Đối với Duy Tùng, việc viết lách và sáng tạo luôn là nguồn cảm hứng bất tận chảy trong từng hơi thở của cậu. Từ những năm cấp 3, Duy Tùng đã tiếp cận với những câu chuyện fantasy (truyện giả tưởng). Anh yêu thích thế giới kì ảo của đạo diễn Guillermo del Toro và tiếp thu phong cách kể chuyện từ Rick Riordan, tác giả loạt tiểu thuyết Percy Jackson. Travellive có dịp phỏng vấn Trần Nguyễn Duy Tùng về mong ước trở thành kiến trúc sư cho chính câu chuyện của bản thân tác giả trong tác phẩm "Dòng Máu Rồng Tiên".
Hành trình theo đuổi đam mê sáng tác
Chào Trần Nguyễn Duy Tùng, anh có thể tự giới thiệu bản thân cho độc giả Travellive cùng biết được không?
Chào Travellive, mình là Trần Nguyễn Duy Tùng, năm nay 24 tuổi. Mình sinh ra và lớn lên ở Vũng Tàu, theo học ở Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và đã tốt nghiệp từ cuối năm ngoái. Mình là một người luôn sẵn sàng cháy hết mình vì đam mê nghệ thuật, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để có thể kể một câu chuyện để đời.
Duy Tùng bắt đầu nghiệp viết lách từ khoảng thời gian nào. Trước khi sáng tác cuốn sách này, bạn đã bước vào con đường viết lách nào chưa?
Mình bắt đầu viết lách từ năm lớp 11, sau khi tham gia cuộc thi sáng tác tập san cho trường nhân ngày 20/11. Thay vì chọn viết theo phong cách văn nghị luận như được dạy ở trường, mình quyết định viết ra một câu chuyện, trong đó mình lạc vào một giấc mơ và thấy trường mình ở đó. Sau đó mình trải qua ba cuộc hành trình đại diện cho kỉ niệm vui, kỉ niệm buồn, những dự đoán về tương lai của mình tại trường. Bài của mình được cô dạy Văn khen ngợi là rất ấn tượng và chấm điểm cao nhất lớp. Đó chính là tiếng gọi của số phận, nói rằng đây là thứ mình cần phải theo đuổi. Thế là mình bắt đầu con đường kể chuyện từ đó.
Trước đó những tác phẩm mình sáng tác đều là truyện chữ ngắn, tất cả chỉ đều viết cho vui chứ không hề đăng công khai ở đâu cả. Dòng Máu Rồng Tiên này chính là truyện dài đầu tay mà mình viết, cũng là truyện được xuất bản đầu tiên.
Trần Nguyễn Duy Tùng bắt đầu sáng tác Dòng Máu Rồng Tiên từ khoảng thời gian nào? Vì sao bạn chọn đề tài này?
Mình bắt đầu sáng tác truyện này từ tận ba năm trước. Khi đó mình đang ấp ủ dự định viết một câu chuyện dài thể loại fantasy. Đối với fan của dòng truyện fantasy, tiêu chí cao nhất của thể loại này liên quan tới việc xây dựng thế giới. Khổ nỗi là đã có quá nhiều truyện fantasy với quá nhiều kiểu thế giới khác nhau, do đó gần như không thể nào sáng tạo ra một thế giới của riêng mình mà không bị đụng hàng hay bị nhận xét là "quá đại trà." Vì lẽ đó, dự định của mình mãi chỉ là một ý tưởng trong đầu, không thể nào được viết ra.
Cho đến một ngày nọ, mình đi vào trong nhà sách, giống như mình vẫn luôn làm suốt hai mấy năm cuộc đời. Ngày hôm đó, mình đã ghé qua hàng sách giáo khoa vì muốn coi lại mấy bài văn ngày xưa. Mình dừng lại ở hàng sách lớp 6 và cầm cuốn Ngữ Văn tập một lên xem. Bài văn trong đó chính là câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên. Mình đọc qua câu chuyện mà dân Việt Nam ai cũng biết. Bỗng dưng, một câu hỏi nảy ra trong đầu mình. Ở cuối truyện, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau lên núi xuống biển. Không biết rằng liệu cả hai sau này có gặp lại nhau không?
