19 bức tranh trưng bày tại triển lãm cùng tên "Cái đầu" với những nét vẽ xoay quanh khái niệm này. Không phải chân dung mà là "cái đầu", điều họa sĩ Ngọc Phương muốn khắc họa đến tư tưởng, não trạng, đến cái bên trong, hơn là diện mạo bên ngoài. Mỗi cái đầu là một cuốn sách đời người, ẩn hiện tất cả những cao cả, tầm thường, hạnh phúc, đau khổ...
Triển lãm “Cái đầu” của Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh tìm kiếm sự thật nằm ngoài những gì hữu hình. Ở loạt tranh này, nam họa sĩ thực hành sáng tác nghệ thuật trên chất liệu vóc/gỗ.
Việc sử dụng trường màu tối dày đặc như nghệ thuật đắp nổi được áp dụng trong các khâu sáng tạo khiến đường nét trở nên mạnh mẽ. Các đường viền tuyến tính hoặc phi tuyến tính được xóa nhòa, bóng dáng con người cũng được làm mờ trên nền màu xám. Còn lại duy nhất những cái đầu như đang trôi nổi một cách bất ngờ và đầy căng thẳng. Bằng cách diễn giải riêng với một loại chất liệu mới chưa từng có trước đây, sáng tạo của anh mang đến cho người xem nhiều suy ngẫm.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Loạt tranh những cái đầu là tái hiện về sự ám ảm trong tâm trí tôi về nhân tính con người”.
Nguyễn Ngọc Phương (1975, Hà Nội) tốt nghiệp Cử nhân Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nguyễn Ngọc Phương tập trung vào các tác phẩm bán trừu tượng, sau đó dần chuyển sang các tác phẩm trừu tượng. Anh từng có các triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam với chủ đề “Ngày thứ 49” - Phần 1 và 2 (2018), và “Niệm” (2021). Nhiều tác phẩm của anh được chọn trưng bày tại các phòng tranh và bảo tàng ở Đông Nam Á như Yogia Gallery (Yogyakarta, Indonesia), Penang State Art Gallery (Penang, Malaysia)…
Những nét vẽ trong tranh của nam họa sĩ khỏe khoắn, có sự bứt phá với độ tương phản mạnh mẽ của màu sắc, thể hiện sự bùng nổ dữ dội của nội tâm bị kìm nén. Trong sáng tác, anh thường phá vỡ các rào cản về phong cách, chất liệu hay trường phái để đạt tới sự tự do tuyệt đối trong nghệ thuật. Vì không còn trói buộc vào tính lý thuyết hoặc cách biểu đạt nghệ thuật nên anh đã thành công khi tạo ra được một thế giới riêng độc đáo, đầy cá tính.
Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận định tranh của Nguyễn Ngọc Phương: “Khác với cấu trúc người xem thường thấy trên tranh của Nguyễn Ngọc Phương, những tác phẩm lần này là nơi hoạ sĩ lao vào những bùng nổ, những hỗn loạn của các yếu tố tạo hình rồi tìm cách xác định cho chúng một trật tự động. Những 'cái đầu' của Phương đề cập một khu vực khác, nơi sự tĩnh tâm đã tập hợp, tái định hình mọi yếu tố rời rạc làm thành một khuôn mặt. Tuy nhiên, điều to lớn nhất tôi thấy trên tranh của anh là năng lượng của cái được che giấu quá mãnh liệt đến nỗi chúng làm biến dạng hình hài của cái che giấu nó".
Travellive đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương:
Phóng viên (PV): Loạt tranh về “Cái đầu” tái hiện sự ám ảnh trong tâm trí anh về nhân tính con người. Vậy nhân tính anh muốn nói đến ở đây là gì?
Nguyễn Ngọc Phương: Nhân tính ở đây là gợi ý, mong muốn của tôi đối với con người sống trong xã hội đương đại. Họ quay về bản năng, giá trị gốc nhất của con người từ thời khởi thủy.
PV: Tại sao cái đầu là biểu tượng anh muốn sử dụng để nói đến nhân tính con người mà không phải chân dung hay gì khác?
Nguyễn Ngọc Phương: Nếu tranh chân dung thì cùng lắm chỉ gột tả được vẻ bên ngoài, sâu hơn thì khai thác tính cách như: đăm chiêu, lãng mạn… và nó không diễn tả được hết tâm trí con người. Thậm chí không khai thác được hết tư tưởng của một con người, quốc gia, dân tộc, nhân cách…
Nhiều người nói rằng dùng từ “cái đầu” rất phổ biến từ bao năm nay. Nhưng “cái đầu” chưa bao giờ được dùng chính thức cho một tuyên ngôn, khảng khái, rõ ràng hay rành rọt để người ta hiểu rằng, cái đầu có bộ não, có sự nhìn nhận về nhân sinh quan…
Âm thanh của cái đầu cũng rất thực tế và trực diện kể cả người lớn hay trẻ con mỗi khi nhắc đến. Âm lượng nó rất mạnh, đơn giản, mạnh mẽ, dễ truyền đạt đến công chúng ở mọi đối tượng khác nhau. Và tôi rất hứng thú với tên gọi này, mặc dù nó thô kệch, mộc mạc, không duy mĩ, đơn giản nhưng trực diện thẳng vào vấn đề.
PV: Xem tranh của anh, các mảng màu chủ đạo thường là tối. Đây liệu có phải tâm trạng của con người được anh ẩn dụ qua mỗi tác phẩm?
Nguyễn Ngọc Phương: Nó chỉ đúng một phần. Chỉ khi nào tôi thấy được sức nặng của mọi sự vật, hiện tượng trong màu đấy thì nó hợp với tâm trạng, tư duy triết học của tôi.
PV: Vậy ý tưởng khơi nguồn cảm hứng để anh sáng tạo bắt đầu từ đâu?
Nguyễn Ngọc Phương: Ý tưởng thường không xuất hiện cụ thể rõ ràng ra ngay được mà nó tiếp nối hành trình. Tức là tôi vẽ nhưng không biêt vẽ gì ở phía trước cả. Không vẽ được cái nhìn thấy mà vẽ cái tôi đang định ra. Tư duy cho cái vấn đề đó phải mất chục năm, thậm chí không biết gọi nó là cái gì cả. Có thể hiểu là: ý tưởng sẽ đến với quá trình đó, mình phải là người biết về lý trí, hiểu tạo hình, chuyên môn để nắm bắt để xuất hiện trí tưởng tượng ngay trong quá trình sáng tạo. Trong quá trình sáng tác đó, tác phẩm như là một nơi chốn hay sự tương thích mà ở đó người nghệ sĩ được thể hiện bản thân một cách tự do nhất.
PV: Xin cảm ơn anh rất nhiều!
Triển lãm “Cái đầu” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương mở cửa từ ngày từ 25 - 31/7/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.