Hành trình xuyên Việt đầy màu sắc cùng cô nàng gen Z

25/08/2023

Yến Vi Vu đã dành trọn năm 2022 để chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt đón sinh nhật tuổi 25, bao gồm cả việc mua xe côn tay và tập lái xe trước vài tháng để làm quen.

Nguyễn Thị Yến (Yến Vi Vu), một Travel Content Creator đã quyết định thực hiện hành trình "phượt" xuyên Việt một mình bằng xe máy từ đầu năm 2023 cho tới nay. Đến thời điểm hiện tại, Yến đã ghé thăm 46 tỉnh thành trên "dải đất hình chữ S". Sau khi khám phá hết 63 tỉnh thành Việt Nam, cô nàng có dự định trải nghiệm các nước trong khu vực Đông Nam Á.

"Nhờ chuyến đi này, mình đã trở nên mạnh mẽ hơn, mọi thứ không khó như mình vẫn nghĩ. Có mục tiêu, lập kế hoạch và quyết tâm thực hiện thì sẽ đạt được. Có thể nói, hiện tại mình cảm thấy bản thân dần tiến đến 'Độc lập - Tự do - Hạnh phúc' rồi", Yến Vi Vu tâm sự.

Yến Vi Vu xuất phát từ đầu năm 2023 và đến nay đã hoàn thành 2/3 hành trình.

Yến Vi Vu xuất phát từ đầu năm 2023 và đến nay đã hoàn thành 2/3 hành trình.

Cảm hứng đến như một lẽ tự nhiên

Đầu năm 2020, chuyến đi đến An Giang cùng nhóm bạn đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Yến. Chuyến hành trình này không chỉ đưa cô đến với vùng đất mới mà còn mang đến cho cô cảm hứng mạnh mẽ để bước chân vào một cuộc phiêu lưu đầy thách thức: xuyên Việt một mình.

Lưu trú tại một homestay ở An Giang, Yến đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với cô chủ homestay. Không ngờ rằng, câu chuyện đằng sau cô chủ này lại là nguồn cảm hứng lớn nhất để Yến quyết định thực hiện dự án xuyên Việt của riêng mình. "Cô và con gái cô đã đi xuyên Việt 5 tháng bằng xe máy xuất phát từ An Giang vào năm 2018. Những bức ảnh dán trên tường theo tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S và những câu chuyện cô kể khiến cho mình bị cuốn vào hành trình đó lúc nào không hay", Yến kể.

Cùng cô chủ homestay tại An Giang, người đã truyền động lực xuyên Việt cho Yến.

Cùng cô chủ homestay tại An Giang, người đã truyền động lực xuyên Việt cho Yến.

Động lực lớn hơn cả để Yến lên đường đó chính là gia đình. Yến luôn khao khát được là niềm tự hào của gia đình. Trong cuộc trò chuyện cùng Travellive, Yến chia sẻ: “Khi đến công ty, mẹ thường khoe với các cô là có con gái hay đi đây đi đó làm Youtube rồi mở video của mình ra cho mọi người xem. Mình sẽ đi nhiều nơi hơn và quay clip để cho bố mẹ ở nhà xem. Khi có điều kiện hơn thì sẽ đưa cả nhà cùng đi”.

Khó khăn có là chi, khi trong ta luôn tràn đầy…

Trước khi bắt đầu hành trình xuyên Việt, Yến đã phải đối mặt với nhiều thử thách. Một trong những khó khăn đầu tiên là việc sử dụng xe côn tay. Yến đã dành thời gian, tâm huyết để tập lái xe, chạy thử các cung đường ở miền Bắc như Hà Nội - Bắc Giang, Ba Vì và Mộc Châu. Điều này vừa giúp cô tự tin hơn trong việc điều khiển xe máy, vừa là sự chuẩn bị tốt cho hành trình sắp tới.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khó khăn thứ hai mà Yến đã đối mặt là việc thuyết phục các đơn vị kinh doanh du lịch và các lĩnh vực có liên quan hợp tác truyền thông, tài trợ. Trước khi bước vào hành trình, Yến đã làm một hồ sơ "Xuyên Việt một mình" vô cùng tâm huyết, truyền đạt sự quyết tâm, đam mê và năng lực của mình. Trước khi đi cô nàng cũng đã nhận được sự đồng ý hợp tác từ 2-3 đơn vị.

Bằng tinh thần lạc quan, mạnh mẽ và kiên định, cô nàng Yến Vi Vu luôn vượt qua mọi khó khăn trong suốt chuyến hành trình.

Bằng tinh thần lạc quan, mạnh mẽ và kiên định, cô nàng Yến Vi Vu luôn vượt qua mọi khó khăn trong suốt chuyến hành trình.

Trong suốt hành trình xuyên Việt, Yến đã phải đối mặt với một loạt khó khăn. Thời tiết biến đổi liên tục, từ cái lạnh của vùng núi phía Bắc đến cái nóng gay gắt ở miền Trung, và thậm chí là mùa mưa ở Tây Nguyên. Những khó khăn này đã thách thức cả thể chất lẫn tinh thần của Yến. Bên cạnh đó, những đoạn đường xấu, đất đá, địa hình gập ghềnh cũng tạo nên những thử thách không nhỏ trong việc lái xe.

Không chỉ có vậy, khẩu vị ẩm thực khác nhau tại các vùng miền cũng tạo ra sự khó khăn cho Yến. Một số ngày cô cảm thấy khó tiêu hoặc không thoải mái với khẩu vị khác biệt. Ngoài ra, xe máy của Yến cũng đã gặp vấn đề như dính đinh ở Huế, cháy bugi ở Đà Nẵng, gãy tay côn trước khi lên đèo Violak. Tuy nhiên, nhờ tinh thần lạc quan và quyết tâm, cô đã vượt qua những khó khăn này một cách mạnh mẽ.

Mâm cơm của người Dao.

Mâm cơm của người Dao.

Khám phá ẩm thực cũng là cách tìm hiểu văn hoá một cách chân thực nhất.

Khám phá ẩm thực cũng là cách tìm hiểu văn hoá một cách chân thực nhất.

Những kỉ niệm khó quên làm nên một hành trình tuyệt vời

“Mình không có địa điểm nào ấn tượng nhất vì mỗi nơi mình đi qua lại có vẻ đẹp riêng, câu chuyện riêng. Nếu nhắc về mỗi tỉnh thành, mình đều có cái để kể về nơi đó. Nhưng có một số kỉ niệm chắc chắn mình không thể nào quên”, Yến nhớ lại.

Hôm đó, Yến chạy xe từ TP Điện Biên sang Bắc Yên, Sơn La với quãng đường 250 km, theo Google map sẽ hết khoảng hơn 6 tiếng chạy liên tục. Sau khi ăn cơm trưa ở Điện Biên, cô xuất phát lúc 11 giờ, dự tính tầm 19-20 giờ tối đến nơi thì cũng không quá trễ. Vì mải mê chụp ảnh dọc đường và thi thoảng lướt mạng xã hội nên tốn thời gian, 17h cô nàng mới tới TP Sơn La, trời lúc ấy đã nhá nhem tối.

Đường từ ngã 3 Cò Nòi đi Bắc Yên đèo dốc và vắng, thi thoảng mới có vài nhà dân. Yến vừa chạy xe vừa nơm nớp sợ. Khi cách Bắc Yên khoảng 5 km, đang lên dốc thì bánh xe cô bị đảo. Trong đầu lúc ấy chỉ lo sợ bị thủng xăm. Cô vội dừng xe lại, trong đầu nảy ra các phương án để xử lý, nào là gọi cứu hộ vì cô cũng có người quen ở Bắc Yên, hay là quay xe xuống dốc tìm nhà dân rồi xin ngủ nhờ… Khi bật đèn flash điện thoại lên thì thấy bánh xe không có vấn đề gì, mà trên đường có vết bánh xe ô tô. Hoá ra là xe Yến đi vào vết xe chở dầu nên bị trơn, đảo bánh. Lúc đấy cô mới thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục đến Bắc Yên.

Cô nàng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những bạn trẻ đam mê xê dịch.

Cô nàng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những bạn trẻ đam mê xê dịch.

Chiếc xe máy đã cùng cô ngang dọc khắp mọi miền Tổ Quốc.

Chiếc xe máy đã cùng cô ngang dọc khắp mọi miền Tổ Quốc.

