Kho báu triều Tây sơn

01/02/2013

Suốt gần hai mươi năm, nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm đã bôn ba khắp Nam - Bắc để gom góp cho mình bộ sưu tập ấn triện có một không hai, trong đó có bộ ấn triện Tây Sơn, triều đại xuất phát từ miền đất võ Bình Định - quê hương ông. Những hiện vật từng là biểu tượng cho quyền lực của các vị quan, tướng thời xưa giờ đây được gìn giữ cẩn thận bởi một người luôn sống với hoài niệm về lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh: Minh Tú

Kho tàng ấn triện

Nguyễn Văn Phẩm hiện lưu giữ trong tay cả một kho báu quý giá, mà bất cứ một “đồng nghiệp” nào cũng ao ước. Nhưng ít ai biết rằng, ông khởi đầu hành trình sưu tầm cổ vật thật tình cờ. “Năm 1992, trong một lần về quê, bắt gặp người ta bày bán những chiếc ấn bằng đồng, tôi bỗng thấy thích và muốn được sở hữu chúng. Tôi đã mua những chiếc ấn triện đầu tiên cũng từ lúc đó”, ông Phẩm kể.

Thời gian đầu “chơi” ấn, ông Phẩm chưa hiểu hết những giá trị của nó. Sau này, nhờ các chuyên gia đọc chữ Hán giải thích và tự tìm tòi, nguyên cứu lịch sử của từng triều vua, ông mới cảm hết được tinh hoa, ẩn ngữ của từng con dấu. Hiện ông có tới hơn 300 chiếc ấn to nhỏ bằng nhiều chất liệu đồng, vàng (kim tỉ), đá quý (ngọc tỉ) từ thời nhà Trần cho đến nhà Lê, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Trong đó ông đặc biệt yêu quý những chiếc ấn nhà Tây Sơn, bởi đấy là gốc gác nơi sinh thành ra ông.

Mỗi chiếc ấn mang những “chức vụ” khác nhau như: Đại Đô đốc, Đô đốc, Tổng đốc... Ông cho biết, ấn triện không chỉ đơn thuần là biểu hiện quyền uy người làm chủ, hơn thế, nó còn là một chứng cứ lịch sử cho chủ quyền của dân tộc, là dấu ấn của bộ máy nhà nước từ ngàn xưa.

Ấn triện không chỉ đơn thuần là biểu hiện quyền uy người làm chủ, hơn thế, nó còn là một chứng cứ lịch sử cho chủ quyền của dân tộc, là dấu ấn của bộ máy nhà nước từ ngàn xưa.

Trong bộ sưu tập của mình, 12 ấn triện thời Tây Sơn là quý giá nhất đối với ông Phẩm. Theo PGS Hoàng Xuân Chinh - Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO bảo tồn cổ vật Việt Nam - đây là bộ ấn rất hiếm và trọn vẹn nhất, bởi đấy là ấn của các vị tướng còn sót lại sau những trận đánh tử thủ với quân của Nguyễn Ánh. Đến vùng đất nào đó, để tránh không bị liên luỵ, họ đã quẳng bỏ ấn triện xuống các dòng sông. Nhờ vậy mà các ấn triện thời loạn lạc đó vẫn được giữ nguyên trong dân gian. Và cũng nhờ vậy mà vết tích còn lại hiếm hoi của triều Tây Sơn vang bóng một thời - đỉnh cao là chiến tích đại thắng 29 vạn quân Thanh vào năm 1789 - mới có dịp được bảo tồn đến ngày nay.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong bộ ấn này, chiếc ấn Tân Hợi Niên Đông Tạo được đúc vào mùa Đông năm Tân Hợi 1791 rất đặc biệt, bởi nó được đúc vào quãng trước khi vua Quang Trung mất một năm. Song song đó là các chiếc ấn thuộc về đời Cảnh Thịnh (năm Bính Thìn 1796) cấp cho Đại Đô đốc và Đô úy. Bên cạnh đó, ấn triện kèm theo tờ chiếu phong chức của quan tri huyện Phù Cát (năm 1821) cũng có giá trị không kém.

Nâng niu trên tay những chiếc ấn đồng phủ kín gỉ xanh, hay những chiếc ấn ngà đã lên nước nâu bóng, ông Phẩm say sưa giới thiệu đặc điểm, nét độc đáo của từng chiếc. Ông giải thích: “Quan nhỏ thì ấn nhỏ. Chu vi và trọng lượng của con ấn càng nặng và chất liệu càng tinh hoa thì càng biểu hiện sức mạnh và quyền lực của vị quan đó lúc đương thời”.

Tâm tình người giữ ấn

Trong bộ sưu tập của ông Phẩm không chỉ có ấn triện Tây Sơn. Niềm vui nhất trong hành trình sưu tầm ấn của ông là khi sưu tập được con dấu Thần Vệ Tướng Quân (niên đại 1526), bởi đây là ấn triện của một quan chức quân sự lớn nhất trong bộ sưu tập mà ông có được. Còn có chiếc ấn Hồng Đức Nhị Niên (đời nhà Lê năm thứ 2 - năm 1471).

Nghề “chơi” ấn cũng lắm công phu. Bước chân vào lĩnh vực này, ông Phẩm cũng trải nghiệm biết bao vui buồn cùng những kỷ niệm khó quên. Có khi ông phải ra Bắc 3 lần trong 6 tháng chỉ để thuyết phục người ta bán cho một chiếc ấn mà mình thích. Thậm chí, có những món cổ vật ông phải theo đuổi nhiều năm mà vẫn chưa có được. Lại càng không dễ đọc những kiểu chữ triện ngoằn ngoèo trên mặt ấn, ông phải nhờ một chuyên gia trong nghề giúp sức, đồng thời tự mình học chữ Hán và chữ Nôm để mày mò nghiên cứu thêm.

Ông Nguyễn Văn Phẩm - Phó Chủ tịch Hội Cổ vật TP. HCM

Chơi ấn triện, không chỉ để thỏa nỗi đam mê sưu tập, ông còn chú ý đến số phận của những chiếc ấn triện, đến dấu tích của một thời đại, chế độ mà ấn triện được khắc lên để có thể biết được chúng “sinh” ra từ đâu và cả những thăng trầm của người sở hữu nó. Nhiều đêm không ngủ, ông lại miệt mài bên ánh đèn đi tìm lời giải về những chiếc ấn vô tri và coi đó như là bổn phận của mình đối với lịch sử dân tộc, đối với các bậc tiền nhân. Ông tâm sự: “Sưu tập ấn triện đã trở thành một phần cuộc sống của tôi”.

Ngoài bộ ấn triện độc đáo, ông Phẩm còn nổi danh với bộ sưu tập đồ cổ thời Tây Sơn. Ông cũng lưu giữ nhiều cổ vật quý và lạ khác như đồ trang sức của người tiền sử cùng cổ vật bằng đồng, gốm, sành sứ… đậm dấu ấn của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, Chămpa, Đông Sơn có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật và văn hóa.

Tuy nhiên, đã có lúc, việc sưu tập không phải lúc nào cũng như ý: “Đã có lần tôi xốn xang cả tháng trời vì để “xổng” chiếc ấn vào tay một nhà sưu tập nước ngoài vì không đủ điều kiện mua lại. Cứ nghĩ bảo vật quốc gia của cha ông mình phải lưu lạc nơi đất khách quê người, tôi cầm lòng không đặng”, ông Phẩm tâm sự.

Thế nên, ông ngàn lần trân trọng những gì mình đang có. Hiện ông Phẩm là Phó Chủ tịch Hội Cổ vật TP. HCM.

RELATED ARTICLES