Một trưa "cúng thời Ngọ"

08/01/2020

Một ngày cuối tuần thường nhật, chúng tôi quyết định để Sài Gòn lại sau lưng và tìm về nơi nào đó vắng lặng. Chúng tôi sẽ đi đâu? Tiền Giang, Vũng Tàu hay bất kì một nơi nào đó! Sau một lúc suy nghĩ, chúng tôi quyết định đến Tây Ninh.

Người ta thường đến Tây Ninh để thưởng thức món bánh canh Trảng Bàng trứ danh, hay mua vài xâu bánh tráng phơi sương mềm dẻo trộn với món muối tôm vị cay thơm nồng mùi tỏi ớt. Chúng tôi thì khác, chúng tôi muốn tham gia một buổi cúng giữa trưa của tín đồ đạo Cao Đài. Người dân địa phương quen gọi là Cúng thời Ngọ.

đường đến cái nôi của đạo cao đài

Năm giờ sáng, bầu trời Sài Gòn còn tối, chắc là thành phố này còn đang vùi mình trong giấc ngủ muộn từ ngày hôm trước. Đường đi cuối tuần khá vắng xe, chúng tôi nhanh chóng chạy về hướng vòng xoay An Sương rồi xuôi theo Quốc lộ 22 đến Tây Ninh. Xe chạy hơn 50 cây số, khung cảnh phố thị trống dần, thay vào đó là những cánh đồng trơ góc rạ vàng nâu sau mùa gặt lúa. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi qua một vài thị trấn, Trảng Bàng và Gò Dầu. Trên đường đi, thấp thoáng phía xa là núi Bà Đen - nóc nhà của vùng Nam Bộ nằm trơ mình giữa vùng đồng bằng rộng lớn, tựa như chiếc bát úp ngược. Trên đỉnh núi mây trắng phủ dày đặc. Nghe đâu kinh nghiệm người địa phương truyền nhau "bà núi mà đội nón thì ông trời sẽ mưa". Hình ảnh ngọn núi xuất hiện trong suốt chuyến đi, lúc thì xa, lúc lại gần khá thú vị.

Hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe, chúng tôi đến thị trấn Hòa Thành, điểm dừng chân quan trọng trong chuyến đi đến Tây Ninh. Theo sự hướng dẫn từ người dân địa phương, chúng tôi tìm đến Tòa Thánh Tây Ninh, cái nôi của tôn giáo nội sinh Cao Đài thế kỉ XX.

những đức tin nơi cõi thực

Khoảng 12 giờ kém, chúng tôi tranh thủ tản bộ từ cổng Hòa Viện vào bên trong khuôn viên thánh địa. Nội ô thánh địa này gần như là một đô thị thu nhỏ, đầy đủ các công trình kiến trúc với những chức năng khác nhau. Đi cùng chúng tôi là những đoàn khách du lịch đến từ nhiều quốc gia khác, có cả Âu và Á. Họ cũng như chúng tôi, không khỏi ngạc nhiên trước một công trình kiến trúc đầy mới lạ và độc đáo. Thoạt nhìn xa, ngôi chùa này có nét giống với một thánh đường Thiên Chúa giáo nhưng đến gần thì lại thấy kiến trúc tường vàng, ngói đỏ, hoa sen đặc trưng của những ngôi chùa Phật giáo tại Việt Nam. Phải nói, tín đồ Cao Đài khá khéo léo trong việc kết hợp nhiều giá trị mỹ thuật cả Tây và Ta trong một tổng thể kiến trúc vỏn vẹn với chiều ngang khoảng 20 mét, chiều dài hơn 100 mét.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
20191225122914_IMG_7336-01

Chúng tôi được những nữ tín đồ mặc áo dài trắng, đầu búi tóc kiểu phụ nữ Nam Bộ thế kỉ trước hướng dẫn đi theo lối cầu thang nhỏ lên lầu phía trên để có thể quan sát rõ thời cúng chuẩn bị diễn ra. Tại lầu có khá nhiều tín đồ trong trang phục áo dài trắng. Họ bận rộn sắp xếp nhạc cụ, nhang và hoa quả, mỗi người một việc diễn ra khá nhanh chóng. Mùi hương nhang trầm phảng phất cả một không gian rộng lớn. Trên bàn tròn có khoảng sáu người ngồi so dây, thử âm từng loại nhạc cụ. Dù khá tấp nập người nhưng không tạo ra ồn ào, những tín đồ Cao Đài chuẩn bị mọi thứ khá nhịp nhàng, có lẽ đây là một hoạt động thường nhật đối với họ.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Bong… bong… bong…

Từng tiếng chuông ngân dài cả bên trong và bên ngoài ngôi chùa Tòa Thánh, từng dòng tín đồ trong những bộ trang phục có màu vàng, xanh, đỏ và trắng xếp thành hàng dài đi vào chính điện bên trong. Họ xếp thành hàng ngay ngắn rồi lạy theo từng tiếng kệ xướng lên cùng tiếng chuông liên hồi. Một tiếng đàn cò vang lên, rồi tiếng đàn tranh, đàn nhị và song lang cùng tạo thành một âm điệu quen thuộc có gì đó rất dân tộc, thường xuất hiện trong những đám hát cúng đình, miễu trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi. Liền đó, tốp ca nữ đồng nhi Cao Đài xướng lên những bài kinh cầu như bản trường ca ca ngợi công ơn của đấng tạo hóa, nhịp điệu lúc trầm ngân, lúc dứt khoát thanh thoát, vang vọng cả một không gian tĩnh lặng.

20191225123451_IMG_7367-01

Những tín đồ tham gia buổi lễ cúng gần như tập trung tuyệt đối vào hình ảnh Thiên Nhãn, gọi dễ hiểu là mắt trời, biểu thị sự hiện diện của Thượng Đế. Thỉnh thoảng những tiếng chuông đan xen như một tín hiệu, những tín đồ đồng thanh gật đầu rồi lạy một cách nhịp nhàng và đều đặn.

Empty
Empty
Empty

Những tín đồ tham gia buổi lễ cúng phần đông là người cao tuổi. Có những người tóc đã bạc phơ, lưng khòm ra dáng một cao niên. Trông họ có vẻ lạc quan và tinh tường hơn so với vẻ bề ngoài của mình.

Empty
Empty

Tan buổi lễ cúng, các tín đồ lại rôm rả những câu hỏi han, kể cho nhau những câu chuyện đời thường trong cuộc sống. Họ là những người xa lạ nhưng vì chung đạo nên gọi nhau thân thiết là anh em, chị em. Chúng tôi hỏi thăm một cụ cao niên rằng điều gì khiến cụ dù tuổi đã cao nhưng vẫn đến tham gia buổi cúng Ngọ này. Cụ cười, vẻ đầy hào sảng, rồi bảo: "Vì niềm tin vào cuộc sống, tin vào những điều tốt đẹp và tử tế dù còn sống hay sẽ chết đi. Cụ tin rằng người tín đồ Cao Đài có một trái tim của Bồ Tát, vầng trán của Khổng Tử, đôi tay của Chúa Jesus và phong thái sống của Lão Tử".

Empty
Bài: Võ Minh Hiếu - Ảnh: Cao Minh
RELATED ARTICLES