Nét đẹp cổ kính của nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam

21/08/2023

Khi cả nước đang ở giai đoạn cao trào phòng chống giặc ngoại xâm, nhân dân khổ cực. Màn đêm buông xuống chỉ có ánh đèn dầu lập lòe. Vào thời điểm xã hội còn chưa phát triển, việc sử dụng điện còn là một khái niệm xa lạ thì Đà Lạt đã sáng đèn từ năm 1946.

Nằm sâu trong lòng thung lũng Đan Kia - Suối Vàng, Lâm Đồng, thủy điện Ankroet được bao phủ bởi những cánh rừng thông. Đây là một công trình được xây dựng chủ yếu bằng đá chẻ, xung quanh trồng rất nhiều cây xanh. Công trình này nằm yên bình, tách biệt với cuộc sống dân cư sôi động. Để bước vào bên trong nhà máy, du khách phải vượt qua một cây cầu nhỏ bắc qua dòng nước xả vận hành nhà máy.

Lối vào nhà máy thủy điện Ankroet

Lối vào nhà máy thủy điện Ankroet

Ông Phúc, người quản đốc thủy điện cho biết: "Nhà máy thủy điện Ankroet khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 1942, đến năm 1945 mới hoàn thành, và chính thức đưa vào hoạt động, phát điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại Đà Lạt khi người Pháp muốn xây dựng nơi đây thành thủ phủ của Đông Dương".

Kiến trúc của thủy điện Ankroet mang dấu ấn đặc trưng của vùng Tây Nam nước Pháp, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên cùng sự tinh tế của kiến trúc công xưởng thế kỷ 20. Nhìn từ xa, công trình này nổi bật như một biệt thự khổng lồ tọa lạc giữa bạt ngàn thông xanh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bên cạnh việc khám phá những chi tiết độc đáo bên trong nhà máy, du khách còn có cơ hội được chiêm ngưỡng hai tổ máy tuabin cổ kính, vốn được chế tạo bởi hãng ALSTHOM (Pháp) từ thời mới xây dựng nhà máy, cùng với một biệt thự cổ, như những mảnh ghép lịch sử đẹp đẽ trong hành trình khám phá.

Tổng thể công trình trông như biệt thự nghỉ dưỡng chứ không mang dáng dấp của công xưởng

Tổng thể công trình trông như biệt thự nghỉ dưỡng chứ không mang dáng dấp của công xưởng

Khu vực này không chỉ duy trì nguyên vẹn vẻ hoang sơ, mà còn hấp dẫn với vẻ thơ mộng khó cưỡng. Dòng thác chảy xuống từ thượng nguồn xuyên qua tầng tầng lớp lớp đá rồi đổ thẳng vào một lòng hồ lớn tạo nên một hồ nước màu xanh ngọc tuyệt đẹp giữa ngàn thông. Bước chân đến đây, du khách sẽ cảm nhận như đang hòa mình vào một bản tình ca hùng vĩ của thiên nhiên, tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng Tây Nguyên.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử, những tổ máy phát điện do Mỹ, Pháp sản xuất lần lượt hoàn thành sứ mệnh của mình. Để xây dựng nhà máy thủy điện trong bối cảnh thiếu hụt máy móc hiện đại, hàng ngàn công nhân từ mọi vùng miền của đất nước đã tụ họp tại đây, cùng với các chuyên gia, họ cống hiến không ngừng để đảm bảo nguồn năng lượng cho tương lai. Công việc khắc nghiệt, mới mẻ trong hoàn cảnh thiếu thốn, cùng với cảnh điều trị bệnh tật trong điều kiện thiếu thuốc đã khiến không ít người phải hy sinh trước khi công trình hoàn thành. Để tưởng nhớ và tri ân những người đã dốc hết tâm huyết vào công cuộc xây dựng công trình thế kỷ, thế hệ kế tiếp của nhà máy đã dựng lên một bia kỷ niệm tại đây, nơi có cảnh quan yên tĩnh để ghi nhớ công ơn cũng như an ủi phần nào linh hồn những người đã khuất.

Những dấu tích nhuốm màu thời gian

Những dấu tích nhuốm màu thời gian

Vào năm 2004, nhà máy thủy điện Ankroet được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam. Tuy vậy, đây không chỉ là thành tựu riêng của Việt Nam, mà còn là niềm tự hào cho cả khu vực Đông Dương. Mặc dù chưa chính thức đưa nơi đây trở thành điểm du lịch, hàng năm vẫn có hàng ngàn du khách tới đây để tìm hiểu về nhà máy. Không chỉ thế, môi trường sinh thái ở đây cũng là điểm sáng với phong cảnh hữu tình, kết nối với thiên nhiên, thu hút nhiều du khách lựa chọn thực hiện những chuyến dã ngoại tại đây. Với vẻ đẹp độc đáo này, đập Ankroet đã được các cặp đôi lựa chọn cho các buổi chụp ảnh cưới tại Đà Lạt.

Sứ mệnh xưa đã hoàn thành, nhà máy thủy điện Ankroet bước vào một chương mới, đã và đang trở thành đại sứ du lịch đóng góp vào vẻ đẹp độc đáo của Đà Lạt, thu hút du khách từ khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu về công trình nhà máy thủy điện cổ kính nhất của Việt Nam.

Con đường dẫn vào nhà máy thủy điện đẹp vô cùng với những khúc quanh uốn lượn men theo rừng thông. Đi giữa khung cảnh cùng tiết lạnh của Đà Lạt, có cảm tưởng như đang ở trời Âu

Con đường dẫn vào nhà máy thủy điện đẹp vô cùng với những khúc quanh uốn lượn men theo rừng thông. Đi giữa khung cảnh cùng tiết lạnh của Đà Lạt, có cảm tưởng như đang ở trời Âu

Dòng thác xanh trong trước nhà máy, nơi nhiều bạn trẻ đến dã ngoại và chụp ảnh cưới (Ảnh: Sưu tầm)

Dòng thác xanh trong trước nhà máy, nơi nhiều bạn trẻ đến dã ngoại và chụp ảnh cưới (Ảnh: Sưu tầm)

Bài và ảnh: Hà Mai Trinh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES