Giữa ốc đảo Siwa, đêm ngủ lều sa mạc

19/04/2018

Sau câu chuyện mang sắc màu huyền thoại về người đánh cá trên dòng sông Li (Trung Quốc), lần này travel blogger Tâm Bùi đã trở lại bằng hành trình đến xứ sở của các Pharaoh với trải nghiệm đáng nhớ giữa sa mạc cô đơn Siwa, “lãnh địa” của người Berber ở Ai Cập.

Trong hành trình 21 ngày ở Ai Cập, chúng tôi dành ra ba ngày để thám hiểm ốc đảo Siwa. Để đến ốc đảo, hầu như chỉ có một phương tiện là xe buýt, mất hơn 11 tiếng cho quãng đường gần 600km từ thủ đô Cairo.

Ảnh: Tâm Bùi

Ốc đảo trên sa mạc rất giống như một hòn đảo giữa biển khơi, tách biệt với cuộc sống hiện đại nơi đất liền. Ngày xưa, để băng qua sa mạc, người ta phải đi thành từng đoàn, mang theo thật nhiều lương thực, nước uống. Các thành viên phải một mực nghe theo lời “thuyền trưởng”, vì một khi đã ra sa mạc, bất tuân lệnh có thể dẫn đến cái chết do những sai lầm ngớ ngẩn của bản thân. Đôi khi, đoàn lữ hành không may gặp những phiến quân, bị cướp bóc hoặc tệ hơn là mất mạng. Còn nay thì chỉ cần mua một vé xe buýt là đến nơi.

Ảnh: Tâm Bùi

Siwa giáp với Lybia về phía Tây và phía Bắc là Địa Trung Hải. Đến nơi cũng là lúc trời vừa tờ mờ sáng. Chúng tôi thuê một bác xe thồ chở cả nhóm về khách sạn, đánh một giấc đã đời sau chuyến xe dài và uể oải. Bắt đầu dậy từ trưa, ăn uống rồi lao ngay ra đường với chiếc máy ảnh trước ngực.

Ráng chiều nhuốm vàng pháo đài cổ 700 năm tuổi

Ảnh: Tâm Bùi

Chúng tôi leo lên đỉnh cao nhất của pháo đài Shali (Shali Fortress) để chiêm ngưỡng toàn cảnh ốc đảo lúc hoàng hôn. Ốc đảo được bao quanh bởi tầng tầng lớp lớp cây chà là. Trên ốc đảo này, đi đâu tôi cũng có thể bắt gặp trái chà là chín rụng đầy trên đường. Chà là trông giống cây cọ nhưng lá mảnh hơn. Trái mọc thành buồng như cau, nhưng trái nhỏ hơn trái cau. Khi chín màu sậm lại, tươm ra nhiều đường và thịt nhiều bột. Chúng tôi ngày nào cũng nhặt chà là rụng trước cửa phòng khách sạn để ăn một cách thích thú.

Ảnh: Tâm Bùi

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ảnh: Tâm Bùi

Ảnh: Tâm Bùi

Nơi được ví như hòn ngọc của Siwa có lẽ không du khách nào muốn bỏ qua khi đến ốc đảo, đó là pháo đài cổ Shali (Shali Fortress). Pháo đài được xây dựng vào thế kỉ 13 bằng hỗn hợp muối từ một hồ nước gần Siwa, đá và đất sét. Vì sa mạc gần như không có mưa nên hỗn hợp vật liệu này mới có thể tồn tại bền vững qua thời gian. Chúng tôi phải mất gần 20 phút để leo từ dưới lên đỉnh pháo đài. Nhưng để có góc nhìn đẹp nhất, chúng tôi còn phải leo lên ngọn đồi cách đó khoảng 2km. Buổi chiều, thành quách cũ kỹ ngập trong ánh nắng nhuộm vàng. Lác đác có vài hộ gia đình dùng một phần của thành làm nhà ở hoặc làm nơi bán quà lưu niệm cho du khách.

Ảnh: Tâm Bùi

Dù là một vùng đất nằm chơi vơi giữa sa mạc, ốc đảo vẫn tồn tại sự sống nhờ có nhiều mạch nước ngầm tự phun lên mỗi ngày. Điều này làm tôi vô cùng hiếu kỳ. Anh hướng dẫn viên người Ai Cập đã chở chúng tôi đến một hồ nước. Bên cạnh đó là một mạch nước ngầm đang phun lên khỏi mặt đất. Người dân hay tập trung lại đây để tắm mát vào mỗi buổi trưa. Hai bên hồ nước, người Berber trồng hoa màu để duy trì cuộc sống theo kiểu tự cung tự cấp của tổ tiên họ từ nhiều thế kỷ qua.

Ảnh: Tâm Bùi

Ảnh: Tâm Bùi

Sống đời du mục giữa trời đêm sa mạc

Chúng tôi thuê một chiếc xe địa hình 4WD có người lái, theo dịch vụ của khách sạn, chở cả nhóm dạo quanh sa mạc để ngắm hoàng hôn. Mặt trời xuống như một chảo lửa trên những đụn cát xa xa. Đêm đó, chúng tôi ngủ lại tại khu trại dành cho khách du lịch giữa sa mạc. Nhiệt độ bên ngoài xuống rất thấp, chỉ còn 7-8 độ C. Bụng đói cồn cào, chúng tôi đến bên đống lửa sưởi ấm và đợi món gà nướng. Gà ốc đảo được cho vào một thùng phuy bằng sắt, đậy nắm lại rồi chôn xuống cát. Người ta đốt một đống lửa to ngay bên trên thùng sắt để làm chín gà bên trong. Vừa đói, vừa lạnh, mùi gà nướng hấp dẫn không cưỡng được. Và rồi, chúng tôi có dịp tận hưởng một bữa ăn có lẽ là đáng nhớ nhất trên đời.

Ảnh: Tâm Bùi

Bầu trời đêm ở sa mạc trong vắt, chi chít những vì tinh tú. Chúng tôi mặc đầy đủ đồ ấm và kéo nhau lên ngọn đồi gần đó để chụp ảnh dãy ngân hà (milky way). Trong lúc chụp ảnh, có một con cáo sa mạc mò tới ra vẻ muốn làm quen! Tôi cảm thấy nguy hiểm nên phi thẳng lên mô đá cao gần đó. Con cáo thấy động cũng chạy đi mất. Có vẻ đêm đó nó đã “do thám” đám người lạ này vì sáng dậy, tôi thấy xung quanh lều đầy dấu chân của cáo. Một phen hú vía!

Ảnh: Tâm Bùi

Ảnh: Tâm Bùi

Khu lều của chúng tôi gồm khoảng hơn 10 lều nhỏ, dựng quanh lại thành một hình chữ nhật. Tất cả lều đều không có cửa. Lều to nhất ngủ được tầm 15 người. Lều nhỏ thì được 4-5 người. Chăn và gối được cung cấp sẵn. Mỗi người còn được thêm một cái túi ngủ rất dày để chống lại cái lạnh về đêm. Giữa sa mạc không có điện, từ chạng vạng mọi người đã bắt đầu đi thắp đuốc khắp các lều. Chủ trại đốt một đống lửa rất to ở giữa khu trại để sưởi ấm suốt đêm.

Ảnh: Tâm Bùi

Cảm giác của chúng tôi khi đó giống như được sống trong thế giới của “ngàn lẻ một đêm”. Giữa đêm sa mạc lạnh lẽo và lặng im phăng phắc, trong chiếc lều nhỏ, chúng tôi ngồi co ro trò chuyện và kể cho nhau nghe một số câu chuyện cổ về xứ Ả Rập. Đây là một trải nghiệm hết sức thú vị, có một không hai mà ai cũng nên thử một lần khi đến Ai Cập.

Thông tin thêm

+ Hành trình: Từ TP.HCM, bạn phải quá cảnh tại sân bay Abu Dhabi, sau đó mới bay nối chuyến đến Cairo. Có nhiều hãng hàng không để bạn lựa chọn, trong đó Etihad là hãng có mức giá mềm nhất. Nếu mua vé sớm từ trước một tháng, bạn sẽ có mức giá tốt, khoảng 850 USD cho vé khứ hồi.

Từ Cairo đến Siwa, bạn tiếp tục đi xe buýt ghế ngồi, có một phương tiện phổ biến nhất cho hành trình này. Hành trình khá vất vả vì phải ngồi xe mất 11 tiếng, đường lại không tốt lắm.

+ Visa: Visa Ai Cập được cấp cho khách du lịch Việt Nam thủ tục đơn giản, nhưng chỉ cấp tại Hà Nội. Nếu bạn ở TP.HCM nên chọn dịch vụ làm visa hộ tại Hà Nội để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Lệ phí 30 USD/người.

+ Trải nghiệm độc đáo: Có một tour độc đáo nhất ở Siwa là cắm trại ngủ lại đêm trên sa mạc. Tour này được vận hành bởi một công ty du lịch của Ai Cập, bạn có thể xem thông tin tại khách sạn của mình. Chi phí khoảng 45 USD/người cho tour ngủ lại sa mạc một đêm. Có xe riêng đưa rước về tận khách sạn. Ở sa mạc chỉ nên ngủ lại một đêm là đủ vì đêm sa mạc cũng không có hoạt động gì khác ngoài đốt lửa, ăn gà nướng và ngắm sao.

+ Ẩm thực: Thức ăn ở Ai Cập có hương vị hơi khó ăn đối với người Việt. Nên nhóm chúng tôi hay tìm những nhà hàng nhỏ có đông khách Tây để vào. Kinh nghiệm cho thấy chỗ nào khách Tây ăn được thì chỗ đó họ làm thức ăn khẩu vị quốc tế, tức là không quá địa phương để ai cũng có thể ăn được.

+ Chi phí hành trình: Nhóm chúng tôi đi Ai Cập trong 21 ngày, tổng chi phí ăn uống, đi lại, tham quan, khách sạn là 45 triệu đồng/người. Trung bình một ngày mỗi người tiêu hết 2,1 triệu đồng.

Tâm Bùi
RELATED ARTICLES