Khách tự dọn ly sau khi uống nước tại quán: Sính ngoại hay khác biệt văn hóa?

05/01/2023

TikToker Hoàng Anh và Hỷ Khí Dương Dương đã tạo nên một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội khi đề cập đến vấn đề ý thức bảo vệ môi trường nơi công cộng, đặc biệt là việc dọn dẹp ly nước sau khi sử dụng ở quán cafe.

Gần đây trên mạng xã hội đang chia thành hai luồng tranh cãi xung quanh vấn đề “Có nên tự dọn ly khi đi uống cà phê ở quán không?”. Nhiều người cho rằng việc dọn ly là của các bạn nhân viên, khách hàng dọn hay không là do tự nguyện, không thể ép buộc cũng không thể dùng đó làm căn cứ đánh giá người khác. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cảm thấy việc tự dọn ly thể hiện ý thức con người.

Đi uống cà phê, có cần phải tự dọn ly?

Cụ thể, một tài khoản TikTok đã đăng clip phàn nàn về vấn đề khách uống nước xong thì không tự dọn dẹp bỏ ly vào thùng rác hoặc nơi quy định trước khi ra về khiến khách hàng đến sau ngồi vào bàn phải tự dọn. Đoạn clip này đã được đăng từ nhiều tháng trước và gây lên làn sóng tranh cãi dữ dội. Sự việc này đã dần chìm vào quên lãng nhưng mới đây lại được “khơi mào” một lần nữa.

Cuộc khẩu giữa hai tiktoker về việc tự dọn rác sau khi uống tại quán

Cuộc khẩu giữa hai tiktoker về việc tự dọn rác sau khi uống tại quán

Nguyên nhân được cho là do TikToker Hoàng Anh Panda, một trong những tiktoker không còn quá xa lạ với giới trẻ hiện nay ở lĩnh vực review food và cũng rất được mọi người ủng hộ vì độ chân thực mà anh mang đến, đã đăng tải đoạn video chia sẻ quan điểm của anh về vấn đề trên, anh cho rằng khi khách sử dụng dịch vụ tại quán cà phê thì việc tự dọn hay không là ý thức của mỗi người chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc hoặc là quy định chung của quán.

Tưởng rằng câu chuyện này đã chấm dứt nhưng làn sóng dư luận một lần nữa được đẩy mạnh khi TikToker Hỷ Khí Dương Dương đáp trả TikToker Hoàng Anh Panda. Cô tên thật là Dương Bội Linh (sinh năm 1994), những video nữ tiktoker luôn xoay quanh kiến thức về văn hóa, ẩm thực của người Hoa tại Việt Nam. Hỷ khí Dương Dương để lại bình luận phản bác về quan điểm của nam TikToker: “Thì đó là suy nghĩ của bạn, mình đi nước ngoài nhiều nên mình luôn dọn dẹp ly hết, mình tự tin mình có ý thức”. Hỷ Khí Dương Dương cho rằng quan điểm của Hoàng Anh Panda chính là khuyến khích mọi người nhất là giới trẻ học theo hành động thiếu ý thức khi không tự dọn ly trong quán.

Tranh cãi vì khác biệt văn hóa

Ở những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… mô hình cửa hàng tiện lợi, tự phục vụ hay còn biết đến với cái tên Cafeteria đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, nhưng ở Việt Nam thì ý tưởng này vẫn khá xa lạ với khách hàng. Ngoài ra để thuận tiện cho khách hàng mới trải nghiệm mô hình quán ăn tự phục vụ lần đầu, nhà hàng luôn có bảng hướng dẫn chi tiết quy trình tự phục vụ bao gồm việc khách hàng được khuyến khích tự dọn dẹp lại vị trí khu vực ăn uống của mình và bỏ rác đúng nơi quy định sau khi dùng bữa xong. Điều này tuy không bắt buộc nhưng nó thành một nét văn hóa và nếp sống của người dân. Hình thức này dễ dàng được bắt gặp ở các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam như Circle K, Family Mart, Ministop hay các cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald's, Burger King, KFC,...

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

P.V (23 tuổi) là một cựu nhân viên của hệ thống cửa hàng gà rán KFC, đồng thời hiện đang là nhân viên phục vụ tại The Coffee House cho biết: "KFC là chuỗi nhà hàng tự phục vụ điển hình, khách hàng sẽ tự đến quầy lấy đồ ăn, nĩa, muỗng, ống hút. Vẫn có những khách hàng tự dọn dẹp sau khi ăn xong, nhưng cũng có những khách hàng để lại cho nhân viên như mình dọn dẹp. Trong quy định của cửa hàng cũng không bắt buộc khách hàng dọn dẹp."

P.V cũng chia sẻ về quy định phục vụ tại The Coffee House, trước đây khách hàng gọi đồ uống tại quầy nhưng sẽ có nhân viên phục vụ đồ uống đến tận bàn. Hiện tại chuỗi cà phê nổi tiếng này đã đổi sang hình thức tự phục vụ khi chuyển sang sử dụng thiết bị rung để khách hàng tự nhận đồ, giống như hàng loạt các cửa hàng Highlands Coffee hoặc Phúc Long. Với việc dọn bàn sau khi khách ra về, đây là khâu bắt buộc đối với phục vụ tại The Coffee House.

