Ngủ với cá voi ở Kenting

21/04/2020

Đối với tôi, ngủ với cá voi tại Bảo tàng Hải dương và Thuỷ cung Quốc gia Kenting là trải nghiệm giá trị nhất ở Đài Loan. Bạn sẽ không thể tưởng tượng được sự kỳ thú mà những sinh vật đại dương xinh đẹp mang tới cho bạn.

Bảo tàng Hải dương và Thủy cung Đài Loan (National Museum of Marine Biology and Aquarium - 國立海洋生物博物館) có diện tích lên đến gần 1 triệu m2, nằm ở phía bắc Kenting (Khẩn Đinh), một thị trấn nhỏ ở phía nam huyện Pingtung (Bình Đông). Nơi đây được xem là thủy cung lớn nhất Đài Loan, là nơi bảo tồn và nuôi dưỡng hàng ngàn loài sinh vật biển. Nơi đây cũng sở hữu một trong những đường hầm dưới nước dài nhất châu Á, với chiều dài lên đến gần 100 m.

Empty

Đến Thủy cung Đài Loan, bạn có thể khám phá vô số các sinh vật biển độc đáo trong các khu vực theo chủ đề khác nhau như Vương Quốc San Hô, Hải Dương Học Đài Loan và Hải Dương Học Thế Giới. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động thú vị khác như cho cá ăn, xem cá ngủ, khám phá đời sống sinh vật biển về đêm ở khuôn viên phía ngoài bảo tàng (có hướng dẫn viên), cũng như tham gia vào các lớp học về kiến thức bảo vệ môi trường biển. Tôi đã quyết định mua một tour ngủ qua đêm tại thủy cung cũng là vì những hoạt động “hậu trường” này. Thử nghĩ xem, thủy cung ở đâu mà chẳng có nhiều cá. Nhưng không phải chen chúc, không phải xếp hàng, lại thỏa thích tham quan bảo tàng về đêm, cảm giác như mình đang chìm dưới đáy biển tĩnh mịch, xung quanh là những loài cá sặc sỡ đang tung tăng bơi lội giữa những rạn san hô, thật vô cùng thú vị.

Empty

Bạn có thể mua vé trực tiếp tại cổng, mua vé online qua website của thủy cung, hoặc mua vé qua các đại lý như Traveloka, Klook, Kkday... Nếu mua vé online, bạn sẽ nhận được vé điện tử qua mail, bạn có thể in ra hoặc lưu sẵn trên điện thoại để tiện cho việc quét mã vạch tại cổng. Giá vé tham quan ban ngày là 450 TWD/người lớn (khoảng 350.000 VND) còn giá vé ngủ qua đêm là 2.380 TWD/người lớn (khoảng 1.850.000 VND). Tuy thủy cung ngày nào cũng mở cửa, nhưng dịch vụ ngủ qua đêm thì không. Dịch vụ này chỉ mở vào một số ngày trong tháng nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của các loài sinh vật biển. Do đó, bạn nên kiểm tra trước để sắp xếp thời gian sao cho phù hợp với kế hoạch du lịch Đài Loan của mình.

Chuyến xe bão táp

Không có tàu hỏa hay HSR đi thẳng đến Kenting, nên khách đi chơi thủy cung có thể chọn xe bus tuyến 臨918 tại sân bay Cao Hùng (Kaohsiung International Airport) hoặc tuyến 9189 tại ga THSR Zuoying (高鐵左營站) đến trạm Nanbaoli (南保力); rồi từ đây đón tiếp một chặng xe bus địa phương Kenting Shuttle Bus (Orange Line) để tới thủy cung.

Tại ga THSR Zuoying, ra Exit #2 để mua vé xe bus đi Kenting

Tại ga THSR Zuoying, ra Exit #2 để mua vé xe bus đi Kenting

Quầy vé

Quầy vé

Trên lý thuyết thì không quá phức tạp, nên tôi rất tự tin khi lên đường. Theo lịch trình, thủy cung sẽ bắt đầu đón khách từ lúc 4h chiều, khách có thể tham quan tự do cho đến 6h là giờ ăn tối. Chúng tôi khởi hành từ lúc 2h chiều, dù các phương tiện công cộng ở Đài Loan đều rất nhanh, nhưng thời gian chờ đợi xe bus, tàu hỏa và HSR lại rất lâu, nên mãi 3h tôi mới tới quầy vé ở ga Zouying. Giá vé đi Nanbaoli là 168 TWD/người/chiều và 336/người/khứ hồi. Khi chị bán vé hỏi “Mua vé một chiều hay khứ hồi?”, vì quá vội vã và không kịp suy nghĩ, tôi đã trả lời “Vé một chiều”, trong lòng nghĩ thầm, ai biết mình có về ngay không hay ở đó chơi thêm nữa chứ, lúc nào về thì mua vé sau cũng được. Chúng tôi không ngờ rằng đó lại trở thành sai lầm lớn nhất của mình trong cả chuyến đi.

Kenting Shuttle Bus ở ga THSR Zuoying, Cao Hùng

Kenting Shuttle Bus ở ga THSR Zuoying, Cao Hùng

Nhìn trên bản đồ Đài Loan, dễ thấy đường từ Cao Hùng xuống phía nam là đường đồi núi, rất nhiều đèo, vì vậy mới không có tàu hỏa hay HSR. Những con đường uốn lượn như dải lụa quanh núi trập trùng, nhấp nhô, mới nghĩ thì thấy đẹp đấy, nhưng khi ngồi trên xe và “tận hưởng” tốc độ kinh khủng của nó rồi thì mới biết thế nào là… say. Hơn 2 tiếng đồng hồ rung lắc và xóc nảy dữ dội, cuối cùng tôi cũng nghe tiếng loa trên xe thông báo xì xồ một câu tiếng Hoa có từ khóa là “Nanbaoli”. Trạm kế tiếp là Nanbaoli rồi, mừng quá, chuẩn bị hành lý để xuống thôi! Nhưng 10 phút rồi 20 phút trôi qua, xe vẫn chạy hết tốc lực. Rồi tôi nghe loa thông báo (vẫn bằng tiếng Hoa) trạm kế tiếp là Hengchun! Vì say xe đến "ngáo", tôi đã không bấm nút báo hiệu dừng xe, nên xe vẫn chạy thẳng. Tôi đã đi qua Nanbaoli đến 7 km. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành xuống trạm Hengchun rồi tìm cách quay ngược lại thủy cung.

Đường phố Hengchun vắng vẻ

Đường phố Hengchun vắng vẻ

Hengchun là một trạm nhỏ, có lẽ chỉ ngang với một bến xe cấp thôn ở Việt Nam. Nơi tôi xuống xe có lẽ là chỗ họp chợ buổi sáng, nhưng giờ đã hơn 5h30, trời sẩm tối, xung quanh gần như hoàn toàn vắng vẻ. Hai bên đường là những cánh đồng lúa bạt ngàn. Xa xa có vài ngôi nhà sáng đèn, chuẩn bị đến giờ cơm tối. Lác đác vài người qua lại đều là những thôn dân chất phác, hoàn toàn không biết tiếng Anh. Suy nghĩ một chút, tôi đoán sẽ chẳng có chuyến xe bus nào chạy qua đây, ít nhất là trong nửa giờ tới. Tôi quyết định gọi Uber.

Tài xế Uber là một bác gái trung niên, hoàn toàn không biết tiếng Anh. Sau một hồi trao đổi bằng phần mềm dịch trên điện thoại và bằng ngôn ngữ cơ thể, bác cũng hiểu tôi muốn đến ngủ qua đêm ở thủy cung. Chúng tôi thỏa thuận giá trọn gói một cuốc xe là 250 TWD. Tôi được đưa đến tận cổng thủy cung, bác tài xế đich thân trình bày với bảo vệ về hoàn cảnh lạc đường đến là “éo le” của tôi và bạn tôi. Vài phút sau, hướng dẫn viên của tour nghỉ đêm bước ra và đón chúng tôi vào, kết thúc một hành trình đầy sóng gió.

Đêm trong viện bảo tàng

Chúng tôi được hướng dẫn viên phát thẻ tên và đưa đến khu vực tủ gửi đồ để cất hành lý. Trên đường, anh giới thiệu cho chúng tôi sơ qua về vị trí các khu vực và đưa cho chúng tôi một số tờ rơi giới thiệu về các chương trình của thủy cung. Tất cả tờ rơi đều có phiên bản tiếng Anh, một số có cả tiếng Việt. Sau đó, chúng tôi được dẫn đến phòng ăn. Lúc này, những vị khách khác trong đoàn đều đã ăn xong và rời đi cả rồi. Mỗi người được lựa chọn một hộp cơm tùy theo khẩu vị, có thể là chả, cá, lươn hoặc chỉ là đồ chay như rau, đậu…

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Underwater Tunnel

Underwater Tunnel

Đúng 7h tối, chúng tôi và những vị khách tham gia tour nghỉ đêm tập trung tại sảnh để nghe giới thiệu về thủy cung và chương trình (nhưng chỉ có phần giới thiệu bằng tiếng Hoa). Tiếp đó, mọi người được hướng dẫn cách sửa soạn nệm trước và sau khi ngủ. Kết thúc phần hướng dẫn, chúng tôi được chia thành những nhóm nhỏ theo từng chủ đề mà chúng tôi đã chọn trước, mỗi nhóm có một hướng dẫn viên dẫn đi tham quan thuỷ cung. Thủy cung được xây dựng trên một phần biển phía nam Đài Loan, có thiết kế rất đẹp, đường hầm trong thủy cung (Underwater Tunnel) dài gần 100 m, được bao bọc bằng lớp kính trong và dày, trên đường đi du khách có thể ngắm những đàn cá tung tăng bơi lội, hay những rạn san hô đầy màu sắc như chính mình đang đi bộ dưới lòng đại dương.

Coral Kingdom

Coral Kingdom

Các khu vực chủ đề trong thủy cung là Coral Kingdom, Waters of Taiwan và Waters of the World. Trong khu vực Coral Kingdom, có một sảnh triển lãm rất lớn, nuôi những rạn san hô thuộc các môi trường sống khác nhau, từ vùng nước cạn đến đại dương sâu. Lúc đó mới biết, môi trường khác nhau dựa trên độ sâu của nước, địa hình biển, áp suất sẽ làm thay đổi hình dáng cũng như màu sắc, chủng loại san hô. Đây cũng là khu vực có nhiều khách đăng ký ngủ lại nhất, cảm giác khi ngủ giữa muôn ngàn san hô rực rỡ quả là rất thú vị, nhưng thực ra, các bể nuôi san hô sẽ được tắt đèn cả đêm, bạn chỉ có thể ngắm san hô bằng ánh sáng tự nhiên buổi sáng sớm mà thôi. Con đường hầm bằng kính dưới biển Underwater Tunnel vẫn kéo dài tận khu vực này, khách tham quan có thể nhìn thấy những xác tàu giả được thả chìm dưới đáy nước ở khu vực The Deck để tạo khung cảnh chân thực. Tại đây còn có một sảnh kính lớn nuôi cá voi beluga rất dễ thương và thân thiện, cá nheo, cá chình, cá nhám, cá đuối, cá bơn... hay những chú cá hề “Nemo” sặc sỡ.

Waters of Taiwan

Waters of Taiwan

Waters of Taiwan bảo tồn và nuôi những các loài sinh vật biển không chỉ ở vùng biển Đài Loan mà cả các hệ sinh vật ở sông, hồ trong lãnh thổ. Độc đáo nhất là tại khu vực này có một ô cửa kính lớn để từ đây mọi người có thể ngắm nhìn một đại dương thu nhỏ sống động ở vùng biển phía đông Đài Loan. Du khách tham quan có thể tha thẩn mê mẩn dưới này hàng giờ liền để nhìn ngắm các loài sinh vật biển lạ kì và độc đáo bơi lượn chung quanh.

Khu Polar Seas trong Waters of the World

Khu Polar Seas trong Waters of the World

Khu Giant kelp forest trong Waters of the World

Khu Giant kelp forest trong Waters of the World

Waters of the World là khu vực sử dụng công nghệ hiện đại nhất để kể lại câu chuyện hình thành đại dương thế giới. Khách tới đây sẽ được dắt qua từng giai đoạn, từng vùng biển trên khắp thế giới như Polar Seas (Bắc Băng Dương và Nam Đại Dương) là nơi nuôi dưỡng các loại chim cánh cụt khác nhau, Giant kelp forest (Rừng tảo biển khổng lồ), Dr. Shark (Cá mập đại dương sâu)… Nơi đây cũng trang bị cho khách những công nghệ tiên tiến nhất như đeo kính 3D để trải nghiệm một thế giới sinh vật cảnh đầy sống động như ngoài đời thực. Những ai thích vừa ngủ vừa ngắm chim cánh cụt thì hãy chọn khu vực Waters of the World này.

Empty
Empty
Empty

Mọi khách đến thủy cung đều có thể ghé qua những khu vực này, nhưng trải nghiệm chuyến tham quan hậu trường độc đáo và tương tác với các loài sinh vật biển vô cùng thân thiện thì chỉ dành cho khách ngủ qua đêm. Chúng tôi được dẫn đi xem cách thủy cung vận hành, cách lai giống cá, cách chăm sóc và cho cá ăn, cách bảo trì các loại máy móc thiết bị hỗ trợ vận hành các bể cá lớn… Tuy hướng dẫn viên không nói tiếng Anh nhưng được xem tận mắt cũng rất dễ hiểu.

Empty
Empty

Sau đó là phần sinh hoạt tự do, chúng tôi vệ sinh cá nhân và thay đồ ngủ rồi được mời ăn khuya bằng một bát chè nhỏ. Khoảng 10h tối, các khu vực đều tắt hết đèn, hướng dẫn viên dùng đèn pin chuyên dụng để dắt chúng tôi đi tham quan những khu vực ở tầng đáy. Chúng tôi không được phép sử dụng điện thoại để rọi sáng hay chụp ảnh có flash vào bể cá vì điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ tự nhiên của chúng. Đây là một trải nghiệm cực kì ấn tượng với tôi. Thay vì những bể cá sáng rực, sặc sỡ muôn màu, tầng này mô phỏng cuộc sống của các sinh vật biển dưới đáy đại dương. Xung quanh tôi gần như tối đen, chỉ có một luồng sáng mờ của hướng dẫn viên đi phía trước, dẫn cả đoàn xuyên qua đường hầm. Vòm trần kính bên trên cũng tối đen, tôi chỉ thấy mờ mờ bóng dáng rong tảo uốn lượn và những con cá trôi bồng bềnh trong giấc ngủ.

Đêm trong viện bảo tàng cũng có chút đáng sợ

Đêm trong viện bảo tàng cũng có chút đáng sợ

Sau đó, chúng tôi được dẫn về chỗ ngủ của mình như đã đăng ký trước, có thể là 1 trong 6 địa điểm: Waters of Taiwan, Underwater Tunnel, Beluga Tunnel và Sunken Ship (trong khu Coral Kingdom), The Polar Zone và Kelp Forest (trong khu Waters of the World). Tôi chọn Beluga Tunnel. Trước mặt tôi là một bể kính lớn, nhưng trống trơn, không có gì cả. Hướng dẫn viên nói rằng cá voi đã đi ngủ rồi. Đây là phần đáng mong chờ nhất, nên tôi cảm thấy rất thất vọng. Nhân viên thủy cung mang chăn nệm ra, các vị khách tự trải xuống sàn như đã được hướng dẫn từ trước. Hôm đó, có khoảng 100 vị khách ngủ qua đêm tại thủy cung, nhưng phần lớn đều chọn ngủ cùng chim cánh cụt và san hô, chỉ có khoảng 10 người chọn cá voi beluga như tôi. Một lát sau, đèn tắt. Nằm giữa thủy cung mênh mông vắng lặng, bốn bề tối đen, chỉ le lói vài ngọn đèn xanh nhỏ chỉ đường đến WC, tôi thực sự có cảm giác như mình đang ở dưới đáy biển sâu.

