Theo DW, các nhà phê bình cho rằng sumo mất sức hút vì nhiều võ sĩ hiện tại có kỹ thuật kém, thể lực yếu và một số lượng lớn các đô vật hàng đầu đã rút khỏi giải đấu lớn vì chấn thương. Một bài xã luận trên Sankei Shimbun thậm chí còn dự đoán rằng khán giả sẽ sớm quay lưng lại với môn thể thao lâu đời này, trừ khi các giải đấu và võ sĩ thay đổi.
"Sự sụt giảm chất lượng trong các trận đấu sumo không thể tiếp diễn", bài viết nhấn mạnh.
Tờ báo chỉ ra rằng hầu như mọi đô vật ở hai hạng cao nhất - "yokozuna" và "ozeki" - đều thua những trận đấu sớm khiến họ không thể tranh cúp. "Thành tích kém cỏi của những đô vật được xếp hạng ozeki chẳng là gì cả nhưng cần được nhìn nhận nghiêm túc".
Sumo tụt dốc không phanh
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi đô vật có thứ hạng cao nhất trong giải đấu, Terunofuji, rút lui vào ngày thứ 10 do chấn thương ở cả hai đầu gối. Terunofuji phải phẫu thuật và có khả năng sẽ bỏ lỡ ít nhất hai giải đấu nữa. Bài bình luận cũng chỉ ra vấn đề trong chế độ tập luyện.
Sankei cảnh báo: "Việc bỏ trống những thứ hạng trên sẽ là điều không thể tránh khỏi. Trừ khi Hiệp hội Sumo Nhật Bản (JSA) có biện pháp khẩn cấp, người hâm mộ sumo sẽ thể hiện sự không hài lòng của họ bằng cách không còn xem các giải đấu".
Nhà báo thể thao Yoichi Igawa, người chuyên đưa tin về môn thể thao có lịch sử hơn 1.300 năm, lặp lại quan điểm đó và cảnh báo rằng sumo dường như e ngại thay đổi.
"Tôi sợ rằng môn thể thao này đang trở nên lỗi thời. Chúng ta nói sumo là môn thể thao đại diện cho Nhật Bản, nhưng đám đông người xem, người chơi đã thưa thớt hơn rất nhiều so với trước đây và phần lớn đô vật đều đã già. Đây không phải là môn thể thao hấp dẫn giới trẻ, vậy điều gì sẽ xảy ra khi những người hâm mộ lớn tuổi qua đời?", ông Igawa nói.
Môn thể thao bảo thủ
Tuy nhiên, có quá nhiều người trong thế giới sumo chống lại sự thay đổi, ông Igawa tiếp tục. "Đó là một thế giới rất nhỏ, bảo thủ, nơi tất cả các quyết định được đưa ra bởi các đô vật lớn tuổi theo một hệ thống phân cấp nghiêm ngặt. Họ không thích nhìn thấy những thay đổi, không thích những lời chỉ trích từ bên ngoài và không thích thấy các đô vật nước ngoài là người giỏi nhất trong một 'môn thể thao Nhật Bản'".
Fred Varcoe, nhà báo người Anh đã viết về sumo cho các ấn phẩm trên khắp thế giới, đồng ý rằng sumo "bị mắc kẹt trong ý nghĩa truyền thống của nó, đến mức những người trong nghề chỉ đơn giản là không thể thích nghi, cập nhật hoặc cải tiến bộ môn này".
Nhiều đô vật thành công nghỉ hưu và gia nhập JSA đã nỗ lực đưa ra những thay đổi để khiến cho sumo trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn, Varcoe chỉ ra. Nhưng những "trưởng lão" thường đông và có quyền lực vượt trội hơn trong hiệp hội lại rất bảo thủ. Một trong những đô vật đi đầu trong chương trình cải cách là Takanohana, người đã giành được 22 danh hiệu trong vòng 19 năm. Ông tham gia hội đồng quản trị JSA vào năm 2010 nhưng từ chức vào năm 2018.
Ngoài ra, hình ảnh sumo còn gắn liền với lịch sử nhiều bê bối, bao gồm các cáo buộc hành hung, đánh cược bất hợp pháp trong các cuộc đấu, sử dụng ma túy của các đô vật và liên kết với một số nhóm tội phạm có tổ chức.
Hầu hết đô vật sumo phải sống trong các "chuồng" chung, nơi cuộc sống của họ bị giám sát nghiêm ngặt. Năm 2007, võ sư Junichi Yamamoto đã bị bắt vì cái chết của một đô vật mới vào nghề, Takashi Saito (17 tuổi). Yamamoto đã đánh Saito bằng một chai bia sau khi đô vật trẻ tuổi cố gắng bỏ chạy do bị bắt nạt.
"Chất lượng của các đô vật sẽ dao động lên xuống, giống như trong bất kỳ môn thể thao nào. Nhưng vấn đề lớn hơn mà sumo phải đối mặt hiện nay là Nhật Bản có dân số già hóa nhanh chóng và không có đủ trẻ em theo học môn thể thao này. Giới trẻ Nhật Bản không muốn dậy sớm và tập luyện cho một môn thể thao đòi hỏi thể chất như sumo", Varcoe nhận định.
Trong quá khứ, một giải pháp hữu hiệu đã được áp dụng là đưa thêm các đô vật từ nước ngoài về. Varcoe nói: "Đã có những người đến từ Hawaii và Mông Cổ vươn lên dẫn đầu trong bộ môn. Nhưng nhiều người vẫn tiếp tục miễn cưỡng vì họ muốn giữ sumo cho riêng Nhật Bản".