Hơn nghìn năm lịch sử và khởi đầu của Chùa Ếch
Nyoirin-ji được khởi công xây dựng năm 729 dưới thời Nara. Năm 1586, ngôi chùa có một thời gian bị bỏ bê vì chịu hư hỏng nặng từ hỏa hoạn trong chiến tranh. Đến đầu thời Edo, lãnh chúa Arima Tadayori đã phục dựng lại chính điện và sau đó là Matsuzaki thường lấy nơi đây làm chốn cầu nguyện đã tiếp tục công cuộc trùng tu ngôi chùa.
Khởi đầu của cái tên Kaerudera là do vị sư Fumihito Hiraguchi sau chuyến thăm Trung Quốc năm 1992 đã mang về một số tượng hình ếch để trang trí chùa. Thực tế, ông không đặc biệt yêu thích loài động vật này mà chỉ muốn thu thập một số tạo tác thú vị để giúp xua đi vẻ đìu hiu của ngôi chùa lúc bấy giờ nhằm thu hút thêm nhiều người trẻ đến tham quan. Kết quả là số lượng tượng ếch cứ lớn dần lên, dần dà khách đến thăm cũng bắt đầu đóng góp thêm tượng, và kết quả là đến hiện nay ngôi chùa đã thành “mái ấm” cho hơn 5.000 bức tượng ếch đủ kích cỡ, hình dạng và màu sắc. Phong cảnh nhàm chán trước kia nhường chỗ cho những sắc màu mới, kéo theo đó là lượng khách đến thăm tăng mạnh mỗi năm, đưa Kaerudera trở thành một trong những địa điểm văn hóa - du lịch nổi bật của tỉnh Fukuoka.
Chào mừng đến với thế giới của “các bạn” ếch
Chỉ 15 phút đi bộ từ ga Mitsusawa thuộc tuyến Nishitetsu Tenjin Omuta, bạn đã đến trước cổng Kaerudera. Đón chào du khách là một bức tượng ếch lớn trông khá thân thiện, để rồi đặt chân vào bên trong là hàng hàng lớp lớp những tượng ếch lớn nhỏ ở khắp nơi trong khuôn viên rộng tầm 6.600 mét vuông. Mặc dù ếch có thể không phải động vật dễ thương trong mắt một số người, nhưng sự đa dạng về sắc thái của những bức tượng ở đây, kết hợp với không gian tươi mát dễ chịu, sẽ tạo nên một bầu không khí rất thoải mái.
Biểu tượng của Kaerudera, ngoài hàng nghìn tượng ếch, là bức tượng Nyoirin Kannon tạc bằng gỗ được tỉnh Fukuoka xem là bảo vật văn hoá, chỉ cho phép khách tham quan được nhìn thấy vào năm Tỵ, tức một sự kiện “12 năm 1 lần”. Ngoài ra, ngày 17/7 hàng năm được gọi là “Ngày hội chuông gió” bởi trong ngày này Kaerudera được phủ trong hàng ngàn chiếc chuông gió nhỏ. Du khách có thể mua chuông gió rồi viết điều ước của mình lên mảnh giấy treo bên dưới, sau đó treo lại đây. Cảnh tượng chuông gió ngập tràn màu sắc, đung đưa trong gió và phát ra những âm thanh leng keng vui tai khi gió thổi qua chính là hình ảnh được du khách, đặc biệt giới trẻ, đón chờ nhất mỗi năm ở ngôi chùa đáng yêu này.
Vì sao Chùa Ếch được đông đảo du khách ưa thích?
“Nyoi” trong tên chính thức Nyoirin-ji có nghĩa là mọi chuyện sẽ diễn ra như ý nguyện. Còn “Kaeru” trong tiếng Nhật là ếch, đồng thời đồng âm với động từ Kaeru (帰る) nghĩa là “trở về”, vì thế ếch là loài động vật đại diện cho sự bảo tồn, lưu giữ cho đồ vật hay con người quay trở về nguồn cội.
Từ "Kaeru" cũng mang ý nghĩa là "trở về bình an" nên ngôi chùa này còn được xem là một trong những địa danh linh thiêng ở Nhật Bản. Ý nghĩa đẹp từ cái tên kết hợp với khung cảnh đa sắc, tươi vui chính là điều giúp Kaerudera thu hút lượng lớn du khách ở mọi lứa tuổi.