Lang thang qua miền ký ức

08/02/2018

Cũng như nhiều “China Town” khác trên khắp thế giới, ở Sài Gòn cũng có một khu vực sinh sống lâu đời của bao thế hệ người Hoa. Cách trang trí nhà cửa, hiệu buôn đầy màu sắc bắt mắt, thanh âm rộn ràng của phường hội cùng lối sinh hoạt đặc trưng nơi đây luôn là tâm điểm thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm, đặc biệt trong những ngày trước Tết.

Khu vực người Hoa ở Sài Gòn với những con đường giao thương sầm uất, tràn ngập các vật dụng trang trí Tết, chợ tài lộc cùng các hội quán, chùa chiền… là một trong những nơi thú vị nhất để thưởng ngoạn vào những ngày giáp Tết.

 

 

 

Những ngày như thế này, dạo bộ dọc theo quận 5, trên con đường Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Trần Hưng Đạo,… bạn sẽ thấy hàng chuỗi đồng tiền vàng, ngân lượng, dây treo, các tranh treo tường, bao lì xì,…treo lủng lẳng khắp nơi. Mặt đất thì phủ kín những bức tượng linh vật, câu đối, liễn nhung, dây pháo, cây mai. 

 

 

 

Nếu may mắn, bạn sẽ có dịp bắt gặp và hòa mình vào các hoạt động mừng Tết của cộng đồng người Hoa, như múa lân múa rồng, hội hoa đăng, viết thư pháp, vẽ tranh, vớt cá, đố đèn,… Ở Sài Gòn lâu, những tưởng chẳng còn gì để khám phá, nhưng càng đi càng thấy bao điều lạ, càng ở càng thấy mình chẳng hiểu nhiều về mảnh đất này như mình tưởng.

 

 

Đi về Chợ Lớn, ngoài việc khám phá những món ăn đường phố hấp dẫn, mua sắm chuẩn bị Tết, thú vị nhất là tìm hiểu về di sản kiến trúc của cộng đồng người Hoa nơi đây qua những bờ dốc mái tạc khắc hình “thụy thú”, hình “lưỡng long triều nhật”. Lang thang trong miền ký ức của những người lớn tuổi, tôi tìm đến những hội quán, đền đài, vừa là để thắp nén nhang cầu bình an, cũng vừa để ngắm nhìn lại di sản của quá khứ.  

 

 

 

Người Hoa Chợ Lớn thường thờ nhân thần và tiên thánh như Ngọc Hoàng, Thổ Địa, Thần Tài, ông Táo trong các hội quán, đền miếu. Nhân thần là những con người xuất sắc “kinh bang tế thế”, có công đức lớn, giúp đỡ trăm ngàn người dân nên được cúng bái như thần. Trong số này có Quan Công, hay còn gọi Quan Vũ - vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán vào thời Tam Quốc. Tiếp đến là Bao Công, húy là Bao Chửng - nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh. Hay ông Bổn, là thái giám Trịnh Hòa, người giúp đỡ cộng đồng Hoa kiều sắp đặt trật tự cuộc sống qua những nẻo đường ông đi qua. Và bà Thiên Hậu, người phò hộ và cứu giúp chúng sinh mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn… 

 

 

Mỗi một hội quán, đền miếu của người Hoa, những tưởng giống nhau bởi lúc nào cũng đặc trưng nét trang trí cầu kỳ, tinh xảo và tỉ mỉ, nhưng thật ra lại rất riêng. Chỉ nhìn vào các chi tiết trên nóc mái, người ta không chỉ nói được của cải của cộng đồng ấy, mà còn có thể nói lên gốc rễ cội nguồn của bang hội ấy. 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

 

Người Phước Kiến hay sử dụng đồ án rồng bay lên, bay xuống (Long thăng – long giáng) trên nóc mái.Sư tử đá dùng để trấn yểm ngay cổng vào như ở hội quán Ôn Lăng, hội quán Hà Chương. Nếu để ý, bạn sẽ thấy dốc mái của các hội quán của người Phước Kiến lúc nào cũng cong dốc hơn thông thường.Mái ngói cong xếp hình như con sóng gợi nhớ lại hình ảnh những con thuyền lênh đênh theo biển để tìm đất lành, an cư lập nghiệp, như cách người Phước Kiến vượt biển đến nơi đây. 

 

 

Trong khi đó, người Minh Hương, con cháu nhà họ Minh, nhấn nhá  ngôi đình (tiêu biểu là đình Minh Hương Gia Thạnh) với những bộ liễn đối, bao lam cầu kỳ nhiều ý nghĩa. Người Quảng Đông, chủ nhân của miếu Thiên Hậu, một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa, lại đặc trưng với mái ngói âm dương, và quần thể hý tưởng miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường của thế giới thần linh trên nóc mái. 

 

 

 

Nếu đến khu người Hoa ở Sài Gòn dịp này, đừng bỏ qua nhà thờ Cha Tam, hay còn gọi thánh đường Francis Xavier nằm ở cuối đường Trần Hưng Đạo. Với lối kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, nhà thờ Cha Tam vừa có mái ngói âm dương, liễn đối sơn son thếp vàng, lại vừa có nhiều ô sổ, khung sắt, cột trụ đối xứng kiểu Gothic. 

 

 

 

Sau đó, bạn có thể tản bộ ra các khu chung cư cổ của người Hoa, như chung cư hơn 100 tuổi trong con hẻm, còn gọi hẻm Hào Sỹ Phường. Được chú Hỏa (Hứa Bổn Hỏa/ Hứa Bổn Hòa) xây dựng và cho thuê từ những năm 1910, con hẻm ban đầu tập trung đông đúc người Tiều và Hải Nam vào trước năm 1975, đa phần là công nhân làm thuê, làm mướn. 

 

 

 

Người Sài Gòn – Gia Định xưa hay rỉ tai nhau: “Ăn quận Năm, nằm quận Ba, xa hoa quận Nhứt, cướp giựt quận Tư.” Bởi thế, khu cộng đồng người Hoa ngay Chợ Lớn, nhất định phải đi ăn khi đã mỏi chân, đói bụng. 

 

 

 

Bạn có thể thưởng thức món mì kéo tươi được làm ngay tại chỗ trên những chiếc xe đẩy truyền thống. Mì được nhào nặn hoàn toàn bằng tay chứ không phải máy, và chỉ bán ngay trong buổi, nên lúc nào sợi mì cũng rất dai, mềm mại, ăn với vịt tiềm, hoặc xá xíu. Ngồi ăn mà cứ tưởng mình ở đâu đó trong một bộ phim TVB. Món gà ác tiềm thuốc Bắc, kỷ tử, thục địa, táo tàu và bạch quả...không chỉ ngon, thịt mềm ngọt, mà còn là vị thuốc bồi bổ sức khỏe. Ngay góc mũi tàu Nguyễn Trãi là nơi để bạn trải nghiệm món cá viên cà ri, là món ăn vặt đường phố nổi tiếng của Hong Kong. 

 

 

 

Sau cùng nhớ đi ăn ‘chè cột điện’ trên đường Trần Hưng Đạo, ngon tuyệt vời. Chè ở khu Chợ Lớn nói chung được chế biến ít ngọt, ít béo, không có nước dừa như chè Việt. Một số món có vị đăng đắng nhẩn nhẩn, như chè bạch quả, cao qui linh… Một số món thì lạ lạ như chè hột gà nấu với trà đen, đu đủ hầm. Trong khi đó, chè mè đen (xí mà phủ) thơm thơm ngọt ngào. Ăn chè dễ ghiền lắm, trời nóng thì giải nhiệt, trời lạnh thì ấm bụng.

 

 

 

Hiếm có thành phố nào đặc biệt như Sài Gòn, pha trộn nhiều nền văn hóa khác nhau, mỗi một quận là một ‘little town’ của một cộng đồng khác nhau. Khu Chợ Lớn là điểm nhất-định-phải-đến khi du lịch Sài Gòn, đặc biệt vào những ngày chuẩn bị đón Tết. Ấy là vừa để khám phá nét văn hóa hấp dẫn của một cộng đồng, lại vừa để mua sắm hằng hà sa số vật dụng khác nhau cho ngày Tết. Như chợ tài lộc trên đường Châu Văn Liêm, chợ vải Soái Kình Lâm, chợ vật liệu Đại Quang Minh, thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, phố vàng bạc Nhiêu Tâm – Nghĩa Thục…

 

 

 

Khu Chợ Lớn là điểm nhất-định-phải-đến khi du lịch Sài Gòn, đặc biệt vào những ngày chuẩn bị đón Tết. Ấy là vừa để khám phá nét văn hóa hấp dẫn của một cộng đồng, lại vừa để mua sắm hằng hà sa số vật dụng khác nhau cho ngày Tết.

 

 

Bài: Phan Các Trúc

Ảnh: Tròn Lê

RELATED ARTICLES