Khám phá mê cung ẩm thực xứ Đài

12/09/2019

Tại Đài Loan, mỗi người đều là một nhà phê bình ẩm thực, luôn có ý kiến cá nhân của mình với mỗi món ăn. Thế nên, để ăn ngon, tôi không chỉ tham khảo những lời chỉ dẫn trên các trang blog, mà còn nghe theo những người bạn địa phương tôi có dịp gặp gỡ. Chuyến đi Đài Loan là hành trình đi tìm những món ăn ngon kéo dài từ đô thị Đài Bắc tấp nập đến những khu rừng núi Tân Bắc và vùng ven biển của Cơ Long.

Lên núi tìm "Đệ nhất mỳ Đài Loan"

Không có một chuyến xe công cộng nào từ Đài Bắc có thể dẫn lối vào khu vực đồi núi Shi-ding ở Tân Bắc cả, những gì có thể làm là bắt một chuyến taxi để đi đến đây. Tôi tình cờ biết về nơi đây thông qua một người bạn sống ở Đài Bắc. Vì quyết định đi vào thứ hai còn người bạn xứ Đài của tôi hãy còn đi học nên không thể theo cùng, tất cả những gì bạn ấy cho tôi chỉ là tên cửa hiệu mỳ bằng tiếng Trung và địa chỉ cũng bằng tiếng Trung nốt. Nhưng bạn ấy cũng nhiệt tình bookmark nơi này trong Google Maps để tôi dễ tìm hơn.

IMG_2401

Trên đường đi, bác tài xế tên Wei Li bất ngờ bảo chúng tôi xuống xe ở một đoạn dốc khiến chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra vì nơi này có vẻ không giống đích đến. "Xuống đây đi, chỗ này chụp hình đẹp lắm!" - bác tài thúc giục lần nữa khiến tôi và người yêu phì cười. Nhưng quả thật cảnh sắc trước mắt thật hữu tình, có cảm giác không tin rằng mình vừa ra khỏi Đài Bắc được 30 phút.

Thì ra cảnh quan phía trước là hồ Vạn Đảo - tôi chưa từng biết về sự tồn tại của nó. Hồ Nhật Nguyệt có lẽ là chiếc hồ duy nhất ở Đài Loan mà tôi từng nghe qua. Quả đúng với tên gọi hồ Vạn Đảo, những hòn đảo nho nhỏ mọc lên như rừng nấm giữa hồ. Lúc ấy, tôi chỉ ước mình có thể bay để bắt trọn được khung cảnh hùng vĩ này.

Nhưng mục đích chính của chuyến đi là món mỳ còn ở phía trước. Sau nhiều đoạn vòng vèo và thêm nửa tiếng trên xe, chúng tôi mới tới được nơi cần đến.

"Đây là tiệm mỳ nổi tiếng nhất trong vùng, có khi là nổi tiếng nhất Đài Loan nữa đấy! Mấy cậu hẳn phải sành ăn lắm" - Wei Li khoe với chúng tôi, còn tôi chỉ đơn giản cười thôi vì biết mình không sành ăn mấy. Chính sự tò mò khiến tôi phải lặn lội tới đây.

Empty

Cửa hiệu nằm giữa một đoạn dốc so với mặt đường chính. Người vào quán không quá tấp nập nhưng nếu tính đến vị trí khó tìm của nơi đây thì chắc chắn món mỳ phải ngon lắm mới khiến người địa phương phải lặn lội chạy xe tới ăn thử. Chúng tôi là hai người nước ngoài duy nhất trong quán. Bác tài còn xông vào quán trước cả chúng tôi để gọi một tô mỳ cho bữa trưa của mình. "Ở đây toàn người từ Đài Bắc hoặc các tỉnh lân cận tới ăn mà thôi, rất ít khi tôi nghe nói có người nào từ Việt Nam hay nước khác muốn đến đây ăn" - Wei Li giải thích.

Empty

Hsu Noodles là tên gọi của quán, được lấy theo tên ông chủ. Đến đây, thực khách không chỉ được ăn ngon mà còn được tham gia những công đoạn cơ bản để làm nên món mỳ trứ danh. Dù không trực tiếp tham gia, nhưng tôi khá phấn khích khi nhìn những thực khách tự tay nhào nặn cục bột hay đánh sợi đống bột thành mỳ. Nhưng khâu quan trọng nhất là nhào bột để có sự cân bằng tuyệt hảo nhất cho vị mỳ vẫn thuộc về sifu (bậc thầy làm mỳ).

Để có được sợi mỳ thành phẩm, sifu phải trải qua 9 bước vừa cầu kỳ vừa tốn sức, tốn thời gian: từ trộn bột với nước muối và bột ủ từ hôm trước, nhào bột bằng cách dẫm lên nó, cắt bột, kéo bột, dệt bột rồi lại kéo bột, sấy khô, cắt sợi và cuộn thành bó, cuối cùng mới luộc mỳ và ngâm vào nước lạnh 10 phút.