Thế giới từ câu chuyện trong sách giáo khoa
Như vậy, ý tưởng của Duy Tùng về câu chuyện fantasy của chính mình bắt nguồn từ một mẩu chuyện trong sách giáo khoa? Làm thế nào để khai thác những yếu tố của riêng mình để không trùng lặp nguyên tác?
Đúng rồi, một ý tưởng nảy ra trong đầu mình. Nếu như cả hai người gặp lại nhau, thì lý do gì khiến họ làm vậy? Có thể là Lạc Long Quân khi ở dưới biển một thời gian, vì nhớ Âu Cơ nên quay lại đất liền thăm vợ. Nhưng mình nhanh chóng dẹp ý tưởng ấy, bởi nghe nó quá giống truyện tình cảm, chưa kể nó quá đơn giản để có thể làm thành một câu chuyện hay. Vậy là mình đứng đó cố gắng tưởng tượng, nhưng chẳng ra được viễn cảnh nào hợp lý. Bỗng dưng, mình bắt gặp một chi tiết thú vị trong chính truyện gốc.
Trước khi chia tay, Lạc Long Quân bảo rằng: "...khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn."
"Giúp đỡ lẫn nhau", để việc đó xảy ra thì cần phải có một hoàn cảnh khó khăn. Một tia sét ý tưởng lóe lên trong đầu mình, bởi đây chính là viễn cảnh hợp lí nhất. Một trong hai bên sẽ vướng vào một tình cảnh khó khăn, bên kia sẽ tìm tới giúp, từ đó dẫn tới cả hai hội ngộ. Nhưng hoàn cảnh khó khăn này là gì mới được?
Mình tiếp tục đọc lại truyện và biết rằng Lạc Long Quân khi lần đầu đặt chân đến đất Việt, đã đánh bại ba con yêu quái là Hồ Tinh, Ngư Tinh, Mộc Tinh. Ý tưởng tiếp tục cháy lên trong tâm trí mình: hoàn cảnh khó khăn sẽ là yêu quái trỗi dậy hoành hành. Như vậy đây sẽ là một câu chuyện phe ác đấu với phe thiện.
Mọi mảnh ghép đều đã được đặt đúng chỗ, đi kèm theo đó là ý tưởng cho câu chuyện dần thành hình. Một câu chuyện khai thác những chủ đề liên quan tới quá khứ bản thân, lịch sử dân tộc, sự kế thừa huyết thống, ô nhiễm môi trường, chủ nghĩa tư bản, dòng dõi hoàng gia, sự chia rẽ giữa các vị thần, và ý nghĩa của việc làm anh hùng. Mình nhận ra đây chính là câu chuyện fantasy mà mình cần phải viết. Thế giới mà mình sẽ dùng để xây dựng hóa ra đã ở quanh mình bấy lâu nay mà mình không hề để ý đến. Giờ là lúc để mình cho những người khác thấy được sự thú vị của nó như cách mà mình thấy. Câu chuyện Dòng Máu Rồng Tiên chính thức ra đời từ đó.
Duy Tùng dự định ra mắt bao nhiêu cuốn truyện? Cuốn đầu tiên "Dòng Máu Rồng Tiên" đóng vai trò như thế nào?
Dự định của mình cho truyện này sẽ có năm tập. Tập đầu tiên, Người Con Của Đất Liền và Biển Cả, đóng vai trò để giới thiệu với người đọc tới một thế giới tưởng chừng rất quen thuộc, nhưng nó ẩn chứa những bí mật cực kì thú vị, đó chính là thế giới của thần thoại Việt Nam. Mọi người sau khi đọc xong tập một sẽ có một cái nhìn rất khác về câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên quen thuộc mà bất kì ai ở Việt Nam cũng biết, hoặc họ tưởng là họ đã biết.
Việc xây dựng thế giới đóng vai trò như thế nào trong lúc viết cuốn tiểu thuyết này? Mong đợi của Tùng trong về thế giới do mình xây dựng nên là như thế nào?
Đây chính là điều thú vị của câu truyện này, bởi thế giới của truyện thực chất đã có sẵn. Câu chuyện của mình sẽ đặt ở bối cảnh thời hiện đại, cộng với việc lấy chất liệu từ thần thoại và truyền thuyết Việt Nam, nên mình sẽ không phải tốn công xây dựng nền tảng thế giới. Thứ mình sẽ tạo ra ở đây liên quan tới lịch sử của các tuyến nhân vật, cụ thể hơn là những lịch sử không được ghi chép lại.
Chẳng hạn, 50 người con theo Âu Cơ. Trong truyền thuyết gốc ghi rằng những người này ở lại trần thế và trở thành tổ tiên của tộc Việt. Mình sẽ sáng tạo ra một chi tiết khác, cho rằng thực chất chỉ có 25 người con ở lại trần thế mà thôi. Hai mươi lăm người còn lại thực sự theo mẹ Âu Cơ vào núi Tản Viên ở, trở thành tổ tiên của tộc Tiên. Tộc Tiên này sở hữu sức mạnh phép thuật, giúp họ có thể đi diệt trừ yêu quái bảo vệ dân lành, và họ đã làm điều đó từ tận cổ chí kim cho đến nay.
Mong đợi của mình khi phát triển thế giới theo hướng này đó là nó sẽ giúp tiếp cận với các bạn đọc trẻ dễ dàng hơn, bởi bối cảnh câu chuyện là ở thời hiện đại, thời đại mà chính các bạn ấy đang sống. Những chi tiết lịch sử trong truyện của mình sẽ không đơn thuần chỉ là những thứ xảy ra trong quá khứ, mà chúng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thời cuộc ngày nay. Thực trạng giới trẻ thời nay không mặn mà với lịch sử bởi vì họ cho rằng lịch sử là thứ đã nằm lại ở quá khứ. Do đó, nếu ta có thể cho họ thấy rằng lịch sử vẫn có thể ảnh hưởng tới hiện tại, chắc chắn nó sẽ khiến họ thấy thú vị, từ đó đi tìm hiểu ở các nguồn gốc.
Trong "Dòng Máu Rồng Tiên" yếu tố thuần Việt đến từ những chi tiết nào?
Tất cả mọi thứ, từ nhân vật, bối cảnh, lịch sử, đều mang chất Việt trăm phầm trăm trong đó. Nên chắc chắn không ngoa nếu gọi đây là một trong các câu truyện thuần Việt nhất mà bạn sẽ từng đọc.
Duy Tùng mong đợi cuốn truyện đầu tiên của mình nói riêng, và cả bộ truyện nói chung sẽ mang lại điều gì cho độc giả?
Mình muốn cho mọi người thấy rằng những tư liệu liên quan đến văn hóa Việt Nam không hề đơn giản như mọi người nghĩ, bởi chúng hoàn toàn có thể khai thác để làm thành rất nhiều câu chuyện thú vị. Với việc thần thoại của các nước phương Tây như Hy lạp, hay thần thoại của Trung Quốc đang được cực kì ưa chuộng bởi nhiều độc giả ở Việt Nam, cần phải có những tác giả viết về văn hóa của chính nước nhà để chúng không bị lép vế. Do đó, mình hy vọng sẽ có một làn sóng rộng rãi liên quan tới việc nghiên cứu những tư liệu về lịch sử, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích của Việt Nam được diễn ra nhờ truyện của mình truyền cảm hứng.