Hơi thở nồng nàn ở 'tân thế giới'

23/04/2013

Cụm từ “New World” (tân thế giới) xuất hiện khá nhiều trong những khái niệm về vùng đất mới gồm Chile, Argentina hay Australia, hiện đang nổi lên về công nghệ sản xuất rượu vang với thị phần lấn át cả những thị trường truyền thống của các “đại gia” ở cựu lục địa. Những “nhà làm vang trẻ” từ Úc không hề kém cạnh Pháp, Tây Ban Nha hay Ý bởi họ có diện tích nông nghiệp rộng và dải đất ven biển đặc biệt phù hợp cho việc trồng nho.

Bài và ảnh: An Nam

Đến Coonawarra bằng “charter flight”

Chúng tôi hạ cánh xuống Adelaide vào thời điểm khá đẹp để khám phá nước Úc và đặc biệt là phía miền Nam ven biển.Thành phố Adelaide nổi tiếng với những ruộng nho trập trùng trên khu vực Adelaide Hills, nhưng đó chưa phải là điểm đến cuối cùng của những “tín đồ” rượu vang như chúng tôi. Sau một đêm nghỉ chân, thử nếm chút vang sủi - sparkling wine như một màn khởi động, chúng tôi được Jimmy - nhân viên của nhà làm vang nổi tiếng Jacob’s Creek hứa hẹn sẽ có những điều bất ngờ cho ngày mai.

Đúng 8h sáng, tất cả chúng tôi có mặt tại sân bay Adelaide và đi vào một khu rất đặc biệt. Không có máy scan hành lý, nhà ga trông chẳng khác một công ty du lịch với vài chiếc ghế và quầy tiếp tân cùng những kệ để vô số poster. Cô nhân viên cởi mở phát cho mỗi hành khách một tấm thông hành được ép plastic cẩn thận vì sẽ được sử dụng nhiều lần và tất nhiên là tên khách sẽ chỉ được liệt kê vào sổ và máy tính thay vì in lên thẻ.

Chiếc máy bay nhỏ vừa đủ cho 8 hành khách, bác phi công khoảng 60 tuổi dặn du khách luôn theo sát và không đứng giữa sân bay chụp hình bởi tàu bay ra vào như xe buýt. Không có tiếp viên, không có số ghế, hành khách vào từ cửa sau, còn phi công phải leo lên cánh mới mở được cửa nơi ghế lái. Con chim sắt nhỏ từ từ lăn bánh và cất cánh trong tiếng ồn chói tai. Lúc này chúng tôi mới thấy tác dụng của những chiếc tai nghe lớn đặt trên mỗi ghế ngồi hóa ra để giúp giảm thanh và đồng thời kết nối với phi công.

Chỉ sau chưa đầy 5 phút, những mảng xanh hiện ra ngút ngàn phía chân trời. Bay ở độ cao khoảng 2000m đủ để nhìn ngắm cánh đồng bên dưới và thu vào tầm nhìn những lữ khách đang bồng bềnh vì chưa quen cảm giác ngồi máy bay nhỏ. Khi vừa kịp thích nghi với cái sự tròng trành ấy thì chiếc máy bay thuê riêng - charter flight đã bắt đầu hạ cánh trong sự ngỡ ngàng của mọi người.Ngoài cửa sổ máy bay là một cánh đồng và chiếc phi cơ cứ lao thẳng một cách tự tin xuống nơi gọi là đường băng. Vài giây dằn xóc khi tiếp đất cộng thêm tiếng cánh quạt rú khiến chúng tôi thót tim.

Một sân bay kỳ lạ mở ra, không có đài kiểm soát không lưu, không nhà ga, không nhân viên, dụng cụ đo gió là một cánh diều màu trắng đã sờn cũ. Đón chúng tôi chỉ là một chiếc buýt của nhà Jacob’s Creek đang chờ sẵn và cánh đồng thơm mùi cỏ. Đây Coonawarra, một trong những vùng đất trồng nho nổi tiếng và là nơi giống nho Cabernet Sauvignon đã làm nên tên tuổi của mình ở Nam Úc.

Thiên đường của Cabernet Sauvignon 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Lịch sử Coonawarra gắn với sự di cư năm 1861 của John Riddoch, một người Scotland vốn sống ở Victoria. Ông đã bỏ tiền để mua một mảnh đất Yallum ở quận Penola. Đến năm 1890, Riddoch đã dùng 1147ha đất của mình để thành lập khu vực trồng trọt Penola. Riêng phần đất đỏ - terra rossa soil đã được đo đạc và chia ra thành những ô rộng 10ha bán cho các nhà đầu tư nông nghiệp. Họ được yêu cầu bảo vệ tài nguyên đất trong 2 năm và trồng ít nhất 1/3 diện tích là cây ăn trái và nho; 5 năm tiếp theo phải phủ kín với những cây nông nghiệp.

Kết quả là năm 1891 đã có 95.000 gốc nho và 16.000 cây ăn trái được trồng. Năm 1896, Riddoch trở thành nhà làm vang đầu tiên trong vùng. Cái tên Coonawara ra đời năm 1897 do Riddoch đề xuất với nhà cầm quyền và theo tiếng thổ dân bản địa có nghĩa là “thiên nga đen”. Kể từ đó, nền công nghiệp rượu vang bắt đầu nhen nhóm trên mảnh đất đặc biệt này.

Tôi chưa bao giờ uống vang vào buổi trưa mà lại ngay giữa không gian nắng gió của miền ven biển. Nhưng đó mới là cơ hội để chiêm ngưỡng chất tannin cô đọng bám vào thành ly rồi chảy xuống như “những cô gái chân dài” miên man.

Chợt như tỉnh giấc sau khi ngược dòng thời gian lắng nghe quá khứ của Coonawarra, những ruộng nho bạt ngàn xanh rì đón chúng tôi trong một buổi sáng đẹp trời. Chiếc xe dừng lại tại khu vườn của nhà Jacob’s Creek, dòng rượu vang sóng sánh chảy vào những chiếc ly thủy tinh. Tôi chưa bao giờ uống vang vào buổi trưa mà lại ngay giữa không gian nắng gió của miền ven biển. Nhưng đó mới là cơ hội để chiêm ngưỡng chất tannin cô đọng bám vào thành ly rồi chảy xuống như “những cô gái chân dài” miên man.

Là dải đất nằm cách bờ biển chỉ 60km, Coonawarra với khí hậu mang hơi hướm của vùng Địa Trung Hải mãi tận Lục Địa Già xa xôi. 58% diện tích của vùng hiện đang trồng Cabernet Sauvignon nhưng làm sao giống nho ấy lại phát triển mạnh mẽ nơi đây đến thế? Câu trả lời nằm ở một con dốc thoải thoải đi vào lòng đất sâu quá đầu người.

Trước khi hiểu về thứ đất kỳ lạ này, tôi thật sự khâm phục cách làm du lịch cũng như phương pháp trực quan sinh động của người Úc. Tất cả đều rõ ràng đến rành mạch và vô cùng phóng khoáng. Lớp đất đỏ - terra rosa soil hiện ra trên mặt cắt dọc vào lòng đất dày khoảng 40cm, ngay bên dưới là lớp đá vôi Canxi Cacbonat trắng khá xốp vừa giữ nước lại thẩm thấu ngược từ các mạch nước ngầm lên. Những yếu tố cộng hưởng như mùa hè khô ráo và đêm mát (chỉ dao động trong vòng 180 C) giúp cho Coonawarra sản sinh ra những chùm nho giống Cabernet Sauvignon khỏe mạnh và tạo nên chất tannin “rất có cấu trúc” bên trong mỗi chai vang. Diện tích đất terra rosa chỉ dài khoảng 20km và rộng 5km trải dài gần sát bờ biển lại càng làm cho Cabernet Sauvignon thêm giá trị.

Ngoài Cabernet Sauvignon, những giống nho khác trong vùng bao gồm Shiraz, Merlot và Chardonnay cũng đang được tập trung phát triển mạnh mẽ.

Sắm vai Gatekeeper

Trở lại nhà hàng Folder, chúng tôi được ông Bernard Hickin, một trong những nhà pha chế rượu vang hàng đầu với 30 năm kinh nghiệm hiện đang phụ trách việc sản xuất vang của nhà Jacob’s Creek, giới thiệu về những chai St. Hugo Cabernet Sauvignon trứ danh.

10 ly rượu vang giống nho Cabernet Sauvignon đặt trước mặt những gatekeeper - tạm dịch là những “người nếm rượu vang” -  với đủ các niên vụ (vintage) từ 1998 đến năm 2009. Đã thử qua nhiều hương vị vang “thế giới mới” như Mỹ, Chile, Argentina, New Zealand nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy nét “nam tính” hiện rõ trong từng ngụm vang đến thế, đặc biệt là chai St. Hugo Cabernet Sauvignon vintage 1998. Màu đỏ thẫm quý phái, chất tannin mạnh mẽ và những ai từng ngửi qua mùi xì gà chắc chắn sẽ cảm thấy phảng phất đâu đó hương thơm quen thuộc trong ly vang khá hoàn hảo này. 3 năm sau khi thu hoạch mới được đóng chai và 10 năm tự chuyển hóa dưới hầm rượu đã tạo nên những hương vị đặc trưng bên cạnh mùi xì gà như cay nồng của gia vị, cà phê, chocolate đen.