Với việc dọn bàn sau khi khách ra về, đây là khâu bắt buộc đối với phục vụ tại The Coffee House.  (Hình ảnh minh họa)

Với việc dọn bàn sau khi khách ra về, đây là khâu bắt buộc đối với phục vụ tại The Coffee House. (Hình ảnh minh họa)

Đối với hệ thống "tự phục vụ một nửa" như ở Việt Nam, Lucius Uông hiện đang là Senior Marketing Communications Executive thuộc Sonkim FnB cho biết: "Ở Việt Nam hình thức cửa hàng tự phục vụ 100% vẫn chưa phổ biến. Mặc dù những năm gần đây, mô hình cà phê, quán ăn tự phục vụ xuất hiện tại Việt Nam ngày một nhiều. Tuy nhiên, việc tự bưng bê đồ ăn, thức uống và sau đó tự dọn dẹp khiến không ít người bị lúng túng bởi trong một thời gian dài, người Việt luôn có tâm lý 'khách hàng là thượng đế'. Bên cạnh đó, hầu hết những cửa hàng F&B (dịch vụ nhà hàng đồ ăn, thức uống) như Starbucks hay Highlands Coffee đều có giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn, một mức giá không quá rẻ đối với người Việt Nam.

Theo anh, đây là tâm lý chung thực khách dành cho các dịch vụ F&B tại Việt Nam, họ đã bỏ ra số tiền không nhỏ nên có quyền sử dụng dịch vụ tốt, có nhân viên dọn dẹp sau khi sử dụng xong. Chưa kể, điều này dường như đã có sự thoả thuận ngầm giữa chủ cửa hàng và khách hàng bởi không có những yêu cầu tự phục vụ cụ thể. Cụ thể, khách sẽ tự phục vụ mang đồ ăn thức uống đến bàn thưởng thức, còn phần dọn dẹp sau đó thuộc về dịch vụ nhà hàng.

Hình thức tự phục vụ 100% được áp dụng cho tất cả các hệ thống quán cà phê tại nước ngoài, thậm chí những chuỗi cửa hàng nổi tiếng còn áp dụng công nghệ và không cần dùng đến nhân viên để vận hành một cửa hàng.

Hình thức tự phục vụ 100% được áp dụng cho tất cả các hệ thống quán cà phê tại nước ngoài, thậm chí những chuỗi cửa hàng nổi tiếng còn áp dụng công nghệ và không cần dùng đến nhân viên để vận hành một cửa hàng.

Chị Yến Quyên (27 tuổi) thường xuyên có những chuyến công tác tại nước ngoài cũng chia sẻ về những khác biệt tại các hệ thống cửa hàng tự phục vụ tại Việt Nam và quốc tế: "Trong các chuyến công tác đến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản mình nhận thấy tất cả các quán cà phê và cửa hàng thức ăn nhanh ở đó đều được gọi là Cafeteria và đi theo hình thức tự phục vụ. Có những nơi mình gọi món và thanh toán tại quầy điện tử, cửa hàng hoàn toàn không có nhân viên tại quầy mà chỉ có nhân viên pha chế. Khu vực để dụng cụ ăn uống và dọn rác cũng được để phân chia rõ ràng. Việc được phục vụ tận bàn chỉ xảy ra ở các quán ăn truyền thống hoặc nhà hàng, nếu quán ăn đó chuyển qua hình thức tự phục vụ họ sẽ để một bảng thông báo ghi rõ các quy định."

Chị Yến Quyên cũng nhận định để tạo nên một văn hoá tự phục vụ ở một đất nước đã quen với kiểu phục vụ truyền thống là điều không phải dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn. Để tạo tiền đề tốt, các cửa hàng có thể nghĩ đến việc đặt các bảng thông báo nho nhỏ để khách hàng bắt đầu làm quen.

Chị Yến Quyên (27 tuổi), hiện đang là Brand Manager tại một công ty quốc tế. Chị thường xuyên có những chuyến công tác và tiếp xúc với văn hóa ăn uống tại các quốc gia khác nhau.

Chị Yến Quyên (27 tuổi), hiện đang là Brand Manager tại một công ty quốc tế. Chị thường xuyên có những chuyến công tác và tiếp xúc với văn hóa ăn uống tại các quốc gia khác nhau.

Nhìn chung, tranh cãi về chuyện dọn dẹp sau khi ăn uống tại cửa hàng xuất phát từ quan điểm cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, khi đánh giá một vấn đề, ta cần dựa trên thói quen và những điều được chấp nhận rộng rãi tại cộng đồng, đất nước đó.

"Tạo nên một văn hoá tốt là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, nếu bạn đã quen với kiểu phục vụ ở các cửa hàng truyền thống thì có thể tìm đến các quán ăn đó, suy cho cùng sự lựa chọn vẫn nằm trong tay của chúng ta", Lucius chia sẻ.

Yến Nhi
RELATED ARTICLES