Empty

Mỳ ở Hsu Noodles có hai cách thưởng thức chính: trong tô hoặc Nagashi Soumen (gắp mỳ ra từ nước suối chảy trên ống tre). Phương pháp phục vụ mỳ Nagashi Soumen phổ biến ở nhiều tỉnh ở Nhật Bản nhưng đây là địa điểm hiếm hoi kết hợp nghệ thuật phục vụ ấy vào món mỳ của Đài Loan. Một lần ăn Nagashi Soumen sẽ tốn của bạn 250 Đài tệ, nhưng bạn sẽ được dùng rất nhiều mỳ tươi ngon từ dòng nước suối.

Hsu Noodles có ba loại mỳ chính với ba màu khác nhau: trắng (loại nguyên bản), màu xanh nhạt làm bằng trà xanh, và một màu hồng nhạt đáng yêu làm bằng gạo lên men. Tất cả đều là màu tự nhiên khiến tôi yên tâm dùng thử.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Tại đây, nếu gọi mỳ tô, bạn đừng trông ngóng sẽ có những khẩu phần khổng lồ, với những topping thịt, cá to tướng. Mỳ chính là linh hồn của món ăn và những thứ khác được đưa vào như trứng, rong biển cũng chỉ để làm dậy nên hương vị của mỳ. Tôi gọi một phần mỳ sốt XO giá 80 Đài tệ, ấn tượng ban đầu là phần mỳ khá nhỏ nhưng khi đưa vào miệng, những cọng mỳ như tan trên đầu lưỡi.

Empty

Không thể kiềm chế, tôi đành phải gọi thêm một suất nữa. Vậy là hành trình đi tìm đệ nhất mỳ trên núi đã hoàn tất, tôi cảm thấy hạnh phúc vì được khám phát nhiều nét đẹp văn hoá trong chuyến đi Đài Loan này.

Ẩm thực phố cảng Cơ Long

Cơ Long (Keelung) là một thành phố cảng gần Đài Bắc, ở phía bắc Đài Loan. Nơi này nổi tiếng với cảng nước sâu tự nhiên được bao quanh bởi những ngọn núi. Nhưng Cơ Long nổi tiếng hơn cả vì những chợ đêm vô cùng náo nhiệt. Ngay tại cảng Zhengbin, bạn có thể thưởng thức hải sản tươi sống với mức giá phải chăng nhất.

Empty
Empty

Tuy nhiên, nơi tôi thích nhất chính là chợ đêm Miaokou (Miếu Khẩu), nơi tụ hội tất cả tinh hoa ẩm thực của thành phố. Đây có lẽ là chợ đêm nổi tiếng nhất Đài Loan bởi có rất nhiều đồ ăn ngon dưới thời Nhật trị. Ngay khi bước tới đầu đường, tôi có cảm tưởng bao nhiêu công sức giảm cân của tôi sẽ bị mê cung vị giác trước mặt nuốt chửng lấy.

Empty

Không chỉ nổi tiếng bởi hải sản tươi ngon, chợ đêm Miaokou còn cho bạn sự lựa chọn giữa các món ăn vặt nhanh và vô vàn món ngon khác nữa. Có lẽ bạn đã nghe về món ăn nhẹ có tên là “xúc xích nhỏ trong xúc xích lớn” hay còn gọi là “xúc xích Đài Loan”?! Hãy tìm tới gian hàng 43-1 trong chợ để nếm vị dẻo dẻo, dai dai của xúc xích thịt heo được bọc trong xúc xích gạo nếp.

Đá bào Shenji Paopao là món ăn được sáng tạo từ năm 1976 và kể từ đó, gian hàng bán món ăn này - Shenji Paopao Ice cũng trở thành điểm đến nổi tiếng đối với các tín đồ ẩm thực. Bí mật khiến món này trở nên nổi tiếng là thành phần bao gồm kem trộn các hương vị khác nhau với đá bào. Ngay cả vào mùa đông, người chờ đến lượt mua món đá bào này vẫn xếp thành hàng dài trước gian hàng.

Nếu bạn đang tìm kiếm một thứ gì đó truyền thống nhưng đặc biệt, tôi nghĩ bạn nên thử món súp Bainian Wujia Ding Bian Cuo. Đây là một món ăn nhẹ của Phúc Châu làm từ bột gạo hấp, ăn kèm với thịt viên, nấm, tôm và nhiều nguyên liệu khác hơn nữa.

Đài Bắc với những món ngon bùng nổ vị giác

Năm 2011, tôi đã từng đọc một bài báo thú vị của CNN về những thành phố tội lỗi nhất của châu Á. Trong Thiên Chúa Giáo, 7 tội lỗi lớn nhất của con người gồm: ngạo mạn, tham lam, dâm dục, phẫn nộ, phàm ăn, đố kỵ, lười biếng. Bài báo ví 7 thành phố của châu Á ứng với 7 thành phố của tội lỗi này. Hãy để tôi bỏ qua những tội lỗi kia đi, nhưng Đài Bắc chính là thành phố được gắn với tội phàm ăn vì nơi đây có hơn 20 con phố phục vụ cho việc tận hưởng thú vui vị giác của người địa phương.

Empty

Ban đầu những khu phố ấy vốn xuất hiện chỉ để phục vụ cho người bản địa. Khi du lịch phát triển, du khách là những kẻ may mắn được đến với văn hoá ẩm thực của người Đài Bắc thông qua chợ đêm. Có thể thấy, không ít quán ghi biển hiệu đã thành lập từ vài chục năm tại các khu chợ đêm tại Đài Bắc. Những cửa hiệu này thường nhỏ bé, luôn giữ được hương vị ban đầu dù chủ nhân đã qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Không phủ nhận việc du khách ghé thăm Đài Bắc nhiều hơn đã tạo nên những tên tuổi mới, những hiệu trà sữa mới đầy cám dỗ, nhưng những hàng quán cũ kỹ vẫn là nét duyên mà không bị xu hướng làm xê dịch.

Empty
Empty

Chợ đêm Ximending chính là nơi có nhiều cửa hiệu lâu năm như thế. Ay-Chung Flour-Rice Noodle là địa chỉ nổi tiếng với món mỳ có vị như súp cua, sền sệt và giá rẻ từ 70 Đài tệ. Hãy nhớ bỏ thêm sốt ớt để hương vị thêm đậm đà. Sốt ớt của quán nổi tiếng đến nỗi họ có bán cả chai to để khách mang về tự pha chế với nhiều món như thịt, cơm, mỳ.

Empty

Sữa khổ qua là một món cực kỳ độc lạ, nghe ngỡ sẽ đắng nhưng món nước này có vị ngọt và hậu vị hơi đắng. Tại Ximending có nhiều cửa hiệu bán sữa khổ qua nhưng bạn nên khám phá cửa hàng gốc nổi tiếng nhất tại số nhà 21 phố Hanzhong, giá cho ly lớn là 100 Đài tệ và 85 Đài tệ cho ly nhỏ.

Empty
Empty

Tàu hủ thúi có thể được tìm thấy ở mọi nơi, nhưng quán ngon nhất tôi từng thử nằm trên đường Emei, gần với Ay-Chung Flour-Rice Noodle luôn nhé, chỉ 50 Đài tệ/phần.

Empty
Empty
Empty

Tôi tới Shilin vào đêm gần cuối của chuyến đi. Sau khi đã tận hưởng những món ngon truyền thống của Đài Loan, tôi bắt đầu thèm thuồng những gì kỳ lạ một chút, có thể không được gọi là “chính thống" nhưng không vì vậy mà kém ngon.

Empty

Chợ đêm Shilin ở Đài Bắc là một trong những chợ đêm lớn nhất ở Đài Loan và cũng là một trong những điểm có cuộc sống về đêm nổi tiếng nhất Đài Bắc. Nằm ở quận Shilin, chỉ cách ga tàu điện ngầm Jiantan 70 m, mê cung này bao gồm hai phần chính: khu hàng hoá và khu ẩm thực, gồm khu ẩm thực B1 nằm dưới lòng đất và khu ẩm thực trên mặt đất dọc theo rìa phía tây của chợ.

Empty

Khu vực B1 chỉ bán những món ăn đặc sản phổ biến, bạn có thể tới đây dùng thử hàu chiên trứng, tàu hủ thúi và nhiều món Đài Loan kinh điển. Nhưng ở khu trên mặt đất ngoài rìa khu chợ mới chính là khu ẩm thực mang hơi thở đương đại khiến thực khách thèm thuồng nhất. Beefsteak phủ phô mai chảy là món ăn nghe chẳng có chút gì Đài Loan cả, nhưng không vì vậy mà không đáng để trải nghiệm. Món này ở Shilin cũng chỉ 350 Đài tệ, phục vụ trong hộp cầm tay vừa đi vừa ăn, hoàn toàn theo phong cách của ẩm thực đường phố Đài Loan.

Empty
Empty
Empty
Empty

Nấm nướng Enoki cũng là một món luôn có hàng dài người chờ đợi. Những củ nấm khổng lồ được nướng tại quầy bên đường trong khu chợ Shilin, mỗi phần chỉ từ 150 Đài tệ, nhưng ăn có vị đậm đà và nấm tươi giòn. Nhân tố X khiến món nấm thêm đặc biệt chính là lớp bột có đủ hương vị như rong biển, wasabi, tiêu, chanh, mù tạc, và ớt giúp thổi bừng vị giác.

Empty
Empty

Nước trái cây thêm trân châu là đồ uống vừa hiện đại, vừa đầy chất Đài. Mỗi ly chỉ 90 Đài tệ, nhưng đủ ngon và lạ miệng cho tín đồ trà sữa vẫn thích trân châu mà lại muốn khoẻ đẹp.

Empty
Lý Thành Cơ
RELATED ARTICLES