Tôi may mắn gặp gỡ và trò chuyện cùng Họa sĩ Trang Phượng - tác giả của chuỗi tác phẩm có đề tài kháng chiến. Ông đã dành cả thanh xuân để theo đuổi, đến lúc hưu trí vẫn không ngừng sáng tác.
Dù đã ngoài tuổi 80, nhưng ông vẫn nhớ như in những câu chuyện chiến tranh. Đôi mắt người chiến sỹ ngấn lệ khi nhớ về những người đồng chí cũ vẫn nằm lại trên chiến trường, vùi thân mình trong đất mẹ để bảo vệ đất nước, giữ gìn hòa bình. Từng mảng ký ức cứ thế hiện trên mỗi bức tranh, trong những câu chuyện khiến những người đến xem tranh như tôi không khỏi xúc động.
Ông vẫn luôn trăn trở và theo đuổi đề tài tranh cách mạng, vì quan niệm rằng mình đã may mắn còn sống sau cuộc chiến nên cần lao động, sáng tác thay cho những đồng đội đã hy sinh. Những tác phẩm của ông không chỉ phản ánh sinh hoạt của người lính trong cuộc chiến tranh, mà còn gửi gắm khát vọng mãnh liệt cho hòa bình, phát triển đất nước.
Có rất nhiều các tác phẩm ký họa và sơn dầu, bột màu đã đi theo ông từ chiến trường, vượt Trường Sơn ra Hà Nội học tập và sau đó mang sang Bulgaria làm nghiên cứu sinh. Hàng nghìn bức ký họa đã bị phá hủy do bom đạn trong chiến trường ác liệt, những tác phẩm còn lại đều được bảo quản bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương. "Giữ được những đứa con tinh thần bên cạnh trong thời chiến, nhiều khi còn khó hơn cả mạng sống của mình", họa sĩ Trang Phượng bùi ngùi.
TAY CẦM SÚNG, TAY CẦM CỌ; VỪA CHIẾN ĐẤU, VỪA SÁNG TÁC
Tôi cứ thế mon men theo những đường viền ký ức rõ ràng, sống động khi theo chân vị cựu chiến binh để sống lại những ký ức oai hùng của lịch sử. Từ những trận đánh lớn như Phước Long, Đồng Xoài, Bù Đốp, Bình Dương, Củ Chi, Long An... đến trận càn Junction City ở Tây Ninh với 45.000 quân Mỹ. Bước chân người lính đã đi qua rất nhiều chiến trường ác liệt ở Nam Bộ, vì vậy mỗi tác phẩm của ông đều gắn liền với một địa danh, một thời điểm lịch sử cụ thể của quân và dân miền Nam mà ông được trực tiếp tham gia.
"Trong cuộc kháng chiến ác liệt, tôi lân la làm quen với các anh em giải phóng quân cùng chiến đấu. Tôi căn dặn anh em giúp tôi chuyển toàn bộ tài liệu ký họa về hòm thư có ghi sẵn trong cặp nếu tôi hy sinh. Trong suốt cuộc hành quân của mình, nếu người nào tôi gửi gắm hôm trước hy sinh, tôi lại làm quen rồi trình bày nguyện vọng tha thiết của mình cho những người bạn mới. Cũng vài lần gửi ra miền Bắc gần mấy trăm bức ký họa thông qua đương giao liên, với hy vọng rằng nếu tôi có nằm xuống thì các tác phẩm của tôi sẽ vẫn được lưu giữ", họa sĩ Trang Phượng tâm sự.
Cứ thế những bức ký họa đã theo ông mấy mươi năm trời trên mặt trận kháng chiến, cho đến khi ra Bắc rồi du học trở về nước. Có những bức loang lổ vết ố thời gian, có những bức bị lửa đạn làm cháy xém một góc.
Ông đưa tôi đến bức tranh đặc biệt nhất - Sài Gòn tết Mậu Thân (1968). Nhìn vào đó, mắt người chiến sỹ rưng rưng những giọt lệ, khi nhắc về câu chuyện ám ảnh đeo đuổi suốt cuộc đời ông.
"Tôi không thể quên được buổi chiều hôm tiến vào Sài Gòn. Đoàn chúng tôi hành quân qua cánh đồng Tân Bửu, dưới ánh mặt trời đang lặn dần sau rặng dừa nước. Trên bầu trời còn để lại những vệt ráng vàng. Đoàn quân giải phóng rầm rập tiến vào Sài Gòn. Hai bên bờ, các má đứng ngóng trông với đôi mắt già nua mỏi mòn chờ đợi: "Con có biết thằng A, thằng B, con của má không? Nó có về không?". Tôi tự hỏi: "Phải chăng ở cánh quân nào đó, má tôi cũng đang đứng ngóng chờ tôi", họa sĩ Trang Phượng xúc động.
Ông tiếp tục: "Trong trận Mậu Thân 1968, khi thấy đồng bào tự mang bàn ghế ra chất đống làm chướng ngại vật, tôi dự định lấy giấy ra vẽ ký họa. Nhưng chợt thấy một chiếc xe jeep của giặc bị bắn hỏng bỏ lại, tôi bèn lấy dao găm rọc mũ xe và dùng hộp sơn dầu của bạn đồng chí vẽ bức tranh: Sài Gòn nổi dậy.
Vẽ rồi bảo vệ tranh là một điều không hề dễ dàng. Vì tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu nên nó không khô. Tôi đánh liều đem bỏ các bức tranh đã vẽ trong nhà dân và tiếp tục chiến đấu. Mấy ngày tiếp theo, tôi vẽ thêm một hai bức sơn dầu nữa trên bao cát Mỹ (một trong hai bức là "Tết Mậu Thân") rồi trở lại tìm những bức tranh đã bỏ ở nhà dân. Nhờ tôi vẽ trực tiếp không dùng sơn lót nên bức tranh mau khô. Khi trận chiến ngày càng ác liệt hơn, việc bảo vệ các bức tranh còn khó hơn bảo vệ mạng sống của mình".
Các tác phẩm trong triển lãm vừa hiện thực, vừa lãng mạn chất thơ, cái nhìn tích cực của một người chiến sĩ thông qua nét cọ, màu sắc, góc nhìn của một người họa sĩ và tái hiện một phần lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tửng mảng ký ức của thời đó cứ thế trào dâng qua lời kể của người chiến sỹ. Nhiều nhóm khán giả liên tiếp nối nhau đi theo lời kể của ông, để được chứng kiến một phần những khung cảnh bom rơi đạn nổ trong thời chiến; đồng thời chiêm ngắm những khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của dân tộc... Cứ thế, người già, người trẻ, nối tiếp nhau, ngồi say sưa kể, người chăm chú nghe những câu chuyện của một thời đã vãng. Ngẫm nghĩ, trân trọng, biết ơn giá trị của hai chữ "hòa bình".
Một số hình ảnh tại Triển lãm "Khi người chiến sĩ là họa sĩ":
Họa sĩ – Tiến sĩ Trang Phượng sinh năm 1939 tại Bình Dương, tốt nghiệp thủ khoa trường trung cấp Mỹ Nghệ thực hành Bình Dương năm 1959, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1973, bảo vệ Luận án Tiến Sĩ Mỹ Thuật thuộc Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Bulgaria năm 1979.
Ông từng giữ nhiều vị trí trong lĩnh vực Mỹ Thuật và Văn Hóa của Việt Nam như: Viện Trưởng Viện Mỹ Thuật Việt Nam, Phó Tổng thư ký hội Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban ban Tư Tưởng Văn Hóa Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ Tịch liên hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng đoàn Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 2020, ông lần đầu tiên phát hành sách mỹ thuật “Họa sĩ – chiến sĩ Trang Phượng” ghi dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình.