Người phụ nữ sống ẩn mình, chữa lành tinh thần bằng nghệ thuật "tắm rừng"

26/07/2022

Tắm rừng hay còn gọi là "Shinrin-yoku" xuất phát từ xứ hoa anh đào Nhật Bản. Không chỉ giúp con người kết nối với thiên nhiên bằng năm giác quan mà còn mang lại những năng lượng tích cực.

Đất nước có nền văn hóa lâu đời Nhật Bản đã phát triển một hình thức y học được gọi là “tắm rừng” (forest bathing) hay còn có tên gọi khác là “Shinrin-yoku” - liệu pháp giúp con người giải tỏa căng thẳng và lo âu.

Hiểu đơn giản tắm rừng không có nghĩa là tắm trong rừng hay buộc phải đi bộ, chạy bộ. Chỉ cần đắm mình trong thiên nhiên của rừng và kết nối bằng năm giác quan thì đó gọi là tắm rừng.

Mở các giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác để cảm nhận, kết nối với thiên nhiên, đó là bạn đã tắm rừng

Mở các giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác để cảm nhận, kết nối với thiên nhiên, đó là bạn đã tắm rừng

Tìm đến tắm rừng để chữa lành tinh thần

Nguyễn Thị Tuyết (pháp danh Diệu Liên) là người phụ nữ sống ẩn mình, chữa lành tinh thần bằng nghệ thuật "tắm rừng" ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Với góc độ là một người hành thiền lâu năm không thích chốn đông người, theo cô bản chất của việc tắm rừng là thiền trong rừng, tức là con người nhận biết hiện tại bằng cả năm giác quan.

Giữa khung cảnh thiên nhiên nơi Nguyễn Thị Tuyết đang sống và trong một điều kiện tự nhiên thuận lợi vô cùng sẽ giúp con người đưa vào trạng thái tỉnh thức nhất. Cô bèn tìm kiếm tất cả mọi thứ phù hợp để làm ra nét riêng và cứ thế đến với tắm rừng - lối sống chánh niệm, xu hướng của ngành spa, resort.

Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa

Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa

Năm 2015, cô tham gia khóa học làm hướng dẫn viên tắm rừng của Hiệp hội Liệu Pháp thiên nhiên và rừng ANFT Mỹ. Với mong muốn mang chương trình này về Việt Nam nhưng sau đó do quá bận rộn nên mãi đến tận 2019 cô mới bắt đầu hành trình làm hướng dẫn viên tắm rừng. Quá trình học cũng là lúc cô rèn kỹ năng giao tiếp làm sao cho “cái tôi giảm thiểu nhất có thể”.

Mỗi hành trình đi tắm rừng hầu như đều có sự trợ giúp của hướng dẫn viên, du khách tham gia sẽ học cách dừng lại và cảm nhận thiên nhiên xung quanh.

“Tôi thích làm hướng dẫn viên tắm rừng vì khi đó cũng là lúc thực hành cho cái ngã của bản thân xuống thấp nhất trong việc tương tác với mọi người. Tôi tâm đắc với bộ môn này vì mình được thấy, được chứng kiến ‘thiên nhiên là nhà trị liệu vĩ đại nhất’ qua các trải nghiệm của người tham gia”, cô chia sẻ.

Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, mục đích mọi người đến đây nhằm tái tạo năng lượng trong một không gian thiên nhiên thoáng đãng, cảnh đẹp. Các hoạt động có thể là tập thiền, yoga... với mục đích kết nối thiên nhiên để trị liệu chứ không đơn thuần vui chơi giải trí thông thường như các hình thức du lịch khác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Hướng dẫn viên tắm rừng Nguyễn Thị Tuyết cùng các thành viên tham gia

Hướng dẫn viên tắm rừng Nguyễn Thị Tuyết cùng các thành viên tham gia

Làm mới thân tâm trí bằng “tắm rừng”

Shinrin-yoku bắt nguồn từ Nhật Bản vào những năm 1980, kết hợp bởi hai chữ “khu rừng” và “phòng tắm”, được dịch ra là tắm rừng. Thời điểm này, người dân bị tác động tiêu cực của bùng nổ công nghệ đối với người dân như trầm cảm, mất tập trung và đau nhức.

Các nhà nghiên cứu cho thấy, đi bộ trong rừng giúp giảm huyết áp, cortisol (hormone căng thẳng), cải thiện sự tập trung và trí nhớ. Điều này đã tạo ra một lối sống lành mạnh hơn cho người dân ở mọi lứa tuổi, đây được xem là hình thức trị liệu cảm xúc hoặc hàn gắn vết thương tâm hồn chữa bệnh bằng cách trải nghiệm sống ở môi trường tự nhiên.

Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “Liệu pháp tắm rừng là việc đi tắm rừng có hướng dẫn viên, với vai trò đưa ra những lời mời khác nhau để người tham gia làm theo đúng mục đích và cảm nhận núi rừng nhiều nhất có thể”.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đưa ra một kết quả tích cực rằng, việc dành thời gian ở cạnh cây cối giúp làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, giảm nhịp tim và huyết áp cũng như tăng khả năng tập trung, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chúng ta ngủ ngon hơn. Nói một cách dễ hiểu, cây cối có thể chữa lành tâm hồn và sức khỏe chúng ta.

Tắm rừng nguyên bản là dưỡng sinh truyền thống lâu đời của Nhật Bản, là việc người ta đi tản bộ vào trong rừng không có mục đích gì cả. Đúng nghĩa là đắm mình trong thiên nhiên

Tắm rừng nguyên bản là dưỡng sinh truyền thống lâu đời của Nhật Bản, là việc người ta đi tản bộ vào trong rừng không có mục đích gì cả. Đúng nghĩa là đắm mình trong thiên nhiên

Rừng có những hợp chất cỏ cây tiết ra các loại dầu tự nhiên trong quá trình chúng chống lại côn trùng để sinh tồn mang tên phytoncides. Phytoncides còn gọi là hóa chất thực vật, dễ nhận thấy qua hương thơm cỏ cây, qua mùi tinh dầu giúp giảm căng thẳng, khơi dậy tâm trạng vui vẻ, thanh lọc tâm trí, suy nghĩ thấu đáo, lạc quan… Đó là lý do tại sao đi trong rừng người ta thường thấy năng lượng tràn trề.

“Con người ta thường khó thoát ra khỏi nhiều suy nghĩ, mất nhiều năng lượng cho việc tâm trí không đứng yên. Đa phần chúng ta hay bị cuốn theo những dòng suy nghĩ không cần thiết. Với những gợi ý của hướng dẫn viên, mỗi cá nhân sẽ ngắt được khỏi dòng tâm trí đó và hòa mình vào thiên nhiên. Đơn giản là hình thức nạp năng lượng cho con người một cách dễ dàng”, cô nói.

Thực hiện hình thức này tâm trí mỗi người như ngừng lại, không phải suy nghĩ, lo toan thì không bị tiêu hao năng lượng. Khi ở không gian tĩnh lặng và được tiếp xúc với thiên nhiên thì cách nhìn mọi việc cũng sáng tỏ hơn bình thường, suy nghĩ trở nên thông suốt.

Khi được Travellive hỏi về khó khăn những hành trình đi tắm rừng của Nguyễn Thị Tuyết và các thành viên tham gia thì hầu như đều không tránh khỏi việc gặp côn trùng khi đang thả lỏng cơ thể hòa mình vào núi rừng. Và điều tiên quyết khi đi tắm rừng là có một khu rừng an toàn.

Thả lỏng cơ thể và đắm mình vào thiên nhiên mang lại nhiều năng lượng tích cực

Thả lỏng cơ thể và đắm mình vào thiên nhiên mang lại nhiều năng lượng tích cực

Cô cho biết thêm: “Câu chuyện tắm rừng của mỗi con người kết nối thiên nhiên theo nhiều cách và cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Lúc này, tâm trí của họ đều mở ra, cơ thể thả lỏng, thoải mái nhất có thể và không bị che chắn bởi vướng bận hay nỗi sợ. Những điều không thể diễn đạt bằng lời mà chỉ khi ở hoàn toàn trong rừng và đắm chìm giữa thiên nhiên mới cảm nhận được, đôi khi còn vượt hơn cả sự mong đợi của người hướng dẫn viên”.

“Thiên nhiên là nhà trị liệu tốt nhất”

“Hãy kết nối với thiên nhiên nhiều nhất có thể, sống chân thật để kết nối thiên nhiên 1 cách thật nhất”, Nguyễn Thị Tuyết cho hay.

Mỗi chúng ta thường hay bị lao vào guồng quay của công việc bởi nhịp sống tất bật thường ngày, hình thức tắm rừng không phải ai cũng có cơ hội, thời gian tiếp cận để được trải nghiệm. Thay vì suốt ngày chăm chăm vào màn hình điện thoại, hãy tận dụng tối đa tiếp xúc với thiên nhiên.

Dễ nhận thấy qua hương thơm cỏ cây giúp con người giảm căng thẳng, khơi dậy tâm trạng vui vẻ...

Dễ nhận thấy qua hương thơm cỏ cây giúp con người giảm căng thẳng, khơi dậy tâm trạng vui vẻ...

Ít nhất mỗi cá nhân có thể trồng ngoài ban công đầy cỏ cây để ngắm nhìn, hít thở không gian quanh nó hàng ngày. Hay một vài bức ảnh thiên nhiên trang trí trong nhà, dạo bộ công viên… cũng đã mang lại cảm giác đặc biệt.

“Không dừng ở việc có những cảm giác sảng khoái nào đó mà tắm rừng mang lại cái chạm rất sâu sắc, hay một thoáng bừng ngộ”, Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.

Phương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES