Với quá trình xây dựng kéo dài gần 2 thế kỷ, Khajuraho ban đầu là một quần thể 85 ngôi đền nhỏ được xây bằng đá sa thạch và có kiến trúc vô cùng lộng lẫy. Ngày nay, do sự phá hủy của thời gian, nơi đây chỉ còn sót lại 22 ngôi đền.
Trải dài trên một diện tích khoảng 20 km2, đền Khajuraho nằm ở miền Trung của đất nước Ấn Độ,. Nơi đây từng là một đô thị phồn hoa, sôi động, thủ đô của một đế chế Chandela hùng mạnh. Thời gian đã khiến ngôi đền rơi vào quên lãng trong nhiều thế kỷ và bị bao phủ giữa rừng rậm trước khi được chính quyền thực dân Anh phát hiện vào năm 1893.
Đá sa thạch là nguyên liệu chính để xây dựng các ngôi đền. Các kiến trúc sư từ hơn khoảng 1000 năm trước không hề dùng đến vữa, các phiến đá được gắn với nhau bằng các lỗ mộng đi cùng khớp mộng và liên kết chắc chắn bởi lực hấp dẫn.
Bên cạnh kiến trúc độc đáo, các bức tượng, hình vẽ được chạm khắc trong các ngôi đền Khajuraho cũng là những kiệt tác nghệ thuật vô cùng quý giá. Nội dung chủ yếu đều tập trung khắc họa các khung cảnh sinh hoạt hàng ngày của người dân dưới thời đại đế chế Chandela, từ cảnh cuộc sống xa hoa của vua chúa đến hình ảnh của các nữ thần.
Ấn tượng nhất có lẽ là những cụm tượng mô tả cảnh nam nữ hoan ái với nhiều tư thế, thậm chí có những hình khắc mô tả những kẻ đứng gần đó nhìn trộm. Tuy nhiên tất cả đều mang tính biểu cảm và được khắc họa một cách đầy nghệ thuật chứ không hề mang đến cảm giác thô tục. Ngoài ra, một số trong những ngôi đền ở đây có hai lớp tường và được chạm khắc những hình thù nhỏ về đời sống tình dục.
Có rất nhiều lời giải thích cho việc khắc họa những hình ảnh đầy nhạy cảm này lên khu đền thờ các vị thần, có người cho rằng tại nơi đây đã từng tồn tại một giáo phái Hindu thờ cúng những biểu tượng thể xác và lạc thú trong đời. Lại có kẻ cho rằng đây là cách để con người tu tâm dưỡng tính tránh được những cám dỗ trong cuộc đời.
Với sự độc đáo trong kiến trúc và một lịch sử tồn tại lâu dài, quần thể đền Khajuraho đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vì “những giá trị sáng tạo nghệ thuật độc nhất vô nhị”.