Những ai thích chút gì đó nhẹ nhàng hơn thì chai Cabernet Sauvignon niên vụ 2001 lại mang đến sắc đỏ nhẹ nhành và tinh túy. Mùi thơm của cây cỏ, berry đen, mận và cam thảo quyện vào nhau hài hòa. Khi nhấp một ngụm, cảm giác dòng vang thấm đẫm đầu lưỡi tan vào khoang miệng mượt mà đến bất ngờ.

Còn tôi vẫn thích những chai vang mới như Reserve Cabernet Sauvignon được làm ra ở Coonawarra niên vụ 2009. Đậm đà - Full bodied, màu đỏ ruby, hương thơm của trái berry đỏ hòa với mùi vani và gia vị thoang thoảng.

Nếm đủ 10 ly vang Cabernet Sauvignon với các niên vụ khác nhau, mỗi loại có hương vị riêng khó quên. Một người bạn đồng hành còn giải thích cho tôi thêm một thông tin cực kỳ thú vị. “Cậu có nếm thấy một mùi vị lạ trong những ly vang này không?” – Anh hỏi và giải thích: “Với vị trí địa lý nằm sát biển, những gốc nho đâm sâu vào đất sẽ lấy chất dinh dưỡng từ dòng nước ngầm nhiễm mặn bên dưới, do đó những trái nho ở Coonarwarra cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng”. Tôi ngửi thật kỹ mùi và nhấm nháp đến 2 lần ly vang Cabernet Sauvignon niên vụ 2002. Nhắm mắt thử cảm nhận một cách sâu sắc nhất, quả đúng là có chút gì đó hơi mằn mặn, chỉ rất nhẹ thôi.“Nhưng tôi còn nghe được cả tiếng sóng sánh rì rào từ đại dương nữa”. Anh Khương mỉm cười đáp:“Đúng rồi, đó mới là điều thú vị của vang đấy!”.

Sẽ là không bao giờ là đủ để viết về vang bởi mỗi gatekeeper có một cảm nhận riêng (tôi rất thích danh từ này do ông Bernard gọi những người đam mê và nhận xét vang) và lại thích một loại vang khác nhau.Thứ thức uống được mệnh danh là “món quà của thượng đế” này đã giúp cho mọi người gần gũi nhau hơn. Hành trình ở Coonawarra khá ngắn nhưng đủ dài để chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên cũng như sự nồng hậu trong con người nơi đây. Từ Bernard Hickin, Jimmy đến bác phi công hay anh tài xế, mọi người đều chào đón chúng tôi bằng nụ cười, đều dành những thời gian trò chuyện bất tận về rượu vang và tôi càng tin rằng “rượu ngon phải có bạn hiền” để rồi mỗi buổi tối lại là một “hành trình” thú vị về một loại vang nào đó khắp các miền nước Úc.

Hẹn gặp lại Coonawarra tại lễ hội vang xứ Coonawarra vào tháng 8 sắp đến với Roadshow Tasting đi qua các thành phố lớn như thủ đô Canberra, thành phố Sydney, Melbourne, Adelaide và Perth…

Thông tin thêm:

+ Từ Việt Nam, du khách có thể đáp chuyến bay TPHCM - Sydney của Vietnam Airlines, sau đó nối chuyến đến Adelaide bằng chuyến bay của các hãng hàng không nội địa như Qantas, Virgin Australia và Jetstar.

+ Tại Adelaide có khá nhiều công ty cho thuê máy bay riêng (charter flight), trong đó có Dick Lang's Bush Pilot (tham khảo tại: http://adelaideaircharter.com.au) với chuyến bay từ Adelaide đến Coonawarra mất khoảng 30 - 45 phút. Các máy bay của Dick Lang's có từ 8 - 20 chỗ và do các phi công rất kinh nghiệm điều khiển. Giá thuê máy bay riêng tùy thuộc vào số lượng khách và thời gian đi về. Du khách có thể liên lạc tại website hoặc trực tiếp bằng điện thoại theo số: +61 8 8264 7200.  

+ Ngoài ra, từ Adelaide, du khách cũng có thể thuê xe tự lái khoảng 4 tiếng 30 phút đến 5 tiếng cho quãng đường 380km đến Coonawarra hoặc sử dụng dịch vụ xe buýt của hãng Premier Stateliner Services với các chuyến xe khởi hành mỗi ngày từ Adelaide đến Penola/Coonawarra. Website tham khảo: http://www.premierstateliner.com.au

 

RELATED ARTICLES