Một kỷ niệm khác ở Ba Tơ, Quảng Ngãi, nơi Yến dừng nghỉ ngơi tránh nắng trưa. Đến khoảng 13h chiều, cô bán nước khuyên Yến nên di chuyển trước khi trời mưa. Vì mùa mưa ở Tây Nguyên cứ chiều là mưa giông. Yến thấy mây đen bắt đầu kéo đến nên cũng tức tốc lên đường.

Đến Ba Tiêu, cô dừng xe để mua tripod điện thoại. Vừa dựng chân chống xe xuống thì xe bị đổ, gãy tay côn. Cô hỏi người dân tiệm sửa xe gần đó, khi đến nơi thì chú sửa xe bảo ở đây không có tay côn này, để chú chạy đi kiếm ở mấy quán khác. Lúc đó Yến mới nhớ ra có mang theo tay côn dự phòng. Thế là nhờ chú thay hộ. Vừa lên đèo được một đoạn thì trời đổ mưa. Khoác trên người bộ áo mưa dày cộp, cô lao đi trong cơn mưa dữ dội. Đến xã Pờ Ê, mưa lớn cộng thêm sấm chớp nên cô tấp vào một quán nước để trú tạm. Nước mưa chảy như lũ, đục ngầu. Đến khoảng hơn 15h30 chiều, Yến mới chạy tiếp được.

Yến Vi Vu ở cực tây A Pa Chải.

Yến Vi Vu ở cực tây A Pa Chải.

Trong mạch câu chuyện ấy, Yến kể tiếp: “Ngày ở Bãi Xếp, Quy Nhơn, khi đang men theo bãi đá để chụp hình thì chiếc máy ảnh của mình rơi xuống một vũng có nước biển. Đồ điện tử dính muối sẽ bị ăn mòn linh kiện, vậy là mình phải ‘chào tạm biệt’ người bạn đã đồng hành với mình trong những chuyến đi trong hơn 3 năm vừa qua”.

Các kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình xuyên Việt không chỉ là những câu chuyện thú vị mà còn là những bài học quý báu. Nhớ lại những trải nghiệm này, Yến nhận thấy rằng sự lạc quan cùng tinh thần quyết tâm là hai yếu tố quan trọng giúp cô vượt qua mọi trở ngại. Mỗi kỷ niệm đáng nhớ như một viên gạch góp phần xây nên hành trình đầy ý nghĩa, thú vị của cô gái xuyên Việt một mình.

Trên con đường ở Quy Nhơn, Bình Định.

Trên con đường ở Quy Nhơn, Bình Định.

Khi con gái đi du lịch một mình thì luôn phải ghim trong đầu rằng: An toàn là trên hết!

- Không đi đêm, xế chiều và phải tìm cho mình một chỗ để nghỉ ngơi qua đêm rồi.

- Phải luôn tỉnh táo, không sử dụng các chất kích thích.

- Cảnh giác trước người lạ. Đi những đoạn đường vắng thì chú ý xem có ai đi theo sau mình hay không. - Chỉ dừng xe ở những nơi đông người. Chỉ nhận sự giúp đỡ, chỉ dẫn từ những người mình cảm thấy họ thật lòng.

- Tránh những con đường quá vắng vẻ, lường trước những rủi ro có thể gặp phải, nếu bản thân không xử lý được thì sẽ không liều.

- Chăm lo cho sức khỏe của bản thân bằng việc ăn uống đầy đủ, ngủ đủ, uống đủ nước, thay vì uống nước ngọt, nước có gas thì nên uống nước lọc.

- Trau dồi thêm các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, quản lý tài chính và thời gian.

Một số hình ảnh trong hành trình của Yến:

Yến ở Măng Đen.

Yến ở Măng Đen.

Những ngày nắng cháy da trên đảo Lý Sơn.

Những ngày nắng cháy da trên đảo Lý Sơn.

Giăng lưới trên rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An.

Giăng lưới trên rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An.

Một góc Hội An.

Một góc Hội An.

Săn mây Lảo Thẩn.

Săn mây Lảo Thẩn.

Rừng dừa Bảy Mẫu nhìn từ trên cao.

Rừng dừa Bảy Mẫu nhìn từ trên cao.

Check in ở Mế Homestay.

Check in ở Mế Homestay.

Hà Mai Trinh - Ảnh: Yến Vi Vu
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES