Toàn bộ không gian của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ được tạo dựng, phối cảnh, hòa sắc mang đặc trưng của Tết Việt với hệ thống trưng bày và thiết kế mỹ thuật đẹp mắt.
Trong đó, Tết Việt được tái hiện qua những điều giản dị và gần gũi: mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong... Trong khuôn khổ diễn ra Hội Xuân, các nghệ nhân đến từ làng nghề truyền thống cũng thể hiện tay nghề như: hoa giấy Thanh Tiên (Huế), chạm bạc Châu Khê (Hải Dương), làm đèn lồng (Thường Tín - Hà Nội), mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), làm chuồn tre (Thạch Thất - Hà Nội), chằm nón Chuông (Thanh Oai - Hà Nội)...
Bên cạnh đó, khách tham quan còn có thể tìm hiểu thêm về thiên nhiên, đất nước, đặc trưng văn hóa của các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, những hình ảnh sinh hoạt đón Tết cổ truyền... qua hàng trăm bức ảnh trong trưng bày chủ đề “Du xuân qua những miền di sản”...
Đặc biệt, khu trưng bày Tết Việt xưa và nay với những góc nhìn thú vị về các hình ảnh Tết trước 1975; Tết sau thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới và Tết nay. Dù ở giai đoạn nào, dù khó khăn và thiếu thốn thì Tết vẫn luôn thật ấm cúng, là dịp đoàn viên của các gia đình, là nét văn hóa cổ truyền không thể nhạt phai...
Bên cạnh những hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, Hội Xuân còn là nơi trưng bày giới thiệu thực phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2018.
Ngọc Anh (TH)