Có lẽ nhiều 8X, 9X chưa quên trò chơi nuôi thú ảo thịnh hành trong thập niên 90 và đầu những năm 2000. Xuất hiện tại Nhật Bản với tên gọi Tamagotchi, đây là chiếc máy hình quả trứng có 3 nút bấm, nhỏ gọn và dễ dàng mang theo bên người, chỉ cần bấm nút là bạn có thể cho chăm sóc thú cưng và nhìn chúng trưởng thành theo năm tháng.
Từ sự ra đời đến "cơn sốt" Tamagotchi
“たまごっち – Tamagotchi” được ghép từ “たまご – Tamago – Quả trứng” và “ウオッチ – Uotchi” nghĩa là “watch/đồng hồ”. Tamagotchi là sáng tạo của Akihiro Yokoi từ WiZ và Maita Aki của Bandai.
Khi ấy, Maita Aki – một nhân viên ở độ tuổi 30 làm việc tại công ty sản xuất đồ chơi Bandai đã nảy ra ý tưởng về thú cưng ảo khi xem chương trình truyền hình về một cậu bé nài nỉ mẹ cho phép mình mang chú rùa cưng đến trường mẫu giáo. Điều này là không thể bởi hầu hết các trường mẫu giáo và cơ sở giáo dục khác của Nhật không cho phép điều này.
Vào năm 1997, trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, cô kể lại rằng mình từng mang bản thử nghiệm của Tamagotchi đến khu vực xung quanh một trường nữ sinh ở Shibuya, Tokyo để kiểm nghiệm phát minh của mình. Đây cũng là nhóm khách hàng mục tiêu mà Tamagotchi hướng tới.
Maita vẫn còn nhớ, “mắt các em sáng lên” khi trông thấy Tamagotchi. Sau đó, cô đã thu thập ý kiến của các nữ sinh bằng bảng câu hỏi được lập chi tiết, liên quan đến các yếu tố như màu sắc, bao bì, thiết kế dây chuyền để đeo chiếc máy. Nhờ đó, cô biết được màu trắng chính là màu sắc được các nữ sinh ưa chuộng hơn cả.
Sau nhiều thử nghiệm, Tamagotchi chính thức được ra mắt thị trường Nhật Bản vào cuối năm 1996. Thế hệ đầu tiên của máy nuôi thú cưng ảo có giao diện khá đơn giản, chủ yếu dựa trên động vật, đồ vật và con người.
Không chỉ bán được hàng triệu bản tại quê nhà, máy nuôi thú ảo còn tạo nên “cơn bão” trên khắp thế giới vào năm 1997. Các "quả trứng" nhanh chóng được khách quốc tế săn đón đến nỗi Bandai không thể sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu này. Được biết lúc bấy giờ, thị trường chợ đen của Tamagotchi đã phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.
Hào quang chẳng kéo dài mãi với game nuôi thú cưng ảo. Với mong đợi những ai chưa có Tamagotchi rồi cũng sẽ sớm sở hữu chúng, Bandai đã sản xuất quá mức. Nhưng như bất kỳ xu hướng nào được hình thành bởi các cô gái tuổi teen, cơn sốt Tamagotchi kéo dài không quá lâu.
Những người yêu thích thú ảo thuở ban đầu đã quá tuổi để chơi chúng, trong khi đó, những bé gái nhỏ tuổi hơn lại bị phân tâm bởi những sở thích khác. Sau cùng, 2,5 triệu quả trứng Tamagotchi đã không thể tìm thấy chủ nhân, dẫn tới khoản lỗ 70 triệu USD cho Bandai.
Hồi sinh sau thất bại
Bẵng đi một thời gian, trò chơi này bỗng được nhiều bạn trẻ săn lùng và viral trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh phiên bản truyền thống, các phiên bản cải tiến cũng không nằm ngoài "tầm ngắm" của Gen Z. Máy nuôi thú hiện đại đã có những bước tiến vượt bậc so với thế hệ đầu tiên. Chúng tích hợp nhiều tính năng mới lạ và thú vị hơn, mang đến cho người chơi những trải nghiệm chân thực và đa dạng hơn.
Sở hữu vẻ ngoài nhỏ nhắn, mang hơi hướng Y2K, tamagotchi không chỉ được xem như một thiết bị giải trí, mà còn được Gen Z ứng dụng như một phụ kiện trang trí túi xách hay quần áo.
Phiên bản mới nhất của trò nuôi thú ảo là Tamagotchi Smart có thiết kế như một chiếc đồng hồ thông minh, ra mắt vào năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ra đời Tamagotchi. Sản phẩm này đã đưa game trở về đúng như tên gọi ban đầu là “ウオッチ – Đồng hồ”.
Với dòng máy nuôi thú ảo đời mới Smart, người chơi được tương tác với 10 bé thú thông qua màn hình cảm ứng, ngoài ra còn có tính năng điều khiển bằng giọng nói với hệ thống micro tích hợp trong máy. Bên cạnh các hoạt động chăm sóc thú cưng quen thuộc, Tamagotchi Smart còn hỗ trợ theo dõi số bước chân của người chơi trong ngày, và người chơi trong cùng hệ sinh thái cũng có thể kết bạn với nhau. Với pin được sạc đầy, máy có thể hoạt động đến 30 tiếng đồng hồ.
Cùng với Tamagotchi Smart, “huyền thoại” máy nuôi thú ảo tiếp tục được tồn tại, kế thừa những thành công vang dội từ các thế hệ đầu tiên của thập niên 90.