳng biết tên ai trong nhóm này cả, ít nhất là chưa.” – vì tôi chắc chắn đến lúc dùng bữa trưa sẽ là lúc mọi người bắt đầu giao lưu cùng nhau.

Sau khi đoàn phim, theo nghe loáng thoáng đến Brazil, rời đi, cả nhóm mới bắt đầu vào sâu bên trong khối kiến trúc kỳ vĩ mà nãy giờ chỉ dám đưa mắt ngắm nhìn từ xa.

Vừa đi, Brahim vừa giải thích về toà kiến trúc khổng lồ bằng đất.

Empty

Ksar, có nghĩa lâu đài, là tên gọi của một cụm các tòa nhà bằng đất được bao quanh bởi những bức tường cao, đây là hình thức nhà ở và dân cư tiền Sahara, lúc sa mạc này chưa xâm lấn tới tận đây. Ksar dù mang nghĩ là lâu đài trong tiếng Berber nhưng thực tế chỉ có kích thước của một ngôi làng nhỏ.

Những ngôi nhà chen chúc nhau trong các bức tường dùng cho mục đích phòng thủ, được củng cố bởi các tháp góc. Ait Ben Haddou, ở tỉnh Ouarzazate, là một ví dụ nổi bật về kiến trúc của miền nam Morocco. Bên trong những bức tường, nhiều ngôi nhà chen chúc nhau – đa phần đều có kích thước khiêm tốn, nhưng điểm chung đều có phần trên được trang trí bằng các họa tiết bằng gạch đất sét.

Empty

Brahim không quên nói về việc nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới nhờ vào kiến trúc. Anh tự hào khoe về những bộ phim đã từng được quay, có những bộ phim tôi từng xem nhưng không hề nhận ra cho đến bây giờ.

Empty

Chỉ mất 10 phút để đi đến điểm cao nhất của Ait Ben Haddou. Quang cảnh xung quanh không thể gọi là choáng ngợp vì sự hùng vỹ, nhưng lại khiến người ta lịm đi dôi chút vì sự hoang hoải của sa mạc, độ bao la của đất cát chạy đến chân trời, chỉ chạy đến khi đụng phải dãy Atlas sáng nay vừa đi qua.

Trước khi rời khỏi thành phố của đất, mọi người dừng chân ở bên vệ đường để mỗi người trang bị một chiếc khăn cotton trùm đầu. Vốn quen với nhiệt độ đỏ lửa ở Việt Nam, thời tiết 30 độ ở Morocco hiện tại chẳng thấm tháp là mấy. Chị Kim và tôi chẳng bận tâm, đi nhanh chân đến ngồi ở nhà hàng bên kia đường vì bụng chẳng có gì ngoài miếng bánh mỳ khobz bỏ bụng cùng với ly cà phê sữa nóng.

Nhà hàng được trang trí với hoa văn sặc sỡ, thoạt nhìn cứ ngỡ là một riad ở giữa sa mạc. Màu sắc nở bung như hoa cỏ mùa xuân, trên từng bức tường là những miếng gạch ghép lại với nhau tạo thành bức bích hoạ mosaic với sự lặp đi lặp lại. Nhưng cảm giác thiếu sự tinh tế thường thấy ở các riad trong Marrakech. Nhưng hồ bơi ở bên trong nhà hàng lại khiến người khách đến thăm thêm cảm tình vì nhìn mãi hoang mạc ngoài kia, màu xanh ngọc của nước dưới ánh nắng Sahara thật mướt mà.

Photo: Unsplash

Photo: Unsplash

Phải hơn mười lăm phút sau, nhóm bạn chung xe van mới xuất hiện tại quán ăn. Bản thân đang đói meo ra nên chẳng quan tâm ai đang ngồi xung quanh chung bàn, chỉ vội lấy menu để gọi món. Một combo thịt xiên nướng và salad Maroc, tôi thèm rau quá đỗi. Chị Kim gọi một phần đồ nướng tổng hợp thêm súp bí đỏ. Tôi mừng thầm vì thích súp bí đỏ lắm, sẽ được ăn ké cùng chị. Nhưng cả hai nào ngờ đó là một quyết định sai lầm.

