Họa sĩ Đặng Dương Bằng: “Cái tôi cực kỳ quan trọng trong hội hoạ”

01/11/2024

Trong miền cảm hứng của những nhạc khúc đêm huyền diệu, 37 tác phẩm tại triển lãm “Nocturne” 2024 đánh dấu nửa thế kỷ hội hoạ của họa sĩ Đặng Dương Bằng. Đây cũng là triển lãm đầu tiên của nam họa sĩ trên mảnh đất quê hương Hà Nội sau gần 4 thập kỷ sinh sống và làm việc tại châu Âu.

Được tuyển chọn trong giai đoạn 2020 - 2024, 37 tác phẩm tại “Nocturne” của họa sĩ Đặng Dương Bằng là những thanh âm tĩnh lặng của đêm trăng, cho ta nghe thấy tiếng chuồn chuồn bay. Đó cũng có thể là nhạc khúc đưa ta về với tuổi thơ hay những tình khúc để nhớ thương một người.

Bài liên quan

Nói về Nocturne (Nhạc khúc đêm huyền diệu - 2024), họa sĩ Đặng Dương Bằng chia sẻ: “Tôi bắt đầu sự nghiệp hội hoạ năm 1974 với tư cách là Hội viên hội Mỹ thuật Hà Nội. Sau đúng 50 năm, Nocturne là sự tri ân của tôi dành cho Hà Nội, quê hương yêu dấu, hình ảnh luôn ngự trị trong trái tim, trong giấc mơ và trong từng nét bút của những đêm không ngủ”.

Nocturne là triển lãm đầu tiên của nam họa sĩ trên mảnh đất quê hương Hà Nội sau gần 4 thập kỷ sinh sống và làm việc tại châu Âu

Nocturne là triển lãm đầu tiên của nam họa sĩ trên mảnh đất quê hương Hà Nội sau gần 4 thập kỷ sinh sống và làm việc tại châu Âu

Triển lãm “Nocturne” lần này cũng đồng thời ra mắt cuốn hồi ký về cuộc đời và nghệ thuật của Đặng Dương Bằng. “Thương nhớ 13”, một cuốn hồi ký (tiếng Việt - tiếng Anh) được trình bày ở dạng artbook gói trọn chân dung người nghệ sĩ hào hoa của một Hà Nội cũ. Một người đã sống tha hương gần nửa đời người, nhưng vẫn giữ nguyên cho mình 12 mùa để nhớ và yêu Hà Nội và mùa còn lại để khám phá và làm giàu thêm tình yêu cho nghệ thuật và cuộc sống.

Empty
Empty
Empty
Trong miền cảm hứng của những nhạc khúc đêm huyền diệu, 37 tác phẩm tại triển lãm “Nocturne” 2024 đánh dấu nửa thế kỷ hội hoạ của họa sĩ Đặng Dương Bằng

Trong miền cảm hứng của những nhạc khúc đêm huyền diệu, 37 tác phẩm tại triển lãm “Nocturne” 2024 đánh dấu nửa thế kỷ hội hoạ của họa sĩ Đặng Dương Bằng

Họa sĩ Đặng Dương Bằng là cháu của danh họa Nguyễn Tiến Chung và được học vẽ cùng họa sĩ Phạm Viết Song - phả vào tranh nét phảng phất dáng hình hồn hậu của những con thuyền, ánh trăng như những họa sĩ thuộc thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đặng Dương Bằng (1951) hiện là Giáo sư về Công nghệ Nano trong An toàn Thực phẩm tại Đại học Bách khoa, Đan Mạch. Tuy nhiên, ông được công chúng và giới yêu nghệ thuật tại châu Âu biết đến nhiều hơn với vai trò là một hoạ sĩ, “một người khéo se duyên truyền thống và hiện đại trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại”.

Empty
Empty
Hà Nội, hoa, phụ nữ thường xuyên xuất hiện trong tranh của nam họa sĩ

Hà Nội, hoa, phụ nữ thường xuyên xuất hiện trong tranh của nam họa sĩ

Song song cả hai công việc là giảng dạy và họa sĩ, với Đặng Dương Bằng đó là 2 công việc khác nhau khó có thể so sánh. Ban ngày làm khoa học, đêm về vẽ tranh. Hai hoạt động tưởng chừng như không liên quan nhưng lại khiến cho cuộc sống của ông hạnh phúc. Nếu hội hoạ là cứu cánh giúp nam họa sĩ vượt qua căng thẳng trong công việc nghiên cứu, thì khoa học lại giúp cho hội hoạ của ông có những cách đặt vấn đề mới. Đặng Dương Bằng luôn sử dụng tư duy của một người làm khoa học để làm mới nghệ thuật thông qua những thử nghiệm, nghiên cứu hay cách đặt vấn đề mới. “Vẽ chính là cách giúp tôi định tâm, giải toả căng thẳng và lấy lại cân bằng cho cuộc sống. Vẽ là cách giúp tôi bù đắp lại nỗi nhớ quê nhà. Vẽ cũng là cách giúp tôi đối diện với chính mình, thanh lọc, gột bỏ đi những tạp niệm. Mỗi khi vẽ xong tôi ngủ ngon vì hội hoạ đã cho tôi những giấc mơ thật đẹp”.

Empty

Phóng viên (PV): Tranh của ông thường khai thác vẻ đẹp từ những khoảnh khắc bình dị. Ông có thể chia sẻ về những trải nghiệm cụ thể nào đã truyền cảm hứng cho các tác phẩm trong triển lãm này không?

Đặng Dương Bằng: Tôi cho rằng cuộc sống sẽ đẹp hơn khi ta nhìn thấy được cái đẹp từ trong những điều bình dị nhất, và người nghệ sĩ là người giúp mọi người nhận ra điều đó qua nghệ thuật của mình. Đối với tôi, một cuộc đời đẹp được làm nên bởi nhiều khoảnh khắc đẹp và khi ta lưu giữ được nó thật lâu. Ý tưởng đến với tôi có thể là một khoảnh khắc giao mùa, khi trời trở lạnh hay đổ cơn mưa, có thể là một nhạc khúc của Phú Quang, Trịnh Công Sơn về Hà Nội, có thể là một giấc mơ kỳ lạ…

Tuy nhiên, việc diễn tả vẻ đẹp từ khoảnh khắc bình dị thường thấy chưa bao giờ là dễ dàng trong hội hoạ. Bởi thách thức lớn nhất với một người nghệ sĩ đó là diễn tả một thứ mà ai cũng biết bằng một ngôn nghệ thuật riêng để những khoảnh khắc ấy độc đáo và bất tử.

Họa sĩ Đặng Dương Bằng cho hay: “Cái tôi cực kỳ quan trọng trong hội hoạ”

Họa sĩ Đặng Dương Bằng cho hay: “Cái tôi cực kỳ quan trọng trong hội hoạ”

PV: Tại sao Hà Nội, hoa, phụ nữ và mèo lại thường xuyên xuất hiện trong tranh của ông? Những chủ đề này có ý nghĩa cá nhân gì với ông?

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đặng Dương Bằng: Tôi vẽ tranh để giải toả nỗi nhớ quê hương, Hà Nội của tôi, nỗi nhớ mẹ và chú mèo xiêm của mẹ là những ký ức êm đềm nhất xoa dịu chính tôi. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài luôn khiến tôi nghĩ về mẹ và “chú mèo” cũng chính là tôi, được nằm trong lòng mẹ.

PV: Ông sử dụng nhiều chất liệu khác nhau, từ sơn dầu đến giấy tái chế. Điều gì đã khiến ông chọn những chất liệu này cho triển lãm và chúng đóng góp gì vào thông điệp của tác phẩm?

