“Truyền thống vẫn sẽ được tiếp nối chừng nào mọi người còn đến đây xăm mình. Khi tôi vẫn cảm thấy mình làm tốt thì tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này. Tôi chỉ dừng lại khi mắt tôi mờ”. Whang Od chia sẻ.
Theo truyền thống, hình xăm tay được đánh dấu cho chiến binh bản địa Butbut. Họ có đủ điều kiện cho một hình xăm khi họ giết hạ một kẻ thù. Đối với phụ nữ, hình xăm được coi như một phụ kiện thẩm mỹ. Whang Od nhớ lại thời thiếu nữ của mình, khi bạn bè của bà phủ kín cánh tay và chân của họ bằng những hình xăm.
Khi thời kỳ của các chiến binh không còn, hình xăm dành cho tất cả mọi người. Hiện nay, lượng khách quốc tế đến với bà Whang Od đều đặn hơn, bà khắc nên khoảng 8 hình xăm mỗi ngày. Mỗi biểu tượng, từ những đường kẻ cho tới hình tròn, hình ảnh động vật hay các bộ tộc đều mang những ý nghĩa sâu sắc. Nhiều hình xăm thể hiện các yếu tố tự nhiên như núi, mặt trời, một số khác thì liên quan tới sự sinh sản và sức mạnh.
Whang Od theo đuổi một phương pháp kỹ thuật nghìn năm tuổi, chỉ sử dụng một vài dụng cụ: gai cây bưởi, một thanh tre dài, một hũ than đập nhỏ và nước.
Với sự tập trung tuyệt đối, bà tô điểm những nét vẽ lên da thịt bằng mực than-nước tự chế. Bằng những cái vỗ nhẹ, bà sử dụng gai bưởi và que tre để đẩy mực ăn sâu vào da. Với kỹ thuật đơn giản này, Whang Od tạo những mẫu hình học đầy ý nghĩa. Và cách xăm này cũng đau đớn không kém cách xăm hiện đại ngày nay.
Gìn giữ nghệ thuật xăm mình phức tạp hơn vẻ bề ngoài, nó chỉ được truyền lại cho mối quan hệ ruột thịt. Vì không có con cái, Whang Od đã đào tạo 2 người cháu là Elyang Wigan và Grace Palicas trong nhiều năm. “Những người bạn cùng làm nghề xăm mình giống tôi đều đã qua đời. Giờ chỉ còn tôi làm nghề này nhưng tôi không sợ truyền thống này biến mất vì tôi vẫn còn những người kế tục” - Whang Od nói.
Cụ Whang Od còn chia sẻ bí quyết sống tới 100 tuổi của mình là không ăn đồ hộp, thức ăn có dầu mỡ hay đồ muối mà chỉ ăn rau, đậu.
Ngọc Anh (Theo CnnTravel)