Không đói ở 'xứ khác'!

28/10/2015

Ẩm thực đường phố tại mỗi nước luôn là một hấp lực mạnh mẽ đối với du khách. Mặc dù không được chế biến cầu kỳ, không hàng quán sang trọng, nhưng những món ăn này lại là đại diện tiêu biểu cho một nền ẩm thực, trong đó tích hợp cả truyền thống văn hóa, yếu tố địa lý, khí hậu của mỗi quốc gia. Hãy theo chân phóng viên Travellive tới 9 quốc gia với 9 món ăn đường phố đặc trưng, đủ sức gọi mời bất cứ ai ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bài: Hương Thảo. Ảnh: Nhiều nguồn

 

Tteokbokki, ấm bụng quà vặt xứ Kim chi

Tteokbokki hay còn gọi là bánh gạo xào cay được xem như biểu tượng văn hóa của đất nước và con người Hàn Quốc. Màu đỏ tươi bắt mắt, hương vị cay nồng làm ấm lòng bất cứ thực khách nào, từ trẻ con, thanh niên cho tới người già. Đây chính là lý do khiến tteokbokki trở thành món ăn đường phố được yêu thích nhất tại Hàn Quốc, không chỉ với người Hàn mà với cả du khách nước ngoài. 

 

 

Bên cạnh công thức truyền thống bao gồm bánh gạo garaetteok, tương ớt gochujang, thịt, trứng, gia vị và rau, ngày nay tteokbokki còn được xào chung với các thành phần khác như cà rốt, thịt bò, thịt hun khói, hải sản… tùy theo sở thích của từng thực khách cũng như phong cách của người bán hàng. Linh hồn của tteokbokki chính là tương ớt gochujang cay nồng. Nếu là lần đầu thưởng thức tteokbokki, rất có thể vị cay của món ăn sẽ khiến thực khách phải lè lưỡi, đặc biệt với những người không quen hoặc không ăn được cay. Tuy nhiên những người thích ăn cay sẽ không khỏi xuýt xoa và thưởng thức tteokbokki rất ngon lành. 

 

 

Khi những cơn gió thu se lạnh ùa về và dạ dày đang sôi lên vì đói, những miếng bánh nếp thân tròn, cắt khúc vừa miệng, được bao bọc bên trong lớp nước sốt đỏ rực, đặc quánh có vị đậm đà đang bốc khói nghi ngút bên một xe bán hàng rong chắc chắn sẽ níu bước vô số du khách trong hành trình du ngoạn xứ Kim chi.

 

Guan Chai Bun, món ngon “đội lốt” quan tài

Bánh mì quan tài (Guan Chai Bun) là một món ăn đường phố phổ biến ở Đài Loan. Lý do đầu tiên khiến du khách tìm đến món ăn này phần lớn là bởi là sự tò mò dành cho cái tên đặc biệt của nó. Sự xuất hiện thú vị của hình ảnh miếng bánh mỳ được cắt lát khéo léo tạo hình như chiếc quan tài và hương vị phương Tây đã biến món ăn trở thành lựa chọn yêu thích của giới trẻ và cả những người lớn tuổi tại Đài Loan.

 

 

Bánh mì quan tài được phục vụ thực khách với hình dáng một ổ bánh mì nhỏ đã được chiên sau đó làm mát để giữ phần khuôn cứng cáp bên ngoài. Người bán hàng khéo léo khoét ruột ổ bánh mà vẫn để lại phần vỏ ngoài dùng làm nắp. Sau đó hải sản, cà rốt, thịt bò, khoai tây, hành, nấm, ớt, ngô ngọt… đã xào chín cùng một loại nước xốt kem đặc biệt được đặt vào phần ruột đã khoét để làm nhân bánh. Khi ăn, thực khách sẽ bắt đầu với phần nắp rồi mới đến phần nhân bên trong. Sự kết hợp của hương vị thơm ngậy từ hỗn hợp xốt kem và giòn tan của bánh mì sẽ mang đến trải nghiệm ẩm thực khó quên. Ở một phiên bản bánh mỳ quan tài khác dành cho người ăn chay, phần nhân bánh sẽ là hỗn hợp của đậu hũ, kem bơ thực vật và các loại rau.

 

 

Do việc sử dụng hỗn hợp làm nhân rất đa dạng nên với mỗi người bán hàng, mỗi khu phố có bán món ăn thú vị này, thực khách sẽ được thưởng thức các hương vị độc đáo khác nhau. Chẳng phải đó là một lời mời gọi vô cùng hấp dẫn sao?

 

Nasi Lemak, hương dừa trên từng góc phố

Món cơm Nasi Lemak từ lâu đã thành một “đặc sản” văn hóa ẩm thực của đất nước xứ sở dầu cọ. Tới Malaysia, tại hầu hết mọi ngả đường, du khách dễ dàng tìm thấy những xe bán hàng rong hoặc các quầy hàng ăn bán Nasi Lemak. Xuất phát là một món ăn đường phố, ngày nay, Nasi Lemak còn được phục vụ rộng rãi ở trường học, sân bay và được bán vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Công thức chế biến món ăn này cũng rất đơn giản: Gạo nấu với nước dừa, ăn cùng dưa chuột, đậu phộng rang, cá khô, ớt, riềng, các loại thịt khách nhau tùy lựa chọn của thực khách như thịt gà, thịt bò, hải sản hoặc cà ri cừu. Thưởng thức Nasi Lemak, thực khách sẽ cảm nhận được vị béo ngậy của nước cốt dừa, vị mặn ngọt của hải sản chiên cùng với vị cay đặc trưng của ớt và riềng. Mặc dù được nấu bằng những loại gia vị hết sức bình thường và dễ kiếm nhưng bí quyết, công thức và tỉ lệ nấu của người Malaysia mới chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho món ăn. Chỉ cần một lần thưởng thức Nasi Lemak do chính tay người bản xứ nấu, chắc chắn khó có du khách nào có thể quên được hương vị của món ăn này.

 

Xôi xoài, ngọt thơm hương vị nhiệt đới

Là một đất nước nhiệt đới dồi dào các loại trái cây, món xôi Thái Lan thường có sự góp mặt của nước cốt dừa cùng các loại hoa quả xứ nóng quen thuộc như: xoài, sầu riêng, mít, chuối... Dạo chơi xứ sở chùa tháp, chắc chắn không du khách nào có thể bỏ qua việc thưởng thức một món xôi vô cùng đặc biệt nơi đây: xôi xoài. Từ Bangkok, Pattaya cho tới tới Hua Hin, du khách dễ dàng tìm thấy món ăn đường phố này ở nhiều con đường, khu phố hay chợ phiên đông đúc. 

 

 

Xôi xoài có thành phần chính gồm xôi nếp, xoài chín và nước cốt dừa. Được coi như món ăn tráng miệng nên khi bạn gọi một phần ăn, người bán hàng sẽ nhanh nhẹn xới xôi đã nguội ra đĩa, xếp bên cạnh những lát xoài chín vàng mát lạnh rồi rưới nước cốt dừa thơm ngọt lên trên. Nếm một miếng xôi xoài, thực khách sẽ cảm nhận ngay được vị dẻo mềm của xôi nếp, ngọt thơm của xoài chín hòa quyện tài tình với nước cốt dừa bùi ngậy. Đây là món ăn không chỉ ngon về vị mà còn hấp dẫn bởi hương thơm và màu sắc xinh đẹp. Khi đưa tới tay thực khách, món ăn sẽ được rắc thêm một chút vừng rang và dừa tươi bào sợi để hương vị càng thêm đậm đà.

Buổi xế trưa, ngồi trên những chiếc xuồng lênh đênh khắp chợ nổi và thưởng thức một phần xôi xoài ngọt thơm, còn gì tuyệt vời hơn nào?

 

Masala Chai, cay nồng vị trà miền đất Phật

Ẩm thực Ấn Độ  nổi tiếng với cách sử dụng gia vị, thảo mộc tinh tế và tài tình trong từng món ăn, thức uống. Và nhắc tới ẩm thực đường phố xứ Ấn, không du khách nào có thể quên hương vị quyến rũ khó cưỡng của Masala Chai - sự pha trộn hoàn hảo giữa trà và những loại gia vị cay thơm mùi thảo mộc.

Nếu như trước đây Masala Chai được coi như một bài thuốc trị bệnh thì ngày nay đã trở thành một thức uống bổ dưỡng vô cùng phổ biến. Thành phần chính của món trà này bao gồm: trà, sữa, chất tạo ngọt, gia vị và thảo mộc.

 

 

Trong khi trà đen Ceylon thường được dùng để pha chế tại các nhà hàng thì trà hạt Mamri được giới bình dân sử dụng nhiều hơn, trong đó có những người bán trà rong. Chất tạo ngọt cho Masala Chai cũng vô cùng đa dạng khi mỗi người bán hàng lại chọn các nguyên liệu khác nhau để mang tới vị ngọt cho món trà, nào là đường cát, đường phèn, đường thốt nốt, mật ong, và cả mật mía. Để làm nên vị cay nồng đặc trưng cho Masala Chai, chắc chắn không thể quên các loại gia vị thảo mộc bao gồm tiêu, gừng, quế, hồi, thảo quả, đinh hương, bạch đậu khấu. Nếu muốn tự pha chế món trà cho riêng mình, du khách cũng có thể dễ dàng tìm mua các nguyên liệu này tại bất kỳ khu chợ kiểu Ấn nào. 

Cách thưởng trà Masala đường phố phổ biển nhất tại Ấn Độ là tìm đến những người bán trà rong có mặt ở rất nhiều vỉa hè, khu dân cư, ngồi đợi họ nấu trà bằng những chiếc ấm, nồi đồng rồi đổ ra chiếc cốc đất nung tráng men thô qua một lớp lưới lọc. Trong một sớm tinh mơ hay khi cơn gió lạnh ùa tới cuối ngày, nâng trên tay một cốc Masala Chai thơm nồng mùi thảo mộc sẽ khiến những ngày dừng chân trên quê hương Đức Phật trở thành ký ức khó quên trong lòng lữ khách.

 

Thử thách sự khéo léo với Tostada

Người Mexico nói rằng nếu đến đất nước của họ mà chưa thưởng thức Tostada bên vỉa hè thì coi như du khách mới chỉ thăm thú được một nửa nơi này. Tostada là loại bánh tròn, mỏng, vỏ cứng làm từ ngô hoặc lúa mì. Nguồn gốc ra đời của tostada là để tận dụng bánh bột ngô đã cũ, không còn đủ mềm để cuộn lại thành tacos (một loại bánh truyền thống của Mexico), nhưng vẫn còn ăn được. Bánh ngô cũ được rán trong dầu sôi cho đến khi trở nên vàng, cứng và giòn. Để bánh thêm hấp dẫn, người Mexico nghĩ ra việc phủ lên bề mặt của bánh một lớp nhân bao gồm đậu, thịt, kem, rau diếp thái nhỏ, hành tây, bơ và pho mát tươi. Thế là Tostada ngon lành và hấp dẫn ra đời.

 

 

Ngày nay thực khách có thể thưởng thức nhiều loại tostada khác nhau. Phổ biến nhất là loại nhân thịt gà hoặc thịt lợn đã được nấu chín. Ngoài ra còn có Tostada hải sản như cá ngừ, tôm, cua, bạch tuộc, thậm chí là tostada chay.

Tostada là một thử thách cho sự khéo léo của thực khách khi mà hầu hết phần nhân bánh đều được xắt nhỏ rồi đặt lên trên lớp bánh mỏng. Chỉ một chút “chểnh mảng” rất có thể nơi bạn đang đứng thưởng thức món ăn sẽ trở thành “chiến trường” với la liệt các phần nhân thừa và vụn bánh rơi dưới chân. Nhưng thử thách bản thân một chút để chuyến hành trình khám phá Mexico thêm thú vị cũng là một điều đáng thử đấy chứ!

 

Pesce Fritto Al Cono, thơm giòn như “quà của mẹ”

Trong danh sách các món ăn đường phố nổi tiếng của Ý, Pesce Fritto Al Cono luôn được nhắc tới đầu tiên bởi hương vị đặc trưng Địa Trung Hải. Lần đầu tiên nhìn thấy món ăn này, du khách dễ dàng liên tưởng đến những thức quà thuở nhỏ được bà và mẹ gói vội vào tờ giấy báo cũ, lũ trẻ háo hức mang ra ngõ nhâm nhi. 

Pesce Fritto Al Cono thực ra là món hải sản tẩm bột chiên giòn được phục vụ trong những gói giấy hình nón rất tiện cho việc mang đi. Tùy thuộc vào số lượng loại hải sản người dân đánh bắt được hàng ngày mà phần hải sản thực khách nhận được trong gói giấy sẽ khác nhau. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu cùng trả một số tiền nhưng ngày hôm nay phần ăn của bạn đầy cá chiên, nhưng ngay ngày hôm sau lại có thêm cả tôm hay mực ống.

 

 

Chiều muộn, sau khi tản bộ khắp những con đường lãng mạn ở Rome hay Venice, dừng chân bên quán Pesce Fritto Al Cono ven đường, chờ đợi một phần ăn trong tiếng xèo xèo của chảo dầu đang sôi và mùi hải trộn lẫn với bột chiên thơm phức, còn điều gì có thể khiến dạ dày “tức giận” đến mức sôi lên như thế chứ! Đón lấy gói giấy đầy ắp những miếng cá, những khoanh mực ống nóng giòn trên tay, chỉ cần vắt một chút nước cốt chanh là thực khách có thể vừa lang thang trên các con phố, vừa thưởng thức món ăn chơi thú vị này.

 

Scotchtails, “hoàng hôn” trong hộp giấy

Nếu thực khách vẫn luôn nghĩ rằng các món ăn đường phố đều mang vẻ ngoài không có gì đặc biệt do phải đáp ứng yêu cầu nhanh, gọn nhẹ để thuận tiện mang đi chắc chắn quan điểm ấy sẽ thay đổi khi nâng trên tay một set Scotchtails đến từ xứ sở sương mù. 

Phần vỏ bên ngoài của món ăn được làm bởi các loại thịt xay nhuyễn, có thể có các lựa chọn khác nhau với mỗi thực khách như thịt bò, lợn, gà hoặc thậm chí cả cá. Phần thịt này sau khi xay nhuyễn sẽ trộn với gia vị, tiêu hành và thì là để loại bỏ mùi tanh cũng như khiến món ăn thơm ngon hơn. Sau đó người đầu bếp sẽ bọc một lớp mỏng hỗn hợp này ra bên ngoài quả trứng đã luộc sơ và bóc vỏ rồi cuối cùng là thả vào chảo dầu đang sôi để làm chín phần thịt với lớp vỏ ngoài vàng rộm.

 

 

Công thức chế biến tưởng chừng đơn giản nhưng điều biến Scotchtails trở thành một “công trình nghệ thuật đường phố” của người đầu bếp nằm ở việc ước chừng thời gian cho mỗi công đoạn. Người đầu bếp phải tính toán làm sao khi phần lòng trắng trứng vừa kịp chín để có thể bóc nhưng phần lòng đỏ bên trong vẫn ở dạng lỏng. Món ăn sau khi được nhấc ra khỏi chảo dầu rồi cắt đôi vẫn phải giữ được từng lớp riêng biệt: vỏ ngoài là hỗn hợp thịt giòn rụm, tiếp đó là lòng trắng trứng cứng cáp rồi đến phần lòng đỏ chỉ vừa chín tới. Rất nhiều blogger về ẩm thực còn cho rằng Scotchtails tuyệt vời nhất là khi lòng đỏ trứng mang sắc cam của nắng hoàng hôn. Với mỗi phần ăn cho thực khách mang đi, người bán hàng sẽ khéo léo đặt các “khối” Scotchtails đã được cắt đôi trong một “ổ rơm” của các loại rau xà lách, rau thơm và khoai tây chiên. Những ngày âm u ở xứ sở sương mù, ngắm nghía rồi thưởng thức một phần Scotchtails mua từ phiên chợ Borough có khác nào được sở hữu một hoàng hôn rực nắng cho riêng mình?

 

Churros, lời tỏ tình không thể chối từ

Tại Tây Ban Nha, Churros là một loại bánh ngọt truyền thống rất phổ biến với câu chuyện về những người chăn cừu thuở xưa. Do thời gian mỗi đợt đi chăn cừu thường rất dài và địa điểm lại ở những vùng núi cao nên việc bảo quản bánh mỳ tươi là vô cùng khó khăn. Vì thế những người Tây Ban Nha nghĩ ra một loại bánh rán đơn giản, dễ làm và có vị ngọt vừa đủ để cung cấp năng lượng cho những ngày trên núi. Ngày nay, Churros không chỉ được làm tại nhà hoặc các nhà hàng lớn mà còn là một món ăn đường phố được các du khách ưa thích.

 

 

Với công thức truyền thống, bánh Churros là hỗn hợp của bột mì, vanilla, lòng đỏ trứng, sữa và một chút sôcôla đánh mịn rồi bắt từng que hình trụ dài, nhỏ, chiên ngập dầu đến khi chín vàng, giòn xốp. Sau đó người bán hàng sẽ phủ một lớp đường quế thật mỏng bên ngoài. Khi thưởng thức, người bán không quên đưa thêm thực khách một phần xốt sôcôla nhỏ để ăn kèm với bánh. Từng que bánh vàng ươm với lớp vỏ ngoài giòn xốp, thơm hương quế; bên trong dai mềm, phảng phất chút hương bơ béo ngậy chấm cùng xốt sôcôla sánh mịn quả thật là ngon không thể chối từ!

Ngoài hình dạng thanh dài của món bánh truyền thống, những người bán hàng còn sáng tạo thêm những hình dạng thú vị khác cho Churros như hình trái tim, hình tam giác, hình giọt nước… Không chỉ dừng lại ở một món ăn đường phố thông thường, với giới trẻ Tây Ban Nha, những chiếc bánh Churros hình trái tim còn giống như lời tỏ tình giản dị mà đôi lứa trao gửi cho nhau. Ngọt ngào như vậy, sao nỡ không gật đầu nhận lời kia chứ?

 

RELATED ARTICLES