Có một Jordan nồng nàn và quyến gọi

07/11/2018

Thế giới rộng khôn cùng, và tôi đã có lần hứa đưa người mình yêu đi đến cùng trời cuối đất. Nhưng nếu phải và chỉ được lựa chọn, một và chỉ một, nơi đó sẽ là Jordan.

Empty

Ai đã “giết” biển Chết?

Là câu hỏi đầu tiên khi bất kì ai đặt chân tới đây. Chả phải ngẫu nhiên biển được gọi là biển Chết. Biển Chết nằm ở lưu vực giữa Jordan và Israel. Hàng triệu năm về trước, do kiến tạo địa chất, một vết nứt dài mà người ta đặt tên là Đại Thung Lũng (Valley Rift) xuất hiện, kéo dài từ dãy núi Taurus ở Thổ Nhĩ Kỳ tới thung lũng Zambezi ở miền nam châu Phi, đã “cô lập” một hồ nước rộng lớn. Hay bản thân hồ nước này đã “ích kỷ tách mình” ra khỏi Địa Trung Hải để rồi hình thành nên một hồ muối rộng lớn dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất là 400 m?

Empty

Chính sự “ích kỷ” này của hồ và qua nhiều biến đổi địa chất cũng như khí hậu hàng vạn năm, nước trong hồ trở nên mặt chát khiến không có sự sống của loài động thực vật nào có thể sinh trưởng được. Biển không còn hoà vào đại dương, biển đã tự giết chết mình. Biển giờ chỉ còn dòng chảy của sông Jordan vẫn vị tha hoà vào nuôi biển. Để cứu biển khỏi chết lần hai, bởi những biến đổi khí hậu nhanh chóng trong tương lai, người ta đã lên cả một kế hoạch vĩ đại để đào một con kênh đưa nước từ biển Đỏ, chạy ngang qua Israel và đổ vào “nuôi” biển.

Empty

Hoàng hôn ở nơi đây lạ lắm! Mặt trời ẩn nấp đâu đó sau ánh mây mù mù, hừng lên những vệt loè loẹt màu cam đỏ cuối chân trời. 7g tối mà vẫn như ban ngày, nhưng vội tắt ngấm khi mặt trời quyết tâm đi ngủ. Hàng đoàn người vẫn nườm nượm ra đây trầm mình xuống biển. Chả phải vì cảnh đẹp của biển lúc hoàng hôn mà vì những dưỡng chất hoá học tự nhiên có trong nước biển mà không nơi nào khác trên thế giới có được, vì ta biết rằng Biển Chết tại điểm thấp nhất trên bề mặt trái đất mặn gấp 9 lần nước biển thường. Nhiều du khách muốn cảm nhận được cảm giác nổi lềnh bềnh, nằm đọc sách trên mặt biển mà không cần phải có phao hỗ trợ hay phải là tay biết bơi cự phách, ở trên một mặt biển thấp hơn gần 500m so với mực nước biển.

Empty

“Thung lũng ánh trăng” Wadi Rum và thanh âm của sự tĩnh lặng

Có lần, người yêu hỏi tôi: “Đâu là lời yêu ngọt ngào nhất?”. Tôi đáp ngay rằng, hãy đến Wadi Rum, góc sa mạc đỏ ươm còn được mệnh danh là “thung lũng Ánh Trăng”, để nghe tiếng vọng của đêm. Có khi, thanh âm thuần khiết nhất lại là sự tĩnh lặng.

Em chắc hẳn đã nghe về góc sa mạc lạ lùng này hay ít nhiều thấy hình ảnh nó qua màn ảnh rộng bởi nó từng là bối cảnh của quá nhiều bộ phim nổi tiếng. Từ Lawrence ở xứ Ả Rập, hay Cuộc Thập tự chinh cuối cùng của Indiana Jones, và mới đây nhất là Người về từ sao hoả (Martian) với tay diễn viên nổi tiếng mà em yêu thích - Matt Damon.

Empty

Wadi Rum quyến rũ bởi màu nâu đỏ đặc thù của địa chất nơi đây khiến bất kì ai cũng có cảm giác như lạc vào Hoả tinh. Sắc màu đó được tạo nên bởi thành phần hoá học mà người ta gọi là ôxít sắt. Sa mạc lớn nhất Jordan này nằm về phía Tây Nam của đất nước, cách thủ đô Amman hơn 300km và cách Petra chỉ hơn 100km. Góc sa mạc này đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và là điểm đến yêu thích thứ hai của khách du lịch vùng Địa Trung Hải, chỉ sau Petra.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Wadi Rum biến ảo vào ban ngày với những hình thù kỳ lạ chuyển sắc ngoạn mục của những vách núi và cột đá hoá thạch, dưới ánh mặt trời: từ vàng cam, đỏ nâu đến đen mun. Những hình ảnh kì thú, biến hình hư ảo hớp hồn bất kì du khách nào một lần đặt chân đến đây và trải nghiệm hành trình của mình bằng phương tiện từ hiện đại như xe jeep cho đến thô sơ như ngựa hay lạc đà.

