Vào tháng 9/2014, trung tâm thành phố Hồng Kông hoàn toàn rơi vào tình trạng ngưng trệ bất thường. Lưu lượng giao thông vô tận thường ngày đã bị chặn lại bởi dòng người biểu tình; khu trung tâm tài chính bị tê liệt. Đây là lần biểu tình với số lượng lớn nhất tại thành phố. Những người tham gia biểu tình kêu gọi một quá trình bầu cử dân chủ, họ từ chối di chuyển cho đến khi Bắc Kinh và chính quyền địa phương đồng ý ban hành một hệ thống mới.
Không chỉ là một chiến dịch dân chủ mà cuộc biểu tình này còn là một cuộc chiến nhằm duy trì bản sắc riêng biệt của Hồng Kông – điều mà nhiều người dân địa phương đang cảm thấy bị đe dọa từ sự can thiệp ngày càng sâu của Trung Quốc Đại lục. Một biểu hiện cụ thể của bản sắc Hồng Kông nổi lên từ cuộc biểu tình ba tháng này chính là Kongish.
Ngôn ngữ Kongish chủ yếu bao gồm các bản dịch tiếng Anh của các câu nói tiếng Quảng Đông. Một trong những thành ngữ nổi tiếng của Kongish là “add oil”, xuất phát từ cách nói 加油 (gia du – thêm dầu) mang ý cổ vũ sức mạnh của người Hồng Kông. Từ này đã được đưa vào từ điển Oxford bản in 2018 sau khi việc sử dụng từ “add oil” của các bạn trẻ và những người tham gia để cổ vũ nhau tiếp tục trong cuộc biểu tình năm 2014 tăng theo cấp số nhân.
Mặc dù các cụm từ Kongish mới chỉ ghi dấu ấn trong từ điển gần đây, ngôn ngữ này có thể được truy nguyên từ cuối thập niên 90 và những ngày đầu của Internet.
“Không giống như trường học, nơi bạn bị buộc phải viết và nói tiếng Anh đúng cách, Internet không có luật lệ”, ông Alfred Tsang, giảng viên tiếng Anh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. “Sự hạn chế kiểm soát này đã tạo điều kiện cho sự gia tăng của phản ứng tổng hợp tiếng Quảng Đông - Anh.”
Người Hồng Kông đa phần đều nói được tiếng Anh, vậy nên trên Internet, họ sử dụng gộp cả hai thứ tiếng để biểu đạt và thế là Kongish xuất hiện. Đối với nhiều người, nó trở thành dạng tiếng Anh ưa thích của họ.
Soft Liu – ca sĩ chính của nhóm nhạc indie GDJYB chuyên viết lời bài hát bằng Kongish giải thích: “Kongish có nghĩa là tiếng Anh phong cách Hồng Kông, không nhất thiết phải đúng ngữ pháp hay phải có nghĩa với khán giả ở nước ngoài. Nó là cách mà người Hồng Kông biểu đạt trong cuộc sống thường ngày. Ví dụ như chúng tôi nhắn với bạn bè là Tonight eat mud? (Mình ăn gì tối nay đây?), What tsad you say? (Mày nói cái khỉ gì vậy?) hay I holand like you (Tớ thích cậu nhiều lắm).”
Liu nói rằng những loại hình nhắn tin hiện đại ngày nay như WhatsApp đã khiến nhiều người lười viết một câu hoàn chỉnh và điều này cũng góp phần giúp Kongish trở nên phổ biến. Cô giải thích: “Chẳng hạn như nếu tôi muốn hỏi bạn mình là Do you want to hang out with me tonight? (Tối nay cậu có muốn đi ra ngoài chơi với tớ không?) thì tôi sẽ nhắn như sau Tonight come ng come out?”
Các thành viên của GDJYB nhận ra rằng, bên cạnh việc là sản phẩm phụ của sự lười biếng, Kongish đã trở thành một huy hiệu nhận dạng cho số lượng người trẻ tuổi ngày càng tăng trong thành phố. “Kongish là một đại diện của văn hóa địa phương chúng tôi”, Liu nói. “Chúng tôi muốn giới thiệu văn hóa Hồng Kông cho khán giả quốc tế thông qua các bài hát của chúng tôi và Kongish là phương tiện tuyệt vời để thực hiện điều đó.”
Để tìm thêm bằng chứng khác cho thấy sự phổ biến của Kongish, tháng 8 năm 2015 ba giảng viên tiếng Anh người địa phương đã tạo ra “Kongish Daily” – một trang trên Facebook chuyên thu thập các ví dụ về ngôn ngữ.
Bộ ba đã rất ngạc nhiên bởi sự phổ biến ngay lập tức của "Kongish Daily". Bài đăng đầu tiên của họ ở Kongish đã thu hút hơn 10.000 lượt Thích chỉ sau một đêm và hiện tại Trang đã có gần 50.000 lượt thích. Nó đã trở thành một nền tảng công cộng hàng đầu cho ngôn ngữ. Nick Wong Chun, giảng viên tại Language and General Education Centre ở Đại học Tung Wah cho biết: “Trước khi chúng tôi thành lập trang này, nó chỉ là ngôn ngữ dùng giữa những người nhắn tin với nhau trên nền tảng riêng tư. Tôi cho rằng trang của chúng tôi đã giúp mọi người thấy rằng không hề sai trái khi chúng ta sử dụng Kongish để biểu đạt.”
Chun cũng đề cập đến “grammar police” (cảnh sát ngữ pháp) – những người hay chỉ trích mọi người trên mạng vì viết sai, ngay cả trong trò chuyện bình thường. Nhưng không giống như Chinglish – loại ngôn ngữ được sinh ra từ những lỗi sai vô ý, Kongish là cố tình vi phạm các quy tắc ngữ pháp. Pedro Lee Lok-yi – một giảng viên tiếng Anh người địa phương cho rằng: “Người ta viết Chinglish thường do trình độ tiếng Anh thấp; họ vốn muốn viết bằng tiếng Anh nhưng không được do kiến thức bị hạn chế. Với Kongish thì họ cố tình viết tiếng Anh theo cách mà họ cảm thấy thoải mái.”
Mặc dù một số người theo chủ nghĩa thuần túy phản đối loại ngôn ngữ này vì nó có khả năng làm xói mòn các tiêu chuẩn tiếng Anh, những nhà thành lập “Kongish Daily” lại phản biện lại rằng: “Chỉ vì bạn muốn thử nghiệm và tạo ra một món ăn tổng hợp không có nghĩa là bạn mất đi khả năng nấu một món ăn Trung Quốc thuần túy hay một món Tây thuần túy.”
Bất chấp các lời chỉ trích, Kongish vẫn tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ. Ba giảng viên tiếng Anh vẫn rất tự tin về tương lai của nó: “Đối với chúng tôi, Kongish là đứa con của tiếng Anh và tiếng Quảng, vì thế chúng tôi muốn bảo vệ nó như bảo vệ tiếng mẹ đẻ của mình,” Chun nói. “Nó là biểu hiện của bản sắc Hồng Kông chúng tôi và tôi tin rằng nó sẽ tồn tại lâu dài.”