Cá voi gọi mặt trời

Empty
Empty
Empty

Khoảng 5h sáng, tôi thức giấc vì tiếng nước chảy ào ào như thác đổ. Rồi có tiếng đập ầm ầm vào kính. Mở mắt ra, tôi giật mình khi thấy lướt qua đầu mình là những bóng đen khổng lồ. Là những chú cá voi beluga, chúng đã tỉnh giấc lúc bình minh và đang hết sức gây sự chú ý của những vị khách ngủ qua đêm. Tôi cứ ngồi im đó, ngắm nhìn lũ cá bơi lội tung tăng và làm đủ trò ngốc nghếch trước mặt mình, thực sự cảm thấy những vất vả vì chuyến đi này là xứng đáng. Như thế này vui hơn những show cá voi, cá heo, hải cẩu nhiều. Những chú cá diễn show được huấn luyện để làm trò vui theo ý muốn của huấn luyện viên. Còn những chú cá voi trước mặt tôi đây, không ai dạy chúng làm những trò nghịch ngợm phun nước, đập kính như thế này cả. Chúng được nuôi như cá hoang dã, và chúng trêu chọc chúng tôi vì chúng muốn thế, chúng gọi chúng tôi dậy vì muốn có sự chú ý của chúng tôi, như những đứa trẻ con vậy.

Empty
Empty

Những vị khách khác cũng lần lượt tỉnh giấc, chúng tôi cứ ở ngồi đó ngắm cá, hoặc bước tới gần những tấm kính và gõ gõ vào đó để nhận lại “nụ cười” đầy răng của chúng. Tới khi trời sáng hẳn, có một người nhái bơi vào trong bể cho cá ăn. Mấy chú cá liền tản đi, không quan tâm đến khách nữa. Vừa lúc này, cũng có nhân viên thủy cung đến gọi mọi người dậy và tập trung lại. Chúng tôi có một ít thời gian vệ sinh cá nhân rồi đi ăn sáng và uống - không phải trà hay cà phê đâu, đây là Đài Loan - tất nhiên là uống trà sữa. Sau đó, chúng tôi được dẫn qua đường hầm và các bể kính để xem những người nhái cho cá ăn. Vì tối qua tôi và bạn tôi đến muộn nên giờ mới được nhìn thấy những đàn cá quẫy đuôi bơi lội đầy phấn khích trong ánh sáng tự nhiên. Đây cũng là tiết mục chỉ có khách ngủ qua đêm được xem thôi, vì lúc này thủy cung chưa mở cửa đón lượt khách mới.

DSC_0091

Empty
Empty
Trong và ngoài bể kính là những xác tàu đắm y như thật

Trong và ngoài bể kính là những xác tàu đắm y như thật

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty
Xem người nhái cho cá ăn

Xem người nhái cho cá ăn

Sau đó, cả đoàn được dẫn đến một hội trường để xem và nghe thuyết trình về bảo vệ môi trường và sinh vật biển. Tuy nhiên, chương trình này bằng tiếng Hoa, các tài liệu đính kèm cũng vậy nên tôi không thấy có gì thú vị. Sau khi “tan học”, chúng tôi được dẫn ra bờ biển để nhìn tận mắt cấu trúc của cát và đá ven biển, hiểu được các tầng lớp sinh thái biển Đài Loan và các vùng thủy triều.

Empty
Empty
Empty
Biểu tượng của thủy cung Kenting

Biểu tượng của thủy cung Kenting

Đài phun nước cá voi

Đài phun nước cá voi

Dấu vết cổ đại trên đá

Dấu vết cổ đại trên đá

Bãi biển trong khuôn viên thủy cung

Bãi biển trong khuôn viên thủy cung

Đến 11h trưa, chuyến tham quan của chúng tôi kết thúc. Nhiều gia đình trong đoàn có con nhỏ vẫn ở lại để chơi cho đến hết ngày, bởi vì thủy cung rất lớn, có cả khu ăn uống và nhiều hoạt động thú vị như lặn ngắm san hô, chèo xuồng, đào nghêu... Nhưng chúng tôi quyết định ra về. Ở bến xe, một số vị khách cùng tour với chúng tôi lên shuttle bus để đi tiếp ra Kenting chơi, còn chúng tôi thì chờ xe để quay về Cao Hùng. Nhưng khi xe đến, chúng tôi không được lên, vì ngày hôm trước chỉ mua vé một chiều. Mà đây chỉ là một trạm dừng, không phải quầy bán vé, trên xe cũng không bán vé, không giống xe khách ở Việt Nam chạy tà tà đón khách giữa đường. Đến giờ tôi mới hiểu ra sai lầm của mình ngày hôm qua: tôi đã không mua vé khứ hồi. Giờ thì không còn cách nào khác, chúng tôi phải bắt xe bus nội tỉnh đến trung tâm Kenting, tìm quầy bán vé để mua vé xe về Cao Hùng.

Buổi trưa ở Kenting

Buổi trưa ở Kenting

Phải chờ rất lâu dưới cái nắng buổi trưa nóng như thiêu đốt, xung quanh là đồng không mông quạnh chỉ có vài cây dừa, mới có một chuyến xe dừng lại. Cửa xe mở ra, chúng tôi có chút hoảng hồn khi nhìn thấy nụ cười đỏ lòm như máu của tài xế, mất chút thời gian trấn tĩnh rồi mới nhớ ra người Đài Loan vẫn giữ truyền thống nhai trầu. Đến bến xe, hoặc là nơi trước đây đã từng là bến xe, chúng tôi thất vọng trước sự chỉ đường không đáng tin của Google Maps: quầy vé đã đóng cửa hoặc chuyển địa điểm từ lâu rồi, nơi đây chỉ còn trơ trọi một quầy bán hàng tự động phủ bụi mà thôi. Sau gần hai giờ đồng hồ tìm đường và lạc đường, cả hai đều cảm thấy mệt mỏi và bất lực. Nhưng trời không bỏ rơi chúng tôi, giữa lúc đang thất thểu đi bộ trên đường vắng, một chiếc xe ô tô đỗ lại như một vị cứu tinh. Anh tài xế hỏi chúng tôi về đâu. Cao Hùng ư, anh cũng đang trên đường giao hàng về Cao Hùng đây, tiện đường chúng tôi có thể đi cùng. Chỉ 400 TWD/chuyến về tận ga Zuoying cho hai người. Tất nhiên là chúng tôi đồng ý ngay. Vẫn là con đường đèo đó mà sao hôm nay xe chạy êm thế. Vậy là không phải tại đường xấu, tại chúng tôi sức khỏe yếu, mà là tại chuyến xe bus “tốc độ cao” đó. Chúng tôi nhớ lại chuyến xe bão táp 168 TWD/người/chiều đó mà dở khóc dở cười, biết thế này thì đã thuê xe riêng từ đầu rồi.

Chặng đường còn lại đó không còn biến cố gì khác, trừ một vị khách lên xe đi cùng chúng tôi một đoạn đường và xuống trước khi đến ga Zuoying. Thực sự là nhiều trắc trở, mà phần lớn bắt nguồn từ sự bất cẩn của tôi. Nhưng có đáng không, có bõ công không? Có chứ, rất đáng cho một cơ hội trải nghiệm ngủ dưới đáy biển sâu và được những chú cá voi khổng lồ đánh thức. Mà ngày cả bây giờ nhớ lại, thì những lần chệch đường cũng trở thành kỷ niệm, rõ ràng là đáng nhớ hơn một chuyến đi suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió.

National Museum of Marine Biology and Aquarium

Địa chỉ: No. 2, Houwan Road, Checheng Township, Pingtung County, Taiwan 944

Website: https://www.nmmba.gov.tw/En/

Hương Thảo
RELATED ARTICLES