Vì sao đa phần người Nhật không sử dụng hộ chiếu?

21/12/2019

Với cuốn hộ chiếu quyền lực hàng đầu thế giới, có thể thuận lợi đi lại khắp nơi mà không cần visa, nhưng thực tế chỉ có 23% người Nhật Bản sở hữu hộ chiếu.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Nhật Bản được xếp hạng cao nhất trên Bảng xếp hạng Passport Index của Hãng Tư vấn Đầu tư và Định cư Henley & Partners. Theo đó, công dân Nhật Bản có thể đi đến 190 trong tổng số 199 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới mà không cần phải xin thị thực (visa).

Trong bảng xếp hạng năm 2019, Singapore cũng đồng hạng nhất cùng Nhật Bản. Hàn Quốc đứng thứ hai với 188 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực, trong khi đó, Mỹ và Anh chỉ đứng thứ 15 trong danh sách.

Japanese-passport

Dù có quyền tự do cao nhất trong việc có thể đi bất cứ đâu trên thế giới một cách dễ dàng nhưng dường như người Nhật lại có vẻ... không hề quan tâm. Điều này được chứng minh khi chỉ 23% công dân Nhật Bản sở hữu hộ chiếu theo thống kê của Nikkei Asian Review. Đây là tỷ lệ sở hữu hộ chiếu thấp nhất trong khối 7 nước công nghiệp phát triển G7. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phần lớn người dân Nhật Bản lại không quan tâm đến việc đi du lịch nước ngoài?

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một lý do lớn được các nhà phân tích đưa ra chính là việc Nhật Bản là một quốc gia có dân số già. Tính đến hết năm 2018, Bộ Thông tin và Nội vụ Nhật Bản cho biết tỷ lệ người cao tuổi trong dân số Nhật Bản đang ở mức cao nhất thế giới. Số người già từ 65 tuổi trở lên đã đạt kỷ lục 35,57 triệu người, tăng 440.000 người so với năm trước và hiện chiếm 28,1% tổng dân số. Tại một số tỉnh ở Nhật Bản con số này còn lên tới hơn 30%. Viện Quốc gia Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản ước tính tỷ lệ này sẽ lên tới 35,5% vào năm 2040.

Số người già trên 65 tuổi chiếm 28,1% tổng dân số Nhật Bản

Số người già trên 65 tuổi chiếm 28,1% tổng dân số Nhật Bản

Với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng như vậy, phần lớn người Nhật chỉ có xu hướng đi du lịch, nghỉ dưỡng ở trong nước hoặc một số quốc gia lân cận như: Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong… Bởi người cao tuổi không thể đảm bảo được sức khỏe còn người trẻ lại quá bận rộn với công việc hoặc chăm sóc gia đình.

Ngoài ra còn một lý do lớn khác đến từ văn hóa, đó là người Nhật Bản thường lo lắng hoặc sợ hãi với những mối nguy hại bất ngờ đến từ du lịch. Từ trước tới nay, Nhật Bản lại luôn được xếp hạng là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Chính sự an toàn này cộng với bản tính cẩn thận sẵn có đã khiến cho người dân Nhật Bản luôn lo lắng, thậm chí là sợ hãi sự không an toàn ở những điểm đến mới.

Cuộc sống bận rộn của người Nhật

Cuộc sống bận rộn của người Nhật

Chuyên gia nhập cư Xiaochen Su đã từng chia sẻ về vấn đề này trên tờ Thời báo Nhật Bản vào tháng 3/2019. Loạt sách có tên “Chikyu no arukikata” (tạm dịch: Cách đi bộ trên Trái Đất) là những cuốn sách hướng dẫn du lịch thế giới bán chạy nhất tại Nhật Bản trong 35 năm qua với 8 triệu bản được xuất bản. Trong cuốn sách này, các tác giả người Nhật đã mô tả rất kỹ lưỡng về những vấn đề tiêu cực, những rủi ro và cả những tội ác nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình đi du lịch tại nhiều điểm đến trên thế giới. Điều này đã vô tình càng khắc sâu vào tâm lý e dè và tạo nên quan điểm “đi du lịch ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm” của giới trẻ Nhật Bản.

Ngành du lịch Nhật Bản rất phát triển

Ngành du lịch Nhật Bản rất phát triển

Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, du lịch Nhật Bản đã tăng 250% từ năm 2012 đến 2017. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên với Thế vận hội Olympic Tokyo vào mùa hè năm 2020.

My Tống - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES