Khách Việt cảnh báo nạn cướp giật hoành hành ở châu Âu

11/07/2025

Từ những điểm du lịch đình đám như Barcelona, Paris đến các tuyến Metro London hay những quán cà phê tại Milan, tình trạng cướp giật đang diễn ra với quy mô rộng không chỉ ở mức trộm vặt mà còn có tổ chức tinh vi. Nhiều du khách Việt chia sẻ trực tiếp những trải nghiệm, cái nhìn và bài học xương máu từ các vụ việc diễn ra chỉ trong vòng vài giây. Đối mặt với nguy cơ này, việc trang bị kiến thức, thói quen và sự cảnh giác là vô cùng cần thiết.

Đầu năm 2024, chỉ số “European Pickpocketing Index” của Quotezone (một nền tảng bảo hiểm du lịch có trụ sở tại Anh) xếp Italy đứng đầu châu Âu về tỷ lệ nhắc đến cướp giật với 478 vụ trên mỗi triệu lượt khách Anh đến các điểm du lịch như Colosseum, Trevi Fountain… cao hơn cả Pháp và Tây Ban Nha. Tiếp theo là Pháp với 251 vụ/triệu lượt khách, chủ yếu ở Paris. Tiếp đến là Tây Ban Nha (Las Ramblas, Madrid) và Hà Lan (Amsterdam) cũng đứng trong top có chỉ số cao.

Chỉ số móc túi châu Âu được công bố bởi trang web Quotezone.co.uk

Chỉ số móc túi châu Âu được công bố bởi trang web Quotezone.co.uk

Trên các diễn đàn như Reddit, khách du lịch thừa nhận chỉ cần mất cảnh giác một chút là sẽ bị móc túi trong đám đông như tại Ga Metro ở Paris, các tuyến xe buýt chính ở Rome hay khu Duomo Milan.

Bài liên quan

Khi nạn nhân lên tiếng: Thực trạng dễ gặp, khó phòng

Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) vốn nổi tiếng với bờ biển và kiến trúc Gaudí, nhưng ngày nay càng được biết đến như một “điểm nóng” về cướp giật. Theo thống kê của Numbeo 2024, Barcelona là thành phố có tỷ lệ trộm cắp cao nhất Tây Ban Nha, với chỉ số an toàn chỉ đạt 38/100 điểm. Quotezone cũng từng xếp Barcelona đứng đầu bảng “European Pickpocketing Index” năm 2023, tức là nơi có nguy cơ cao nhất cho du khách bị móc túi.

Trong một bài đăng trên nhóm du lịch châu Âu, anh Trần Thanh Tâm kể lại việc bị giật mất đồng hồ ngay trên tay khi đang đi bộ gần Zara, H&M tại Barcelona vào khoảng 12 giờ trưa. Dù cao 1m8, to con và đi cùng nhóm 8 người, anh vẫn không kịp phản ứng. Một kẻ ăn mặc như du khách tiến lại và giật phăng mặt đồng hồ, bỏ lại dây đã bị đứt.

Bài chia sẻ của anh Trần Thanh Tâm thu hút sự quan tâm của nhiều người trong nhóm du lịch châu Âu

Bài chia sẻ của anh Trần Thanh Tâm thu hút sự quan tâm của nhiều người trong nhóm du lịch châu Âu

Trong bài đăng, anh Tâm nghi ngờ mình đã bị theo dõi ngay từ lúc check-out tại quán Starbucks dưới khu căn hộ Airbnb bởi một phụ nữ "có thể là người tiền trạm". Theo anh Tâm, khoảng thời gian từ 11 đến 12 giờ trưa là “khung giờ vàng” của các đối tượng cướp giật khi khách du lịch thường kéo hành lý, tay xách nách mang nhiều đồ đạc cồng kềnh và ít cảnh giác.

Dưới phần bình luận, nhiều tài khoản cũng chia sẻ những trải nghiệm tương tự. Khoa Pham từng bị giật túi xách khi ngồi uống nước bên bờ biển. Tuấn Tạ kể chuyện bạn mình bị cướp đồng hồ trị giá hơn 1 tỷ đồng khi đi bộ buổi tối ở khu phố đi bộ.

Vào đầu năm nay, nữ MC Thanh Thanh Huyền cũng đã đăng tải trạng thái hoảng loạn vì bị mất vali khi đang đi tàu ở Ý, cụ thể là từ Rome đến Florence. Những chia sẻ cho thấy cô đã rất sốc và phải khóc, đồng thời kêu gọi mọi người cảnh giác hơn khi đi lại bằng phương tiện công cộng ở châu Âu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nữ MC Thanh Thanh Huyền đăng tải story về sự cố mất vali khi đi du lịch ở Ý

Nữ MC Thanh Thanh Huyền đăng tải story về sự cố mất vali khi đi du lịch ở Ý

Những chiêu trò tinh vi và “kịch bản hóa” cướp giật ở châu Âu

Theo báo cáo năm 2023 của European Crime Prevention Network, các nước có tỷ lệ cướp giật và móc túi cao nhất gồm Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Áo. Paris, Rome, Milan, Florence và Barcelona là những thành phố thường xuyên được cảnh báo. Tội phạm ở đây không chỉ hoạt động đơn lẻ mà còn có tổ chức, phối hợp thành nhóm từ 3 đến 10 người.

Chúng thường hoạt động theo nhóm: một hoặc hai người tiền trạm sẽ chọn mục tiêu, quan sát và chụp ảnh. Sau đó, thông tin được gửi đến kẻ thực hiện hành vi cướp giật hoặc móc túi. Một số nhóm sử dụng trẻ vị thành niên để gây sự chú ý, đánh lạc hướng hoặc dàn cảnh hỗn loạn.

Đại lộ La Rambla, nơi diễn ra nhiều vụ cướp giật nhất Barcelona (Tây Ban Nha)

Đại lộ La Rambla, nơi diễn ra nhiều vụ cướp giật nhất Barcelona (Tây Ban Nha)

Những tên trộm cũng chọn thời điểm khách du lịch sơ hở như lúc check-out, mang vác nhiều hành lý, chụp ảnh tại điểm đông người, hoặc lên xuống phương tiện công cộng. Những khu vực gần trung tâm thương mại hay các quán cà phê lớn là địa điểm được nhắm đến nhiều do lượng du khách tập trung đông.

Một số chiêu trò lừa đảo để cướp tiền trắng trợn phổ biến khác như giả vờ xin chữ ký để ủng hộ tổ chức từ thiện, tặng vòng dây may mắn, tổ chức các trò chơi để dàn cảnh vòi tiền hoặc dụ dỗ tham gia.

Anh Nguyễn Cảnh Linh, đại diện Công ty du lịch Top Ten Travel chuyên cung cấp dịch vụ xin visa và tour du lịch châu Âu, cho biết “vấn nạn này đã tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền các nước vẫn chưa có giải pháp triệt để". Anh cũng nhấn mạnh việc khách châu Á là đối tượng thường xuyên bị nhắm đến vì thường sử dụng hàng hiệu và thói quen tiêu dùng tiền mặt. Vì vậy, du khách cần lên trước các phương án đề phòng. Tuy không có biện pháp nào là tuyệt đối, nhưng khi có sự chuẩn bị, mức độ rủi ro sẽ giảm.

Tự trang bị kiến thức, chủ động bảo vệ tài sản cá nhân khi đi du lịch châu Âu

Những travel blogger nổi tiếng như Nhị Đặng, Hà Thanh Phúc... và những người có kinh nghiệm sống nhiều năm tại các quốc gia châu Âu đã chia sẻ các tip phòng tránh và xử lý tình huống khi bị cướp giật như sau:

Không mang theo đồ giá trị lớn, nên để đồng hồ, trang sức, tiền mặt và giấy tờ quan trọng trong két sắt khách sạn. Nếu phải mang theo, hãy giữ ví tiền và điện thoại ở vị trí an toàn, luôn trong tầm kiểm soát.

Du khách nên đặc biệt cẩn trọng với những đồ vật có giá trị như ví tiền, điện thoại, đồng hồ... tại các địa điểm đông đúc như metro, xe buýt công cộng, quảng trường...

Du khách nên đặc biệt cẩn trọng với những đồ vật có giá trị như ví tiền, điện thoại, đồng hồ... tại các địa điểm đông đúc như metro, xe buýt công cộng, quảng trường...

Hãy luôn cảnh giác kể cả khi đi nhóm đông người, đặc biệt khi xách đồ cồng kềnh trong lúc check in hoặc check out khách sạn. Tốt nhất nên sử dụng taxi, uber, hạn chế đi các phương tiện công cộng như xe buýt, metro, tàu điện ngầm. Tránh sử dụng vali hàng hiệu hoặc vali có thiết kế đắt tiền bởi đây là dấu hiệu dễ bị nhắm đến. Ưu tiên vali có màu sặc sỡ để dễ nhận diện và khiến kẻ gian dè chừng.

Du khách đặc biệt nên chú ý đến những trò gian lận. Nếu có người tiếp cận với những lý do không cần thiết, hãy rời đi ngay lập tức. Những tình huống này thường đi kèm với nhóm tội phạm đang “dàn cảnh”.

Nếu không may trở thành nạn nhân, du khách nên ưu tiên an toàn cá nhân, không chống cự nếu cảm thấy nguy hiểm. Trình báo cảnh sát địa phương ngay lập tức và cung cấp mô tả chi tiết. Liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ về pháp lý và thủ tục cần thiết.

Nếu bị trộm giấy tờ quan trọng, hãy tìm báo cảnh sát, đồng thời liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ về pháp lý và thủ tục.

Nếu bị trộm giấy tờ quan trọng, hãy tìm báo cảnh sát, đồng thời liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ về pháp lý và thủ tục.

Việc chọn đi châu Âu giờ đây đòi hỏi nhiều hơn một tấm vé máy bay, đó là sự tỉnh táo và chủ động bảo vệ bản thân. Một chuyến đi châu Âu vui vẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm đến, mà còn nằm ở sự chuẩn bị kỹ càng, kiến thức về địa phương và khả năng xử lý tình huống.

Bài: Quỳnh Mai - Ảnh: Internet
RELATED ARTICLES