Empty

Sa mạc bao dung này đã là nơi trú ngụ của rất nhiều tộc người nguyên thuỷ từ xa xưa. Bằng chứng là ở Jebel Khazali, ngọn núi ấn tượng được chấm phá bằng hẻm núi Little Siq tuyệt đẹp, người ta đã tìm thấy bên vách núi, phía trên một hồ nước tự nhiên trong hẻm núi với rất nhiều hình thù sinh hoạt của người cổ xưa được tạc khắc lên đây. Có lẽ hồ nước này chính là nguồn sống của họ của triệu năm về trước, của tộc người cổ Nabatean, của người du mục Bedouin và cho hàng cây sung dại đẹp chao lòng mọc đầy xung quanh ngày nay.

Empty

Đó là sao đêm, không phải là cát sa mạc, thứ mà người ta cho rằng nhiều nhất ở đây. Đó là sự tĩnh lặng thinh không mà ma mị quyến rũ khi ta thả hồn dưới trời đêm chứ không phải những thanh âm ồn ã hay ngọt ngào mà chúng ta nghe quen tai đến nghiện ngập.

Tôi đã không bỏ qua cơ hội khi qua đêm trong sa mạc. Tung mình ra khỏi cái lều dựng theo kiểu người Bedouin với chăn êm nệm ấm, với cả nhà tắm đủ đầy nước nóng - lạnh được dựng chỉn chu (bởi người Jordan chu đáo và làm du lịch rất chuyên nghiệp). Nhờ vậy, tôi đã chạm vào được thanh âm của đêm. “Sự tĩnh lặng sâu thẳm trong hun hút sa mạc giữa trời đêm là những thanh âm tuyệt vời nhất mà bất kì ai cũng mong một lần được nghe, hơn triệu lần lời nói tiếng yêu nhau.”

Empty

Cuối cùng là tình Petra

Khi yêu, ai mà không muốn tình yêu mình trở nên bất tử! Bằng chứng là rất nhiều đôi lứa yêu nhau đi tới đâu cũng khắc tên mình trên vách núi, hàng cây, hay văn minh và hiện đại hơn là gắn những ổ khoá trên những thành cầu tình yêu (mà họ tin rằng một ngày ổ khoá còn đấy, họ vẫn còn có nhau).

Tình yêu đôi lứa thì nhiều, người ta vẫn sống và để yêu nhau đấy thôi. Nhưng những gì bất tử lại cần được kiểm chứng bởi thời gian. Tiếc thay, những người khắc tên mình trên vách đá, hàng cây khi đi du lịch lại hiếm khi quay lại để “truy tìm” minh chứng cho tình yêu mình. Những người gắn những ổ khoá trên thành cầu, liệu khi tan vỡ, họ có can đảm để quay lại mở khoá chăng?

Empty

Petra "kín tiếng" lắm. Chả cần phô trương mà vẫn hào hoa và lộng lẫy. Minh chứng thời gian đủ để Petra trở nên bất tử. Thế nên, một nơi tôi muốn đưa người yêu tới, cả hai sẽ ghì tay nhau và... lặng đi. Nơi đó tôi tin không có thấu kính nào có thể ghi lại được vẻ đẹp hơn là đôi mắt và thấu cảm bằng cả trái tim mình: Petra!

Petra đẹp tráng lệ như một nữ thần có phần bí hiểm, lại mang chút gì đó đầy thách thức. Nằm trong lòng núi đá do dân tộc Nabatene tạo ra, thành cổ Petra ở Jordan nổi tiếng với hàng trăm công trình được khắc lên đá hoa cương hết sức công phu và tráng lệ.

Empty

Nếu trong tình yêu, những sắc thái khi yêu là khi ta hờn dỗi, hay giận hờn và hân hoan, thì Petra như một điển hình của những sắc thái đó mà bạn có thể cảm và chạm vào. Đó chính là khi thành cổ này chuyển mình ngoạn mục của sắc màu từ vàng cam, màu kem, đỏ cho tới nâu đậm.

Hình dung về Petra, đó là hình ảnh một cô gái khoác trên mình bộ trang phục rực màu đá núi. Có lẽ vì vậy người ta vẫn hay gọi Petra bằng mệnh danh đầy mĩ miều là thành phố hoa hồng đỏ, “A secret makes a woman woman”. “Người con gái” bí ẩn này hơn một lần khiến người ta cảm thấy phải thấu hiểu, và rồi cho dù có cố gắng đến mấy, cũng chẳng thể mô tả lại được bằng những ngôn từ hoa mỹ nhất. Nên chỉ có thể chiêm ngắm kỳ quan này bằng mắt, và lặng đi vì sự vỹ đại của công trình.

Empty

Tình đôi ta cũng vậy. Và tôi sẽ nói với người mình yêu: Rằng, có một Jordan như vậy đấy, em có biết không? Đầy nồng nàn và quyến gọi. Như những cung bậc cảm xúc khó tả và ngôn từ khó biểu đạt, khi bạn trải qua những ngày yêu và những ngày Jordan, khi chúng ta chạm tới tận cùng vẻ đẹp cổ xưa ở thành Petra.

THÔNG TIN THÊM

+ Visa:

- Đây là một trở ngại lớn nhất cho những người muốn tự đi với chi phí thấp. Hiện visa Jordan nếu tự xin, chỉ có thể qua nước thứ hai (mà đa phần chọn Malaysia) để nộp hồ sơ. Việc này tính ra khá tốn kém ngoại trừ việc bạn kết hợp với một chuyến đi hay có việc ở nước thứ hai này.

-Tuy nhiên, nếu bạn liên hệ với các công ty du lịch địa phương và đăng ký du lịch qua công ty của họ, bạn chỉ cần gửi hình chụp hộ chiếu trước 3 tuần. Khi tới sân bay ở Jordan, bạn sẽ được người của công ty đón và làm thủ tục visa cho bạn. Bạn sẽ thấy cách làm việc cực kì chuyên nghiệp, lịch sự và nhanh chóng ngay khi bạn vừa tới quầy làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay.

+ Đến và đi:

- Bạn có thể mua tour từ 1 đến 3 ngày nếu đến từ phía Israel bằng đường bộ. Nếu từ Ai Cập và muốn trải nghiệm bằng phà, bạn có thể mua vé phà ở Taba từ bên bờ Sinai. Phà chạy 1 tiếng để đưa bạn băng qua biển Đỏ và tới cảng Aqaba phía Jordan. Tuy nhiên, phà có thể huỷ chuyến nếu không đủ khách. Vì vậy, phương án đến và đi bằng máy bay vẫn nhanh chóng và an toàn hơn cả.

- Có rất nhiều hãng hàng không khai thác đường bay tới thủ đô Amman của Jordan. Tuỳ điều kiện thời gian và ngân sách mà bạn chọn chuyến bay phù hợp. Lẽ dĩ nhiên, nếu chặng bay chỉ nối chuyến tại một điểm thì sẽ giá sẽ cao hơn nhiều so với bạn đặt các chuyến bay riêng lẻ và dừng ở nhiều điểm. Bạn có thể cân nhắc các hãng hàng không như Qatar Airways, Emirates, EgyptAir (quá cảnh tại Cairo).

- Mách nhỏ: Kinh nghiệm để “săn” vé máy bay của các hãng này là bạn đặt chuyến bay trên các ứng dụng đặt vé máy bay khởi hành từ một sân bay khác ngoài Việt Nam như Kuala Lumpur, Bangkok, Singapore, hay ngay cả Doha. Sau đó bạn đặt vé máy bay một chặng riêng biệt từ Việt Nam đến các sân bay này sao cho có thể nối chuyến bay.

+ Thời gian:

Thời gian đẹp nhất và là mùa cao điểm du lịch ở Jordan là vào mùa Xuân, từ tháng 3 đến tháng 5. Mùa hè rơi vào tháng 6 đến tháng 8 thời tiết rất nóng bức, có khi nhiệt độ trong ngày ở một số nơi lên đến hơn 40 độ C. Các tháng còn lại từ tháng 9 đến tháng 3 thời tiết tương đối dễ chịu, rất lý tưởng để bạn thực hiện một chuyến đi đến đây. Với những du khách thích dịch vụ lặn biển ở Aqada thì từ tháng 10 đến tháng 12 là thời gian phù hợp nhất bởi khi đó, nước biển trong và nhiệt độ nước biển duy trì khoảng 26-27 độ C.

+ Những lưu ý khác:

- Dành trọn ít nhất một ngày để tham quan thành cổ Petra. Mang theo snack và một số đồ ăn vặt cũng như nước uống để ăn uống dọc đường và tiết kiệm chi phí.

- Cưỡi lạc dà, cưỡi ngựa bên trong thành cổ rất mắc, từ 20-40 USD cho một khách và một chiều sử dụng.

- Nên mua sim điện thoại khi tới sân bay để sử dụng. Giá sim khoảng 20 USD (450.000 VNĐ) cho 5Gb internet và nghe gọi.

+ Lưu trú:

Lều trại ở sa mạc được trang bị khá tốt. Có cả nhà tắm và nước nóng lạnh bên trong lều.

Thành Cao, Hoàng Lê Giang
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES