Lữ khách sông Hằng

23/03/2016

Mênh mang và bí ẩn như dòng sông thiêng của Ấn Độ, những gì tôi được biết về nền văn hóa đa tầng này khiến tôi tự nhủ:một ngày nào đó quay lại với thời gian đủ lâu để có thể lĩnh hội được trọn vẹn mật ngữ của sông Hằng.

Với tôi, bộ ảnh chụp một đoạn sông Hằng chảy qua Varanasi này là bộ ảnh đã tiêu hao nhiều năng lượng nhất mà tôi từng thực hiện. Không hiểu vì sao, những lần đi ngang Burning Ghat (lều thiêu xác) bên bờ sông Hằng, tôi như bị rút hết sức lực, nhức đầu và buồn nôn. Chắn chắn không phải sợ sệt vì hình ảnh hay mùi khét bốc lên, thế nhưng lý do thực sự tôi lại chẳng giải thích được. 

 

 

Nhờ một anh chàng Ấn Độ khoảng chừng 23 tuổi, tôi được giải thích ý nghĩa và dẫn đi xem các công đoạn, nghi thức khi thiêu xác một người. Với “công suất” của mỗi Ghat khoảng 300 xác một ngày, ra khỏi đó, toàn thân tôi cảm thấy rã rời, giống như bị hút máu vậy. 

Sông Hằng đúng như những gì tôi từng hình dung trong đầu, nhưng thật ra khi đến đây mới biết đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Ẩn sau những bức hình này là hành trình theo bước những bậc chân sư mà nếu không đủ kiên nhẫn sẽ khó có thể gặp được. Để hiểu được sông Hằng và những con người nơi đây, thời gian vài tuần lưu trú chắc chắn chưa đủ mà có lẽ phải ở lại ít nhất 4 tháng như Julia Robert! 

 

 

Một chiều, sau cả buổi chụp mệt rã rời, tôi ngồi lại bên bờ sông để ngắm dòng người qua lại. Lúc ấy, một người đàn ông Ấn đến từ New Delhi tới bắt chuyện. Sau cuộc đàm thoại dài, tôi mới hiểu được những trăn trở của ông: Đạo Phật chỉ có 1 Siddhārtha Gautama, Thiên Chúa Giáo cũng chỉ có 1 Jesus, Hồi giáo thì có Alla là đấng tối cao nhưng Ấn Độ giáo (Hinduism) của quê hương ông thì có tới 200.000 vị thần. “Vì không nhớ hết các vị thần nên giờ chỉ biết có Thượng đế thôi”, người đàn ông nói. Đây có lẽ là một trong những lý do tạo nên sự phức tạp của xã hội Ấn khi mà dân số vừa đông, tôn giáo lại phức tạp. Người dân loay hoay chỉ thấy đi thờ cúng ông này bà nọ, rồi lại xung đột tín ngưỡng.

 

 

Người “Lữ khách sông Hằng” ấy đã tập Yoga được 20 năm. Khi được hỏi ngồi thiền bên sông Hằng ông đã thấy gì, ông nói thấy những con hổ gầm rú.Bởi khi con người hoà nhập với đấng tối cao thì năng lượng vũ trụ sẽ tràn vào cơ thể như một đường dẫn, và con hổ đó là dạng năng lượng đi vào cơ thể. Thế nhưng, cũng giống như sự phức tạp của tôn giáo Ấn Độ, với người này là vậy, nhưng với người khác, nguồn năng lượng họ cảm thấy có thể ở một dạng thức khác. Nghe tới đó, tôi chợt nhớ tới cuốn sách“Eat, Pray & Love” với hành trình của nhân vật Liz khi cô trải qua những điều tương tự khi đến học tại một tu viện ở Mumbay.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Người ta đến sông Hằng để trăn trở về đời mình, mà dễ mấy ai đủ duyên tìm được câu trả lời? Chuyến đi này là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một nền văn hoá đồ sộ và đậm đặc của Ấn giáo. Hy vọng một ngày nào đó quay lại với thời gian đủ lâu để có thể lĩnh hội được trọn vẹn mật ngữ của sông Hằng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài và ảnh:Tâm Bùi

RELATED ARTICLES