Cà phê vợt, văn hóa cà phê đậm chất Sài Gòn

09/08/2023

Cà phê vợt theo chân người Hoa rong ruổi khắp thế giới, bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1950, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn đến tận ngày nay. 

Tên gọi “cà phê vợt” (cà phê kho, cà phê bít tất) thực chất bắt nguồn từ cách pha cà phê đặc trưng của người Sài Gòn xưa. Không dùng phin để pha mà cho bột cà phê vào một túi vải hình dáng như cái vợt nhỏ, rồi đem nhúng vào nước đang sôi, đun cà phê liên tục bằng bếp than, đợi cho cà phê ra hết sẽ đổ vào ly cho khách.

Cà phê vợt vì thế cũng có hương vị đặc trưng khó trộn lẫn. Vừa thơm mùi cà phê nguyên chất, vừa có hậu ngọt, mịn và một chút béo từ sữa. Dù chỉ còn sót lại một vài quán cà phê vợt lâu đời, nhưng văn hóa cà phê này vẫn trường tồn, đứng nép mình bên lòng Sài Thành nhộn nhịp.

QUÁN CÀ PHÊ ĐI XUYÊN THỜI GIAN

Nếu ghé qua phố Phan Đình Phùng - quận Phú Nhuận, không khó để bắt gặp hình ảnh người người xếp hàng dài chờ đợi trong con hẻm 330. "Cà Phê Vợt" là nơi lui tới thường xuyên của nhiều người: từ các những người lớn tuổi, đến các cô cậu thanh niên, sinh viên đại học; từ những nhân viên văn phòng ăn mặc lịch sự đến những người lao động phổ thông...

Cà phê Vợt là nơi lui tới thường xuyên của nhiều người.

Cà phê Vợt là nơi lui tới thường xuyên của nhiều người.

Trong khi nhiều quán cà phê hợp thời, sang trọng mọc lên khắp nơi giữa Sài Gòn năng động, Cà Phê Vợt Phan Đình Phùng vẫn nghiễm nhiên đứng giữa thành phố, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của thời cuộc. Ban đầu, quán cà phê chỉ là một chiếc xe đẩy do ba mẹ bà Phạm Ngọc Tuyết sở hữu. Về sau, "thương hiệu" cà phê này được bà Tuyết cùng chồng là ông Đặng Trần Côn (hay còn gọi là chú Ba) nối nghiệp.

Suốt hơn 70 năm qua, ngoài thời gian cách ly vì Covid-19, Cà Phê Vợt chưa có ngày nào nghỉ ngơi. Quán cà phê chỉ nghỉ duy nhất 10 phút vào tối ngày 30 âm lịch đón giao thừa. "Trong khi mình cúng giao thừa, khách hàng vẫn ngồi ngoài kia đợi trước cánh cửa hé mở. Đợi cúng xong, có người xông đất năm mới, là cánh cửa lại mở bán", ông Côn tâm sự.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bà Phạm Ngọc Tuyết vẫn thường xuyên pha cà phê vào mỗi buổi chiều.

Bà Phạm Ngọc Tuyết vẫn thường xuyên pha cà phê vào mỗi buổi chiều.

"Thời điểm những năm 90, cà phê phin dường như thay thế cà phê vợt, trở thành phong cách cà phê được ưa chuộng bởi nhiều khách hàng. Cà Phê Vợt cũng cập nhật xu thế, bán thêm cà phê phin để chiều thực khách, nhưng khách hàng Cà Phê Vợt đa số vẫn chuộng cà phê pha bằng vợt hơn", anh Quý (con trai ông Côn) chia sẻ.

Không gian bên trong quán.

Không gian bên trong quán.

Nét hấp dẫn không chỉ nằm ở tuổi đời mà còn ở cách pha chế cà phê vợt bí truyền của gia đình. Do đó, hương vị vô cùng thơm ngon đặc trưng, chưa một lần đổi thay nên đã níu chân bao khách cũ và thu hút thêm nhiều khách mới. "Nhiều người khách quen, sau bao nhiêu năm đi xa trở về, gọi ly cà phê vẫn thốt lên: Ôi trời, đi bao nhiêu năm mà cà phê vẫn vậy!", ông Côn chia sẻ.

HƠN CẢ MỘT QUÁN CÀ PHÊ!

Những người lớn tuổi ghé Cà Phê Vợt như một thói quen "khó bỏ" về loại thức uống bình dân có hương vị đặc trưng quen thuộc. Còn những người trẻ, họ lại quan tâm nhiều hơn đến cảm giác khi ngồi tại Cà Phê Vợt, được ngắm nhìn dòng người qua lại và thấy bình yên giữa nhịp sống hối hả của Sài Gòn.

Quán nằm ngay đầu hẻm 330 đường Phan Đình Phùng, có mặt bằng khá nhỏ và cách bài trí đơn giản, giữ được hình ảnh xưa cũ xen lẫn chút hiện đại của Sài Gòn.

Không gian trước quán Cà Phê Vợt.

Không gian trước quán Cà Phê Vợt.

Cà phê ngon, rẻ là một chuyện, lý do khiến người trẻ lui tới thường xuyên phải kể đến không khí của quán. Là một người yêu thích phong cách cổ xưa, Huy (21 tuổi, Gia Lai) chọn Vợt như một địa điểm yêu thích để ghé chơi vào những khi thư thả. Cậu sinh viên năm 3 cho hay: "Trung bình một tuần mình ghé Cà Phê Vợt 3-4 lần. Đã ba năm gắn bó với chốn quen thuộc này, nên chỉ cần đến quán rồi tính tiền, là cô chú biết thứ đồ uống mình cần gọi".

Huy thường đến đây một mình đọc sách.

Huy thường đến đây một mình đọc sách.

"Đi Vợt không?" là câu mà Ri Hứa (1993, Đà Nẵng) thường xuyên được nhóm bạn hỏi. "Với mình thì Vợt không phải là một quán cà phê thông thường, mà là 'chốn' mình cảm thấy nhẹ nhàng. Mình đã gắn bó với Vợt suốt 9 năm qua, không phải vì ly cà phê pha bằng vợt, mà bởi người đứng pha cà phê, bởi cảm giác ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ bình dân quen thuộc rất đỗi thoải mái", anh tâm sự.

Có lẽ không chỉ riêng Huy hay Ri Hứa, mà nhiều người khác cũng tìm đến Cà Phê Vợt (Phan Đình Phùng) để tìm cho mình một chỗ trú chân cho một những ngày hối hả. Vì quán không có khái niệm về thời gian đóng hay mở cửa, nên cánh cửa ngôi nhà đó luôn để mở, là địa điểm quen thuộc cho những cuộc chuyện trò thâu đêm suốt sáng.

Không gian xung quanh quán Cà Phê Vợt.

Không gian xung quanh quán Cà Phê Vợt.

Bài và ảnh: Bi Lê
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES