Nguồn cảm hứng đến từ cuộc sống và những món ăn dung dị của đồng bào
Là tâm huyết của nhóm bạn ba người chơi chung với nhau nhiều năm, nhà hàng A Bản còn chứa đựng nhiều câu chuyện ý nghĩa. Sinh ra và lớn lên tại bản làng, hai chị em Co - founder Phạm Kiều Duyên và Chef Phạm Việt nuôi dưỡng tình yêu to lớn với ẩm thực dân tộc từ nhỏ nên mong muốn hiện thực hóa ước mơ “mang bản làng xa xuống lòng thành phố”. Bên cạnh đó, Co - founder Helen Huyền Vũ lại mang khao khát đưa các món ăn ngon ra thế giới và khơi dậy lòng tự hào với một góc nhìn mới về ẩm thực đồng bào - Dân tộc đổi mới.
Chia sẻ với Travellive, chị Duyên cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Sơn La, được nuôi dưỡng trong nền văn hoá và ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Sau này khi có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hoá ẩm thực của các dân tộc Tày, Mường, Mông… tôi nhận thấy chúng vô cùng phong phú, đặc sắc. Đó là nét văn hóa tự nhiên trong cuộc sống đời thường với hương vị thơm ngon của các nguyên liệu từ núi rừng tạo nên các món ăn dung dị nhưng vô cùng độc đáo”.
Với mong muốn gìn giữ và giới thiệu văn hoá ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số, nhà hàng A Bản ra đời như một cách đưa bản làng xa đến lòng thành phố thông qua tiếng gọi ẩm thực chân thành, đơn giản và mộc mạc. “Không chỉ 'ăn no, uống đủ', A Bản là một hành trình thưởng ngoạn đầy ăn ý giữa hương vị và văn hoá. Chúng tôi mang về cả một nguồn nguyên liệu, nền văn hoá của bản làng gửi gắm trong từng món ăn. Biến tấu, kết hợp chúng để tạo nên A Bản với một phong cách mà chúng tôi mạn phép gọi là dân tộc đổi mới”, chị Huyền tâm sự.
Độc đáo lối kiến trúc “Tây Bắc thu nhỏ” giữa lòng Thủ đô
Lấy cảm hứng từ căn nhà của đồng bào, các vật liệu, chi tiết của bà con được nhấn nhá, tìm về. Dùng những phiến đá hồng Pù Luông xếp theo lối xếp đá người Mông, cánh cửa gỗ đặc trưng dắt tới không gian bên trong đầy bất ngờ và thú vị của nhà hàng A Bản. Tiến vào cổng, nghe tiếng thác nước chảy rì rào, bước trên khoảng dốc quanh co như lối đi vào bản để bước vào một khoảng sân xanh mát rợp bóng cây như được sống giữa những ngày hè mát rượi nơi núi rừng.
Được ví như "Tây Bắc thu nhỏ", nhà hàng A Bản thu hút thực khách ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân tới quán bởi kiến trúc tinh tế đậm chất vùng cao như những chiếc bàn ăn làm từ gỗ tàu thuyền, mảnh rèm cửa nhuộm chàm thủ công của đồng bào Thái, chiếc đệm gỗ bọc vải bông gạo của đồng bào… Đời sống văn hóa vùng cao được tái hiện một cách rõ nét và chân thực qua từng góc nhỏ của quán.
“Sắc thái văn hoá vùng cao được kết hợp hài hoà cùng những nét kiến trúc điển hình của đồng bào và nghệ thuật đương đại. A Bản chọn lọc, chuyển hoá và đưa những dấu ấn đó để thể hiện mình là một nhà hàng đậm nét dân tộc nhưng cũng hết sức hiện đại, tân thời. Không chỉ có thế, mỗi góc tại A Bản cũng được chăm chút cẩn thận, từng dụng cụ được đặt làm riêng, những tấm thổ cẩm và len tự tết hay chiếc khung cửi nguyên bản của đồng bào. Tất cả đều mang theo tâm ý và sự gửi gắm, trân trọng của chúng tôi với màu sắc văn hoá dân tộc”, chị Huyền nói.
Không gian độc đáo của quán sẽ đưa thực khách qua từng cung bậc trải nghiệm. Nếu tầng một là "Vui về bản", qua tầng hai là “Trong khung cửi” thì ở tầng ba sẽ là “Đắm trong mây”.
Với chủ đề “Vui về bản”, toàn bộ khu vực tầng một của A Bản mang những nét đặc trưng đầy thích thú nơi bản làng. Nơi đây khiến thực khách hoài niệm lại những kí ức tươi đẹp khi bước tới một bản làng xinh xắn, trong trẻo nhưng cũng đầy choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên, đất trời vùng cao.
Thổ cẩm vốn là nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số với ứng dụng phong phú và sâu rộng trong đời sống. Tại A Bản, tầng hai được tái hiện với đại tác phẩm: "Sau khung cửi" là bức tranh đẹp đẽ đầy màu sắc văn hoá. Toàn bộ không gian được đan kết từ len, thảm, sợi. Vải thổ cẩm được in dệt để trang trí đầy các mảng tường. Cùng với đó hàng nghìn sợi dây nhiều màu được tết lại để phủ trần hay tạo lớp ngăn cách ước lệ giữa con người và các mảng phù điêu đắp nối. Những sợi dây duyên dáng ngăn cách nhưng vẫn đồng thời gợi nên cảm xúc về cuộc sống dường như đang diễn ra ngay phía bên kia hàng rào thưa. Tất cả dệt nên những sắc màu cuộc sống đẹp đẽ, sống động và đầy thú vị.
Tầng ba của A Bản mang chủ đề "Đắm trong mây" - là khu vực phòng VIP gồm bốn phòng mang tên tứ đại đỉnh đèo tượng trung cho khu vực phong cảnh khác nhau: Khau Phạ, Pha Đin, Ô Quy Hồ và Mã Pí Lèng. Ngay khi bước chân tới cầu thang, từng đám mây bay ngang lững lờ, kéo dài, phủ kín khắp trần nhà khiến thực khách như đang đứng trên một đỉnh núi trong lành, cao vút. Hình xoắn ốc tượng trưng cho những dòng khí lưu bất định, cái trong trẻo nhưng cũng rất mờ của sương sớm, mây trời vùng cao.
Tự hào đưa ẩm thực miền núi về Hà Thành
Thực đơn của A Bản được xây dựng và phát triển dựa vào ẩm thực của bốn dân tộc là Thái, Mông, Mường, Tày. Đó vẫn có các món ăn truyền thống của đồng bào như: Pa Pỉnh tộp (cá chép nướng gập), Lạp (nộm bì trâu), Cáy pỉnh (gà nướng); Thắng cố; Cơm lam, Xôi ngũ sắc, Khau nhục… Nhưng bên cạnh đó được làm mới hơn bằng các món ăn fusion, là sự kết hợp giữa nguyên liệu của đồng bào với các cách chế biến hiện đại hoặc nguyên liệu cao cấp để tạo nên những món ăn mang đến những trải nghiệm mới lạ cho thực khách như: Cơm lam chấm với sốt nấm Truffle; Pizza sâu tre; Cá hồi ngâm với táo mèo và chẩm chéo; Bò wagyu sốt mắc mật…
Để làm nên những món ăn mang hương vị đặc trưng không thể quên được sau một lần nếm thử, khâu chuẩn bị nguyên liệu được nhà hàng chuẩn bị kỹ càng nhập trực tiếp về từ các bản. “Trong các món ăn truyền thống của đồng bào, chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng các nguyên liệu từ bản địa như mắc khén, măng chua của Sơn La, hạt dổi của Điện Biên, mắc mật, trám đen, cơm lam, bí thơm Cao Bằng, gạo nếp nương, xôi ngũ sắc, bánh khoải, đậu dị Mường Khương, cá suối, lá sắn muối chua Hòa Bình… Tất cả các nguồn nguyên liệu này đều được chúng tôi cẩn thận chọn lựa để đảm bảo hương vị cũng như chất lượng của những món ăn”, anh Việt - Bếp trưởng tại A Bản cho biết.
Văn hóa ẩm thực của đồng bào vô cùng phong phú đa dạng, không chỉ độc đáo từ những món ăn mà đến các loại đồ uống cũng được chế biến hết sức hấp dẫn. Ở A Bản, dựa trên nền là những loại rượu và nguyên liệu truyền thống, thêm vào chút thơm thảo của sản vật theo mùa tạo nên những thức uống mang nét đặc trưng riêng biệt. Các loại rượu được lên men từ chính những sản vật núi rừng như men lá, men ngô, kết hợp cùng mật ong, các loại quả mọng tạo nên các loại thức uống vô cùng đặc biệt.
Nhiều thực khách khi nghe nói đến một nhà hàng dân tộc sẽ nghĩ các món ăn có thể không hợp khẩu vị, khó ăn hoặc còn quá dân dã để tiếp các khách hàng cao cấp. Để biến tấu các món ăn miền sơn cước phù hợp với khẩu vị của nhiều người, anh Việt cho hay: “A Bản sử dụng nguyên liệu đặc trưng, nhấn nhá chút hương vị mùa màng. Kết hợp cùng sự tươi ngon của mùa nào thức nấy, biến tấu và sáng tạo trong kỹ thuật chế biến. Nhằm tái hiện lại cảm giác thân thuộc nhưng cũng hết sức tươi mới của núi rừng, của những chuyến đi, của sự đặc sắc vùng miền trong từng nguyên liệu, mùi hương, sự trải nghiệm. Một cách mới lạ, độc đáo nhưng vẫn trọn vẹn”.
Mang ẩm thực Việt vươn tầm thế giới
Hiện tại A Bản đã trở thành một điểm đến ưa thích của nhiều thực khách Thủ đô và nước ngoài. Đặc biệt hơn, A Bản còn trở thành một trong những nhà hàng được vào danh sách chọn lựa bởi Michelin. Chia sẻ cảm xúc về sự kiện đặc biệt này, chị Duyên tự hào: “Đó được xem như một vinh dự, sự ghi nhận rất lớn đối với đội ngũ founder và nhà hàng A Bản. Đây không chỉ xem như cơ hội được nhiều khách hàng quốc tế biết đến, mà còn là sự công nhận đối với những gì chúng tôi đang cố gắng làm và mang đến cho thực khách những trải nghiệm tốt nhất. Đi cùng với đó, đây cũng là vấn đề làm sao duy trì sự ổn định, thậm chí ngày một tốt hơn để xứng đáng với sự công nhận này”.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Huyền cho biết thêm: “Trong năm 2025 chúng tôi mong muốn sẽ có một nhà hàng A Bản tại Châu Âu và ở đó ẩm thực Việt Nam sẽ trở thành món ăn yêu thích của người Châu Âu cũng như trên thế giới”.