Đặng Dương Bằng: Tôi cho rằng, “cái tôi” là cực kỳ quan trọng trong hội hoạ. “Cái tôi” chính là phong cách riêng, giúp khán giả nhận ra “tiếng nói” riêng của một hoạ sĩ trong hàng ngàn nghệ sĩ. Cách tôi “chơi” với nhiều chất liệu khác nhau cũng là cách tìm ra cái tôi của mình trong nghệ thuật.

Với tư duy của một người làm nghiên cứu khoa học, tôi luôn thích thử nghiệm để tìm ra cái mới. Khi sống ở châu Âu, tôi không có điều kiện để làm tranh sơn mài truyền thống. Tôi đã thử nghiệm làm sơn mài trên các chất liệu mới như trên giấy báo, trên vải bồi trên giấy báo. Khi đã vẽ nhiều những tác phẩm rực rỡ, hay những chất liệu đắt tiền như dát vàng, tôi lại muốn thử thách mình với điều tối giản.

Empty

Cũng với cách nghĩ của một người làm khoa học, tôi thích chứng minh rằng: cái đẹp có thể đến từ những thứ tưởng chừng như rẻ tiền hay bỏ đi. Tôi rất khoái vẽ tranh lên những chiếc vé tàu trong khi đi du lịch. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp ấm áp trong bìa hộp bánh đựng pizza, hay giấy nâu gói bánh mì ăn sáng. Tôi thấy những kỷ niệm đẹp trên tờ giấy ăn, giấy bọc kẹo socola của một bữa tiệc vui, tấm vé hoà nhạc một nơi lưu lại nhiều kỷ niệm. Sức sáng tạo của người nghệ sĩ không chỉ là tìm thấy cái đẹp trong những chất liệu sang quý mà nhìn ra được cái đẹp của những thứ bình dị nhất, và kỳ diệu hơn là tạo ra cuộc sống mới cho những thứ tưởng chừng đã vứt bỏ.

PV: Nhiều tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của các nhân vật nổi tiếng như Elton John và Gates Foundation của Bill Gates. Sự công nhận này có ảnh hưởng gì đến cách tiếp cận nghệ thuật của ông?

Đặng Dương Bằng: Công việc của tôi là vẽ tranh và việc bán tranh được thực hiện bởi các gallery. Bức tranh được Elton Johb sở hữu là một bức tranh nằm trong serie “The Beau and the Beast” trong một dự án đấu giá tranh từ thiện ủng hộ các bệnh nhân AIDS tại Gallery Attitude, London (2012). Collection 3 bức tranh sen và chuồn chuồn nằm trong serie “The sounds of silence” là các bức tranh tham gia triển lãm ủng hộ từ thiện cho hoạt động của Gate Foundation tại New York (2010).

Empty
Empty

Đối với tôi, tất cả những người yêu nghệ thuật của tôi đều mang lại cho tôi niềm vui, không quan trọng đó là người nổi tiếng hay một người yêu nghệ thuật bình thường. Tuy nhiên điều làm tôi vui nhất đó là những bức tranh được mua bởi những người nổi tiếng trong các sự kiện nghệ thuật từ thiện thì đó không chỉ là sự ghi nhận, mà quan trọng hơn đó là nghệ thuật của mình giúp đỡ được những người đang khó khăn ở khắp nơi trên thế giới.

PV: Ông có thể giải thích ý nghĩa của việc sử dụng báo vò nhàu làm chất liệu trong một số bức tranh không? Chất liệu này tác động đến cách người xem cảm nhận tác phẩm như thế nào?

Đặng Dương Bằng: Như đã nói ở trên, tôi nhìn thấy lịch sử, sự kiện trên những tờ nhật báo. Khi làm vẽ trên giấy báo rồi tôi thấy cái hay của nó ở tính độc bản. Tôi thường không phủ hết màu hay vàng bạc kín lên giấy báo mà tôi vẫn để lại một phần của nó. Đó là cuộc đời không bỏ đi của một tờ báo cũ, nó đã được sử dụng để làm nghệ thuật.

Empty
Empty
Empty

Bảo vệ môi trường và tái chế là một trào lưu toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu. Những xu hướng tạo ra các sản phẩm từ việc tiết kiệm tiêu dùng, hay mang lại giá trị cho những đồ vật cũ là tiền đề cho những sản phẩm mới và hội hoạ cũng như một hoạ sĩ như tôi cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Vẻ đẹp từ những tác phẩm bị vò nhàu đến từ kỷ niệm tôi đã từng chứng kiến bác Phái khi vẽ những bức tranh không ưng ý lại bỏ đi, đốt đi. Thời ở Hà Nội tới nhà bác chơi, những bức ký hoạ kiểu như thế, tôi âm thầm giữ lại vuốt phẳng ra rồi sau một thời gian lại đưa lại cho bác. Tôi bảo: “Sẽ có thể một lúc nào đó bác lại thấy nó đẹp nên bác đừng vội vứt đi”. Và đúng như thế, tôi nhìn thấy chất liệu và cuộc sống từ những tác phẩm bị vò nhàu nhắn nhúm, thậm chí cả những vết loang ố, tẩy xoá. Nó cũng giống như những vết nhăn trên khuôn mặt của con người. Nếu ta yêu ta sẽ yêu cả những nếp nhăn đó.

Empty
Empty
Triển lãm “Nocturne” lần này cũng đồng thời ra mắt cuốn hồi ký về cuộc đời và nghệ thuật của Đặng Dương Bằng

Triển lãm “Nocturne” lần này cũng đồng thời ra mắt cuốn hồi ký về cuộc đời và nghệ thuật của Đặng Dương Bằng

PV: Những trải nghiệm về sự cô đơn và nhớ nhà đã ảnh hưởng như thế nào đến nghệ thuật của ông?

Đặng Dương Bằng: Tôi đã sống xa quê hương gần 40 năm nên cuộc sống ở Đan Mạch gần như đã quá quen thuộc và trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bạn bè, nhớ tiếng Việt và cô đơn nơi xứ lạnh, đất rộng người thưa, mùa Đông tuyết xám. Nơi những ngày Tết rất nhớ hơi ấm gia đình thì mọi thứ vẫn diễn ra đều đặn như thế. Nhưng khi đã quen với cuộc sống đó rồi thì tôi lại thấy hạnh phúc vì mình đã có những nỗi buồn thật đẹp. Được nghĩ về mẹ, về Hà Nội có thể sẽ làm mình rơi nước mắt nhưng lại luôn là những cảm xúc đẹp nhất, ấm áp nhất để được khóc.

Triển lãm “Nocturne” diễn ra từ ngày 24/10 - 10/11 tại 55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội.

Thông tin thêm:

Sinh sống và làm việc tại Leiden (Hà Lan) từ 1990 và định cư tại Copenhagen (Đan Mạch) từ năm 1999, Đặng Dương Bằng đã có 40 triển lãm solo tại Copenhagen, Paris, Amsterdam, Leiden, London, New York, Tokyo, Seoul, Melbourne… Hơn 3.000 tác phẩm đã được sáng tác và thuộc về những bộ sưu tập tư nhân tại: Đan Mạch, Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Úc, Canada và Hoa Kỳ.. Nhiều tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của người nổi tiếng như Elton John, hoặc trưng bày tại những không gian công cộng Gates Foundation (New York) , Trường đại học Copenhagen (Đan mạch), Đại học Odense (Đan Mạch), Ngân hàng Den Danske (Đan Mạch), Quỹ Nghệ Thuật BRK Lyngby (Đan Mạch)… Năm 2019, triển lãm solo đầu tiên của ông tại Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh - “Bến mơ” với kỷ lục sold-out toàn bộ 55 tác phẩm trong 4 tuần triển lãm.

Phương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES