Mùa xuân trên thiên đường
Tôi ở Mộc Châu đến nay là ngày thứ 40, trong tổng số 45 ngày ở Mộc Châu. Chẳng phải vì tôi nghiện, mà bởi vì lạnh quá, tôi không thể tiếp tục di chuyển được. Dừng chân ở Mộc Châu cũng lâu, xuân sang và sắp tới Tết rồi, thôi lại ở thêm.
Ngày thứ 40, tôi thức dậy bên khung nhà sàn của người Thái, mặc một chiếc váy màu đỏ, trên đầu thắt chiếc khăn truyền thống của người Mông nhưng không phải ở xứ này mà là tôi mua được ở Hà Giang rồi cùng con xe cà tàng lân la khắp bản làng của Mộc Châu.
Người ta nói, đường đẹp nhất là đường đi lạc. Và tôi thì giống như một kẻ lữ hành không biết đâu là điểm dừng. Chẳng biết ngày mai đi đâu, cứ bước ra đường, cứ theo cảm tính mà chọn đại lấy một lối mòn.
Có ngày, tôi đi lạc ở bản Phiêng Cành. Ngoài sân vận động, người Mông tập trung rất đông. Họ mặc trên người những bộ váy áo truyền thống màu đỏ rực rỡ, kiềng cổ sáng loá, chơi các trò chơi dân gian của dân tộc mình như: Tù lu, ném pao, kéo co, rồi thỉnh thoảng là giao lưu văn nghệ.
Những cô gái Mông múa rất dẻo. Họ nhún nhảy theo điệu nhạc, xoay qua bên phải, rồi xoay qua bên trái. Tôi chẳng biết tên bài hát đó là gì nhưng nhịp điệu quả thực rất hay.
Những chàng trai Mông bước lên trổ tài thổi sáo. Tiếng sáo nhẹ nhàng, vang vọng khắp cao nguyên Mộc Châu, băng qua những cánh đồng, xuyên qua những ngôi nhà gỗ của người Mông để tìm bạn tình.
Mận nở trắng muốt ở bản Phiêng Cành
Phiêng Cành có lẽ là một địa danh còn xa lạ đối với nhiều người. Bởi đến Mộc Châu, du khách thường chỉ lãng vãng quanh Pá Phách, thác Dải Yếm, Thung Lũng Mận Nà Ka rồi đi về kẻo lỡ chuyến xe đêm. Nhưng nếu có thời gian lâu hơn, xin hãy ghé đến Phiêng Cành, bởi đông qua xuân đến thì hoa mận ở đây nở trắng trời.
Dọc những con đường đi vào bản Phiêng Cành, những cây mận xoè rộng tán cây. Hoa mận mỏng, màu trắng muốt, chúng thường mọc thành từng chùm và có rất nhiều bông chụm vào nhau. Thân cây mận thường khá cao, có cây cao 4m, lại có cây cao đến 15m.
Đi qua các bản làng ở Phiêng Cành, tôi thường nhìn thấy những em bé người Mông với điệu bộ hết sức dễ thương. Chúng nó leo lên cành mận, ngoẹo đầu, dơ tay thành hình chữ V để tạo dáng cho tôi chụp ảnh. Mà chúng nó chụp ảnh vì chúng nó thích chứ chẳng để làm gì.
Mận nở trắng xoá khắp những con đường và quanh những ngôi nhà của người Mông. Tôi mệt, lảo đảo vào một ngôi nhà gần đó. Các bà, các mẹ đang ngồi thêu thùa chiếc váy áo cho con của mình. Họ cầm kim, đâm xuyên vào tấm vải lanh đã được vẽ sáp ong cẩn trọng, rồi thêu những đường thêu hoa văn hết sức tinh tế. Cụ bà người Mông bảo với tôi: Ngày xuân, rãnh rỗi nên thêu thùa. Chứ bình thường thì bận đi ra ruộng đồng không có thời gian.
Cùng con xe cà tàng tiếp tục lạc lõng đâu đó ở Phiêng Cành tôi cũng chẳng nhớ rõ. Chỉ nhớ, ở đó có một đồi chè xanh mướt mát. Những cây mận cũng mọc xen kẽ vào đồi chè. Nắng chiếu xuyên xuống vườn chè và những cành mận. Hoa mận bỗng biến sắc, từ màu trắng tinh khiết thành màu hồng hào thật lung linh. Tôi ngồi đó, lặng yên trên đồi chè, nghe tiếng gió thổi rì rào. Tiếng chim hót líu lo.
Đã từng có ai đó giải thích cho tôi nghe về ý nghĩa của hoa mận: Nó là đại diện cho sự ấm áp, sự sum vầy và đoàn tụ. Nó cũng chính là sự vẹn toàn của những mối quan hệ, vừa là tình yêu, vừa là gia đình, và cũng là bạn bè. Ngày xuân, hoa mận nở trắng muốt tại bản Phiêng Cành. Những đôi nam thanh nữ tú đi tìm bạn tình, hay những bà, những mẹ ngồi thêu thùa váy áo cho gia đình mình bên khung nhà gỗ. Có lẽ, ý nghĩa ấy quả thực rất đúng.
THÔNG TIN THÊM
Đường đi: Từ Thị trấn Mộc Châu, bạn di chuyển bằng xe máy vào bản Phiêng Cành. Đường đi lúc đầu trải nhựa, nhưng càng vào bên trong chỉ là đường đất và đá. Một vài đoạn hơi khó đi, nhưng càng vào cảnh càng đẹp mỹ miều.
Quán ăn: Trong Phiêng Cành hiện tại chỉ có nhà dân, hầu như không có quán ăn. Vì vậy, nếu quyết định ở lại trưa thì hãy mua thêm đồ ăn và nước uống mang theo cùng.
Văn nghệ: Vào những ngày Tết, bà con hay tập trung tại sân vận động của bản để giao lưu văn nghệ. Nếu bạn muốn chụp ảnh, thì hãy đi vào khoảng thời gian từ 8-12 giờ sáng. Sau thời gian này hầu như mọi người chỉ ở nhà uống rượu và qua nhà bạn bè mình chơi.
Quần áo: Cận Tết ở Mộc Châu thường rất lạnh. Nên mang theo áo ấm để di chuyển. Vào bản Phiêng Cành, thỉnh thoảng bạn cũng chỉ nhìn thấy sương mờ ảo vì nhiệt độ xuống rất nhanh.
Thời gian: Hoa mận nở phụ thuộc vào độ lạnh của từng năm. Thông thường là từ cuối tháng 1 đầu tháng 2.