Rời mắt khỏi thực đơn trưa, tôi mới nhận ra bên cạnh mình là cặp đôi đến từ Colombia, cô nàng nhỏ nhắn cỡ một mét rưỡi, còn anh chàng đầu trọc có cơ thể tráng kiện, lộ rõ hơn thành quả tập luyện nhờ mặc chiếc áo trắng tay dài ôm sát người. Phía đối diện là gia đình người Bỉ, hai vợ chồng cùng hai đứa con gái nhưng cao hơn cả tôi, đặc điểm nhận diện tốt nhất chính là màu tóc vàng ngả màu cam, và tóc đều xoăn tít lên.

Sau những câu hỏi kiểu như “bạn từ đâu đến”, “lần đầu đến Morocco à?”, “bạn ở đây mấy ngày?” thì cả bàn đã không còn gì để nói nữa. Tôi quay qua nói chuyện với chị Kim bằng tiếng Việt. Cặp Colombia bắt đầu cuộc hội thoại bằng tiếng Tây Ban Nha. Gia đình người Bỉ đến từ Bruges nên nói với nhau bằng tiếng Đức. Điều hay của việc du lịch cùng một người Việt nằm ở việc có thể có những cuộc hội thoại công khai nhưng vẫn rất riêng tư bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

“Mọi người chơi cùng không?” – tiếng của người mẹ trong gia đình người Bỉ nói, trên tay đang xào xấp bài Uno. Tôi quên ngay cuộc trò chuyện với chị Kỳ và nhoẻn một nụ cười không gượng gạo. Boardgame là thứ tôi thích nhất trên đời. Đặc biệt là Uno, vì thứ kỷ niệm ngọt ngào.

Cách đây 2 năm, khi đi đám cưới của một cô bạn tên Thiên Anh học cấp ba, cả nhóm tổ 4 từng chơi rất thân với nhau được dịp gặp lại sau khá nhiều năm chẳng ai nhìn mặt ai. Nếu có cũng chỉ đi gặp nhau nhỏ lẻ, họp lớp cũng không ai buồn nhắc tới đã lâu. Sau buổi tiệc linh đình ở một nhà hàng tiệc cưới trong quận 3, Nhưng chỉ khi đám cưới xong, mọi người bảo nhau ra quán cà phê gần đó ngồi tâm sự chút. Ngồi chán, cũng kiểu không còn gì để nói. Một đứa trong nhóm móc bộ bài Uno ra và chơi. Chơi đến 12 giờ khuya. Kể từ đó, cứ độ hai tuần lại gặp nhau. Mọi thứ hàn gắn lại như thuở cấp ba chưa bao giờ rời bước.Và tôi hí hửng chơi. Thật kỳ lạ khi cuộc trò chuyện cởi mở hơn, và lúc này tôi cũng biết tên của mỗi người trên bàn. Một dấu hiệu cho chuyến đi trước mắt vào sa mạc, hãy còn nhiều cảnh đẹp, và còn những người bạn cùng chuyến xe để ta kết nối.

Ván Uno kéo dài được 15 phút thì dừng nhưng cho tôi thấy, chỉ cần ta tìm được một điểm chung nào đó, một câu chuyện mới sẽ bắt đầu.

THÔNG TIN THÊM:

- Công việc hiện tại: Copywriter và quản lý Lý Thành Cơ Travel Blog.

- Năm 2018: Đi qua 14 quốc gia châu Âu và 2 quốc gia châu Á; ra mắt cuốn sách “Tuổi trẻ trong ví, bạn mua được gì?”

- Kế hoạch 2019: Ra mắt cuốn sách du ký thứ 2 về hành trình Bắc Âu, Tây Âu, Nhật Bản; và tiếp tục khám phá Châu Phi.

- Website: https://lythanhco.com/

- Facebook Page: https://www.facebook.com/venturology/

img_0163-1106

Tại Travel Fest 2019 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, anh là một trong những khách mời đặc biệt của talkshow chia sẻ kinh nghiệm về các loại hình du lịch. Anh cũng chính là một trong "7 travel blogger ấn tượng của năm 2018" mà Travellive đã từng giới thiệu tới độc giả.

Sau mỗi chuyến đi, Lý Thành Cơ luôn cảm thấy bản thân học được nhiều kiến thức mới, thỏa mãn sự tò mò về thế giới xung quanh và đó cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tạo cho công việc viết lách của anh hiện tại.

Lý Thành Cơ
RELATED ARTICLES