Ở Hàn Quốc, khi nhắc đến những khoảnh khắc giao thoa của cuộc sống, người ta thường nhớ đến “Nhà ga văn hóa Seoul 284”. Nhà ga như một cuốn nhật ký sống động, ghi lại những câu chuyện về những người trẻ đến Seoul lập nghiệp, những sinh viên tràn đầy nhiệt huyết và cả những gia đình đoàn tụ sau bao ngày xa cách. Giờ đây, trong không gian cổ kính ấy, nghệ thuật tràn đầy sắc màu, biến nhà ga thành một bảo tàng sống động, nơi du khách có thể tìm thấy sự bình yên và cảm xúc thăng hoa.
Dấu tích lịch sử tại Seoul
Khi đến Ga Seoul, du khách sẽ bắt gặp một toà nhà to lớn mang kiến trúc hiện đại, đó là Nhà ga Seoul mới. Nằm khiêm tốn bên cạnh là một tòa nhà có kiến trúc cổ, với mái hình vòm và những bức tường gạch đỏ đã hoen màu thời gian, đây chính là Nhà ga Seoul cũ. Vào ngày 5/7/1900, cùng với việc khai thông cầu Hangang, chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, người ta cũng bắt tay vào việc thực hiện tuyến đường sắt Gyeongin, để liên kết Seodaemun của Seoul với Jemulpo của Incheon, nơi vốn là một thương cảng sầm uất. Và Nhà ga Seoul cũ cũng bắt đầu được xây dựng vào thời điểm đó.
Nhà ga Seoul cũ không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là nhân chứng sống động của lịch sử Hàn Quốc. Những viên gạch đỏ đã nhuốm màu thời gian như kể lại bao câu chuyện về cuộc sống của người dân, về những thăng trầm của đất nước. Hình ảnh vua Yeongchin và công chúa Deokhye bước lên chuyến tàu rời khỏi đất nước tại chính nơi này để lưu vong sang Nhật Bản trước áp lực của chính quyền thực dân Nhật, đã trở thành một trong những dấu ấn đau thương nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Có thể nói nhà ga có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn lịch sử cận đại của Hàn Quốc.
Sau khi nhà ga mới được hoàn thành, cùng lúc với việc khai thông đường tàu cao tốc KTX, cũng là lúc nhà ga cũ ngưng hoạt động và mãi mãi trở thành nơi chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của mọi người. Nhà ga Seoul cũ vẫn còn lưu giữ nhiều ký ức khó quên trong lòng người dân Hàn Quốc. Giũ sạch lớp bụi thời gian bao phủ suốt 7 năm, mới đây, nhà ga đã chính thức mở cửa chào đón du khách như một di tích lịch sử đáng tự hào của Seoul.
Nơi giao thoa giữa quá khứ và thực tại
Từ một nhà ga sầm uất, Nhà ga Seoul cũ đã lột xác trở thành Ga văn hóa Seoul 284, một không gian văn hóa tổng hợp độc đáo. Con số 284, mã số di tích của nhà ga, như một dấu ấn lịch sử, gắn liền với những thăng trầm của một thời kỳ. Cái tên mới không chỉ đơn thuần là một sự thay đổi mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, khẳng định giá trị văn hóa và lịch sử của công trình này.
Đến với Ga văn hóa Seoul 284, du khách như lạc vào một bảo tàng sống động. Mỗi góc nhỏ của nhà ga đều mang đậm dấu ấn thời gian, từ những bức tường gạch cổ kính đến những đồ vật trang trí xưa cũ. Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được trưng bày tinh tế, tạo nên một không gian vừa quen thuộc vừa mới lạ, đưa du khách trở về Hàn Quốc của những năm 1925.
Ga Seoul cũ được thiết kế với cấu trúc đối xứng tinh tế, thể hiện sự cân bằng và hài hòa trong kiến trúc. Khi bước vào tầng một, du khách sẽ bị ấn tượng bởi 12 cột đá hoa cương thô ráp, mang đậm phong cách Hy Lạp cổ đại. Tầng này theo phong cách Doris, toát lên vẻ đẹp đơn giản, uy nghiêm và nam tính. Len lỏi lên tầng hai, không gian lại chuyển mình sang phong cách Ionian, nữ tính và sảng khoái hơn.
Bên phải quầy bán vé, phòng chờ hạng ba mở ra một không gian rộng lớn với trần cao. Dù không được trang trí cầu kỳ, nhưng căn phòng vẫn toát lên vẻ đẹp mộc mạc và ấm cúng với bốn cột nhà bằng bê tông ốp gạch. Ngày xưa, chiếc ghế dài đặt giữa phòng là nơi hành khách thư giãn chờ đợi chuyến tàu.
Đối lập với sự giản dị của phòng chờ hạng ba, phòng chờ hạng nhất và hạng hai lại mang đến một không gian sang trọng và riêng tư hơn. Đặc biệt, phòng chờ dành cho phu nhân với những bức tường gỗ ấm áp đã từng là nơi những quý bà đài các thư thái chờ đợi. Căn phòng nhỏ bé này, dù qua bao năm tháng, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tinh tế và ấm cúng.
Từ cửa sau của nhà hàng, men theo một hành lang khác sẽ đưa du khách đến một căn phòng nhỏ phát ra nhiều âm thanh thú vị, nơi du khách được học lịch sử của nhà ga bằng âm thanh. Đến đây du khách sẽ được nghe các loại âm thanh đa dạng như: tiếng tàu hỏa, tiếng động cơ trong phòng máy, tiếng nói chuyện của các nhân viên… tất cả đều gợi nhớ về một thời đã qua của nhà ga Seoul. Đến cuối hành lang sẽ là lối dẫn du khách quay lại với sảnh trung tâm. Trở về chính nơi bắt đầu chuyến tham quan và ngước nhìn lại trần nhà, lòng du khách bỗng có những cảm nhận hoàn toàn mới.
Đến với Ga văn hóa Seoul 284, du khách như được đi trên một chuyến tàu ngược dòng thời gian để tìm lại những ký ức xa xưa và trải nghiệm những điều mới mẻ về văn hóa Hàn Quốc. Sự ra đời của Nhà ga Seoul cũ năm 1925 đã làm thay đổi hoàn toàn bộ bộ mặt của Seoul. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, bước sang thế kỷ 21, nơi đây vẫn còn giữ được các giá trị về vật chất lẫn tinh thần. Trong chuyến du lịch Hàn Quốc, nếu du khách cần tìm một địa chỉ để có thể thưởng thức những lễ hội nghệ thuật mới lạ thì sẽ không có nơi nào tuyệt vời bằng Ga văn hóa Seoul 284.